Thứ Hai, 19 tháng 10, 2020

SOCRATE, ĐỨC GIÊSU, VÀ ĐỨC PHẬT: BA TÔN SƯ SỰ SỐNG / ĐẠO UYỂN ĐÔNG 2020 (TẬP 36)

 


SOCRATE, ĐỨC GIÊSU, VÀ

ĐỨC PHẬT: BA TÔN SƯ SỰ SỐNG

Socrate, Jésus, Bouddha: trois maitres de vie

(Paris: Nxb Fayard, 2009.)

Khởi đăng từ Đạo Uyển tập 35.

FRÉDÉRIC LENOIR

VĨNH AN dịch

Phần thứ nhất: Các Ngài là ai?

Chương 1. Làm thế nào để nhận ra các ngài?

Các ngài có thật sự hiện hữu?

Đức Phật, Socrate và Đức Giêsu đã thật sự hiện hữu? Vấn đề xem ra có thể lạ lùng, kể cả gây sốc, khi di sản của các ngài đáng kể. Dù vậy, câu hỏi này vừa hợp pháp vừa chính đáng. Không ai có thể phủ nhận dấu ấn sâu xa mà ba nhân cách ấy đã để lại trong ý thức tập thể của một phần lớn nhân loại. Nhưng liệu người ta có hoàn toàn chắc chắn về đời sống lịch sử của các ngài? Ở đây tôi không nói đến tính xác thực của các hành động hoặc các lời nói được gán cho các ngài: Đây là một vấn đề mà chúng ta sẽ xem xét sau này. Không, trước tiên một câu hỏi khác triệt để hơn: Liệu chúng ta có những chứng cớ không thể bác bỏ các ngài đã hiện hữu bằng xương và bằng thịt? Câu trả lời cũng bất ngờ như câu hỏi: Không.

Thật vậy, không có bất kỳ chứng cứ quyết định nào về đời sống lịch sử của các ngài. Người mà chúng ta gọi là “Phật”, tôn hiệu có ý nghĩa “Đấng Giác Ngộ”, đã sống tại miền Bắc Ấn Độ hai ngàn năm trăm năm trước đây. Socrate, người Hy Lạp, đã sống ở Athènes khoảng hai ngàn ba trăm năm. Đức Giêsu sinh ở Palestine hơn hai ngàn năm chút ít. Ngôi mộ và cốt của ngài không được giữ gìn. Không có đồng tiền nào, cũng như dấu vết khảo cổ nào đồng thời với các ngài có thể xác nhận đời sống và hợp thức hóa các biến cố trong đời sống các ngài, như trường hợp của các ông vua lớn như đại đế Alexandre hoặc hoàng đế Jules César. Chính các ngài cũng không viết điều gì, và các văn bản thuật lại đời sống các ngài chủ yếu là tác phẩm của các môn đệ và được soạn thảo vài năm sau khi tạ thế đối với Socrate, một vài thập niên đối với Đức Giêsu, nhiều thế kỷ đối với Đức Phật.

Trong sự thiếu thốn những di chỉ khảo cổ và những chứng từ lịch sử đa dạng và ăn khớp nhau, các sử gia không thể khẳng định với sự chính xác tuyệt đối sự hiện hữu của ba nhân vật ấy. Tuy nhiên họ đều nhất trí thừa nhận “khả năng rất cao” sự hiện hữu lịch sử của Đức Phật, Socrate và Đức Giêsu. Và một lần nữa, điều đó được nhất trí dù thiếu những chứng cứ cụ thể về sự hiện hữu ấy, những sắc lệnh được ký về danh xưng của các ngài, những dấu vết hiển nhiên mà các ngài trực tiếp để lại cho hậu thế. Tại sao?

Giả thuyết cho rằng các ngài không hiện hữu trong lịch sử quả thật sẽ đặt ra nhiều vấn đề hơn thực tế các ngài hiện hữu. Vì thế, trước hết, khi dùng lý luận phản chứng mà các sử gia đã đi đến xác tín rằng ba nhân cách ấy dù sao đã hiện hữu.

Nếu các ngài là những huyền thoại, làm thế nào để giải thích những người chuyển giao sứ điệp của các ngài đã rất thấm nhuần nhân cách của các ngài, đến mức đôi khi họ hy sinh mạng sống của họ, như trường hợp phần lớn các tông đồ của Đức Giêsu? Người ta không dễ dàng hy sinh mạng sống vì một huyền thoại như khi vì một nhân cách có thật mà người ta duy trì những liên hệ cảm xúc trước mọi thử thách. Những Phúc Âm kể lại đời sống Đức Giêsu, biểu lộ tình yêu và sự thán phục mạnh mẽ của các môn đệ đối với ngài.

Người ta cũng cảm thấy trong các văn bản của Platon, môn đệ chính của Socrate, tất cả tình yêu mà Platon có đối với người thầy của ông. Những văn bản Platon viết ra không có gì là thờ ơ, nhưng chứng minh một cảm xúc rất con người, một sự đồng cảm có thể sờ mó được.

Được viết nhiều thế kỷ sau khi tôn sư tịch diệt, các tiểu sử của Đức Phật không có được mùi vị và hương thơm đích thực của chứng từ trực tiếp. Nhưng cùng một câu hỏi đặt ra cho sử gia: Làm thế nào giải thích việc các thế hệ đàn ông và đàn bà hoàn toàn hy sinh đời sống họ, đi theo một người nếu người này không hiện hữu?

Đã có một biến cố quan trọng không thể chối cãi làm đảo lộn Phêrô, Platon, Ananda và nhiều người khác theo chân các ngài. Những môn đệ xa hay gần ấy gọi tên biến cố đó là “Socrate”, “Đức Giêsu” và “Đức Phật”. Liệu họ có truyền lại trung thành đời sống và lời nói của các tôn sư là một vấn đề khác mà tôi sẽ trở lại. Nhưng chắc chắn đời sống các môn đệ được đánh dấu bởi một cái gì đó cụ thể, bởi một tiếng nói, một diễn từ, những cử chỉ phát xuất từ “một ai”. Trước tiên là ký ức của lời nói, rồi chữ viết, để lại cho chúng ta danh của người “nào đó” ấy.

Việc không có những di tích khảo cổ trực tiếp về đời sống của ba nhân cách ấy được giải thích bởi sự kiện không vị nào nắm quyền chính trị. Trong thời thượng cổ xa xôi ấy, chỉ những ông vua và những tổng trấn mới có thể để lại dấu vết cho hậu thế khi cho khắc những đồng tiền có hình của họ, hoặc những sắc chỉ trong đá, và dựng những lăng tẩm hoành tráng.

Lịch sử trực tiếp là lịch sử của những người mạnh trong thế giới này. Vả lại Đức Phật, Socrate và Đức Giêsu không phải là những người mạnh, trái lại là đàng khác. Các ngài sống đơn sơ, lúc sinh thời các ngài chỉ có sự tỏa sáng hạn chế, và không để lại văn bản nào do các ngài viết ra. Các quyền lực công của thời kỳ ấy không có lý do gì để ghi lại trong sử biên niên tên và đời sống của nhà khổ hạnh rao giảng việc dập tắt ước muốn, của triết gia gây hấn, và của một thanh niên Do Thái loan báo triều đại của vương quốc Thiên Chúa.

Cả ba vị đã dạy từ bỏ những ảo tưởng của thế gian này, và vai trò của các ngài trong đô thị là thứ yếu, căn cứ vào phương tiện tài chánh yếu kém của các ngài và ảnh hưởng chính trị tầm thường.

Môn đệ của các ngài dù xác tín vào sự cao cả tinh thần và tâm linh của thầy họ, cũng không đủ sức xây dựng cho các ngài những công trình. Cách duy nhất để truyền lại ký ức về các ngài là sự truyền lại bằng lời nói rồi bằng văn tự. Những chứng từ ấy, không ngừng mở rộng đến các nhóm ngày càng lớn hơn, qua nhiều thế kỷ tạo nên danh tiếng cho Đức Phật, Socrate và Đức Giêsu.

Người ta có thể nói rằng sự thành công của các ngài giống như sự thành công của một bộ phim ngày nay. Nó không được thực hiện bởi sự giới thiệu rầm rộ, nhưng bởi sức mạnh rỉ tai chậm chạp và hiệu quả. Chính vì đời sống và lời nói của các ngài đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với những người đi bên cạnh và chúng không ngừng được họ chuyển giao lại với lòng nhiệt tình để đến tận chúng ta. Chung quy đó là dấu hiệu tốt nhất về thực tại của đời sống các ngài.

(Còn tiếp)

FRÉDÉRIC LENOIR 

VĨNH AN dịch