Gió muốn thổi đâu thì thổi. GIOAN 3:8
Một tu sinh xin ẩn danh. Tin nhắn FB tối Thứ
Sáu, 03-7-2020:
Tệ đệ mới vừa dự thính một buổi học tập thánh giáo tại một đạo trường lớn
trong thành phố. Quý vị ở đó học tập bài thánh giáo của Đức Mẹ, dạy tại Cơ Quan
Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam ngày 13-8 Kỷ Mùi (03-10-1979). Đức Mẹ dạy: “Đất phiền não bồ đề vun xới / Lìa thế
gian SAO tới niết bàn.” Trong phần thảo luận, có vài vị (nam và nữ) nói rằng chữ
SAO nếu thay bằng chữ SAU thì vẫn đúng. Quý vị ấy lý luận rằng bây giờ có lìa
thế gian thì sau này sẽ tới được niết bàn. Tệ đệ cảm thấy có chút gì
trục trặc, rất mong được đạo huynh giải thích giúp tệ đệ. Cảm ơn đạo huynh ạ.
Huệ Khải: Hiền hữu mến, hiền hữu “cảm thấy có chút gì trục trặc” là đúng quá rồi. Bởi lẽ, thay SAO (how)
bằng SAU (later) thì làm hỏng thánh
thi của Đức Mẹ, khiến cho thánh ý sâu xa trở thành câu thơ vô nghĩa. Chữ SAO
trong thánh thi có nghĩa là LÀM SAO (how).
Các con lìa thế gian thì làm sao tới được niết bàn? (How can you attain nirvana if you quit this world?)
Qua hai câu thánh
thi dẫn trên, Đức Mẹ nhắc chúng ta học và hành pháp môn bất nhị 不二 (không
hai), nuôi cái tâm vô ngại (hay vô quái ngại 無罣礙: without
hindrance, without obstruction); đây cũng chính là
đạo lý thậm thâm vi diệu trong Bát Nhã
Tâm Kinh. Hiền hữu vui lòng xem lại quyển Một Dòng Bát Nhã (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2010, 2013, tr. 40-66)
trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo thì đủ chi tiết. Ở đây
xin trích một đoạn ngắn (tr. 55):
“Tâm chúng ta bị
chướng ngại vì chúng ta nhìn mọi sự theo óc nhị nguyên (dualism). Do đó chúng
ta có thói quen lúc nào cũng nhìn thấy mọi sự theo hai mặt đối lập như tốt xấu,
sướng khổ, may rủi, hơn thua, còn mất, v.v… Chính thế gian chúng ta đang sống
đã tạo cho ta cái nhìn đó và tạo cho ta cách sống là chọn lựa cái này mà buông
bỏ cái kia.”
Bởi óc nhị nguyên,
chúng ta thấy “phiền não” và “bồ đề” là hai mặt đối lập, thấy “thế gian” và “niết bàn” cũng là hai mặt đối lập; thế nên chúng ta có sự chọn lựa
là “lìa thế gian” để mong “tới niết bàn”.
Nhắc chúng ta thực
hành pháp môn bất nhị, Đức Mẹ dạy chúng ta hãy biết vun trồng, chăm sóc cội cây
bồ đề (bodhi tree; giác ngộ, enlightenment) ngay trong mảnh đất thế
gian đầy phiền não này, đừng vọng tâm tìm kiếm một nơi chốn nào khác mà hoài
công tu hành.
Cái lý lẽ không lìa
thế gian mà tìm được bồ đề (giác ngộ) vào thời Nhị Kỳ Phổ Độ đã được Đức Lục Tổ
Huệ Năng dạy trong Pháp Bảo Đàn Kinh như
sau: “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian
giác; ly thế mịch bồ đề, kháp như cầu thố giác.” 佛法在世間, 不離世間覺; 離世覓菩提, 恰如求兔角. (The Buddha dharma is right here in this world, within which
enlightenment is to be sought. / Seeking enlightenment beyond this world is as
absurd as searching for a rabbit’s horn.)
“Thố giác” là sừng thỏ. Thỏ làm gì có sừng mà tìm cầu uổng công. “Kháp như” 恰如 là hệt như thể (just as if). Vậy,
câu nói của Đức Lục Tổ có nghĩa: Phật
pháp vốn ngay tại thế gian, không lìa thế gian thì giác ngộ; lìa thế gian tìm
cầu giác ngộ, thì giống hệt như tìm cầu sừng thỏ.
Tóm lại, câu thánh
giáo của Đức Mẹ chính là “Lìa thế gian SAO
tới niết bàn.” Không thể nói dùng chữ
SAU thì vẫn đúng, vẫn có nghĩa, hiền hữu à. Chúc hiền hữu an hảo, tu tốt.
*
Một nhánh lau. Tin nhắn FB Chủ Nhật 05-7-2020:
Chào huynh. Đệ tên Thảo ở
thánh thất Từ Vân (Quảng Nam), thuộc Hội Thánh Truyền Giáo Cao
Đài. Cho đệ hỏi: Khi lạy vong phàm hoặc cầu siêu cho vong phàm, có bắt ấn Tý
không? Cảm ơn huynh nhiều.
Ban Ấn Tống: Hiền đệ mến, chúng tôi
không rành về việc này, nên đã cậy hiền huynh Sử Kiến Nguyên là bậc cao niên trong
Đạo, môn sanh Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh trả lời giúp. Ngày Thứ Tư 08-7-2020,
Sử huynh hồi âm qua điện thư như sau:
Trước năm 1975 thì việc cúng vong phàm không có bắt ấn Tý.
Khi cúng vong phàm thì tay trái nắm lại, tay phải bao phía ngoài nhưng ngón tay
cái của cả hai bàn tay để ở trên, song song nhau.
Hiện tôi cũng chưa tìm được bất kỳ văn bản nào của Hội
Thánh dạy như thế, chỉ biết rằng khi bắt đầu biết hành đạo, cúng kính thì đã
được các vị đi trước dạy như thế. Và ngay như ngài Đầu Sư Thượng Sáng Thanh
(Trần Ngọc Sáng, 1888-1980) khi còn ở phẩm Giáo Hữu, Giáo Sư là Đầu Họ, Đầu
Tỉnh rồi Thanh Tra Hành Chánh Đạo, cũng có dạy như vậy.
Nhưng tôi tìm được trong quyển Thiên Bàn Thờ Tại Tư Gia của Giáo Hữu
Thượng Lý Thanh tùng sự Ban Tu Thư Đạo Đức Học Đường soạn thì viết rằng khi nào
lạy Thầy Mẹ mới bắt ấn Tý; quyển sách này có sự kiểm duyệt của Hội Thánh ngày
10 tháng 7 năm Canh Tuất (11-8-1970) với ấn ký của ngài Hiến Pháp Trương Hữu
Đức, Trưởng Ban Kiểm Duyệt Kinh Sách.
Đến năm 1976, Hội Thánh ban hành quyển Quan Hôn Tang Lễ
(có sự phê chuẩn của Đức Lý Giáo Tông) * thì việc lạy vong phàm cũng phải bắt ấn Tý.
Nguyên văn như sau: “Người đạo Cao Ðài hễ khi lạy thì tay
chắp bắt ấn Tý. Lạy Thần, Thánh, Tiên, Phật hay vong phàm tay cũng đều bắt ấn
Tý.”
* Ghi chú: Sau 30-4-1975,
Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh vẫn còn cầu cơ thêm một thời gian, tôi nhớ không lầm
thì đến năm 1978 chánh quyền mới cấm cơ bút. Thường thì phò loan là hai ngài
Hiến Pháp và Khai Đạo. Ngoài ra còn có cặp phò loan khác được Thiêng liêng chỉ
định là hai ngài Tiếp Dẫn Đạo Nhơn Nguyễn Văn Kiết và Nguyễn Văn Hợi.
*
@ Hiền huynh Trần Huiền Ân (thành
phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên). Điện thư ngày 14-7-2020:
Huệ Khải thân mến,
* Nhận Đạo Uyển Thu 2020
hôm qua, chỉ mới lướt nhanh, để đọc dần... Vừa rồi dừng lại nơi trang 46-47 mới
biết cố Lễ Sanh hàm phong Hương Ất đã được ơn Thầy Mẹ gọi về. Trong tình mẫu tử,
đây là một việc buồn với gia đình Huệ Khải. Xin gởi đến gia đình Huệ Khải tấm
lòng san sẻ của chúng tôi và xin được đồng tâm cầu nguyện trong các nghi lễ tôn
giáo.
* Ngoài ra tôi rất tâm đắc
câu đầu nơi trang 6 bài Giao Cảm. Tôi vẫn nghĩ rằng THƠ đến với chúng ta bằng
con đường rung động trực tiếp và tức khắc.
* Cũng muốn hỏi Huệ Khải
có biết cố Giáo Sư Ngọc Trường Thanh ở Phú Yên không?
Tình thân. (THÂ)
Huệ
Khải: Thưa Anh thân kính, em vui vì gói sách nhỏ đã tới tay Anh. Phần sách biếu
hai Chị Ng. Tr. và Tr. H. em đã gởi riêng rồi. Anh không mất công nữa, Anh nhé.
* “Trong tình mẫu tử, đây là một việc buồn với
gia đình Huệ Khải. Xin gởi đến gia đình Huệ Khải tấm lòng san sẻ của chúng tôi
và xin được đồng tâm cầu nguyện trong các nghi lễ tôn giáo.”
Chỉ đôi dòng giản dị mà hàm chứa biết bao
tình cảm đằm thắm của Anh trong đó. Chúng em rất cảm kích và ghi nhớ tấm lòng
thương mến của Anh luôn dành cho chúng em.
* “Ngoài ra tôi rất tâm đắc câu đầu nơi trang 6
bài Giao Cảm.([1]) Tôi vẫn nghĩ rằng THƠ đến với chúng ta bằng
con đường rung động trực tiếp và tức khắc.”
Nhà thơ tài hoa Trần Huiền Ân mà viết như vậy
thì chúng em VUI lắm, vì được “yểm trợ tinh thần” trong chỗ đồng điệu với nợ
duyên hàn mặc mể mang. Em cảm ơn Anh.
* “Cũng muốn hỏi Huệ Khải có biết cố Giáo Sư Ngọc
Trường Thanh ở Phú Yên không?”
Thưa Anh, ngài Ngọc Giáo Sư Trường (đạo hiệu
Minh Nhân) là bậc tiền bối khả kính trong Đạo, một chức sắc tên tuổi của Hội
Thánh Truyền Giáo Cao Đài. Tuy nhiên, là kẻ hậu bối, em chỉ nghe danh mà chưa gặp
ngài lần nào, vì chưa có duyên lành ra Phú Yên hành đạo.
Em cầu nguyện Trời Phật ban ơn lành đến Anh
và đại gia đình của Anh. Kính chào Anh.
*
@ Hiền muội B.H. (môn sanh Hội
Thánh Cao Đài Tây Ninh). Điện thư ngày 16-7-2020:
Kính gởi bác Huệ Khải,
Con đọc bài Má! của bác [Đạo Uyển Thu 2020, tr.
115-117] và không thể không khóc. Thật ra
bà có phước lớn rồi, má của con đang phải khổ vì con không biết làm gì giúp má
mình.
Xin chia buồn cùng bác. (BH)
Huệ Khải: Hiền muội quý mến, mấy
dòng vắn vỏi của hiền muội khiến tôi quá chạnh lòng. Tôi cảm ơn hiền muội đã
không quản ngại mà bày tỏ tình cảm với bài viết của tôi, bằng trọn cả lòng
thành của hiền muội.
Hiền muội nói “con không biết làm
gì giúp má mình” thì không đúng đâu. Bấy lâu nay dù hai trẻ hãy còn quá thơ dại, hiền muội
nhờ sớm giác ngộ, vẫn ráng sức dốc chí tu hành, siêng làm công quả, giữ giới trường
trai, thọ tâm pháp tịnh luyện, hằng tuần chẳng quản nhọc nhằn đưa đón hai trẻ
đi học giáo lý sáng Chủ Nhật, bản thân hiền muội thì theo học lớp Bồi Dưỡng
Giáo Lý chiều Chủ Nhật. Vì vậy, suốt mấy năm qua, ba mẹ con cứ “lăn lóc” hết cả ngày nghỉ cuối tuần ở Cơ Quan Phổ Thông
Giáo Lý Đại Đạo. Thế là hiền muội đang tu công lập đức cho bản thân và cũng
đang báo hiếu cửu huyền thất tổ rồi đó. Hiền muội rất có phước, vì chồng không
cản trở hiền muội bước vào Thiên Đạo đại thừa, mà lại còn chấp nhận vợ con “bụi đạo” như vậy. Xưa nay, chẳng phải vợ chồng trẻ nhà
nào cũng được may mắn như hiền muội đâu.
Hiền muội nhớ chứ? Kỳ Ba này Đức Giác Minh Thánh Đức, tiền
kiếp là Hồng Hà Nữ Sĩ Đoàn Thị Điểm (1705-1749), khuyên dạy phận làm con chí hiếu
nếu muốn báo ơn trời biển của cha mẹ mình một cách rốt ráo thì hãy làm như sau:
Thong dong cõi thọ nương
hồn
Chờ con lập đức giúp huờn ngôi xưa.
Hiền muội đang tu, lại biết hướng dẫn hai con thơ dại sớm
làm quen với Đạo Thầy, tức là hiền muội đang lập đức bồi công để hồi hướng về cửu
huyền thất tổ (trong đó có má hiền muội và giác linh thân phụ là cố chức việc họ
đạo Tr.B., thuộc Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh).
Hiền muội thương má, muốn giúp má mình một cách tuyệt đối
thì hãy chầm chậm đọc lại mà thấm thía bốn câu thơ chót in trong Đạo Uyển Thu 2020 (tr. 118). Ý tứ hai câu kinh của Đức Giác Minh Thánh Đức
(vừa dẫn trên) đã được hiền huynh Huỳnh Văn Mười (Hội Thánh Truyền Giáo Cao
Đài, Quảng Nam) diễn lại quá cảm động, rất tài hoa:
Nửa đời con gắng
tâm tu học
Nên đạo, nên thân buổi sống còn
Mai kia, ân điển Thầy ban rưới
Con dành cho mẹ, chẳng cho con.
Chúc hiền muội luôn tìm được “vui thầm” trong nếp sống đạo, như lời
Đức Mẹ an ủi chúng ta:
Lòng con sẵn có
vui thầm
Dị đồng sai khác
cũng tầm nguồn vui.
(CQPTGL CĐG VN, 15-8 Bính Thìn)
ĐÍNH CHÍNH
* Quý
đạo hữu đang có quyển SỰ
NGHIỆP TRUNG HƯNG (Hà Nội: Nxb
Hồng Đức, 2018), vui lòng sửa giúp một lỗi ở trang 143, dòng 2. Xin đọc cho
đúng là:
Thủ Bổn: Phan Thị Chuyển (Chánh
Diệm, cụ bà thân mẫu Giáo Sư Nguyễn Quang Châu).
Chúng
đệ tử đê đầu cầu xin nhị vị Tiền Bối hiển linh từ bi đại xá cho chúng đệ tử. (Ban Tu Thư & Ấn Tống)
* Cũng trang 143,
dòng 6, xin đọc là: Thành Sang; và dòng 13, xin đọc là: Bà Phó Huynh
Ban Tu Thư & Ấn
Tống rất cảm ơn hiền huynh Trần Đình Trai và hiền tỷ Đỗ Thị Kết, đều ở thánh thất
Linh Bửu (Quảng Nam), qua Facebook, đã góp ý đính chính lỗi in sai nêu trên.
Rất mong quý đạo
hữu gần xa tiếp tục góp ý cho Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo
về các bản sách đã in.
Ban Tu Thư & Ấn Tống
([1]) “Thơ mà phải phân tách mới thấy hay thì hỏng bét rồi.”