GƯƠNG
HÀNH ĐẠO CỦA
GIÁO
HỮU THƯỢNG CHỮ THANH
SỬ KIẾN NGUYÊN sưu
tầm
Trước khi Giáo Hữu Thượng Chữ Thanh ([1]) lãnh
lịnh đi mở Đạo nơi Ai Lao tức nước Lào, Đức Chưởng Đạo Nguyệt Tâm Chơn Nhơn ([2])
giáng cơ cho ông một bài thi:
Vưng Thiên mạng đến nơi đất lạ
Nơi Ai Lao trổi gót quan hà
Làm trai bốn biển là nhà
Nên dân ích nước mới là trượng phu.
Chí Tôn mở đường tu thêm mới
Vẹt non sông mới tới Bồng Lai
Trương ngươi Thánh Nhãn Cao Đài
Xem toàn thế giới các loài chúng sanh.
Nơi Ngọc Hư Chí Linh sẵn định
Cả nguyên nhân phải tính quy nguyên
Thiên cơ trước đã để tên
Cái công cứu thế Ơn Trên sẵn dành.
Con ([3]) đã
đứng vào tranh Tiên phẩm
Khá trau thân đừng lấm bụi hồng
Xưa quan với vẻ đai cân
Nay quan với mảnh Tô Tần vinh thân.
Thuyền bát nhã dòng ngân vịnh bái
Dựa bến mê chớ mãi tội tình
Con nên trọng lấy quần sanh
Đem thân thánh đức che lòng Ai Lao.
Con đã có chí cao bao lớn
Buông lợi danh nắm phướn tiêu diêu
Kìa khổ cảnh, nọ phàm phiêu
Trai duyên vì vợ con nhiều tội căn.
Con nên biết gánh oằn nhơn đạo
Con thảo thân ai tảo ai tần
Chưa an lấy phận nhơn luân
Thầy khuyên lời dặn ân cần đôi câu.
Khá khuyên lấp mạch sầu đôi lúc
Lập nên thân đặng phục lòng người
Nay đi còn chút hổ ngươi
Sau về con đặng vào ngồi đài mây.
Phải nhớ lấy ơn Thầy nghĩa bạn
Để trông gương cho sáng Đạo nhà
Nước non chẳng quản đường xa
Thầy theo từng bước gọi là vẽ con.
Con phải chịu thon von khổ hạnh
Nỗi cút côi khó lánh cường quyền
Tập mình nhịn nhục cho quen
Trải gan sắt đá cho bền nên công.
Nước Lào vốn là nơi du khách
Màu Trung Huê chưa sạch nơi tâm
Vì mê tín, thích thần phong
Thờ ma kính quỷ khó mong cải tà.
Con nên để đạo tà chiêm ngưỡng
Vì cung trung tư tưởng nhà
Con đem thánh đức thử phàm.
Ông Chữ là một người con chí hiếu, sống ở
Nam Vang (Cam Bốt, tức Campuchia); tuy hành đạo mặc dầu, nhưng việc dưỡng nuôi
mẹ không hề xao lãng. Khi có lịnh Ơn Trên sai ông đi hành đạo bên Ai Lao, Hội
Thánh phải cắt người chăm sóc mẹ ông, để ông an lòng ra đi mở Đạo.
Lúc ấy hoàn cảnh gia đình nghèo, lịnh
trên xuống ông phải tuân. Khi lên đường, chỉ một chiếc xe đạp và một gói hành lý
đơn giản; ông gói gọn rồi cột vào xe; một thân một bóng, đạp xe trong gió
sương, dầm trong mưa nắng. Ông cố gắng lấy hết sức để vượt qua chặng đường mà lòng
vẫn biết còn bao nỗi gian truân sẵn chờ phía trước. Trên đường sang Ai Lao, một
đức tin vững mạnh nơi Đức Chí Tôn, và các Đấng thiêng liêng, một hy vọng tràn
trề là làm tròn sứ mạng để một ngày kia dâng thành quả về cho Hội Thánh. Đó là
tâm huyết của ông.
Đến biên giới, ông xuống tàu. Tàu cặp bến
nước Ai Lao. Mọi người lần lượt lên bờ. Đội kiểm soát đã chực sẵn để kiểm soát.
Ông Chữ biết mình chẳng có miếng giấy lộn lưng, nên ẩn núp lại. Tàu có hai tầng,
ông cố gắng lắm mới đẩy được xe đạp qua một xó của tầng dưới rồi núp theo xe
đạp. Bọn lính kiểm soát người xong, đến kiểm soát tàu. Quyền Thiêng Liêng khiến
sao mà lính chỉ coi sơ sơ rồi bỏ đi. Chờ cho bọn lính và người ta đi hết, nghe
không còn ồn ào nữa, ông thong thả dẫn xe lên rồi ra khỏi tàu, thản nhiên đi
như mọi công dân Lào khác.
Giờ đây xứ lạ quê người, ngôn ngữ bất
đồng. Ông ngơ ngác không biết đi đâu, ở đâu. Vừa dẫn xe đi vừa nghĩ đủ thứ
trong đầu. Không chạy xe, vì có biết đường đâu mà chạy. Ông chợt nhớ lại một
đàn cơ dạy ông rằng trước khi mở Đạo, ông phải trị bịnh cho một người đàn bà
điên. Vừa đi vừa mong mỏi cơ hội ấy. Nếu gặp bà đàn bà điên là cơ hội đến vậy,
tư tưởng nghĩ như thế.
Rồi chẳng thấy gì, mà trời về đêm, ông
tấp vô một mái hiên nhà của một quán cà phê co mình ngủ thiếp đi vì mệt.
Cả tháng nơi đất Lào, ông ăn cơm tiệm rồi
ngủ bên mái hiên quán cà phê. Chủ quán để ý, thấy ông nầy không tệ lắm sao lại
ngủ như vầy.
Một là vì thương người, hai là để dò xét,
nên không đuổi. Người chủ quán là một người Tàu biết tiếng Việt.
Một hôm, người chủ quán hỏi ông (bằng
tiếng Việt):
–
Ông ở Việt
Ông đáp:
– Phải.
– Qua đây để làm gì?
– Để truyền Đạo.
Chủ quán nghe nói ngẩn người nhìn ông,
hồi lâu nói:
– Nghe nói người tu hành thường giải được
bệnh căn, vậy chớ ông có trị bệnh được không?
Ông đáp nhanh:
– Được chứ.
– Vậy ông theo tôi.
Thế rồi chủ quán đóng cửa quán, dẫn ông
về nhà. Trong nhà có một cái cũi, nhốt một người điên.
Chủ quán chỉ ngay vào cũi nói:
–
Người này.
Rồi nhờ ông Chữ giúp trị bệnh, còn ông ta
trở lại quán.
Ở nhà lúc này vắng vẻ, không người, mà
ông cũng nghĩ là lạ, sao chủ quán không ở lại xem mình trị bệnh ra sao, mà lại
tin rồi giao cả nhà lẫn người không ngần ngại.
Thôi kệ! Ông mon men tới gần để hỏi
chuyện người trong cũi, rõ là một bà điên. Chưa được một phút, thì một người
đàn bà khác từ đâu về xưng là mẹ của người trong cũi, rồi sinh ngờ vực chửi
bới, mắng nhiếc, lấy chổi đánh ông. Thấy không thể minh oan được trong cơn phẫn
nộ của bà ta, ông chạy nhanh ra cửa thoát thân, rồi bỏ chỗ ấy đi nơi khác ngụ.
Qua cơn khủng hoảng, ông bình tâm cầu
nguyện Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng hộ trì cho ông sớm gặp được cơ
duyên để hoàn thành sứ mạng mở Đạo.
Một hôm, ông gặp một người bạn làm thông
phán. Hai người mừng rỡ hỏi thăm nhau. Ông thật tình kể rõ chuyện của ông cho
người bạn biết. Người bạn nói:
– Thôi được, anh về nhà tôi nghỉ ngơi
trước đã, còn việc làm thì tính sau.
Nhà bạn ông có một người bệnh, là một
người đàn bà. Ông Chữ hỏi:
– Ai bệnh vậy?
– Vợ tôi. Bà ấy bệnh điên, đã trị nhiều
rồi mà không hết.
– Quả thật bệnh điên thì tôi trị giúp
cho.
Ông thông phán ngạc nhiên hỏi lại:
– Anh trị được hả?
– Thật mà.
Ông thông phán mừng rỡ:
– Vậy thì anh giúp giùm tôi; chớ tôi thì
đã hết đường rồi.
– Anh sắm bông hoa, đèn nhang, trà rượu
để tôi cúng.
Ông mở gói hành trang, trong có một thánh tượng Thiên Nhãn và một bộ Thiên phục. Thánh tượng Thiên Nhãn được
đặt trên bàn cao giữa nhà. Ông đem bông hoa, trà, rượu, nhang đèn sắp đặt theo
nghi thức Đạo. Ông mặc Thiên phục, bái lễ Đức Chí Tôn, cầu nguyện, trình bày
việc làm, xin giải bệnh cho . . . (Ông đọc tên người bệnh). Ông hành pháp xong,
lấy rượu cho bệnh nhân uống, lấy bông nhúng nước âm dương rảy trên đầu người
bệnh. Bệnh nhân hết bệnh lạ thường, tỉnh táo y như hồi còn mạnh khỏe.
Ông thông phán không thể nói gì khác hơn
là chân thành cảm ơn rối rít, nỗi vui mừng đến không cầm được nước mắt. Ông
trọng đãi ông Chữ như một khách quý.
Rồi một hôm ông thông phán dẫn một người
bạn Lào về nhà chơi. Trong lúc chuyện trò, ông huyên thuyên ca ngợi việc làm
của ông Chữ. Người bạn Lào nhìn vào thấy thánh tượng Thiên Nhãn vẫn còn trên
bàn thì vừa mừng vừa sợ, nói với ông thông phán là hồi hôm ông nằm mơ thấy Thần
mách bảo phải thờ Trời và nhập môn theo Đạo có thờ hình nầy, y như vầy.
Ông người Lào hỏi (ông thông phán dịch
lại cuộc đối thoại):
– Tôi theo Đạo được không?
Ông Chữ mừng quá nói liền:
– Được! Được chứ!
Ngay ngày đó nơi nhà ông thông phán làm
lễ thượng thánh tượng. Cả nhà ông thông phán đồng thuận nhập môn một lượt cùng
với ông bạn Lào.
Ông người Lào là quan chức địa phương,
nên việc ông nhập môn Cao Đài làm cho dân trong vùng cũng noi gương theo Đạo và
kiếm đất để tạo dựng nơi thờ phượng. Đất có, ông Chữ liền cất ngôi thánh thất
lợp bằng cây lá.
Ông có chụp một bức ảnh kỷ niệm trước thánh
thất cùng với một số đông đạo hữu, đem về trình lên Đức Quyền Giáo Tông Thượng
Trung Nhựt (Lê Văn Trung, 1876-1934) kèm theo phúc trình về chuyến đi Lào cùng
với sổ bộ thánh thất, danh sách Bàn Trị Sự và tín đồ.
Sau khi về nước, ông Đặng Trung Chữ có
chân trong phái đoàn đi truyền Đạo ở Bắc Hà. Lúc ấy bộ Thiên phục của ông đã
bạc màu, vá víu nhiều chỗ.
([1]) Thế
danh Đặng Trung Chữ, đạo hiệu Ngạn Sơn, sau thăng Phối Sư cầm quyền Thượng
Chánh Phối Sư, quy vị năm 1947 tại Chợ Lớn.
([2]) Đức
Nguyệt Tâm Chơn Nhơn tiền kiếp là văn hào Victor Hugo (1802-1885, Pháp). Hugo
và vợ là Adèle Foucher (1803-1868) có năm người con. Con trai thứ hai là
Charles-Victor Hugo (1826-1871) làm ký giả, nhiếp ảnh. Con trai thứ tư là
François-Victor Hugo (1828-1873), dịch các tác phẩm của văn hào William
Shakespeare (1564-1616, Anh) sang tiếng Pháp, in thành mười tám quyển (từ 1859
đến 1866). Theo cơ bút do Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh thông công, ông Chữ kiếp
trước là Charles-Victor Hugo; và ông Trần Quang Vinh (1897-1975), đạo hiệu Hiển
Trung, tức Phối Sư Thượng Vinh Thanh, kiếp trước là François-Victor Hugo.