TUỔI
THƠ, MIÊN MAN NỖI NHỚ
SỬ KIẾN NGUYÊN
Nếu có ai hỏi tôi thích làm
gì nhất trong đời tu học của mình, tôi sẽ không chần chừ nói ngay: “Làm đồng
nhi.” Thiệt, không có làm chức gì mà ngon lành bằng làm đồng nhi.
Tuổi thơ tôi gắn bó với lời kinh tiếng
kệ. Tôi thấy anh chị em đồng nhi giống mấy con chim họa mi vậy, có thể ca hát
giữa rừng cây bạt ngàn. Giữa Đền Thánh, giữa bao nhiêu người thành kính cúng
Đức Chí Tôn, tất cả gần như lắng nghe đồng nhi ngân nga, nhịp nhàng.
Làm đồng nhi có thể nhìn bao quát nội
điện nguy nga lộng lẫy và trang nghiêm trong giờ cúng từ vị trí trên lầu Hiệp
Thiên Đài, được đi lên từng bậc bao lơn Thanh Đẳng cặp vách hông Cửu Trùng Đài
để đọc kinh trong chín lần dẫn Cửu,([1]) hôm
nào có cúng Đại Tường là tiến thẳng vào Bát Quái Đài, được nhìn thật gần những
nét từ bi của Thiên Nhãn để tối đó về ngủ, mơ ước gặp được cả đôi mắt của Trời.
Đi giáp vòng trên bao lơn Thanh Đẳng vẫn
chưa phải là cuối cùng cho bước chân đồng nhi. Sau khi đọc kinh dẫn Cửu, tất cả
các anh chị em đồng nhi sẽ được đặc cách quỳ ở giữa chánh điện để tụng Di Lạc
Chơn Kinh. Đặc cách vì nơi này là vị trí của các vị chức sắc, chức việc.
Khi tôi lớn lên, trở thành
một tín hữu thì chỉ ngồi ở phía bên; còn các ngày đại lễ thì tôi an tọa ở cội
bồ đề hay ngoài hành lang nghe đồng nhi đọc kinh lãnh lót giữa khuya. Có lúc gà
gật, tôi cứ ngỡ tiếng kinh đó từ trời rơi xuống như mưa vậy, thấy mát dịu lòng
mình như tuổi thơ tôi.
Ngôi Báo Ân Từ (Đền Thờ Phật Mẫu tạm) uy
nghiêm tráng lệ, người thăm viếng tấp nập, nhưng phía sau là Lễ Viện trầm lắng
và giản dị vô cùng.
Các cây chổi quét bàn, quét ván đều là
vải vụn từ Sở May kết lại. Cây chổi quét lá ngoài sân là râu ria cành nhánh
tre, hay chà chôm gom từ những bụi cây dại. Nhánh nào to thì ôm vào bếp làm
củi.
Dì Tư hay quét sân bằng chổi lá dừa; nó
quét sạch lá nhưng cũng dễ bén lửa. Sáng nào cúng ở Đền Thờ Phật Mẫu xong, tôi
xách nước tưới mấy bụi bông trang và lấy chổi quét lá nhãn rụng để gom đốt. Không
nhớ mùa hè đó tôi làm được bao lâu nhưng tôi đã đốt hết mấy cây chổi rồi.
Trên bàn nước phía trước (không có ghế,
mà hình như khách toàn leo lên ván ngồi khi được mời) tất nhiên có ly tách và
bình trà đủ loại hương. Hôm thì mùi bông vạn thọ phơi khô, hôm bông lài, bông
sen... có khi là hoa hướng dương nữa. Nhưng tôi thích nhất là trà hoa huệ (mà
nhiều người khác cũng nói vậy). Không biết hồi ấy ai nhặt mấy hoa đó từ bình
bông cúng? Ai cắt xắt rồi phơi? Bây giờ còn làm trà như vậy không? Và ai làm? Dĩ
nhiên không phải tôi. Trà cúng ở Đền Thờ Phật Mẫu toàn là mùi thanh nhẹ và cao
quý, nhưng cúng xong là người ta thỉnh uống hết. Dì Tư ở đó bấy lâu mà cũng
không mấy khi được hưởng.
Trở lại trà làm từ bông phơi khô, chẳng biết
có ngon không, nhưng hễ ngày nào chú Sáu ở bộ Lễ trung ương qua thì chú nốc cạn
bình còn kêu ít. Nhìn chú như nhịn khát mấy hôm trước khi sang chơi. Nói là
chơi vì mấy việc chú làm theo tôi toàn là những trò thú vị. Chú chẻ giùm củi
gộc, chú leo thang hái dừa khô... Hình như ở đó mấy dì không ai biết ăn dừa
tươi, chờ tới khi quày dừa khô queo thì hái xuống nấu chè cúng. Tôi nghĩ mấy
cây dừa ở đó tu một cái vèo là thành Tiên vì nó cống hiến sạch sành sanh rồi.
Chị Hai Nhẫn mỗi khi đốt gáo dừa nấu cơm,
thì gom tro dừa pha nước để dành gội tóc. Tôi nghĩ mớ râu bắp trên đầu của tôi
mà cũng làm vậy, không chừng nó cũng bóng mượt như vuốt dầu dừa. Chị Hai không
mấy khi thả tóc. Chị búi rất gọn và chắc chắn mà không cần dùng trâm hay cái
kẹp nào ghim cả. Trưa vắng chị cũng ngồi chằm nón. Lúc đó chưa biết làm nón,
tôi ngồi không nên quơ cái nón quạt cho chị. Chị nói cái nón chưa vuốt keo, tôi
mà quạt một hồi là bung chỉ, rách lá hết. Chị nghĩ chắc tôi thấy nóng bức nên
lấy lược ra chải cho, rồi búi tóc tôi thành hai củ tỏi, ai nhìn cũng cười.
Có lần chú Sáu vô chơi, chú cũng thấy và
hỏi: “Tiểu đồng tu với sư phụ ở núi nào? Có biết Ông Trời là ai không?” Không
đợi trả lời, chú nói tiếp: “Ngộ ha, ông nội tui kêu Ông Trời là Ông Trời; tui
cũng kêu là ông Trời. Theo lẽ, phải nói là Ông Nội Trời mới đúng lý.” Tôi ngồi
nghe bỗng nhiên nhìn lên bức tranh thủy mặc đã ngả màu vẽ Đức Phạm Hộ Pháp ngồi
trên ghế, đội nón lá, nhìn hiền ơi là hiền. Sau này mỗi khi về Báo Ân Từ ghé
thăm Lễ Viện, lần nào tôi cũng nhìn lên bậc cửa, bức tranh vẫn nguyên chỗ cũ. Chú
Sáu vẫn thỉnh thoảng ghé vào thăm nhưng không còn leo dừa nữa. Hình như cây dừa
cũng thương chú mà lão theo nên không ra trái nữa.
Bây giờ trên bàn nước không biết còn dĩa
bánh trái đào mà một thời làm tâm điểm mỗi khi tôi ra vô ngang qua. Hồi đó tôi
hay hỏi dì Tư: “Bánh đó bằng nhựa hả Tư?” Dì nói: “Bánh thiệt của Hội Yến mấy
năm trước đó.” Tôi hỏi: “Sao không ăn? Giờ còn ăn được không?” Tư nói: “Để cho
đẹp. Bây giờ ăn hết được rồi.” Tôi nhìn nó vẫn còn giống trái đào lắm, vẫn chúm
chím hồng. Lúc đó tôi ngẫm nghĩ nó đúng là trái đào tiên nên trường thọ; giá mà
tôi được cắn một miếng, có khi tôi sống tới mấy ngàn năm...
SỬ KIẾN NGUYÊN
Thánh
địa Tây Ninh
Tiết
Hạ Chí năm Canh Tý (2020)