Thứ Hai, 9 tháng 3, 2020

ĐỨC BAO DUNG TRÊN BƯỚC ĐƯỜNG ĐỜI GIẢ TẠM / Đạo Uyển Hạ 2020 (tập 34)



ĐỨC BAO DUNG
TRÊN BƯỚC ĐƯỜNG ĐỜI GIẢ TẠM
SỬ KIẾN NGUYÊN
Dòng thời gian trôi đi, đi mãi. Kiếp luân hồi vay trả, trả vay. Sanh ra đây mấy chốc rồi cũng phải ra đi, đi trên con đường vô tận. Ngưỡng cửa hoàng hôn sao mà tuyệt đẹp! Cái đẹp tuyệt trần, mà thế nhân có thể cảm nhận được trước cảnh trời chiều tịch mịch ấy. Vậy ta thử hỏi, lo hay không đáng lo? Buồn hay không đáng buồn? Tiếc hay không đáng tiếc? Buổi ra đi đâu có được gì, ngày chung cuộc chỉ đem về có một chữ tâm và công nghiệp đã gây thành cho sanh chúng.
Mảnh hình hài nhục thể do vật chất biến thành. Xác thân ta đâu phải của ta, cát bụi trả về cho cát bụi. Đó chẳng qua là chiếc thuyền đưa khách qua sông, khi đến bến bờ rồi phải rời khỏi nó, chẳng lẽ lại luyến tiếc vấn vương để chậm con đường vô tận. Con đường ấy được Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc gọi là Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống. Ở nơi đó không có cái ta, không có sang hèn, chỉ duy có tình thương yêu vô tận, không ăn mà sống, không mặc mà lành, linh quang tươi đẹp vô cùng.
Bây giờ ta xét thấy, những nỗi nhục vinh, những sự giàu hèn, những điều trái tai giữa cảnh đời thường phô diễn, sự phân ly trắng đen ấy mới sinh ra những tình cảnh giận hờn ghét ganh, vui buồn lẫn lộn. Chẳng qua do cái cách mà ta tiếp nó. Ngoại cảnh ta đem vào lòng, chứ không phải ngoại cảnh áp đặt lên ta, thế mới nói:
Ngoại cảnh chẳng qua rèn đức hạnh,
Chân tâm vô điểm bụi trần phai.
Nghịch cảnh giữa dòng đời, tỷ như ngày với đêm. Không vì ngày mà bỏ đêm, cũng không vì đêm mà bỏ ngày. Vì ngày đêm là một kia mà. Nếu bỏ một trong hai thì nhơn loại sẽ bị tự diệt không còn sự sống nữa. Sao ta không vui trong lý lẽ biến dời ấy, để cho cõi lòng được thanh tịch, tâm linh được nhẹ nhàng?
Ôi! Bể cả mênh mông, lòng ta mênh mông, thì buồn vui làm sao vào được cõi lòng... Tình ta bao dung, lòng ta đại lượng, thì tâm ta mới sống trong khối tình thương yêu bao la vô tận, sự thương yêu vô lượng mà Đức Chí Tôn đã đặt vào tâm mỗi người, dầu sang hèn, nghèo khổ, phú quý, vẫn đồng tánh linh thương yêu ấy. Quý lắm thay! Nhiệm mầu thay!
Ghét một việc đáng ghét, thì sự ghét ấy chỉ làm tổn hại chơn tâm. Thương một việc không đáng thương, thì sự thương ấy sẽ mở lòng đại lượng bao dung. Thế mới thấy rằng sự thương yêu là chìa khóa mở cửa Bạch Ngọc Kinh hay là Cõi Thiêng Liêng Hằng Sống, mà Đấng Hóa Công đã dành sẵn cho con cái của người đó vậy.
Sự cản trở khó khăn trong đời sống của ta, đó là do phàm tánh của mình. Ta phải tranh đấu lắm, vất vả lắm, mới chế ngự được phàm tánh ấy. Trong phàm tánh ấy có buồn vui, hờn giận, ghét ganh, tham lam, ham muốn danh lợi quyền... Bao nhiêu đó đủ làm cho kiếp sanh của ta đắm chìm trong phiền lụy, khổ não lắm! Trên bước đường gay go ấy, nếu ta định tỉnh được lương tâm của mình, cái lương tâm ấy là đức thiên lương của Đức Chí Tôn đã ban cho, đức thiên lương thương yêu vô tận, lúc bấy giờ ta mới định được con đường tâm linh của ta giong ruổi. Mỗi ngày ta bỏ một ít tư kỷ của mình, đến khi đạt được thánh chất trọn lành. Thánh chất trọn lành ấy là điển quang giao cảm với quyền năng Tạo Đoan càn khôn vũ trụ. Quyền năng đó chỉ có một khuôn luật thương yêu vô đối. Bởi thế, khi ta định tỉnh được rồi, ta sẽ vững bước trên con đường tâm linh, chỉ duy có thương yêu vạn linh hiệp cùng Chí Linh, đó là Đạo.
Kiến độc giác linh huờn đắc đạo,([1])
Hư vô soi sáng nhuận ân Thiên.
Sóng trần mờ mịt. Những nghịch cảnh, những đúng sai, ta khó mà quyết đoán được. Vì trong cái đúng vẫn có sự sai và trong cái sai cũng có khép cầm sự đúng, không ai nhận định chính xác được. Lòng ta khoáng đạt bao dung, xét đoán một việc gì cũng không do ở tư ý, tư tâm của ta thì sự xét đoán ấy mới thật công chánh.
Mọi sư việc đều bao hàm hai mặt ghét và thương. Phải chăng sự ghét thương phát sinh từ hờn giận ghét ganh hay do sự tranh đấu giữa thánh chất và phàm tánh. Đời sống nội tâm bị chia lìa từ khi sự hờn giận buồn vui đã thấm vào chơn tánh. Chỉ khi nào ta nhìn thấy minh sư nơi tận cõi lòng, chứng ngộ được chơn lý đạo đức siêu thoát, thì đời sống nội tâm ta sẽ không còn bị phân chia nữa. Thôi thì ta vui trong đạo lý siêu thoát ấy, lấy nghịch cảnh để đổi lấy đức bao dung khoáng đạt trên bước đường đời giả tạm.
Lý đạo đức thật mầu nhiệm vô cùng, ngôn ngữ ở thế gian không diễn tả hết được ý nghĩa nhiệm mầu của máy linh cơ Tạo. Chỉ có lòng ta mở, tâm ta tìm thì mới chứng ngộ chơn lý siêu thoát ấy.
Mượn ngôn ngữ để gởi khách trao duyên, không để nhằm giáo hóa lòng người, mà để thế nhân tìm hiểu cái sâu thẳm khải phát, cái mà lòng ấp ủ hoặc có sẵn nơi mình mà mình không bao giờ nhớ đến. Đạo lý thâm sâu nơi tận cõi lòng.
Bầu linh hầu đặng tiêu diêu,([2])
Thuyền từ đợi khách giải kiều để chân... ([3])
SỬ KIẾN NGUYÊN
Thánh địa Tây Ninh
tiết Lập Đông năm Kỷ Hợi (2019)



([1]) Câu này ý nói tự mình giác ngộ mà đạt đạo.
([2]) Bầu linh: Nơi chứa chơn linh. Câu này ý nói chơn linh phải tìm cách thoát vòng cương tỏa mà vui thú tiêu diêu.
([3]) Câu này ý nói thuyền bát nhã (thuyền từ) chực chờ rước khách nguyên nhân qua cầu giải thoát (giải kiều) khi tự mình thoát vòng cương tỏa.