Thứ Hai, 9 tháng 3, 2020

MỘT MÓN NỢ TINH THẦN / Đạo Uyển Hạ 2020 (tập 34)


MỘT MÓN NỢ TINH THẦN
TÔ LỆ HẰNG
Tưởng niệm Bác tôi, ngày giỗ thứ ba mươi lăm.
Năm 1973, khi soạn cuốn Nguyễn Hiến Lê, Cuộc Đời Và Tác Phẩm, tác giả Châu Hải Kỳ đã liên lạc nhờ tôi kể lại những kỷ niệm với Bác tôi, tôi hứa nhưng không viết kịp trước khi sách ra đời ([1]) và chỉ biếu được tấm ảnh cuối cùng tôi chụp Bác tôi, đã được chọn làm bìa sau của sách. Mãi đến năm 1996, tôi mới có dịp ra Nha Trang để đến khấn trước bàn thờ Bác Châu, xin tạ tội đã trễ nải. Đến tròn một thế kỷ sinh nhật của Bác tôi, một người cháu họ rủ tôi tổ chức một cuộc nói chuyện với công chúng nhưng cũng không thành. Từ hai năm nay, có hai nhà báo trong nước lại nhờ tôi viết về đóng góp cuả Bác tôi trong việc trí dục thanh niên hay trong văn hóa Việt Nam nói chung. Ngày giỗ thứ ba mươi lăm này của Bác, cho tôi một dịp để trả món nợ tinh thần từ gần nủa thế kỷ nay.
Phần thứ nhất: Kỷ niệm với Bác tôi
Gia đình bên nội tôi sinh sống ở Hà Nội; đến năm tôi mười hai tuổi, tất cả gia quyến chuyển vào Sài Gòn, tôi mới được gặp Bác tôi lần đầu. Ba tôi vốn là con cả trong nhà; Mẹ tôi lại là con út và lúc đó ở trong Nam chỉ còn ông anh trưởng là Bác, nên tôi và hai em quen gọi Người vắn tắt là Bác cũng đủ rõ.
Thường lệ mỗi năm Bác họp gia đình bốn lần: Mồng một Tết với ba ngày giỗ Cụ bà, Ông và Bà ngoại tôi. Trong những dịp này, Bác luôn hỏi thăm việc học của chị em tôi. Chúng tôi còn nhớ hình dáng Bác trong chiếc áo dài the đen như các cụ Đồ xưa, trang nghiêm thắp hương khấn tổ tiên trước bàn thờ đã dọn cơm cúng. Hàng ngày, sống trong “tháp ngà” sách vở Bác chỉ mặc bộ bà ba trắng cho thoải mái.
Bác cho tôi cuốn Muốn Giỏi Toán Hình Học Phẳng ([2]) đúng vào lúc tôi bắt đầu mê Hình Học nên tôi quyết tâm phải làm hết các bài tập trong sách trước khi nghỉ hè. Có hai bài tôi cùng bạn học chung tìm không ra cách giải; bí quá tôi đành dẹp tự ái, đạp xe sang xin Bác giảng cho. Khi tôi tới nơi, Bác ngừng viết ngay, từ tốn nhắc một định lý mà tôi đã không nhớ ra. Về nhà, tôi tự trách đã làm rộn Bác; nhờ đó tôi có được bài học đầu tiên của sự kiên quyết.
Trong hai năm cuối trung học của tôi, Bác và Bác Tuệ ([3]) đã dọn về nhà ở đường Kỳ Đồng rất yên tĩnh nên mỗi dịp hè tôi đều qua bên Bác ở vài tuần để ôn lại bài và học thêm may cắt với Bác Tuệ. Lúc làm xong màn cửa ở phòng ăn, tôi hí hửng khi Bác Tuệ khoe với Bác: “Màn cửa Hằng mới may xong đấy”, thì nghe Bác nhận xét: “Màn chưa đủ cao để che xà treo.” Tôi cụt hứng vì thật ra tôi đã thấy khuyết điểm này, nhưng ngại tháo ra để sửa và cứ tưởng Bác Tuệ hài lòng là xong. Từ đó làm việc gì tôi cũng cố gắng kỹ lưỡng cho hoàn hảo. Bác làm việc gì cũng có sắp xếp rõ ràng, nhất là rất điều độ và đúng giờ, điều mà tôi học mãi không được. Hàng xóm phía sau có trẻ con hay sang nhà Bác chơi. Những buổi chiều, vào giờ Bác nghỉ ngơi, nhìn Bác xoa đầu nựng và cho bánh mấy em bé chừng hai ba tuổi, tôi mới được dịp thấy Bác có nụ cuời tươi nhất, nụ cười nhân từ; không khi nào tôi nghe Bác cười ra tiếng.


Sau khi đậu Tú Tài Hai, cùng lúc trúng tuyển vào Đại Học Sư Phạm ở Sài Gòn, tôi được học bổng toàn phần của chính phủ Việt, để đi học lớp dự bị thi tuyển vào các trường kỹ sư ở Pháp. Mong muốn được du học, nhưng tôi lưỡng lự vì sợ từ trung học Việt ra Pháp văn không trội, lỡ không đậu vào trường kỹ sư ở Paris, bị mất học bổng thì “tiến thoái lưỡng nan”. Chú thứ hai của tôi làm bác sĩ, hứa sẽ nuôi tôi học nốt ở Pháp nếu tôi bị mất học bổng, nhưng tôi không muốn giải pháp này nên đã không nhận lời Chú. Khi biết tôi còn do dự, Bác bảo tôi: “Cháu cứ đi Pháp, nếu lỡ mất học bổng Bác sẽ cho cháu vay để học tiếp. Khi nào ra trường làm việc sẽ trả lại Bác.” Nghe xong tôi nhẹ cả đầu, về nhà ký ngay đơn xin hộ chiếu đi du học. Từ đó, sự tự lập luôn luôn là “kim chỉ nam” trong các lựa chọn của đời tôi.
Hôm tôi sang chào Bác trước khi lên máy bay, Bác chúc tôi thành công và dặn một câu: “Bác biết cháu đã cố gắng để xứng đáng được học bổng chính phủ, nhưng khi thành tài cháu đừng quên món nợ tinh thần với những người dân hiện đang làm việc để cấp học bổng cho cháu.” Ghi nhớ lời này, nên sau 1975 dù gia đình bên nội đã di tản và định cư ở Hoa Kỳ, tôi vẫn về Việt Nam hai lần để thăm Bác và tìm việc làm mà không thành. Rồi khi nghỉ hưu, từ 2004 đến 2014 tôi đã dốc tâm làm việc thiện nguyện cho VINATOM (Vietnam Atomic Energy Institut).
Từ khi vào được trường kỹ sư, trong thư từ trao đổi với Bác, ngoài vắn tắt kết quả việc học, tôi bắt đầu kể thêm về sinh hoạt của tôi, nhất là những cuộc du lịch ngoài nước Pháp trong khuôn khổ trại hè sinh viên. Bác rất chú ý đến các chuyến đi có đề tài, như hè 1966 tôi hái táo trong kibbutz Hagoshrim ở Israël để tìm hiểu sự thành công của các kibbutzim.
Sau khi có bằng kỹ sư, hè 1970 tôi về thăm gia đình. Lúc đó bên nội có ý muốn tôi về Việt Nam xây dựng tương lai và chắc có nhờ Bác khuyên tôi. Bác hỏi tôi: “Bây giờ cháu học xong, có thể lập gia đình, vậy cháu sẽ chọn lựa ra sao?” Tôi hiểu ẩn ý Bác nên trả lời thẳng thắn: “Cháu vẫn còn đang muốn học hỏi thêm và chỉ lập gia đình khi gặp người hợp với cháu.” Bác tôi dặn: “Nếu sau này cháu gặp cả người ngoại quốc và người Việt hợp với cháu thì nên ưu tiên chọn người Việt.” Đó là lần độc nhất Bác cho tôi lời khuyên về đời sống.
Từ trước, Bác chọn cho tôi sách Bác viết. Lần này thấy tôi bắt đầu “người lớn”, Bác bảo tôi vào kho chọn sách tôi thích. Tôi xin hai cuốn Đại Cương Văn Học Sử Trung Quốc ([4]) Sử Ký Tư Mã Thiên.([5]) Từ đó mỗi lần ra sách về Trung Hoa thời cổ, Bác đều dành cho tôi một cuốn với hàng viết tay ở trang đầu: Bản của Lệ Hằng. Với các cuốn sách này, tôi được hiểu biết về cổ học Trung Hoa để xóa bỏ mặc cảm dốt nát về nguồn gốc văn hóa xa xưa của nước mình.
Năm 1979, tôi chọn về Việt Nam đúng ngày giỗ bà ngoại tôi. Bác ra tận sân bay Tân Sơn Nhất với một ông bạn để đón, sợ tôi sẽ bị khó khăn vì mang giùm gần 100kg quà của các bạn bè ở Paris (có thân nhân trong “trại học tập”) gửi. Lúc đó còn thời “bao cấp”, chúng tôi bảo nhau: “Giá mang được cả siêu thị về thì cũng cố mang luôn.” Thấy tôi, Bác rất cảm động và giục: “Cháu lấy hành lý về lẹ lên, kẻo ở nhà Bác gái trông; hôm nay giỗ Bà, nhà chỉ có cháo cúng thôi.” Tôi cười trấn an Bác ngay: “Cháu vẫn còn giữ lối sống sinh viên ‘già’, nhịn cơm rất giỏi.”
Vài hôm sau có nhiều người (và trong số đó có cả họ hàng) thấy tôi mang nhiều hành lý về, tìm đến nhà rủ rê tôi khi trở về Pháp làm “đường dây” buôn bán. Tôi khẳng định ngay: “Gia đình cho tôi đi du học để sau phục vụ Việt Nam, chứ tôi nhất định không bao giờ lợi dụng tình hình để trục lợi.” Lúc biết chuyện này, Bác gật đầu cười và bảo: “Như vậy mới đúng là cháu của Bác.” Lần đầu được Bác khen, tôi phổng cả mũi. Hai mươi năm sau, khi vài người rủ tôi đầu cơ mua đất ở Việt Nam, tôi cũng lại trả lời như vậy, nhưng Bác không còn nữa để nghe tôi “khoe”!
Trong thời gian ở TpHCM, Bác Liệp ([6]) tội nghiệp cháu ở xa về, muốn chiều tôi như thời trước còn chị giúp việc, nhưng Bác nói cứ theo lời tôi xin: Cho tôi chia sẻ hoàn toàn nếp sống của nhà lúc đó. Bác chia việc hàng ngày rất là bình đẳng: Ông lo sách vở và việc bên ngoài cùng lau chùi trên gác, bà lo việc chợ búa cơm nước, lau chùi dưới nhà; quần áo của ông nhất định tự giặt lấy. Bà thương ông làm lọng cọng mà cũng phải “nhường” việc. Mấy hôm tôi về mới được phép “thầu” giặt quần áo và lau chùi cả nhà.
Nhờ có hộ chiếu, tôi được ưu đãi cho phép mua gạo chính phủ: xếp hàng cả ba ngày để nộp đơn, nộp tiền và lĩnh gạo. Không có ba lô, tôi dùng xe đạp (không có “cái chở hàng”([7])) mượn của hàng xóm, mang mấy ký lô gạo về tới nhà. Bác tôi bảo: “Nhà còn gạo ăn, cháu mang cho hàng xóm không có gạo.” Chắc thương hại bộ mặt tiu nghỉu vì công dã tràng của tôi, Bác giải thích: “Cho cháu đi như vậy để cháu rõ đời sống hiện tại.” Mà quả thật, mỗi ngày Bác chú ý hỏi kết quả trong việc tôi đi tìm thăm bà con bạn bè xa gần để giúp đỡ và biết dân tình sống ra sao. Vào buổi cơm tối, Bác chỉ thông tin gia đình hay kể cho tôi về hoạt động văn hóa của Bác thôi.
Thời gian đó, nhà sưu tầm khảo cổ Vương Hồng Sển ([8]) hay đến thăm và cho Bác tôi xem những sách quý đã tìm lại được ở “chợ trời sách Sài Gòn”.([9]) Bác tôi “đáp lễ” lại thăm Bác Sển, và biết tôi thích mỹ nghệ nên nhân tiện cho tôi đi theo, để được nghe “tiếng chuông chùa” phát từ chiếc tô lớn (khi vỗ nhẹ tay bên ngoài tô) vẽ hình mai và hạc, mà Nguyễn Du khi đi sứ Trung Hoa đã được vua nhà Thanh cho đặc ân, được đặt mua đồ làm trong xưởng sứ men lam của vua. Khi tôi xin phép trở lại để chụp ảnh ngôi nhà gỗ cổ của Bác Sển, Bác dặn trước: “Bác Sển rất kỹ tính và kín đáo về đồ cổ. Cháu phải xin phép chụp hình hai Bác Sển trước, rồi sau đó tùy liệu mới có thể xin chụp tư gia.” Đến nơi, Bác Năm Sa Đéc ([10]) viện cớ “già” nhất định không chịu cho chụp hình; còn Bác Sển không những vui vẻ dẫn tôi đi thăm hết nhà, kể cho nghe sự tích từng cổ vật, mà không cần tôi xin lại còn bảo tôi muốn chụp gì cứ tự nhiên. Nghe lời Bác tôi dặn, tôi cảm ơn Bác Sển nhưng không chụp hình mà chỉ xin mỗi lần về Việt Nam được phép lại thăm hai Bác, được nghe lại “tiếng chuông chùa của Nguyễn Du”. Khi nghe “tiếng chuông chùa” này, hồn ta tịnh tâm lắng xuống, thanh thản như lúc chiều tà đi viếng một ngôi chùa cổ về; thành ra tôi thích hơn là “tiếng khánh” từ chiếc tô vẽ hai con rồng (ám chỉ Trịnh Khải và Trịnh Cán) của Trịnh Sâm.([11])
Hôm lấy xe đò theo Bác về Long Xuyên để thăm họ bên ngoại, tôi được thêm một bài học bình đẳng: Hồi đó lưng Bác đau nhiều, đường lại lắm ổ gà lớn xóc rất mạnh, mà trên xe hành khách chỉ có ghế dài bằng gỗ, Bác Liệp dặn tôi mang theo cái đệm ngồi nhỏ cho Bác. Lên xe, lúc đặt đệm Bác nói với đồng hành chung quanh: “Xin lỗi bà con, tôi cần dùng đệm vì mấy hôm nay đau lưng mà cũng phải đưa cháu ở xa về thăm gia đình dưới quê.” Lúc đó tôi nghĩ: Thấy ông già yếu, lên xuống xe cũng phải được nâng dắt thì chắc chẳng ai nỡ phê bình gì.
Nhiệm vụ lớn nhất Bác trao cho tôi lần về này là ra Bắc tìm lại mộ Ông và Bà ngoại tôi, thay Bác làm “bổn phận” mà Bác ao ước hoàn tất đã từ lâu: Ngoài tiền cúng nhà thờ Họ, Bác còn đưa tôi lộ phí nhưng tôi từ chối nói là tự lo được. Bác bảo tôi cứ cầm hết rồi ra Bắc cho lại người nghèo.
Đầu năm 1980 tôi được thư Bác kể chuyện Tết Canh Thân ở Long Xuyên: “Đời sống dân chúng vẫn thiếu kém, ăn Tết nghèo hơn nhiều, nhưng bên Bác Liệp vẫn ấm cúng vì có con cháu và học trò cũ tụ họp đông; nhà mình bàn thờ hương khói lạnh vì không có con cháu nào.” Đọc xong, tôi quyết định sẽ về Long Xuyên ăn Tết Tân Dậu (1981) với hai Bác. Một điều nữa làm tôi hãnh diện hơn cả lúc trình luận án tiến sĩ là Bác kể thêm: “Người thân gặp cháu ai cũng khen cháu rất vui tính cởi mở, quý ở trong cách đối xử cũng như hành động cháu vẫn giữ đúng nề nếp Việt Nam và không ai ngờ cháu đang sống ở Pháp đã gần hai mươi năm nay.” Với bản tính bình thường khá dè dặt, lúc đó tôi mới hiểu thêm là trong hoàn cảnh “dở khóc dở cười” thì với bản năng bảo tồn, chúng ta tự nhiên chọn cười (bằng cách “tự trào”) và nhờ vậy sẽ được lây với chút vui mang lại cho người khác.
Vào Tết Tân Dậu, di chuyển trong Nam vẫn còn khó khăn, nên tôi tiếc phải hẹn trước với hai Bác đã định cư ở Long Xuyên, chứ không biếu được Bác niềm vui ngạc nhiên thấy tôi ngay trước cửa nhà.
Hôm mùng một Tết, sau khi cúng Ông Bà, tôi theo Bác “xuất hành”: Lấy đò đi thăm cù lao gần Long Xuyên mà Bác vẫn hay đi chơi hồi trước. Ở đó có đặc sản là hương cúng. Ngoài sân phơi các hàng bó hương, chân mầu đỏ bó đặt dưới đất, đầu thành tàn tỏa trên không. Thấy tôi trầm trồ trước nghệ thuật thô sơ đó, Bác giảng thêm cho tôi về đời sống quê miền Nam.
Trong chuyến thăm này đại gia đình Bác Liệp cho tôi cảm nhận được tình nồng ấm của dân miền Nam và hiểu tại sao Bác tôi lại quyến luyến với quê hương thứ hai.


Lần này rảnh rang ở nhà, các bạn thân của Bác đều ở trên thành phố, Bác cho tôi nghe băng các bài dân ca Bắc cùng những kỷ niệm xưa. Thấy Bác hay có nét buồn, tôi nói: “Bác đã lập được một sự nghiệp văn chương ít nhất đã có ích cho thanh niên Việt hiếu học. Bây giờ các con cháu cũng đã thành công trên ngành nghề tự chọn. Như vậy Bác không còn phải lo lắng gì nữa để vui hưởng nhàn với cảnh điền viên.” Bác trả lời: “Khi người trong xã hội chung quanh còn sống cực khổ, mình làm sao vui được. Con cháu bây giờ lại ở xa hết.”
Tết xong, tôi sửa soạn ra Hà Nội để được giới thiệu với Đại Học Bách Khoa. Tôi mời Bác Liệp (năm đó đã bảy mươi hai tuổi, suốt đời thanh liêm rất được học trò quý mến) ra thăm đất Bắc lần này vì biết tôi có thể lo được hết, thì được trả lời: “Bác sanh đẻ và làm việc trong Nam (Bác Liệp là cựu hiệu trưởng trường nữ Long Xuyên), đã được đi công tác từ Huế đến Cà Mau mà miền Bắc quê chồng thì Bác chưa được biết, nên khi hôm trước Bác trai từ chối lời mời đi dự Hội Nghị toàn quốc ở Hà Nội, Bác cũng tiếc lắm. Thôi cháu cứ yên tâm ra ngoải một mình đi; Bác không ra cho Bác trai vui lòng.” Lúc tôi xin thêm thì Bác tôi vẫn giữ lập trường: Dù có phương tiện cũng không nên đi chơi trong lúc đời sống dân mình còn khó khăn, để tiền giúp người cần. Lúc đó tôi nghĩ Bác “độc đoán” nhưng cũng hiểu “lời nói phải đi đôi với việc làm” của nhà Nho và phục tình yêu của người phụ nữ Việt Nam xưa (dù có Tây học) đối với chồng. Thế mới biết chiều được lý tưởng của Bác tôi cũng không dễ gì.
Đáng lẽ tôi từ biệt hai Bác ở Long Xuyên, nhưng Bác tôi lại đổi ý: Dù đang mệt, Bác cũng nhất định lên thành phố gặp lại tôi trước khi tôi trở về Paris.
Tôi buồn là lúc ở Hà Nội vào, tuy được mời làm thuyết trình về nhà máy Điện Hạt Nhân ở Lò Đà Lạt, và nhân viên cả hai Viện tiếp đãi rất niềm nở, nhưng tôi không tìm được một dự án làm việc nào cụ thể, nên chắc phải ở lại Pháp cho đến ngày nghỉ hưu. Bác an ủi tôi: “Cháu chịu được kham khổ đấy, nhưng với tính thật tình, thích nói thẳng của cháu mà lại không được tự do phát biểu ý kiến thì liệu cháu có thỏa mãn không? Trường hợp cháu không phải độc nhất và chính phủ muốn có những chuyên gia ngành đặc biệt ở ngoại quốc sẵn sàng làm thiện nguyện có lợi hơn.”
Trước ngày tôi đi Pháp, Bác hỏi thăm tin mới về nhà bác học Andreï Sakharov (1921-1989) lúc đó bị quản thúc ở Gorki (1980-1986). Bác rất hâm mộ các hoạt động của ông tranh đấu cho nhân quyền và nghĩ là với danh tiếng giải Nobel Hòa Bình (1975), chắc không ai dám ám hại ông.


Lúc tiễn tôi ra cửa, lần đầu trong đời tôi thấy mắt Bác ướt; không suy nghĩ, tôi ôm chầm vai Bác và nói: “Thế nào cháu cũng lại về thăm Bác.” Đâu ngờ đó là lần chót tôi nhìn thấy Người.
Ngày giỗ thứ ba mươi lăm của Bác (22-12-2018), anh chị em chúng tôi mỗi người một nơi, không họp được để cùng nhau thắp hương cho Người. Viết xong những hàng này, có chút an ủi là trong lúc trả “món nợ tinh thần” với Bác Châu Hải Kỳ, tôi như được sống lại những giờ phút cuối với Bác tôi…
Phần thứ hai: Những gì tôi đã học được của Bác tôi
Ghi chú: Trong phần này, các câu viết nghiêng để giữa hai dấu ngoặc kép là trích nguyên văn trong Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê.([12])


Sinh thời, Bác tôi khiêm tốn nghĩ ba mươi năm về sau còn có người đọc sách mình là tốt rồi. Vậy mà nay đã qua ba mươi bốn năm, còn có nhà báo nhờ tôi viết về Bác để “góp phần khơi gợi sự quan tâm của bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ, về học giả” thì làm sao tôi từ chối được, dù biết là đời Bác tôi đã kể lại rõ ràng trong ba tập “Hồi Ký” và các tư tưởng của Bác cũng đã được ghi đầy đủ trong các sách xuất bản. Không chuyên về văn chương, tôi phải nhường việc định “tầm vóc và đóng góp của học giả Nguyễn Hiến Lê đối với nền văn hóa miền Nam nói riêng và nước nhà nói chung” cho các chuyên gia về văn học Việt Nam, để chọn “lối thoát” nhỏ hẹp: Viết về những gì tôi đã học được của Bác tôi. Không hề được Bác “giảng luân lý” cho nghe nên tôi chỉ biết chí hướng của Bác qua sách vở và nhất là học cách cư xử trong cuộc sống của Bác.
Trong đời chúng ta, ai cũng có một số giá trị và sở thích để hướng dẫn việc làm của mình. Những điều mà tôi mong nhập tâm, theo được Bác tôi một cách tự nhiên như một phản xạ không cần suy nghĩ là:
* Lời nói phải đi đôi với việc làm vì Bác tôi theo chủ trương “làm rồi mới nói” như vậy lời nói cũng như “đinh đã đóng cột” dù việc có là “nói dễ hơn làm”, cũng như khi muốn trách ai một điều gì ta phải chắc chắn nếu ở vào hoàn cảnh người đó, ta hành xử theo đúng được như lời mình dùng để chê trách.
“Chỉ nên hưởng cái phần xứng đáng với tài đức của mình thôi.”
Năm 1978, học giả Đào Duy Anh (1904-1988) hỏi tại sao Bác tôi từ chối được vào bệnh viện Thống Nhất (dành cho cán bộ cao cấp ở Tp.HCM) để chữa bệnh, Bác trả lời: “Tôi có công gì với cách mạng đâu mà vô đó nằm?” Ba mươi năm sau, tôi về Hà Nội để dự buổi Đại Sứ Quán Pháp trao tặng các Viện Hạt Nhân Việt Nam cuốn Thuật Ngữ Công Nghệ Điện Hạt Nhân, mà tôi đã dịch thiện nguyện (hoàn tất cũng vào ngày giỗ Bà ngoại tôi, năm Mậu Tý, 2008) cùng với một anh đồng nghiệp cũ, đã có công giúp tôi tập viết lại tiếng Việt nhân việc dịch sách này. Nhân dịp tôi đến VARANS (Vietnam Agency for Radiation and Nuclear Safety) để bàn về dự án lớp đào tạo kỹ sư an toàn hạt nhân cho Viện, ông Viện Trưởng ngỏ lời mời tôi và một bạn cùng sở cũ ở Pháp về họp, đi chơi Hạ Long, tôi vội cảm ơn và từ chối ngay với lý do dự án chưa thành, tôi hẹn khi nào công tác thiện nguyện có kết quả tốt cho VARANS rồi Viện hãy thưởng cho tôi đi tham quan.
* “Khi đã đủ ăn rồi thì đừng nên làm giàu, phải để thì giờ làm những việc hữu ích mà không vì danh và lợi. Giá trị của ta ở chỗ làm được nhiều việc như vậy hay không.”
Bác tôi tin là “cây bút” của mình có ích cho thanh niên hơn là dạy học nên đã có lúc từ chối chức giáo sư ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Khi thấy “đủ ăn”, Bác trao việc phát hành sách của mình cho các nhà chuyên nghiệp và chỉ còn tự xuất bản lấy những cuốn không ai nhận vì sợ bị lỗ; Bác để hết thì giờ viết sách, ngay cả những cuốn rất “kén độc giả”. Tôi thì ngoài nghề kỹ sư trong một cơ quan của chính phủ Pháp, chỉ nhận làm việc thiện nguyện tư vấn, viết tài liệu phổ biến kiến thức về Điện Hạt Nhân cho VINATOM.
* “Biết đắc nhân tâm, nhưng cũng có lúc phải tỏ nỗi bất bình của mình mà không sợ thất nhân tâm.” 
Những bài tiểu luận “bút chiến” của Bác, đăng trên Bách Khoa từ năm 1960 đến 1975 về các việc thời sự, đã chứng tỏ điều này. Riêng tôi nhiều lần cũng đã phải “tranh đấu” đòi thà không cho đăng một bài phỏng vấn tôi còn hơn là để tòa soạn sửa ngược ý tôi (thí dụ, thay lời tôi nói: “… Tôi chỉ chuyên về an toàn hạt nhân nên vẫn còn những thắc mắc trên. Cho tới khi được trả lời rõ ràng những điều đó, tôi chỉ dám nhận công việc thiện nguyện phổ biến kiến thức bằng cách dịch sách chuyên môn hay viết các bài thông tin về an toàn nhà máy Điện Hạt Nhân mà thôi” bằng đoạn: “… Tôi sẵn sàng tham gia quá trình khó khăn này nếu được Chính Phủ Việt Nam mời. Trước mắt, tôi đang dịch sách chuyên môn sang tiếng Việt và viết bài về an toàn nhà máy Điện Hạt Nhân, coi đấy như thiện nguyện phổ biến kiến thức cho quê nhà.” 
* Khi phải làm một việc gì thì “làm ngay, làm đàng hoàng, làm cho xong”, như vậy mới có được kết quả tốt. Để viết tác phẩm cuối cùng Sử Trung Quốc (1982), Bác tôi đã tham khảo gần năm mươi bộ sách cả Á lẫn Âu (với tài liệu chót ấn hành vào cuối năm 1981) để có được những thông tin đầy đủ kết quả mới nhất lúc đó của ngành khảo cổ. Riêng tôi cũng theo nguyên tắc này trong lúc làm việc.
Ngoài những quy tắc sống trên, có những tư tưởng của Bác mà tôi hoàn toàn đồng ý:
- “Chúng ta làm điều phải vì tin nó là điều phải chứ không phải vì ý muốn của Thượng Đế hay một vị thần linh nào, cũng không phải vì mong chết rồi được lên Niết Bàn hay Thiên Đàng.” Tuy sống theo đạo đức nhà Nho, chống lối cúng bái của các chùa đại thừa (Bác tôi không khi nào vào lễ chùa mà chỉ đi thăm phong cảnh, kiến trúc cũng như đã dặn kỹ gia đình về sau không được xin lễ cầu siêu cho Bác); tuy không tìm hiểu nhiều về Phật Giáo, nhưng quan niệm này của Bác rất gần với triết lý sống của Phật Giáo Nguyên Thủy theo như Phật Thích Ca dạy.
- “Khuyên con cháu đừng làm chính trị, nhưng nếu làm thì luôn luôn phải đứng về phía nhân dân” bởi vì các chính trị gia thời này ai cũng hứa hẹn tốt để được trúng cử rồi khi nắm quyền chỉ cố làm sao để giữ chức lâu thôi. Tất cả chủ trương chính trị của Bác tôi có thể tóm tắt: Làm sao để cho dân được sống no ấm dưới một chính thể tự do. Đọc nhan đề tiểu luận Con Đường Hòa Bình (Sài Gòn: Nxb Lá Bối, 1971), chúng ta có thể chờ đợi một đề nghị về chính sách, nhưng không: Bác chỉ đề cao “tinh thần bao dung của tổ tiên ta” và chứng minh tất cả các “ý thức hệ” về tôn giáo hay chính trị đã bị người ta dùng làm lý do để tranh chấp, đâm chém nhau từ bao nhiêu thế kỷ nay.
- Bác tôi: “Sách nào cũng muốn đọc, môn nào cũng muốn biết và hễ thấy đề tài nào lý thú có ích thì tìm hiểu; rồi truyền điều hiểu cho độc giả.” Trước 1975, hàng năm Bác tôi đều đặt của các nhà xuất bản Pháp danh mục các cuốn sách ra trong mỗi tháng để lựa chọn đặt mua. Bác viết không những nhiều đề tài mà còn đã được khen là biết dung hòa Âu Á để theo được tiến bộ mới và vẫn giữ được các truyền thống của dân Việt. Lúc về sau, Bác thường bảo con cháu, ở nơi không dùng âm lịch thì làm giỗ ông bà theo ngày dương lịch cho dễ.
- Tinh thần viết văn của Bác tôi “có mục đích rõ rệt là phục vụ trong việc mở mang kiến thức cho thanh niên”. Mục đích này đã được đền đáp bằng hai kết quả là: quần chúng thường biết Bác như tác giả đầu tiên ở Việt Nam về loại sách “Học làm người” và những cuốn này cũng có nhiều người đọc nhất.
Tuy nhiên trong cả đời trứ tác, Bác đã bỏ khoảng một phần ba thời giờ để hoàn thành hai mươi tác phẩm (trong tổng số một trăm hai mươi) về cổ học Trung Hoa và được “nhà văn Võ Phiến ([13]) bảo: Từ trước tới nay chưa có học giả nào, cựu học và tân học, mà có công giới thiệu cổ học Trung Hoa bằng ông Nguyễn Hiến Lê.” Nhờ đọc những cuốn khảo cứu tỉ mỉ và được phổ thông hóa với lối trình bầy mới, mà tôi đã có can đảm lao vào tìm hiểu một lĩnh vực tôi hoàn toàn mù tịt vì thiếu căn bản Hán văn. Nhớ lại: Hè 1928 Bác tôi về Phương Khê để học thêm chữ Hán với Ông Bác Hai, nhờ đó bốn mươi hai năm sau tôi mở thêm được kiến thức về Hán học, một thế hệ lại qua… Bác tôi đã được thỏa nguyện vọng “kế vãng khai lai” ([14])“Chúng ta được hưởng công lao, di sản của biết bao thế hệ thì phải duy trì di sản đó và cải thiện nó tùy khả năng mỗi người.”
Nhân cách và trí năng của Bác đã thu hút tôi rất nhiều. Tuy thời gian được sống gần Bác rất ít, nhưng bấy nhiêu điều học được cũng đủ giúp tôi chọn một lối sống tinh thần phong phú, trọn vẹn với lương tâm và vui vì trong đời tôi vẫn còn rất nhiều điều để học hỏi.
TÔ LỆ HẰNG
Bài do tác giả gởi Đạo Uyển,
ngày 24-12-2019, từ Paris.


Đạo Uyển chú:
([1]) Châu Hải Kỳ (1920-1993), Nguyễn Hiến Lê: Cuộc Đời Và Tác Phẩm. Hà Nội: Nxb Văn Học, 1993.
([2]) Nguyễn Hiến Lê soạn, in lần đầu năm 1956.
([3]) Ông Nguyễn Hiến Lê và cô Trịnh Thị Tuệ lập hôn thú bậc một năm 1937.
([4]) Nguyễn Hiến Lê soạn, ba quyển, in lần đầu năm 1955.
([5]) Nguyễn Hiến Lê dịch chung với Giản Chi (thế danh Nguyễn Hữu Văn, sinh 1904, mất 22-10-2005). Sách in lần đầu năm 1970.
([6]) Ông Nguyễn Hiến Lê lập hôn thú bậc hai với cô giáo Nguyễn Thị Liệp (1909-1999) năm 1956 tại Long Xuyên. Ở miền Nam, mãi tới ngày 02-01-1959 mới có Luật Gia Đình hủy bỏ việc lập hôn thú bậc hai. Ở miền Bắc, mãi tới ngày 29-12-1959 mới có Luật Hôn Nhân Và Gia Đình hủy bỏ hôn thú bậc hai.
([7]) Tiếng Pháp là porte-bagages, từng được Việt hóa thành poọc-ba-ga ở trong Nampoóc-ba-ga ở ngoài Bắc.
([8]) Vương Hồng Sển, bút danh Anh Vương, Vân Đường, Đạt Cổ Trai, sinh 27-9-1902, mất 09-12-1996.
([9]) Ở đường Cá Hấp (tức Bùi Quang Chiêu, nay là Đặng Thị Nhu, quận 1).
([10]) Năm Sa Đéc là nghệ danh của bà Nguyễn Kim Chung (1907-1988), danh tài miền Nam trong các lãnh vực hát bội, cải lương, kịch nói, phim ảnh... Bà là bạn đời ông Vương Hồng Sển.
([11]) Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm (1739-1782) làm chúa thứ tám của họ Trịnh, cầm quyền ở miền Bắc Đại Việt thời nhà Lê trung hưng. Con trai của Sâm và Tuyên Phi Đặng Thị Huệ là Điện Đô Vương Trịnh Cán (1777-1782) làm chúa thứ chín. Trưởng nam của Sâm và Quý Phi Dương Thị Ngọc Hoan là Đoan Nam Vương Trịnh Khải, tức Trịnh Tông (1763-1786) làm chúa thứ mười. Vì hai mẹ con Khải không được Sâm sủng ái, nên tuy là trưởng nam mà Khải lại nối ngôi chúa sau Cán (sau khi Sâm mất).
([12]) Hồi Ký này (gồm ba tập) đã được nhà xuất bản Văn Nghệ tại Nam California ấn hành lần đầu vào năm 1988.
([13]) Võ Phiến, bút danh của Đoàn Thế Nhơn (1925-2015), là nhà văn, dịch giả, phê bình văn học nổi tiếng ở miền Nam trước 1975.
([14]) Kế vãng khai lai 繼往開來: Nối tiếp người trước và mở lối cho người sau, tức là bắc cầu giữa hai thế hệ, hai thời đại.