Thứ Hai, 9 tháng 3, 2020

NGÔI TRƯỜNG CỦA MẸ / Đạo Uyển Hạ 2020 (tập 34)




NGÔI TRƯỜNG CỦA MẸ
TRẦN HUIỀN ÂN
Hồi ấy, làng Vân Hòa ([1]) của tôi có trường công liên hương([2]) tại ấp Phước Hậu, nhưng làng quá rộng, từ nhà tôi ở ấp Bình Trị, hay ấp Bình Điền lân cận đến Phước Hậu đi bộ mất nửa buổi, vì vậy đa số trẻ con hai ấp này không đi học được. Nhỏ tuổi thì không đủ sức đi, tìm nhà quen gởi trọ cũng bất tiện. Lớn lên một chút thì còn lo giúp đỡ công việc gia đình, chăn trâu, dọn vườn, bẻ thơm… ([3]) Để giải quyết việc này, cha tôi xin phép mở một “gia đình học hiệu” và cất gian trường bên cạnh nhà. Tuy nói là gia đình học hiệu nhưng thực tế cha tôi tìm thầy mời về dạy chương trình lớp Năm và lớp Tư ([4]) cho cả trẻ con hai ấp Bình Trị, Bình Điền. Tôi còn nhớ thầy Vưu người Tuy Hòa và thầy Liên người tận ngoài Quảng Bình. Mẹ tôi có một gánh hàng xén, bán tại nhà và mỗi tháng chín phiên bán ở Chợ Đồn. Mọi chi phí cất trường, đóng bàn ghế, bảng đen, mua sổ sách bút mực cho thầy, việc ăn ở của thầy tại nhà tôi đều do mẹ tôi lo liệu, trích từ lợi tức trong gánh hàng xén ấy. Giữa tháng mẹ tôi “kiểng” thầy số tiền lương.
Học sinh chẳng những được học miễn phí, không phải đóng góp một khoản nhỏ nào, còn được tổ chức sinh hoạt như trường công, có bầy đàn, ca hát, tập các trò chơi, tìm dấu đi đường… Mấy môn này thì trẻ con thôn quê dễ rành lắm. Thay vì công bố vị thứ hàng tháng mẹ tôi xin thầy công bố vị thứ hàng tuần vào mỗi chiều Thứ Bảy. Trò nào học giỏi được thưởng. Phần thưởng là giấy manh,([5]) thước gạch, bút chì, ngòi viết và mực viên… cũng do mẹ tôi cung cấp. Lúc đó chưa có tập vở, học trò dùng giấy manh đóng vở, tự gạch dòng bút chì để chép bài, làm bài. Ngòi viết có nhiều loại, chúng tôi gọi theo hình dạng là ngòi viết lá tre, ngòi viết rông,([6]) ngòi viết bầu và ngòi viết ễn. Mực viên dùng hai màu xanh và tím, một loại giống như viên thuốc aspirine, một loại viên hơi tròn. Mấy trò thường xuyên được thưởng thì giấy bút mực dư học cả năm, khỏi phải mua. Học ở đây xong, đứa nào cha mẹ cho học tiếp thì ra Phước Hậu vào lớp Ba, đứa nào không có điều kiện phải ở nhà thì cũng ít nhiều đã biết đọc biết viết.
Hai anh em tôi nhỏ nhất, cùng học một lớp. Thầy cho ra chơi là chạy vào nhà tìm kẹo bánh. Tôi rất thích loại kẹo bạc hà đựng trong ve thủy tinh hình giống như trái bầu, mỗi lần đi Dinh ([7]) mẹ tôi mua về cho một vài ve. Cùng lớp, có mấy trò con trai ở Bình Điền lớn tuổi, đứng gần bằng thầy, dân làm ruộng đen thui và chắc nịch. Mấy trò con gái dân Xóm Chợ thì trắng trẻo ẻo lả… Chúng tôi hơn họ ở chỗ có một bộ “giáo khoa thư” và nhiều lúc được mẹ lật sách ra chỉ cho những hình vẽ, giảng giải. Thành ra trước khi biết chữ anh em tôi đã thuộc lòng, tranh nhau đọc câu: “Sách này do Nha Học chánh Đông Pháp giao cho các ông Trần trọng Kim, Nguyễn văn Ngọc, Đặng đình Phúc và Đỗ Thận soạn.([8]) Nhà nước giữ bản quyền. Cấm không ai được in lại”, đã có những tờ tranh vẽ hình bà Trưng bà Triệu cỡi voi, ông Đinh Bộ Lĩnh bẻ bông lau làm cờ đánh giặc…
Học hai mươi bốn chữ cái rồi vần xuôi, vần ngược, ráp vần, tập đọc… Vần xuôi nghe như cầu kinh, vần ngược nghe như thần chú. Khi biết đọc sách, chỗ nào không hiểu tôi đem hỏi mẹ, được mẹ giảng giải rõ ràng. Bây giờ đã quên hết, chỉ còn nhớ hai chuyện. Chuyện thứ nhất, trong sách có hình vẽ một ông cỡi ngựa và nhiều người đang cuốc đất gánh đất hay làm gì đó, ghi là Chánh tổng coi đê. Con đường trước nhà tôi thỉnh thoảng có đồng bào dân tộc thiểu số cỡi voi đi qua. Voi, gọi là “ông bồ” tai to vòi dài… lạ lắm, cách ăn mặc của “thằng nài”, cái ống điếu, tiếng nói lơ lớ…cũng lạ lắm, vui lắm. Lúc ấy thường gọi chung đồng bào các dân tộc thiểu số là “người Đê”. Mỗi lần như vậy lũ trẻ chúng tôi gọi nhau đi “coi Đê”. Tôi lấy làm lạ, tại sao ông chánh tổng cũng đi “coi Đê” như lũ nhóc chúng tôi. Mẹ tôi mới giảng cho biết về những con đê bên sông ngoài Bắc, trong hình là ông chánh tổng đang trông coi dân chúng đắp sửa đê. Chuyện thứ hai, khi đọc bài Trầu Cau có câu “… người vợ chết hóa ra dây trầu không leo ở cây cau…”. Rõ ràng trong hình vẽ dây trầu quấn vào cây cau, sao lại nói dây trầu không leo ở cây cau? Mẹ tôi giảng lại cho biết, xứ mình gọi là dây trầu thì ngoài Bắc gọi là dây trầu không.
Trong một năm thầy Liên dạy chúng tôi học hết chương trình lớp Đồng Ấu và Dự Bị để ra trường công liên hương học lớp Sơ Đẳng (lớp Ba). Đầu năm 1945, chuẩn bị thi bằng Sơ Học Yếu Lược, mỗi trò được cấp một giấy căn cước, dưới có chữ ký quan Tuần Vũ tỉnh Phú Yên Trần văn Lý. Chữ ký dài, đầy đủ và rõ ràng, gần chữ v (văn) có một chữ v khác bằng bút chì màu đỏ. Tôi nói với mẹ: Quan Tuần Vũ ký sai phải sửa lại chữ v. Mẹ tôi giảng cho biết đó là chỗ một thầy thông thầy phán đã xem trước, thấy đúng, làm dấu để quan Tuần Vũ ký chứ không phải sai và sửa.
Tôi nhớ mãi chuyện này vì đây là lần cuối cùng chuyện trò cùng mẹ. Học lớp Ba tôi phải ở trọ, Chủ Nhật sau về thì mẹ tôi bệnh, rồi bệnh nặng và qua đời. Đau thương trùm lên gia đình tôi. Tiếp theo là những biến cố dồn dập của đất nước… Gia đình tôi rời khỏi làng Vân Hòa và xa cách mộ phần mẹ.
Bây giờ, mỗi khi hồi ức về mẹ, tâm tưởng tôi vẫn là tâm tưởng đứa trẻ lên bảy lên tám… Tôi tự hỏi: Bao nhiêu bạn bè thời thơ ấu ấy, nay ai còn ai mất, ai lưu lạc phương trời, ai đang ở làng quê, ai đã thành ông bà nội ngoại, kẻ giàu sang, người nghèo khó… Giữa bao nhiêu bận rộn của cuộc sống, có lúc nào họ nhớ lại những ngày học tại “nghĩa thục” của mẹ tôi không? Có lúc nào họ nhớ lại hình ảnh mẹ tôi không? Tôi nghĩ rằng họ không phải là kẻ bạc.
TRẦN HUIỀN ÂN (2000)
PHỤ ĐÍNH
1. Làng Vân Hòa: Thuộc tổng Sơn Xuân, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Làng có bốn ấp Bình Trị, Bình Điền, Phước Hậu, và Tây Phước. Ấp Bình Trị có chợ Đồn. Chợ Đồn thành địa danh cho ấp Bình Trị. Đây là ấp quan trọng hơn hết của làng, nhưng nhiều người không biết tên Bình Trị, thường dùng các tiếng Đồn, Chợ Đồn, hay Đồn Vân Hòa để gọi nơi này. Cuối năm 1945 (thời Việt Minh) giải thể cấp tổng. Năm 1946 hai ba làng nhập thành một xã. Năm 1949 nhập xã lần thứ hai. Lúc này trên địa phận tổng Sơn Xuân cũ có ba xã: Sơn Xuân, Sơn Long, và Sơn Định. Làng Vân Hòa cùng với các làng Phong Cao và Trung Trinh thuộc xã Sơn Long. Xã Sơn Xuân gồm các làng Lương Sơn, Xuân Sơn, và Hòa Nguyên.
2. Việc học quốc ngữ thời Nam triều tại Trung Kỳ: Chỉ có Vinh, Huế và Qui Nhơn có trường trung học (collège). Các tỉnh khác thì tại tỉnh lỵ, huyện lỵ và khu đông dân cư có trường tiểu học (école primaire), các tổng có trường sơ học (école élementaire) hoặc công liên hương (école intercom-munale), các làng có hương trường (école communal).
3. Dinh: Lúc ấy nội thị Tuy Hòa gọi là Dinh, chợ Năng Tịnh là chợ Dinh, tháp Nhạn là tháp Dinh. Đi Tuy Hòa nói là “đi Dinh”.
4. Trái thơm: Từ 1960 về trước, xóm Chợ Đồn (làng Vân Hòa) và xóm Trại Cháy (làng Lương Sơn, xã Sơn Xuân) là hai nơi trồng thơm có tiếng ở Phú Yên. Thơm trồng trong vườn có cây che tàn không bị háp nắng. Thơm nơi khác trồng trên đất gò, gọi là thơm gò, không ngon bằng. Hai bên lá thơm rất nhiều gai răng cưa. Một loại thơm lá không gai gọi là thơm trơn, không ngọt bằng. Một loại thơm trái lớn hơn, chín chậm hơn, ruột trắng giòn, ít ngọt, gọi là thơm trù trì. Trù trì là chậm chạp. Khi trái thơm lớn bằng cổ tay người ta phải bẻ bỏ phần trên gọi là đầu thơm, để cây có đủ sức nuôi trái thơm lớn và tròn; cùng lúc với việc dọn vườn, cắt bỏ những dây, cây nhỏ quanh bụi thơm cho được thoáng. Dọn vườn, bẻ đầu thơm phải mặc áo tay dài, quấn bàn tay lại để khỏi bị gai thơm chích chảy máu các ngón tay. Những năm 1960-1975 Chợ Đồn trong vùng căn cứ MTGPMN, vườn thơm bị phá để trồng sắn (khoai mì); sau năm 1975 không trồng lại thơm nên bây giờ Chợ Đồn không còn thơm, chỉ ở xóm Trại Cháy còn một phần. Nay, những nơi trồng khóm không bẻ đầu như bẻ đầu thơm.
TRẦN HUIỀN ÂN
(03-11-2019)


Đạo Uyển chú thích:
([1]) làng Vân Hòa: Xem Phụ Đính cuối bài.
([2]) trường công liên hương: Trường nhà nước mở chung cho các làng ở gần nhau. Xem thêm Phụ Đính cuối bài.
([3]) trái thơm: Trái thơm to hơn trái khóm, các mắt trái thơm thưa, giãn và lá thơm không có gai. Trái khóm thường nhỏ, khoảng non 1kg, và mép lá khóm có rất nhiều răng cưa (gai); khóm ăn ngọt hơn thơm. Miền bắc gọi chung thơm và khóm là quả dứa. Xem thêm Phụ Đính cuối bài.
([4]) lớp Năm, lớp Tư, lớp Ba, lớp Nhì, lớp Nhứt: Năm lớp bậc tiểu học từ thấp lên cao. Từ niên khóa 1970-1971 (ở miền Nam) gọi là lớp Một, lớp Hai, lớp Ba, lớp Bốn, lớp Năm.
([5]) manh: Do tiếng Pháp là main. Một xấp (thếp) giấy manh (une main de papier) thường gồm hai mươi hay hai mươi lăm tờ đôi. Học trò tự vô bìa và đóng lại thành tập vở.
([6]) rông: Do tiếng Pháp là ronde. Ngòi viết to nét dùng để viết chữ kiểu cọ như họ tên, nhan đề bài học…
([7]) Xem thêm Phụ Đính cuối bài.
([8]) Trần trọng Kim, Nguyễn văn Ngọc, Đặng đình Phúc: Cách viết họ tên thuở xưa, không viết hoa chữ lót.