Thứ Hai, 9 tháng 3, 2020

CHỈ CÓ VĂN MINH ĐẠO ĐỨC MỚI ĐEM ĐẾN AN BÌNH CHO THẾ GIỚI / Đạo Uyển Hạ 2020 (tập 34)


CHỈ CÓ VĂN MINH ĐẠO ĐỨC MỚI ĐEM ĐẾN AN BÌNH CHO THẾ GIỚI
TRẦN THANH TẠO
I. Nền văn minh hiện đại và thời kỳ khoa học vật chất phát triển
Trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 này với sự phát triển không ngừng của khoa học hiện đại đã tạo cho loài người xích lại gần nhau hơn. Đây là thời kỳ “năm châu chung chợ, bốn biển chung nhà”. Các nền văn minh được chia sẻ rộng rãi với toàn thế giới. Xin lược qua một số thành tựu mà loài người đạt được.
Công nghệ thông tin - truyền thông: Mọi người trên thế giới này đều có thể kết nối với nhau qua điện thoại, video, e-mail (thư điện tử) rất nhanh chóng thuận tiện. Hệ thống chia sẻ dữ liệu thông tin bằng công nghệ “điện toán đám mây” đưa nhân loại đến kho tàng dữ liệu vô cùng tận. Các thiết bị cầm tay như iPad, iPhone giúp ích mọi người tra cứu tài nguyên của nhân loại bất cứ nơi nào.
Y học: Khoa học hiện đại có thể ghép hoặc thay được nhiều bộ phận của con người (tim, gan, phổi…); điều trị được nhiều bệnh mà trước đây không điều trị khỏi (lao, cùi…); bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh từ xa; công nghệ làm chi giả (Active Bionic Prosthesis); kỹ thuật chụp cộng hưởng từ các chức năng của não (MRI); phẫu thuật bằng robot, laser…
Địa chất: Loài người có thể khoan dưới lòng đất, lòng đại dương để khai thác tài nguyên khoáng sản. Nhật Bản vừa qua đã khoan giếng ngầm dưới biển với tổng chiều sâu đến 7.740m.
Khoa học vũ trụ: Loài người đã sản xuất nhiều vệ tinh để đo đạc, phân tích thời tiết khí hậu với độ chính xác cao; chụp ảnh được hầu hết các nơi trên trái đất; sản xuất được phi thuyền có khả năng đi đến mặt trăng, sao Hỏa…
Khoa học sử dụng cho chiến tranh: Nhiều công nghệ cao được sử dụng trong chiến tranh như bom hạt nhân, tàu ngầm, tên lửa, máy bay không người lái, và mới đây Mỹ còn phát triển vũ khí bằng tia laser…
Vật lý hạt: Hai nhà khoa học François Englert (Bỉ) và Peter W. Higgs (Anh) đồng nhận giải thưởng Nobel Vật lý 2013 với khám phá ra hạt Higgs (boson Higgs), còn gọi là hạt của Chúa (God particle)…
Nhìn chung trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 này, loài người có một nền văn minh khoa học vật chất tột bật. Tuy nhiên, nền văn minh vật chất và văn minh đạo đức không được phát triển đồng đều. Loài người đang bị cuốn hút theo nền văn vật chất trong lúc nền văn minh đạo đức bị lu mờ.
II. Nhận định văn minh hiện đại theo thánh giáo Cao Đài
1. Chỉ có nền văn minh vật chất thì không thể đem lại cho thế giới an bình, hạnh phúc.
Nguyên nhân vì sao? Đức Bạch Phụng Đồng Tử dạy:
Truy nguyên bệnh vì chưng tập quán
Vì thói hư làm loạn dân lành
Nỗi vì học thuyết cạnh tranh
Nỗi lòng chuyên chế, nảy sanh cường quyền.([1])
Khoa học hiện đại rất phát triển. Từ y học, sinh học, công nghệ thông tin, khoa học vũ trụ… đều đem lại những thành quả rất đáng khâm phục. Tuy nhiên các thành quả đó chỉ đáp ứng cho một số nhóm người chứ chưa làm cho mọi tầng lớp con người có cuộc sống hạnh phúc, an lành. Người nghèo chỉ hưởng thụ một phần rất nhỏ trong sự phát triển đó mà thôi.
+ Học thuyết cạnh tranh đang làm ảnh hưởng những thành quả của phát minh công nghệ.
Ví dụ 1: Ngành y học rất phát triển nhưng người nghèo không có tiền thì không thể mổ tim, hay thay thủy tinh thể… Hiện nay người bệnh ung thư phát hiện sớm tại Việt Nam phải điều trị tại Singapore phải trả tối thiểu trên ba tỷ đồng cho một đợt điều trị. Vậy bao nhiêu phần trăm người bệnh ung thư được hưởng nhờ thành quả y học đó?
Ví dụ 2: Nền công nghệ quốc phòng được cho là phát triển trước công nghệ dân sự khoảng hai mươi năm. Nếu tính sơ thì công nghệ quốc phòng Mỹ đi trước Việt Nam từ năm mươi đến một trăm năm. Nhưng những thứ công nghệ đó đâu đem được sự an bình cho thế giới. Tiêu diệt loạn này thì phát sinh loạn khác; dẹp được giặc này thì nảy ra giặc khác.
+ Vì tập quán, vì màu da sắc tóc, vì phân biệt tôn giáo, vì cường quyền gây nên chia rẽ, hận thù biết bao thế hệ. Mà người phải đón nhận sự đau khổ đó chính là những dân lành.
Ví dụ 3: Tại IraqSyria, một tổ chức Islam cực đoan đã thành hình Nhà Nước Islam (IS: the Islamic State). Vì phân biệt tôn giáo, màu da, sắc tóc mà họ thực hiện các vụ chặt đầu man rợ, những vụ giết người tập thể… gây nên biết bao đau thương, tang tóc cho những người dân vô tội.
Đức Bạch Phụng Đồng Tử than thở:
Nỗi chủng tộc chia riêng sắc giống
Nỗi liệt cường mạnh sống, yếu thua
Than ôi! Căn bệnh khôn ngừa
Nên tuồng giết lẫn sớm trưa diễn hoài.([2])
Từ văn minh vật chất đó, con người bị cuốn hút, lao vào vòng lẩn quẩn. Quanh năm suốt tháng vét hết thể lực, trí lực để tạo ra của cải, vật chất. Người người không có thời gian nghỉ ngơi, tịnh dưỡng. Rồi mê muội theo sự cám dỗ của đồng tiền, suốt cả cuộc đời lăn lộn với đống tiền của, giành giựt, chiếm đoạt để có thật nhiều tiền của mà suốt cuộc đời cũng không biết tiêu dùng sao cho hết số của cải ấy.
Ơn Trên dạy rằng thế gian là cõi tạm nhưng cũng là trường thi công quả để con người học tập, thực hành nhằm tiến hóa lên các phẩm vị thiêng liêng. Nhưng con người vì quá say mê vật chất mà quên đi đạo đức, nên suốt đời chìu lòn theo miếng mồi vật chất, đỉnh chung, danh lợi.
Đức Kim Quang Thánh Mẫu dạy:
Sóng văn minh ba đào lã chã
Nhìn chúng sanh lạc ngả lầm đường
Mấy ai biết đạo luân thường
Biết gìn dưa muối, rau tương mặn nồng.
Hỡi chúng sanh! Chim lồng cá chậu
Kiếp mấy năm cũng dẫu tranh cường
Tang điền mà biến hải thương
Cũng vì vạn loại mến đường tà tây.([3])
Trước sự mê muội của nhân loại, Thầy dạy:
Càng trông lại, càng thôi nao nức
Biết nhờ ai đạo đức an bình
Đời ôi! Đời nói văn minh
Văn minh thêm dể thêm khinh cho người.
Đời chẳng biết hổ ngươi cũng giỏi
Nghe văn minh cũng gọi văn minh
Văn minh càng lắm càng sinh
Càng sinh thế giới đao binh dẫy đầy.
Văn minh hỡi, có hay chăng nhỉ?
Văn minh sao chung thủy biệt phân. . .([4])
Tóm lại:
Cuối hạ nguơn nầy, nhơn loại phần nhiều dụng hết tinh thần xu hướng vào lối văn minh vật chất; món ăn sẵn đủ sơn trân hải vị; chỗ ở lại nguy nga đài các; y phục tiện dùng gấm nhiễu che thân, thậm chí ra một tấc đường vẫn có ngựa xe đỡ gót. Cái lạc thú hiện thời trên cõi tạm nầy làm cho con người mê mẩn; rồi đua chen nhau tranh giành phúc lộc; lăng xăng xạo xự trên chốn võ đài; mạnh đặng yếu thua; khôn còn dại mất. Phần đông bực thông minh, lại đem cả trí khôn làm món binh khí hại người; kẻ tước trọng thêm dùng hết thế quyền ép dân đen ra bạc trắng. Quanh năm cứ lo cho xác thân hưởng điều khoái lạc, vợ ấm con no, được ngày nào vui ngày nấy; cho kiếp chết là kiếp mất; gọi thiên đường, địa ngục là câu chuyện hoang đàng. Bậu bạn lỗi câu tín nghĩa, vợ chồng quên đạo tào khương; mảng vụ chữ kim thời mà phong dời tục đổi. Than ôi! Lượn sóng văn minh tràn dập tới đâu thì nền luân lý ngửa nghiêng tới đó.
Nếu Ðạo Trời không sớm mở lần ba, nền phong hóa, mối cang thường sau nầy phải vì đó mà hư hoại.” (Lời Tựa, Thánh Ngôn Hiệp Tuyển)
2. Ơn Trên dạy phải xây dựng nền văn minh bằng đạo đức, tinh thần làm nền tảng. Thầy dạy phải xây dựng văn minh đạo đức tinh thần làm làm nền tảng thì thế giới mới được thái bình lạc nghiệp:
Văn minh hỡi, có hay chăng nhỉ?
Văn minh sao chung thủy biệt phân
Văn minh đạo đức, tinh thần
Văn minh ấy mới thiệt phần văn minh.
Văn minh đặng thái bình lạc nghiệp
Văn minh nầy đáng kiếp văn minh
Đời ôi, đời biết trọng khinh
Đời ôi, đời biết văn minh thế nào!
Đem đạo đức hô hào rải khắp
Kêu chúng sinh thất thập nhị cầu
Biết lo thức tỉnh hồi đầu
Biết tìm Đạo chánh cao sâu độ đời. ([5])
3. Trên nền tảng văn minh đạo đức mới xây dựng văn minh vật chất. Đức Phan Thanh Giản dạy:
Dụng khoa học trước gầy đạo đức
Toan đại đồng cần nhất tu thân
Khuếch trương học nghiệp canh nông
Đồng bào ai có biết không đồng bào? ([6])
4. Đạo Cao Đài không rũ bỏ mà vẫn kêu gọi phát triển, khuếch trương nền văn minh vật chất. Đức Phan Thanh Giản khuyến nhủ đồng bào cả nước:
Cũng đồng sinh trong bầu Tạo Hóa
Cũng sống chung trên quả địa cầu
Người sao dân mạnh, nước giàu
Có tàu vượt bể, có tàu lên mây.
Chế máy móc dựng gầy công nghệ
Lập thương nông cứu tế quốc phòng
Nào là điện tín, phi công
Nghe xa nghìn dặm, đi không đầy giờ.
Dân tộc ta sao khờ, sao dại
Nước nhà ta sao bại, sao hư
Không nghề nghiệp, không thiên tư
Văn minh công nghệ ai chừ khuếch trương? ([7])
III. Để xây dựng nền văn minh đạo đức, mọi người cần phải chịu khổ nhọc tìm kiếm, học hỏi.
Thầy dạy: “Ðã bước chân vào đường đạo hạnh mà chẳng để công tìm kiếm, học hỏi cho rõ ngọn nguồn, thì làm phận sự môn đệ như thế có ích chi cho nền Thánh Giáo đâu.” ([8])
Mọi người trước cần phải học để mở mang kiến thức. Trong Nữ Trung Tùng Phận, Đức Đoàn Thị Điểm dạy:
Học cho rộng giao thông tứ xứ
Học cho cùng xử sự ngoại lân
Học cho đúng bậc tài thần
Ưu quân ái quốc, vua cần dân nghinh.
Học cho thấu máy linh cơ Tạo
Học cho toàn trí xảo văn minh
Thâu tài hay, nhập nước mình
Làm cho dân hưởng thái bình giàu sang.
Sau khi học tập được văn minh đạo đức và văn minh khoa học thì phải đem hạt giống lành đó nhân rộng ra từ gia đình đến quốc gia và toàn nhân loại, xây dựng một thế giới đại đồng. Ấy là một nền văn minh cao cả nhất. Đức Bạch Phụng Đồng Tử dạy:
Đạo đức đủ là nền tảng đó
Nhà đại đồng nào khó dựng đâu
Quảng truyền Á, Mỹ, Phi, Âu
Đồng bào vạn quốc, năm châu một nhà.
Ai ai cũng nhìn Cha Thượng Đế
Người người đều đồ đệ Tiên Ông
Khắp cùng Nam, Bắc, Tây, Đông
Không giàu không khổ, cũng không sang hèn.([9])
Để được vậy, cái học cần thiết hãy bắt đầu từ thanh niên nhà Đạo. Đức Bạch Phụng Đồng Tử nhắn gửi:
Lời tâm huyết chạm lòng thiết thạch
Nhắn cùng ai là khách thanh niên
Ấu thơ nặng nợ bút nghiên
Nỗi cơm nỗi áo, thung huyên nhọc nhằn.
Nỗi thầy bạn tập rèn un đúc
Nỗi gia đình giáo dục sớm hôm
Những mong tài đức phi phàm
Đảm đương trách nhiệm cho kham cho tròn.([10])

TRẦN THANH TẠO


([1]) Thánh thất Trung Thành, 15-7 Mậu Dần (10-8-1938).
([2]) Thánh thất Trung Thành, 15-7 Mậu Dần (10-8-1938).
([3]) Thánh tịnh Thanh Quang, 01-3 nhuần Bính Tý (21-4-1936).
([4]) Thánh thất Nam Trung Hòa, 06-7 Mậu Dần (01-8-1938).
([5]) Thánh thất Nam Trung Hòa, 06-7 Mậu Dần (01-8-1938).
([6]) Thánh thất Trung Thành, 20-12 Mậu Dần (08-02-1939).
([7]) Thánh thất Trung Thành, 20-12 Mậu Dần (08-02-1939).
([8]) Chợ Lớn, ngày 23-11 Bính Dần (27-12-1926).
([9]) Thánh thất Trung Thành, 15-7 Mậu Dần (10-8-1938).
([10]) Thánh thất Trung Thành, 15-7 Mậu Dần (10-8-1938).