Thứ Hai, 9 tháng 3, 2020

GIỜ RA CHƠI / Đạo Uyển Hạ 2020 (tập 34)


GIỜ RA CHƠI
HÀ NHƠN
Tân chia xấp bài đã chấm điểm ra làm ba phần, giao cho ba nam sinh ngồi đầu ba bàn trên cùng. Ba em đứng phắt dậy, đón lấy xấp bài bằng hai tay, rồi bước ra khỏi băng ghế, lần lượt nhìn họ tên ghi trên tờ giấy mà hoàn lại cho bạn ở từng chỗ ngồi. Không mấy chốc số bài làm đã được nhận lại hết, ba em mau mắn trở về bàn của mình. Tân mỉm cười quan sát học trò lao xao đọ điểm lẫn nhau; đứa cười vui, đứa chau mặt, đứa vò tóc ra vẻ tức tối vì mắc lỗi bị thầy trừ điểm…
Độ chừng các em đã xem lại bài xong xuôi, Tân đứng trước bảng, vừa vỗ tay chậm chậm mấy tiếng đủ to, vừa đưa mắt nhìn khắp cả phòng học. Đã quen hiệu lệnh của thầy, một số em ngồi bàn đầu cũng vỗ tay lặp lại như vậy. Nhanh chóng, cả lớp vãn hồi trật tự và yên lặng. Muốn biết có trò nào thắc mắc về kết quả bài làm hay không, Tân vui vẻ hỏi:
- Any questions, please?
Một cánh tay giơ lên. Tân mở bàn tay phải để ngửa ra, làm cử chỉ mời cậu húi cua ngồi dãy giữa, đầu bàn thứ hai. Hải liền đứng dậy. Trọn câu tiếng Anh dịch ra tiếng Việt bị thầy gạch luôn một lằn bút đỏ dài ngoằng mà chẳng sửa gì hết nên cậu không hiểu mình sai chỗ nào. Bởi vậy, Hải hỏi:
- Sir, I don’t understand! What’s my mistake?
Tân dạy lớp Mười toàn con trai, tiếng Anh là sinh ngữ một. Anh luôn khuyến khích học trò thực hành nói những câu đơn giản. Khi giảng bài, anh hạn chế dùng tiếng Việt; trừ lúc dạy ngữ pháp và luyện dịch thì mới dùng tiếng Việt dẫn giải tỉ mỉ cho học trò hiểu bài thật rõ.
Bước xuống bục gỗ, Tân đi tới bàn của Hải và cầm lấy bài, xem lại chỗ cậu thắc mắc. Hải là học trò giỏi, bài làm hầu như hoàn hảo, trừ phần ứng dụng dịch câu văn dạng bị động (passive voice), và Tân cố ý chấm bài như vậy để khiến Hải “ức” mà sẽ nhớ lâu lỗi sai.
Tân mỉm cười trở lại bục, đứng trước bảng, yêu cầu Hải đọc lớn câu dịch bị thầy gạch bỏ cho cả lớp cùng nghe, và anh chép nhanh câu đó lên bảng: Ruộng đồng ở làng tôi bị tàn phá bởi bom đạn. Tân lẳng lặng cầm mẩu phấn màu, gạch chéo chữ và chữ bởi, khoanh tròn hai chữ bom đạn, rồi vẽ mũi tên “dẫn” nó về chỗ trống nằm giữa bịtàn phá. Xong, anh bước đến bàn thầy giáo đứng, để trống trải nguyên không gian trước tấm bảng cho cả lớp dễ nhìn rõ, dễ chú ý.
Có mấy ngón tay chỉ trỏ lên bảng, vài cái miệng xì xào bàn tán. Hải nhìn thầy, cười có vẻ ngượng nghịu rồi ngồi xuống sau khi xem câu dịch thầy vừa sửa: Ruộng đồng làng tôi bị bom đạn tàn phá.
Vẫn đứng tại bàn, Tân gõ gõ lên mặt gỗ cộp cộp mấy tiếng. Cả lớp hướng mắt về anh chờ đợi. Tân thong thả giải thích:
- Chúng ta nói “Tôi được ba má thương yêu” chứ đâu ai nói “Tôi được thương yêu bởi ba má”. Cũng vậy, không lẽ các em nói “Nó bị cắn bởi chó” à? Phải nói “Nó bị chó cắn” mới là tiếng Việt, đúng không nào?
Cả lớp cười rần. Ngay lúc đó, tiếng chuông điện chợt ré lên chát chúa. Buổi dạy vừa dứt, cũng kịp đến giờ ra chơi. Tân đưa tay ra dấu cho phép học trò túa ra khỏi lớp, rồi bắt đầu thu dọn sách vở bỏ vào cặp táp.
Tân bước dọc theo hành lang, ngang qua phòng Giám Học thì gặp cụ giáo Bảng đang đứng ở cửa. Anh chưa kịp chào, cụ đã vui vẻ nói ngay:
- À, thầy Tân. Mời thầy vào uống nước. Tôi hỏi việc này.
Thì ra cụ đón mình. Việc chi nhỉ? Tân thắc mắc.
Cụ giáo Bảng sắp nghỉ hưu rồi. Làm giám học, nhưng có bằng cử nhân Việt-Hán nên niên khóa nào cụ cũng dạy thêm một ít giờ Quốc Văn tại trường cho vui. Hồi mới được bổ về trường, Tân đã sớm quý cụ vì tính cụ điềm đạm và nhân hậu. Biết Tân theo đạo Cao Đài, ăn chay trường, nên những dịp Ban Giám Hiệu tổ chức đãi cơm, cụ đều chu đáo dặn dọn riêng cho Tân mâm chay nho nhỏ, và cụ ngồi ăn chung với anh cho có bạn.
Buổi đầu, Tân tỏ vẻ áy náy, thì cụ bảo:
- Tôi có tuổi rồi, bụng dạ hơi yếu. Thỉnh thoảng thọ trai cũng nên lắm chứ, phải không thầy?
Rồi cụ chuyển đề tài liền:
- Tôi nghĩ đạo của thầy có lẽ mầu nhiệm lắm, bằng không thì đang trẻ trung như thầy làm sao có thể hy sinh thú vui rượu thịt, giỏi chịu chay lạt quanh năm. Tôi phục thầy đấy.
Tân ngồi đối diện với cụ Bảng ở cái bàn nước nhỏ. Cụ rót mời Tân chén nước vối nâu đỏ. Có lần cụ cho anh biết từ hồi vào Nam tới giờ, cụ vẫn thích dùng nụ vối hơn chè xanh.
- Thưa thầy, không biết thầy cần hỏi việc gì ạ?
- À, chẳng liên quan gì tới việc dạy học cả. Chỉ là muốn nói chuyện phiếm với thầy thế thôi.
Thấy lòng nhẹ nhõm, Tân cầm chén nước lên thong thả hớp từng ngụm nhỏ, chờ đợi. Cụ giáo Bảng chậm rãi nói:
- Tôi vốn vẫn xem mình là con nhà Nho, mà Nho là triết lý sống chứ không phải tôn giáo. Bây giờ già rồi, tôi bắt đầu nghĩ tới tôn giáo. Nhưng nước mình nhiều đạo quá, tôi chưa biết nên bắt đầu từ đâu. Thỉnh thoảng có tìm đọc ít kinh sách nhà Phật nhưng có lẽ chưa đủ duyên sao ấy.
Ngừng một chút, cụ tiếp tục câu chuyện:
- Chủ Nhật rồi ghé nhà sách, thấy một cuốn lược khảo tín ngưỡng Việt Nam, tôi tò mò mở ra xem thử. Thấy sách có chương viết về đạo Cao Đài, tôi liền nghĩ tới thầy và tự nhủ: Sẵn trong trường có thầy theo đạo Cao Đài, nếu cần biết điều chi thì hỏi thầy rất tiện. Bởi vậy tôi đã mua sách và đang đọc mấy hôm nay. Thầy sẽ giúp tôi chứ?
Tân thấy ngượng, nghĩ bụng: “Mình theo đạo bấy lâu mà thật ra hiểu đạo đâu được bao nhiêu.” Chưa biết trả lời cụ Bảng thế nào thì anh nghe cụ nói:
- Tôi đã xem trong sách cái chương viết về nghi lễ. Tác giả bảo đạo Cao Đài có thờ Đức Mẹ Diêu Trì. Đúng không, thầy?
- Dạ.
- Nhưng hồi còn ở quê ngoài Bắc, tôi nhớ các cụ hay nói là “Dao Trì”. Nay gặp sách ấy viết lạ, tôi thử mở từ điển, thấy Thiều Chửu cũng đọc là “Dao”, viết với bộ “Ngọc”. Tra thêm từ điển tiếng quan thoại in trong Chợ Lớn thì thấy họ chỉ cách phát âm nghe giống như “Dảo”. Vậy thì đọc “Dao” có lẽ đúng hơn “Diêu”. Nghĩ vậy mà tôi không khỏi đắn đo. Tôi tự hỏi thế này: Cao Đài dùng cơ bút dạy đạo, Trời Phật giáng cơ đã viết ra chữ là “Diêu Trì”, thì ắt nói “Diêu” phải đúng hơn “Dao” chứ? Thầy nghĩ sao, thầy Tân?
Tân thầm kêu khổ. Hồi nào tới giờ theo đạo, anh chẳng bận tâm nghĩ tới chữ nghĩa chi li như cụ Bảng. Vốn có cử nhân Việt-Hán nên cụ thích rị mọ chữ Nho, còn anh chỉ biết chút tiếng Anh kiếm cơm; hai bên rõ ràng khác “hệ”, làm sao anh có thể trả lời cho xuôi câu hỏi của cụ.
Hỏi Tân nhưng thật ra chẳng phải để tìm câu trả lời của anh, thế nên cụ Bảng liền nói tiếp:
- May mắn tôi vẫn giữ quyển Vương Lực Cổ Hán Ngữ Tự Điển từ thuở còn làm sinh viên ban Việt-Hán. Tôi bèn tra cứu thêm thì thấy người Hoa họ chỉ cách đọc theo phiên thiết là , CHIÊU thiết, BÌNH thanh, TIÊU vận. Vậy thì đọc và viết là “Diêu” chính xác hơn “Dao”. Thấy thế, tôi tin cơ bút Cao Đài quả mầu nhiệm, thầy ạ.
Tân “điếc” luôn vì một loạt chữ Nho cụ Bảng thốt ra. Rồi sực nhớ một địa danh ở miền Trung, Tân nói:
- Thưa thầy, tại tỉnh Bình Định có địa danh Diêu Trì. Vậy, suy ra ngoài Bắc gọi “Dao”, chuyển vô Trung và Nam thì gọi “Diêu”. Cũng như ngoài Bắc nói “Vũ”, nói “Hoàng”, nói “Phúc”… nhưng Trung và Nam nói “Võ”, nói “Huỳnh”, nói “Phước”... Đó là biến âm, là “phonetic variation”, thế thôi.
Cụ giáo Bảng gật đầu:
- Vâng, có lẽ vì địa phương kiêng húy ai chăng? Nhưng thầy có để ý tới ngoại lệ không? Này nhé, ông vua “Hoàng Đế” trong huyền sử Trung Hoa thì ở Trung và Nam đều nói là “Huỳnh Đế”; nhưng khi xưng hô với vua, sách vở ba miền đều viết là “Hoàng Thượng” chứ chẳng ai viết “Huỳnh Thượng”. Còn nữa, dân mình ở cả ba miền đều nói giống nhau là “Ngọc Hoàng Thượng Đế”, không có biến âm “Hoàng” thành “Huỳnh” chi hết. Thầy đồng ý chứ?
Cảm thấy cứ “xới” chuyện biến âm trong phương ngữ mà bàn thì sẽ lằng nhằng, khó dứt, và ngoài hiểu biết của mình, Tân liếc trộm đồng hồ tay. Hiểu ý, cụ Giám Học đứng dậy chìa tay ra. Tân cũng đứng lên, bắt tay cụ. Tiễn anh ra cửa, cụ nói thêm:
- Thôi, để thầy còn nghỉ ngơi một chút trước khi lên lớp dạy tiếp. Nhưng tôi có nói trước rồi đấy, thầy nhé. Lúc nào thắc mắc về đạo Cao Đài, tôi sẽ nhờ thầy giải đáp.
HÀ NHƠN
(Trích Những Người Con Áo Trắng, truyện dài.
Xem từ Đạo Uyển Xuân 2020, tập 33.)