Thứ Hai, 9 tháng 3, 2020

BIẾT SỬA MÌNH NHỜ CHÓ / Đạo Uyển Hạ 2020 (tập 34)


CHUYỆN XƯA TÍCH CŨ
BIẾT SỬA MÌNH NHỜ CHÓ
Đời còn gọi Tế Điên Hòa Thượng 濟癲和尚 là Tế Công Hoạt Phật 濟公活佛 (Phật Sống Tế Công). Truyền rằng ngài vốn là La Hán trên trời, mượn xác phàm sanh vào nhà họ Lý để cứu dân độ thế.
Phật Quang Đại Từ Điển (bản dịch của sa môn Thích Quảng Độ), mục từ Đạo Tế (1150-1209), cho biết như sau:
Vị thiền tăng thuộc phái Dương Kỳ, tông Lâm Tế ở đời Tống. Người Lâm Hải (Chiết Giang), họ Lý, tên Tâm Viễn, tự Hồ Ẩn, hiệu Phương Viên Tẩu.
Năm mười tám tuổi, sư xuất gia ở chùa Linh Ẩn, lần lượt tham học các ngài Pháp Không Nhất Bản ở chùa Quốc Thanh, Đạo Thanh ở chùa Kỳ Viên, Đạo Tịnh ở chùa Quan Âm. Sau, sư vào núi Hổ Khâu làm đệ tử ngài Hạt Đường Tuệ Viễn và nối pháp của ngài. Sư lại đến ở chùa Tịnh Từ, chùa bị thiêu hủy, sư đi hành hóa ở Nghiêm Lăng. (. . .) Bình sinh tính sư điên khùng, buông thả, thích rượu thịt, nên người đời gọi sư là Tế Điên.
Năm Gia Định thứ hai (1209) sư ngồi mà hóa, thọ sáu mươi tuổi; nhục thân để vào tháp Hổ Bào.([1])
Câu chuyện sau đây ([2]) trích từ Tế Điên Hòa Thượng (quyển Nhứt, Hồi 14 và 15, tr. 161-167) của Quách Tiểu Đình 郭小亭, hòa thượng Thích Minh Cảnh (1937-2018) dịch, Tu Viện Huệ Quang liên kết nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành (tháng 9-2019).


Hồi 14: (. . .) Tế Điên mới cáo từ ra khỏi nhà Trịnh Hùng đi về phía cửa Tiền Đường. Đến bên ngoài cửa Tiền Đường, Tế Điên thấy có một gánh thịt chó để đó, còn người bán thì đang ngồi xổm đại tiện ở chân tường đối diện với Ngọc Hoàng Các.([3]) Tế Điên vỗ đầu ba cái, nhướng mắt huệ nhìn xem, nói: “Đâythiệt là người con hiếu bậc nhất trên thế gian. Hòa thượng ta nếu không cứu hắn, ắt lôi thần ([4]) sẽ đánh chết.” Nghĩ rồi bèn hỏi:
- Thịt chó này của ai đây?
Hỏi liên tiếp ba lần mà không có ai trả lời.
Nguyên người bán thịt chó này họ Đổng tên Bình, nhà ở trong cửa Tiền Đường, trong nhà có bà mẹ và vợ là Hàn thị.([5]) Đổng Bình là người tánh tình rất đa nghi, thường hay trước mặt mẹ nói nhiều điều bất hiếu, dù mẹ không lỗi lầm chi, nhưng lời nói cũng tỏ ra ngang ngược. Sáng ra, Đổng Bình cùng mẹ cãi nhau một trận, Bình cho mẹ không biết gì hết. Vợ hắn là Hàn thị, là người vợ hiền lương, thường khuyên can hắn, nói:
- Mẹ đã lớn tuổi rồi, anh không nên vô cớ rầy rà như vậy để mẹ phải buồn lòng.
Đổng Bình cũng không nói năng chi, ra cửa đi bán thịt. Hôm đó, Bình xào một chảo thịt chó, bảo Hàn thị xem chừng, còn mình đi mua chó. Triều nhà Tống ([6]) cho phép người ta mua bán thịt chó tự do. Đổng Bình đi đường Hồ Đồng, thấy ở phía bắc đường có một người đứng sẵn chờ, tuổi độ hơn ba mươi, có dáng vẻ như người buôn bán. Người đó hỏi:
- Anh đi mua chó về bán thịt phải không?
Đổng Bình đáp:
- Phải.
Người ấy nói:
- Tôi vốn không muốn nuôi chó, nhưng từ năm kia có một con chó hoang đến ở, đuổi nó, nó không đi. Tối lại đóng cửa nhốt chó ở trong nhà. Nửa đêm nghe tiếng chó sủa, tôi thức dậy xem, thì ra có kẻ trộm đang cạy cửa. Tôi nghĩ rằng con chó này cũng có chỗ dùng bèn để lại nuôi. Năm nay, nó lại sanh thêm một con chó nhỏ nữa, chúng nó cứ giành ăn cắn nhau mãi. Tôi sợ cắn phải đứa con tôi, nên cũng có ý bán nó, nhưng không lẽ đã có ơn nuôi dưỡng lại có cừu ([7]) giết hại sao? Tôi cũng không cần tiền, anh nên bắt về đi.
Đổng Bình nghĩ: “Thế thì hợp quá!” Bèn lấy dây cột con chó lớn, ôm con chó nhỏ, cảm ơn người ấy vài câu rồi kéo chó trở về nhà. Đến nhà, cột chó lớn ở trong sân rồi vào nhà lấy dao ra định giết chó. Để dao ở ngoài sân, vào nhà lấy cái chậu trở ra thì con dao đâu mất. Đổng Bình hỏi vợ:
- Bà có lấy dao không?
Người vợ trả lời:
- Không có.
Đổng Bình đi tìm, thấy con chó nhỏ nằm ép lên lưỡi dao, cán ló ra ngoài. Đổng Bình đi đến, lấy chân đá chó nhỏ một cái, lấy dao lại định giết chó lớn. Con chó nhỏ chạy tới nằm trườn trên bụng chó lớn, nhe răng nhìn Đổng Bình, mà hai hàng nước mắt chảy ròng ròng.
Hồi 15: (. . .) Đổng Bình thấy con chó nhìn mình nước mắt chảy ròng, ngạc nhiên hồi lâu, tự nghĩ: “Con chó còn biết thân nó từ đâu sinh ra, huống chi ta là con người ư?” Nghĩ thế rồi cắt dây mở thả hai con chó ra, nói:
- Thôi, tao không giết mày nữa, mẹ con mày có muốn ở lại đây thì tao sẵn lòng nuôi, còn không muốn ở thì đi đâu mặc ý.
Hắn vào trong nhà, quỳ trước mẹ, nói:
- Từ trước đến nay, con đối xử với mẹ có nhiều điều vô lễ, tội đáng muôn thác!
Người mẹ nói:
- Chỉ cần con đối với mẹ hết lòng hiếu thảo, vợ chồng con sẽ được nhiều phước lành!
Đổng Bình nói:
- Hôm nay con bán hết gánh thịt chó này, ngày mai xin đổi nghề khác buôn bán sanh nhai, còn nghề buôn bán máu tanh này thôi không làm nữa.
Nói rồi gánh thịt chó đi bán. Mọi hôm, gánh ra bán một loáng là hết. Hôm nay gánh đi qua hơn mười con đường lớn ở Tiền Đường, trước bức vách tường đối diện với Ngọc Hoàng Các, cảm thấy trong bụng quặn đau, bèn để gánh thịt chó bên đường, đi đại tiện. Ngồi thấy hòa thượng từ bên kia đường đi lại hỏi “Thịt chó này của ai?”, Đổng Bình cũng không trả lời (. . .).
Tế Điên thấy mặt Đổng Bình lộ sắc đen, bèn án linh quang xét biết hắn ta là người con hiếu bậc nhất trên thế gian, nếu không cứu hắn thì lôi thần đánh chết.
Đổng Bình tại sao được gọi là người con hiếu bậc nhất? Xét trong thiện thư ([8]) có nói: Ví có người kia nửa đời đã làm việc lành, bỗng một hôm đổi tánh, làm một việc ác, sách ấy ghi chú: Ấy là người ác bậc nhất, công lao nửa đời làm lành coi như không có. Trái lại, nếu người nửa đời làm việc ác, bỗng nhiên tự biết mình sai quấy, cần phải sửa đổi, nếu không sẽ gặp ác báo, [bèn] nhất định cải ác làm lành, thật tình ăn năn lỗi trước, nhờ đó cái ác trước được tiêu ma, trong sách ghi là người lành bậc nhất. (. . .) Đổng Bình tuy bất hiếu với mẹ, bỗng nhiên biết cải hối, hứa trước mẹ hết lòng hiếu thảo, tấc lòng chí thành không chút dối trá, chính là người con hiếu bậc nhất vậy.
Tế Điên hỏi:
- Gánh thịt chó này của ai đây?
Hỏi liên tiếp hai lần không ai trả lời, bèn kê vai gánh thịt chó rảo bước.
Đổng Bình ngó thấy, gấp quá, lật đật đứng dậy, tay xách quần chạy theo. Vừa chạy được mấy bước thì ở phía sau ầm lên một tiếng lớn, vách tường chỗ ngồi ban nãy đã sập quá nửa.
Đổng Bình sợ quá, mắt mở trừng trừng, trong bụng nghĩ: “Nếu không có ông hòa thượng đó gánh gánh thịt của ta thì giờ này ta bị tường đè chết rồi, thiệt là ghê quá, ghê quá!”
Tế Điên nói “lôi thần đánh chết”, nhưng tại sao bị đất đè chết lại cho là bị lôi kiếp ([9]) ư? Ngạn ngữ nói: “Trời gầm sấm chớp ngũ lôi đánh.” Như vậy có nghĩa là năm thứ sấm chớp (ngũ lôi) đánh xuống đầu. Thực sự kim, mộc, thủy, hỏa, thổ [ngũ hành] gọi là ngũ lôi. Dao chém chết gọi là kim lôi, cây gậy đánh chết gọi là mộc lôi, nước dìm chết gọi là thủy lôi, lửa đốt chết gọi là hỏa lôi, đất tường đè chết gọi là thổ lôi. Nếu bị thiên lôi đánh, đó là người cực đại ác mới xui nên.
Đổng Bình nghĩ: “Ta phải đi tìm hòa thượng đòi gánh lại và cảm ơn ông ấy mới được.” Nghĩ rồi tiếp tục đi về phía trước.
Nguyên tác: QUÁCH TIỂU ĐÌNH
Bản dịch: Hòa thượng THÍCH MINH CẢNH (1937-2018)



Đạo Uyển chú:
([1]) https://thuvienhoasen.org/images/file/LCYzsp1G0QgQAN1c/dd.pdf
([2]) Nhan đề do Đạo Uyển đặt.
([3]) các : Gác, lầu.
([4]) lôi thần 雷神: Lôi công 雷公, thần sấm, thiên lôi 天雷.
([5]) thị : Ngày xưa gọi phụ nữ thì lấy họ cha hoặc chồng và thêm thị ở sau. Vậy, Hàn thị là con gái ông họ Hàn.
([6]) Hòa thượng Tế Điên (1150-1209) sống đời nhà Tống (trị vì từ 960 đến 1279).
([7]) cừu : Oán thù sâu xa.
([8]) thiện thư 善書: Các sách dạy ăn hiền ở lành, tu nhân tích đức.
([9]) lôi kiếp 雷劫: Nạn bị sét đánh.