Thứ Hai, 9 tháng 3, 2020

ĐÔI ĐIỀU TẢN MẠN VỀ CÒN THƯƠNG CHIẾC LÁ CỦA TRIỀU HẠNH / Đạo Uyển Hạ 2020 (tập 34)




ĐÔI ĐIỀU TẢN MẠN VỀ CÒN THƯƠNG CHIẾC LÁ CỦA TRIỀU HẠNH
TRẦN HUIỀN ÂN
Để hiểu thơ, cảm thụ được thơ, ngõ hầu dễ gần gũi với thơ, thì có chi bằng thử lắng nghe một nhà thơ nói về thi phẩm của một nhà thơ khác. Bởi nghĩ như vậy, Đạo Uyển hân hạnh gởi tới quý đạo hữu những dòng tản mạn của Trần Huiền Ân (Trần Sĩ Huệ, sinh năm 1937) viết về thơ Triều Hạnh (Phan Thị Thạnh, sinh năm 1951). Cả hai đều là người thơ tỉnh Phú Yên. (Các chú thích trong bài do Đạo Uyển thêm vào.)
Văn chương trước hết xuất phát từ thiện tâm, cho nên ý niệm Yêu Thương thường được nhắc đến.
Trong phạm vi thân tình, đây là đôi điều tản mạn về tập thơ của Triều Hạnh có một chữ Thương: Còn Thương Chiếc Lá.([1])
Chiếc lá cũng là một ẩn ngữ mang tính yêu thương trong văn học. Ta nghĩ ngay đến truyện ngắn đầy tính nhân đạo của O. Henry.([2]) Đọc Tỳ Bà Hành,([3]) Phan Huy Vịnh chuyển ngữ quốc âm: “Thuyền mấy lá đông tây lặng ngắt” ắt là hình dung ra, rất rõ ràng, cảnh bến Tầm Dương trong đêm trăng ấy.
Một buổi trưa ngẩng trông lên trời cao xanh thẳm, có chiếc lá nào đó, vô tình hay hữu ý nằm trong đường tầm mắt.
Chiếc lá là chiếc thuyền và nền trời là biển rộng. Để dễ dàng nhận thấy hơn hãy quay ngược cảnh trí, chiếc lá vẫn là chiếc thuyền, như chiếc thuyền câu bé, nhưng chẳng phải bơi giữa ao thu, mà chung quanh dẫu mênh mông không bờ bến vẫn thanh tịnh, bình yên.
Chiếc lá cũng có thể là chiếc thuyền giữa rốn biển sâu thăm thẳm, để có những lần tác giả nghiêng người nhón chân nhìn ra, gió nổi ào ào, bạc đầu sóng dữ… đồng thời từ xa xa mặt trời rực rỡ, mây trắng trên tầng cao nhìn xuống trùng trùng nước biếc.
Đó là cuộc đời. Có đẹp không? Thơ Mộng và Hùng Dũng. Tàn Ác và Hung Bạo. Sức cuốn hút lạ thường bùng lên, cháy đỏ những khát vọng nguyên bản khả ái. Điều này tạo ra nghịch lý trong thơ Triều Hạnh.
Đến với làng thơ khi tuổi tròn mười sáu, màu áo học trò trinh trắng, mái tóc học trò xõa xuống bờ vai; đăng bài tại Sài Gòn trên các tuần báo Hoa Tình Thương, Phụ Nữ Mới, Phụ Nữ Ngày Mai, Tuổi Ngọc, và các nhật báo Hòa Bình, Tia Sáng, Dân Ta…
Bất chợt lặng im…
Nửa thế kỷ trôi qua… Bằng hữu thúc nhắc, Triều Hạnh mới chịu bước khỏi vòng phấn cách ngăn, xuất bản tác phẩm đầu tay này.
Khi rời bỏ sân trường lớp học để làm cô giáo, cũng là sân trường lớp học nhưng vị trí đổi thay. Đứng trên bục giảng nhìn xuống đàn em non dại chắc chắn Triều Hạnh không khỏi nhớ thương về thời hoa niên thơ mộng của chính mình. Một nửa vui, một nửa buồn, tạm coi rằng được cân bằng.
Thế rồi cô giáo ngược bước trở về:
Người xuôi thành phố ta lên ngược
Làm chuyến hành hương đến cuối đời
Lập lại vườn xưa, khơi giếng nước
Thả đàn cá nhỏ dưới ao bơi
Triều Hạnh về quê sống bên bà nội trong gian nhà mái rạ vách phên, đêm trường đốt rơm hun muỗi:
Vách chắn đơn sơ lều một túp
Trú nắng che mưa đỡ gió sương
Mặt nám lưng cong gồng với đất
Cuộn rơm un muỗi ấm đêm trường…
Để nhận biết:
Cháu về nội bớt buồn đơn độc
Bữa cơm sớm tối dọn ngoài hiên
Luống cà ra trái, xoài sai nụ
Chim chóc reo vui rộn đất hiền…
Làng quê hẻo lánh đã thành nơi đất lành chim đậu.
Trong môi trường thân yêu ấy, Triều Hạnh cảm thấy lòng mình luôn luôn trẻ trung, dù qua bao năm tháng biển dâu:
Em vẫn là em. Em của anh
Đơn sơ áo trắng mộng trong lành
Giữ lòng chung thủy bao năm tháng
Để nhận ra màu tóc cứ xanh.
Khi Triều Hạnh nói đến mẹ, người đọc không khỏi ngạc nhiên bắt gặp ở đó một ẩn ngữ có cội nguồn sâu xa từ văn chương Phật Giáo:
Tóc mẹ trắng bao mùa hoa vải
Ngút ngàn xa rừng trải bông tơ
Dừa rợp bóng quanh năm sai trái
Tàu chuối biên kinh mượt những tờ…
“Tàu chuối biên kinh…”, có phải gợi ý từ “Phiên kinh thượng tiêu diệp? ([4])
Trong thơ Triều Hạnh còn có dấu ấn lịch sử. Viếng tháp Cánh Tiên ([5]) tác giả thương quý công chúa Huyền Trân và kính phục tài kinh bang của vua Chế Mân, cho rằng đó là cuộc hôn nhân xứng đáng:([6])
Dẫu tài kinh quốc Chế Mân
Hai châu Ô Lý xứng thân cành vàng
Cõi bờ thêm rộng mở mang
Danh công chúa Việt thơm trang sử tình.
Quay về khung cảnh gần gũi đầm ấm, khi ru cháu nội, Triều Hạnh có lời dỗ dành rất dí dỏm và tế nhị:
Ngủ đi cháu. Ngủ! Ngoài kia
Hàng cau ngủ thẳng, ao đìa ngủ cong
Ngọn tre ngủ giữa trời không…
Để bà xem gió ngủ rong chốn nào…
Triều Hạnh cũng không quên ca dao địa phương khi bà nội nhắc lại thời về làm dâu làng Sơn Triều:
Nhà mấy cột, thềm cao ai bước thấu
Cau mấy hàng, ai đếm đủ từng cây?
Sơn Triều là vùng nông nghiệp phát triển sớm ở nam Phú Yên, từ thời còn thuộc tổng Trung, huyện Đồng Xuân, đã lưu danh trong ca dao:
Sơn Triều nhiều ruộng nhiều trâu
Để cho chị Bốn làm dâu Sơn Triều
Làm dâu coi trước coi sau
Coi nhà mấy cột, coi cau mấy hàng…
Nhiều ruộng nhiều trâu, nhà cao cửa rộng, có vườn cau giếng nước là hàng đại phú. Cột nhà chẳng lẽ ai vào dỡ đi, cau hàng chẳng lẽ ai vào chặt đi. Coi nhà mấy cột, coi cau mấy hàng… là coi trước coi sau, coi trong coi ngoài, công việc của một người dâu đảm đang quán xuyến…
Thi sĩ Tô Thùy Yên ([7]) viết trong bài Ta Về:
Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từng mỗi lẻ loi
Trong thơ Triều Hạnh:
Vườn chanh lối nhỏ còn in dấu
Hoa có vì em nở trắng vườn?
Cùng nhắc đến hoa, hoa nở, trong hoàn cảnh cô đơn, hay xa cách, nhưng đóa hoa không tên của Tô Thùy Yên có phần lẻ loi, hoa chanh của Triều Hạnh chắc đang nở trắng vườn, khu vườn vốn là đất hiền, còn đó lối nhỏ, tạo nên sắc thái yên vui hội tụ.
Trở lại với chiếc lá. Chiếc lá còn xanh sớm rụng, là hình ảnh hai người em thân thương của Triều Hạnh, tác giả dành trong bài thơ cuối cùng khi tác phẩm được xếp lại với nỗi bâng khuâng:
Thương em chiếc lá trinh trung
Tan vào cát bụi mông lung chốn này…
Tóm lại, suốt cả tập thơ, thể hiện suốt hành trình làm thơ của Triều Hạnh, một nửa là tình yêu thương luôn luôn đằm thắm, đậm đà với chung quanh, từ cảnh trí đến người thân… xa gần… Còn một nửa Triều Hạnh vẫn khép kín nỗi niềm riêng tư trong mọi ngõ ngách. Ở đó, thoáng trông tưởng những rộng khắp bao la:
Em về rủ mộng cô liêu
Rủ mây gió lại dồn yêu một ngày.
Nhưng cái căn cơ nghịch lý ẩn tàng đã ư trung hiện diện. Rủ cả mây gió lại trong thời gian hữu hạn (một ngày) mà rủ luôn cả mộng cô liêu! Để cuối cùng, với mọi người có thể là đạt được hạnh phúc song phương, Triều Hạnh vẫn lặng lẽ trong đơn vị thời gian hữu hạn(sáng, trưa, chiều) ấy:
Lặng lẽ những trưa, những sáng, những chiều
Lặng lẽ bước với tình em lặng lẽ…
Triều Hạnh đã gởi gắm tất cả tâm hồn nhân hậu vào thơ, để làm nên thi phẩm, xác định những nghịch lý riêng tư từ văn chương đến cuộc sống cá nhân, cái nghịch lý Triều Hạnh đã mặc nhận và vun đắp thành công. Như con tằm, ăn dâu không phải lại nhả ra lá dâu, mà nhả ra những sợi tơ quý.
TRẦN HUIỀN ÂN
Tuy Hòa, 04-3-2018


([1]) Triều Hạnh, Còn Thương Chiếc Lá, tập thơ đầu tay, 116 trang (13,5x20,5cm). Hà Nội: Nxb Hội Nhà Văn, 2018.
([2]) Truyện ngắn Chiếc Lá Cuối Cùng (The Last Leaf) của O. Henry (1862-1910), nhà văn Mỹ tên thật là William Sydney Porter. Xuất bản lần đầu năm 1907, in chung trong tập truyện The Trimmed Lamp and Other Stories, truyện ngắn Chiếc Lá Cuối Cùng được đưa vào sách giáo khoa ở Việt Nam và nhiều nước khác.
([3]) Tỳ Bà Hành 琵琶行: Bài thơ tám mươi tám câu, mỗi câu bảy chữ, danh tác của Bạch Cư Dị 白居易 (772-846). Bản dịch tiếng Việt rất nổi tiếng cũng gồm tám mươi tám câu song thất lục bát, xưa nay vẫn được cho là của Phan Huy Vịnh (1800-1870), nhưng sau này lại có thuyết nói rằng người dịch chính là thân phụ của Huy Vịnh, tức Phan Huy Thực (1778-1844).
([4]) Phiên kinh thượng tiêu diệp 翻經上蕉葉: Câu thơ thứ tư trong bài ngũ ngôn bát cú của Trương Tịch 張籍 (768-830), nhan đề Sơn Trung Tặng Nhật Nam Tăng 山中贈日南僧 (ở trong núi làm thơ tặng ông sư người Nhật Nam). Chữ phiên có nghĩa là giở ra, lật qua (turning over, flipping over), nên câu thơ này hòa thượng Thích Mật Thể (1913-1961) dịch là: Mở kinh trên lá chuối. Nhưng phiên còn có nghĩa là phiên dịch (translating), nên câu thơ này có thể chuyển ngữ là: Dịch kinh trên lá chuối.
([5]) tháp Cánh Tiên: Ngôi tháp cổ Champa nằm ở chính giữa thành Đồ Bàn ngày xưa, nay thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.
([6]) Về cuộc hôn nhân chánh trị giữa Công Chúa Huyền Trân nước Việt đời Trần và vua Chế Mân nước Chiêm Thành (Champa), xem: Huệ Khải, “Công Chúa Huyền Trân Xưa và Nay”, in trong Đại Đạo Văn Uyển, tập Trinh (15-16). Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2015, tr. 55-60.
([7]) Tên thật Đinh Thành Tiên (1938-2019).