Thứ Tư, 17 tháng 10, 2018

14 ĐẠI TRƯỢNG PHU, CHÍ QUÂN TỬ VỚI PHÚ TRƯỞNG GIẢ - ĐẠO UYỂN ĐÔNG 2018



PETRUS TRƯƠNG VĨNH KÝ
Thọ ơn Đức Chí Tôn ban thưởng, ngài Petrus Jean-Baptiste Trương Vĩnh Ký (1837-1898) là vị Hu Sư Chí Thánh (hay Chí Thánh Hu Sư) trong Tam Kỳ Phổ Độ.([1]) Sinh thời, ngài viết sách rất nhiều để giáo hóa dân chúng. Trong các sách của ngài có quyển Chuyện Đời Xưa, gồm bảy mươi bốn chuyện. Chuyện thứ ba mươi lăm nhan đề Đại Trượng Phu, Chí Quân Tử Với Phú Trưởng Giả. Bản in của nhà sách Khai Trí tại Sài Gòn năm 1962 cũng ghi nhan đề như vậy (tr. 56-59). Nhưng ở bản 傳代初 ([2]) Chuyện Đời Xưa: Contes plaisants annamites, do Abel des Michels (1833-1910) trích dịch sang tiếng Pháp (Paris: Ernest Leroux, Editeur; 1888)([3]) thì đây là truyện thứ XV, nhan đề rút gọn thành Đại Trượng Phu Với Quân Tử. Căn cứ bản in 1888 của Abel des Michels (tr. 19-21), chúng tôi in lại đây áng văn xưa, giữ nguyên cách chấm câu, cách xuống hàng của người trước; chữ nào bổ sung cho văn bản thì đặt trong dấu […], thí dụ: [Chí]. Ngoài ra, tôi sửa lỗi chánh tả, và chú thích nghĩa các từ Việt cổ. Qua đây, chúng ta thấy cách người xưa dùng từ Việt cổ, cách hành văn trong thế kỷ 19 có nhiều lời lẽ thú vị. (Huệ Khải)


Thuở xưa kia có hai người anh em bạn thiết, một người tên là Đại Trượng Phu,([4]) người kia tên là [Chí] Quân Tử.([5]) Anh trước giàu có, anh sau thì nghèo, năng tới lui chơi bời ([6]) với nhau. Hai vợ chồng anh Đại Trượng Phu thấy anh kia nghèo cực, thì nói: “Thôi! Anh nghèo, không có vốn mà buôn bán; có muốn lấy năm ba trăm chi đó, thì lấy mà dùng làm vốn đi buôn, cho té ra ([7]) một hai đồng mà chi độ thê nhi.([8])” Anh [Chí] Quân Tử nghĩ đi nghĩ lại: “Mình lấy thì được đó, hai vợ chồng cũng tử tế, có lòng thương; mà mai sau, rủi có lỗ hay là có đều nào,([9]) thì biết lấy chi mà trả? Nên không dám lãnh; nghèo, thì chịu vậy. Cám ơn anh chị có lòng với em út! Tôi tính cũng không buôn bán chi mà hòng lấy ([10]) của anh khó lòng.”
Vợ chồng Đại Trượng Phu, nhà thôi đã đủ đồ, chẳng thiếu vật chi; đồ nữ trang cũng hiếm,([11]) chẳng thiếu gì; mới tính với nhau lấy vàng, đem cho thợ kéo ra đậu ([12]) một con rùa vàng để chơi. Đưa năm lượng. Cách ít lâu, Quân Tử lại nhà chơi. Đại Trượng Phu mới hỏi: “Anh đã có thấy rùa vàng hay chưa?” “Rùa vàng hiếm chi,([13]) thiếu gì?” “Không! Không phải rùa vàng ngoài đồng đâu! Cái nầy là rùa vàng làm bằng vàng thật.” “Cái thì chưa thấy.” Đại Trượng Phu mới biểu vợ đi lấy đem ra coi. Coi rồi, để trong cái dĩa, ngồi uống rượu, nói chuyện hoài, rót thêm rót thêm hoài, hai anh em say nằm ngủ, quên đi. Thằng con trai anh Đại Trượng Phu đi học trường xa chạy về thăm nhà. Thấy con rùa tốt, gói trong khăn, cầm đem đi chơi. Đến khi tỉnh dậy, quên lửng con rùa vàng. Quân Tử từ giã kiếu về. Một chặp lâu, Đại Trượng Phu sực nhớ lại con rùa, chạy vào hỏi vợ. Vợ nói không có cất. “Khó a! không biết tính làm sao! Không có lẽ nghi cho anh em, người có bụng dạ tốt.” “Thôi! Bữa nào cha nó có đi lên nhà Quân Tử chơi, thì hỏi mánh ([14]) rằng: ‘Hôm trước đó, con rùa vàng, anh có cầm về cho chị coi không?” Chẳng lành thì chớ,([15]) Quân Tử sợ anh em nghi, thì chịu bốc lấy ([16]) mình có cầm về. Đại Trượng Phu mới nói: “Thôi! Để đó mà chơi, hề gì?” Bước chơn ra về. Hai vợ chồng Quân Tử không biết tính làm sao lo mà trả cho được. Người ta thấy mình nghèo, người ta nghi, cũng phải; không phép chối đi. Vậy mới bán nhà bán cửa, dắt nhau đi tới với ông Phú Trưởng Giả ([17]) giàu có muôn hộ.([18]) Vào lạy ổng, xin ở làm tôi,([19]) mà xin năm lượng vàng làm rùa mà trả cho anh em. Ông Phú Trưởng Giả nghe biết việc, thì lấy vàng, kêu anh thợ làm con rùa trước tới làm, rồi giao cho hai vợ chồng đem về trả. Mà không cố thân,([20]) giúp mà thôi. Đàng kia cũng không chịu, cứ ở làm bộ hạ chơn tay.([21])
Cách đôi ba bữa, con trai Đại Trượng Phu, chơi no ([22]) con rùa, cầm về đi về thăm nhà luôn trót thể.([23]) Vào, mới nói: “Cha mẹ, thì thôi! Hổm,([24]) may là tôi! Phải người ta lạ, người ta đã lấy mất con rùa vàng đi, còn gì?” Hai vợ chồng chưng hửng,([25]) lấy làm lạ. “Mẻ! ([26]) Rùa nào con mình lấy đi chơi, rùa nào anh kia đem trả, không hiểu được.” Mới định chừng([27]) có khi anh Quân Tử sợ mình có ngại ([28]) lòng ảnh, nên mới làm rùa khác đem mà thế. Đại Trượng Phu lật đật chạy lên trên nhà Quân Tử hỏi thăm; thì người ta nói: “Quân Tử bỏ xứ, đi đâu trên ông Phú Trưởng Giả, cố thân ([29]) mà lấy vàng thường con rùa vàng nào đó. Nghe nói vậy, không biết nữa.” Nghe vậy, lại càng thêm lo. Tìm tới nhà Phú ông, hỏi thăm có hai vợ chồng Quân Tử hay không. Người ta nói có, kêu ra. Hai đàng khóc ròng. Đại Trượng Phu vào trả con rùa vàng cho Phú ông mà lãnh hai vợ chồng Quân Tử về. Phú ông là người nhơn,([30]) không chịu lấy rùa. “Anh có mượn của tôi sao anh trả? Còn hai vợ chồng Quân Tử, tôi có bắt buộc chi mà anh xin lãnh?” Tính không xong. Trả vàng, không lấy; hai vợ chồng Quân Tử mắc nợ, không đi; trả rùa cho Quân Tử, Quân Tử không lấy. Túng mới đề điệu nhau ([31]) ra quan, mà xin quan xử. Té ra ([32]) ba nhà hết thảy đều thật là người ngay lành trung trực. Chẳng biết kể của cải ra giống gì,([33]) nguyền lo tu đạo đức, lấy nhơn ngãi ([34]) mà ở với nhau. Ấy mới thật là người quân tử.
Nghĩ vụng: Tên gọi ba nhân vật (Đại Trượng Phu, Chí Quân Tử, Phú Trưởng Giả) tự chúng đã nói rõ phẩm cách của từng người rồi. Câu chuyện hay như thế này chỉ có thể xảy ra trong thời thượng nguơn thánh đức mà thôi. Thời mạt pháp, nghe kể chuyện này, bá tánh dễ phì cười. 
Huệ Khải



([1]) Huệ Khải, Petrus Ký Xưa Và Nay. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2014, tr. 12, 15, 16, 27.
([2]) 傳代初: Truyện đại sơ, đọc theo chữ Nôm là Chuyện Đời Xưa.
([3]) Gồm: Préface (iv trang) + tiếng Việt (27 trang) + tiếng Pháp (147 trang) + chữ Hán (67 trang).
([4]) Đại Trượng Phu 大丈夫: Thầy Mạnh Tử xác định đại trượng phu là người mà giàu sang không mê hoặc được, nghèo khó không dời đổi được, sức mạnh không khuất phục được. Hiểu khái quát, đại trượng phu là người đàn ông chí khí hiên ngang, lòng dạ thẳng thắn bất khuất.
([5]) Chí Quân Tử 至君子: Người rất đỗi tài đức.
([6]) chơi bời: Vui chơi, giao du với nhau.
([7]) té ra: Sinh ra tiền lời.
([8]) chi độ thê nhi: Tiêu dùng cho vợ con.
([9]) đều nào: Điều gì, điều chi.
([10]) mà hòng lấy: Mà chực lấy, mà toan lấy.
([11]) cũng hiếm: Cũng có nhiều, cũng nhiều lắm. Chữ hiếm này được dùng trong Kinh Sám Hối (1925): Trong đời rất hiếm võ phu / Lường cân tráo đấu, dối tu cúng chùa. Xem thêm: Huệ Khải, Một Số Từ Việt Cổ Trong Kinh Minh Lý Đạo Và Phật Giáo Hòa Hảo (Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2018, tr. 12, 19; quyển 116-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.)
([12]) đậu: Được (?).
([13]) hiếm chi: Chẳng thiếu chi, có nhiều lắm.
([14]) hỏi mánh: Hỏi xa hỏi gần, hỏi dò ý dò tứ, hỏi khéo.
([15]) chẳng lành thì chớ: Bị xui xẻo, bị chuyện không may.
([16]) chịu bốc lấy: Nhận bừa, chịu bừa cho xong.
([17]) Phú Trưởng Giả 長者: Người lớn tuổi và hiền đức (trưởng giả) mà lại giàu có (phú).
([18]) muôn hộ (vạn hộ 萬戶): Vô số nhà. giàu có muôn hộ: Giàu hơn hẳn mọi nhà khác.
([19]) làm tôi: Làm tôi đòi, làm người giúp việc trong nhà.
([20]) cố thân: Mướn, thuê người làm việc cho mình để trừ nợ.
([21]) làm bộ hạ chơn tay: Làm người tín cẩn giúp việc.
([22]) chơi no: Chơi chán rồi, chơi đã thèm rồi.
([23]) luôn trót thể: Luôn một thể.
([24]) hổm: Hôm đó, hôm ấy, bữa đó, bữa hôm ấy.
([25]) chưng hửng: Ngạc nhiên, sửng sốt.
([26]) Mẻ!: Lạ thật! Lạ quá! Lạ thay!
([27]) định chừng: Phỏng đoán.
([28]) ngại: Nghi ngại, hồ nghi, nghi ngờ, ngờ vực.
([29]) cố thân: Đem thân đi làm thuê làm mướn để trừ nợ.
([30]) người nhơn: Người nhơn đức, có lòng thương kẻ khác.
([31]) đề điệu nhau: Dắt nhau, dẫn nhau, đưa nhau.
([32]) té ra: Hóa ra, thì ra là.
([33]) chẳng biết kể của cải ra giống gì: Không coi trọng của cải, vàng bạc.
([34]) nhơn ngãi 仁義: Nhân nghĩa. Thương người là nhân; ăn ở không trái đạo lý (cư xử không sai lẽ phải) là nghĩa.