Thứ Tư, 17 tháng 10, 2018

04 BA ĐIỀU KIỆN TỐI THIỂU CỦA NGƯỜI MUỐN BƯỚC VÀO CHƠN ĐẠO - ĐẠO UYỂN ĐÔNG 2018


Image result for three lotuses

Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam
Tuất thời, 15-9 Giáp Dần (Thứ Ba 29-10-1974)
Thông công: Bộ phận Hiệp Thiên Đài Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam. Pháp Đàn: Chơn Tâm. Đồng Tử: Thanh Thủy. Độc Giả: Hồng Mai. Điển Ký: Hồng Cẩm, Hoàng Mai, Kim Nhung, Lập Hạnh.
KIM QUANG ĐỒNG TỬ
Tiểu Thánh chào chư Thiên mạng. Chào chư liệt vị nam nữ. Tiểu Thánh đến báo đàn. Có Đức Đông Phương Chưởng Quản giáng lâm. Chư Thiên mạng và chư liệt vị thành tâm nghinh tiếp. Tiểu Thánh xin xuất ngoại ứng hầu. Lui.
ĐÔNG PHƯƠNG CHƯỞNG QUẢN
Chào chư hiền đệ, hiền muội. Hôm nay Bần Đạo đến để thâu nhận hàng thiện duyên vào đạo pháp. Chư hiền đệ, hiền muội an tọa.
Chư hiền đệ, hiền muội! Thời kỳ tam nguơn chuyển thế, Đức Thượng Đế tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát trong Tam Kỳ Phổ Độ đem vạn loại tiến hóa trên đường Đại Đạo để tái tạo thượng nguơn. Điều này tất cả người tín đồ Đại Đạo như chư hiền đệ, hiền muội đều hiểu rõ.
Sự truyền giáo trong thời kỳ này có khác hơn hai thời kỳ trước, là từ khí hư vô truyền thần diệu hiệp đến thế gian để sắp bày thật tướng là thánh thể và luật pháp. Từ thật tướng ấy chuyển cơ diệu hiệp cùng thần mới trọn thành thánh thể chí linh.
Buổi đầu sơ khai Đại Đạo, Đức Thượng Đế Chí Tôn muốn cho nhân sanh ý thức được vạn giáo nhứt lý nên vẫn cậy tay phàm truyền giáo cho những người môn đệ đầu tiên, như Thầy đã đổ Thần vì các môn đệ. Đúng ba mươi sáu năm, các pháp đã hiện bày trên thế gian. Những người tiền khai đã mệnh danh là thí điểm của đạo pháp được triệu hồi và Bần Đạo tiếp tục vâng sắc chỉ Ngọc Hư Cung với sự chứng minh của Tam Giáo Đạo Tổ, lần điểm đạo đầu tiên trên bước sơ cơ cho Định Pháp Minh Thiện. Từ đó với sứ mạng ban truyền tân pháp Cao Đài để cho nhân sanh giác ngộ, Bần Đạo phải đảm nhiệm chưởng quản Hiệp Thiên Đài vô vi để truyền pháp cho người có sứ mạng thiêng liêng và người ấy sẽ trực tiếp hướng dẫn hàng thiện căn qua bến giác khi được điểm đạo.
Tân pháp Cao Đài là pháp môn đại ân xá, là nấc thang cuối cùng kỳ mạt pháp để cứu độ nhân sanh. Người biết giác ngộ nhập cảnh vô vi sẽ được siêu thoát, kẻ biết hồi đầu hướng thiện chưởng duyên lành vào đời thánh đức khỏi đọa tam đ([1]) hay tán khôi trần ([2]) sau hội Long Hoa. Thế nên, những người muốn vào trường đạo pháp, điều trước tiên là đến trước Cao Đài gõ cửa Cao Đài. Cửa Cao Đài sẽ mở khi người có duyên được đến. Thứ đến phải học luật lệ Cao Đài và nhận chân tôn chỉ để noi theo, mục đích để đạt đến. Điều sau nữa là giữ giới luật quy điều của Đại Đạo. Đó là ba điều kin tối thiểu của người muốn bước vào chơn đo và sẽ được Đức Cao Đài điểm đạo.
 Chư hiền đệ, hiền muội! Thời gian có trước có sau, pháp môn theo thời gian có tân có cựu. Đại Đạo không thời gian, không sau không trước, cũng không cựu không tân. Đại Đạo vẫn là bản thể bất biến. Thế nên pháp môn vô lượng ([3]) nhưng người hành giả phải đạt đến chỗ bất nhị pháp môn ([4]) mới thật sự chứng quả.
Hôm nay Bần Đạo muốn chư hiền đệ muội có một tâm niệm về đạo pháp cho rõ ràng và chấp nhận nhứt tâm tu học theo những điều kiện như trên. Cần có những hồ sơ minh chứng trước giờ đăng đàn thọ pháp. Nếu chưa đủ hay chưa quyết tâm thì hãy chờ đợi một ngày giờ khác khi tâm đã quyết, điều kiện có đủ để bước vào chơn đạo để tránh mọi sự khảo đảo.
(…)
Chư hiền đệ, hiền muội! Cửa đạo rộng mở đón rước duyên lành. Đường đạo thênh thang, người hành giả ung dung về cõi thượng. Cao Đài là chỗ cao nhứt của mỗi chúng sanh. Đức Cao Đài Thượng Đế hằng ngự nơi đó.
Có chúng sanh tức là có Cao Đài, không có Cao Đài thì không có chúng sanh, mà không có chúng sanh thì không có Phật Tiên, Thần Thánh chi cả. Vô vi, hữu hình là một, khi phân tán, lúc quy hợp. Biết được chỗ khởi nguyên là biết được chỗ quy nguyên. Không quy nguyên được thì đã hủy diệt. Chơn ngôn ([5]) này không chỉ Bần Đạo mới nói đây mà đã có nói từ khi Đạo hiện bày thật tướng tại thế gian. Người hành giả muốn vững bước trên đường đạo phải thấu triệt điều này để khỏi hoài công vì lầm lạc.
THI
Phải có thân này mới có tâm
Tâm thân, thể dụng máy huyền thâm
Thâm thâm vì có công dò tột
Tột lý đường ngươi quyết chẳng lầm.
Những giáo điều không đặt để, bắt buộc hành giả vào khuôn phép mất quyền tư hữu tự do mà chính đó là muốn bảo trọng quyền tự do tư hữu của hành giả. Có biết bao nhiêu chủ nhân lang thang phong trần hay giam mình trong bóng tối vì đánh mất quyền tự chủ trong ngôi nhà chính mình tạo lập. Có biết bao nhiêu ngôi nhà sắp tan vỡ bởi chủ nhân lệ thuộc tha nhân. Đạo pháp giác ngộ đưa hành giả trở về với nhân bản.
THI
Có nhà, có chủ mới nên nhà
Quân tướng điều hành Đạo chẳng xa
Trong cảnh vô thường thường bất biến
Mới hay Tiên Phật vốn là ta.
Phương chi ([6]) trong thời kỳ này, cực biến cực loạn, ngụy nhiều chơn ít, người hành giả phải nắm lấy chơn thường sửa đang ngụy tạo. Đó là hành giả đã biết mình, biết người, tức là biết đạo vậy, và đạo pháp sẽ đưa hành giả đến chỗ đốn tuyệt vạn duyên không còn chơn ngụy nữa.
Người xưa học đạo chỉ một câu mà giác ngộ. Hôm nay Bần Đạo lại nói nhiều, nhưng dầu bao nhiêu chăng nữa, từ ngàn xưa, xưa tít hay bốn mươi chín năm ([7]) qua cũng chỉ tóm vào một câu mà thôi: Ai tìm được, học được sẽ thành Đạo.
(…)
Đến đây Bần Đạo tạm dừng để chư hiền đệ muội đủ thì giờ hồi gia. Bần Đạo ban ơn lành cho tất cả. Thăng.



Huệ Khải chú thích:
([1]) đọa tam đồ 墮三塗: Theo Phật Học Tự Điển của Đoàn Trung Còn, là ba đường đọa lạc của hồn kẻ tội lỗi: (i) hỏa đồ, hồn bị đọa địa ngục, bị lửa nung nấu; (ii) huyết đồ, hồn đầu thai làm súc vật, bị đồng loại hoặc con người giết chết để ăn thịt; (iii) đao đồ, hồn làm quỷ đói, bị dao kiếm hành hạ. Ba đường đọa địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ gọi là ba đường dữ (tam ác đạo).
Theo Luật Tam Thể (Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh), Đức Bát Nương giáng cơ giảng giải hình phạt đọa tam đồ như sau:
“Thảng như [nếu như] bị đọa tam đồ bất năng thoát tục thì chơn linh bị ngăn cản không được hiệp với chơn thần, làm cho đệ nhị xác thân (chơn thần) phải trở lại chuyển kiếp từ bực kim thạch cho đến làm người, và phải chuyển kiếp trở lại đủ ba vòng mới được khởi lập công lại.”
([2]) tán khôi trần 散灰塵: Tan thành tro bụi.
([3]) pháp môn vô lượng: Pháp môn nhiều không thể kể xiết.
([4]) bất nhị pháp môn 不二法門: Pháp môn không hai (advaya, advaita), pháp môn tối thượng trong tám vạn bốn ngàn pháp môn của Phật. Là pháp bình đẳng, không có sự khác biệt giữa cái này với cái kia. Theo Kinh Duy Ma Cật, Bồ Tát Văn Thù hỏi cư sĩ Duy Ma Cật bất nhị pháp môn là gì, cư sĩ im lặng, một sự im lặng sấm sét (mặc như lôi). Bồ Tát hiểu được nên khen ngợi: “Hay lắm! Hay lắm! Không có lời lẽ, đó là bất nhị pháp môn.”
([5]) chơn ngôn 真言: Lời nói đúng lẽ thật (true statement).
([6]) phương chi: Huống chi, huống gì (much less, still less).
([7]) Tính từ khai Đạo (1926) tới lúc Đức Tôn Sư dạy bài này (1974).