Thứ Tư, 17 tháng 10, 2018

06 CẦU NGUYỆN ĐÚNG NGHĨA LÀ GÌ? - ĐẠO UYỂN ĐÔNG 2018


Image result for CAODAISM
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam
Tuất thời, 15-11 Giáp Dần (Thứ Bảy 28-12-1974)
Thông công: Bộ Phận Hiệp Thiên Đài Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam. Pháp Đàn: Chơn Tâm.
Đồng Tử: Thanh Thủy. Độc Giả: Bạch Tuyết.
Điển Ký: Ngọc Kiều, Hồng Cẩm, Kim Nhung, Lập Hạnh.
THI
Không sắc ĐỐ ai biết đặng rành
Sắc có THÔNG rồi không mới sanh
Nếu đã QUAN tâm xin hỏi lại
Tâm huyền THÂN đắc đạo viên thành.
Chào chư Thiên ân, chư huynh tỷ, đệ muội.
NGÂM
Bạn xưa ([1]) giáng trước đàn này
Hỏi ai có biết rằng đây tên gì? ([2])
Có Minh Đức Đạo Nhơn ([3]) lâm đàn, chư liệt vị nghinh tiếp. Thôi, xin hẹn một dịp khác sẽ tái ngộ. Chào chư Thiên ân, chư huynh tỷ, đệ muội.
(…)
MINH ĐỨC ĐẠO NHƠN
Chào chư Thiên ân hướng đạo. Chào chư liệt vị nam nữ đàn tiền. Mời hiền huynh Huệ Lương ([4]) an tọa. Mời toàn thể chư liệt vị an tọa.
(…)
Nhân đây, Tệ Huynh cũng xin nói thêm về sự cầu nguyện và sẽ có Đức Bồ Tát đến sau ít phút để giáo đạo đàn trung.([5])
Thế thường người đời hay quan niệm sự cầu nguyện là được đáp ứng theo ý muốn với lời van vái hiến dâng lễ lộc cúng bái. Sự cầu nguyện chỉ quan trọng đối với người đời khi hữu sự, khi hoạn nạn.
Ngoài ra, sự cầu nguyện còn bị lạm dụng trong vấn đề vay mượn trước Thiêng Liêng để đóng trọn vai trò của một người khoác áo nhà sư hay thầy bóng,([6]) phù pháp ([7]) cộng cả chức sắc, chức việc trong các cuộc cúng tế đình đám, quan hôn tang tế. Vì vậy sự linh ứng của Thiêng Liêng không còn trọn đức tin cho đúng với ý nghĩa thiêng liêng nữa.
Thần Thánh, Tiên Phật, luôn luôn do nguồn cảm linh diệu chân thành của thế nhân mà ứng đắc hộ trì.([8]) Nhớ lại Thánh Khổng Tử xưa kia lúc lâm trọng bệnh, chư môn sanh xin phép lập đàn khẩn đảo cầu thọ cho thầy, Đức Khổng Tử bảo rằng: “Chính ta đã cầu đảo từ lâu rồi.” ([9])
Như vậy sự cầu nguyện không phải là một vấn đề tầm thường như tất cả những điều cầu nguyện đã nêu trên mà xét lại để tìm hiểu hai tiếng cầu nguyện.
Cầu nguyện tức là tìm sự ước muốn, ước nguyện của chính mình. Muốn tìm cho đặng những điều ấy, phải thật tâm để tìm trong giờ phút thiêng liêng hằng ngày giữa cuộc sống. Giờ phút thiêng liêng ấy luôn luôn đến với những tâm hồn vô tư minh chánh,([10]) hằng nghĩ đến sự sống còn trong lẽ đạo. Những người ấy không ước vọng gì riêng tư cho cá nhân mình cả, vì họ đã thông thấu sự công bằng của Tạo Hóa. Bốn mùa tám tiết sanh trưởng thâu tàng không dời đổi. Tạo Hóa đã dành sẵn tất cả sự ước muốn của con người thánh thiện. Không có điều nào hữu dư hay bất túc cả,([11]) nên chi ([12]) tiền nhân lưu lại những kinh điển đủ phương pháp tế tự mà vấn đề cầu nguyện được kết thúc vào bốn chữ công đức vô lượng.
Đối với các bậc thánh vương vì thiên hạ, đối với người chân tu vì nhơn sanh vong kỷ vị tha,([13]) vì sao cầu nguyện lại được công đức vô lượng? Đã bàn qua hai chữ cầu nguyện, tất phải nói đến công đức để mỗi người đều ý thức đến sự quan trọng của lời cầu nguyện.
Theo Phật gia có nói: Mỗi người đều có Phật tánh, Phật tánh hằng tại trong Phật thân là pháp thân, hóa thân và báo thân. Công đức vô lượng sẽ là mầm để khởi ánh huệ đăng cho ba thể Phật ấy, nên nói rằng: “Tự tánh bất ly thị công, ứng dụng vô nhiễm thị đức. Tự tu tánh thị công, tự tu thân thị đức. Niệm niệm vô gián thị công, tâm hành bình đẳng thị đức.” ([14])
Tạm nói nghĩa như vầy: Không lìa tự tánh là công, lúc ứng dụng mà không nhiễm ngoại vật là đức. Mình biết tu lấy tánh mình để cho suất tánh ([15]) đó là công, mình biết tu thân mình trọn lành đó là đức. Niệm niệm không bị xen lẫn thiên lệch loạn động mà không dứt chánh niệm là công, lòng hằng phẳng lặng xem tất cả đều bình đẳng là đức.
Tóm lại, cầu nguyện mà được công đức không lường là do những tác dụng ấy. Như khóa tịnh Đông Chí vừa qua, chư tịnh viên nam nữ đã hành trì công đức vô lượng để đem lại sự hồi hướng cho đất nước, đồng bào.
Ôi! Lớn lao thay, lời cầu nguyện, tâm cầu nguyện! Kiểm điểm lại để mỗi khi nhắc đến hai tiếng cầu nguyện, phải liên tưởng ngay đến lý siêu việt và tác dụng uy linh của sự cầu nguyện.
Tệ Huynh cũng xin mừng cho chư hiền Thiên ân hướng đạo và chư tịnh viên nam nữ trong khóa tu vừa qua. Nhưng cũng nói thêm là chưa đủ. Nỗi thống khổ điêu linh của đồng loại như lửa cháy muôn xe. Phải cần đến nước trong tịnh thủy bình mới mong chữa được. Dầu có gom hết sông biển, rạch ngòi, cũng không thể dập tắt được lửa dục của thế nhân. Nhưng mà tịnh thủy bình ở đâu bây giờ hỡi chư liệt vị?
Nói đến tịnh thủy bình, chắc hẳn chư liệt vị hiện diện đây đa số – nếu không nói là hầu hết – đều nghĩ đến Đức Bồ Tát Quan Âm mới có tịnh thủy bình. Như vậy, ai đi cầu Đức Quan Âm Bồ Tát để được tịnh thủy bình hầu chế ngự lửa dục trần gian? Chắc hẳn phải có Tôn Ngộ Không mới cầu viện được. Mà Tôn Ngộ Không là gì? Nếu là một Thạch Hầu Vương xuất gia thì đã quá khứ lâu rồi, ở tận đời Đường bên Trung Hoa. Nếu không có Ngộ Không, hẳn thế giới này phải tiêu diệt vì lửa dục rồi đây!
Chư liệt vị ôi! Mượn hình nói đạo, mượn sự cầu lý. Ngộ Không là giác ngộ, là gặp đặng, thấu đặng chỗ không. Tất cả mỗi người đều có một Ngộ Không ở trong lòng, nhưng không tôn nó lên thì nó ẩn mất. Bằng tôn Ngộ Không lên tất nhiên sẽ có người đi cầu viện Bồ Tát lấy tịnh thủy bình cho mà rưới tắt lửa nghiệp lực, lửa dục vọng, lửa oan cừu của thế gian.
Tệ Huynh vì sự vui mừng được cùng chư liệt vị tâm tình đạo sự, giúp đỡ lẫn nhau bằng lời, bằng linh điển gọi là lòng đạo với đất nước, dân tộc và chư đạo tâm, đạo hữu.
Đức Bồ Tát sắp đến.
THI
Thương đời nào biết phải làm sao?
Tạm mượn linh cơ để gợi mào ([16])
Sẵn có sắc thân là tiện dễ ([17])
Ráng cần tu tiến gấp mau mau.
Xin chào tất cả chư Thiên ân, chư liệt vị. Lui.
TIẾP ĐIỂN
Thuyền từ lướt giữa sông mê
Gọi người trần thế quay về bổn căn
Mây chiều tám hướng bủa giăng
Chim khôn tìm ổ mới rằng chim khôn
Cõi trần tai nạn dập dồn
Hỡi người người muốn bảo tồn tánh linh
Trường đời là chỗ khai minh
Con đường tiến hóa siêu sinh cõi Trời.
QUAN ÂM BỒ TÁT
Bần Đạo chào chư hiền sĩ, hiền muội. Miễn lễ. Chư hiền sĩ, hiên muội đồng an tọa.
Nhân đàn lệ tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Bần Đạo nhìn thấy các nguyên nhân cu hội ([18]) trước điện tiền nên tạm dừng chân ít phút để khuyến nhủ chư hiền sĩ, hiền muội hiện diện hôm nay mấy dòng lý đạo.
Nầy chư hiền sĩ, hiền muội! Cùng là con người sanh trên cõi thế, nhưng nhìn qua một lượt trước tầm mắt của mỗi người đều phân tách được sự sang hèn, khôn dại. Trong các giai tằng ([19]) ấy cũng là hình hài, tai mắt, mặt mày, cũng Tạo Hóa phát ban cho sự sống còn đồng đều không thiếu, nhưng vì sao lại chinh lệch khác biệt như vậy?
Chư hiền sĩ, hiền muội đã có đọc qua những câu chuyện nhân quả, luân hồi ít nhiều rồi. Đó là một vấn đề được thông qua. Tất cả mọi người biết có cảm giác và ứng hiện. Nếu chư hiền sĩ, hiền muội hoặc tất cả nhơn sanh trên cõi thế đều hiểu rõ được nguồn gốc của nhân quả, luân hồi mà khắc phục lấy bản thân đúng theo sự hiểu biết, chắc hẳn thế gian không có cảnh trầm luân đau khổ như hiện thời.
Bần Đạo phân như vậy, chư hiền sĩ, hiền muội đã ý thức được thế nào là diệt khổ để đem lại đời thanh bình an lạc cho nhơn loại. Muốn diệt khổ tất mỗi người phải tự diệt lấy những nỗi khổ của chính mình. Mà khổ của chính mỗi người là gì?
Trời che đất chở, non xanh nước biếc, hoa cỏ tươi màu, mỗi mỗi sự vật đều sống trong lý thiên nhiên của trời đất. Nhưng khi con người muốn dời non tát biển, phá núi đắp sông, muốn chia ranh lấn đất, muốn chọc trời khuấy nước; từ cái muốn lớn đến cái muốn nhỏ, con người đều hướng theo ánh sáng chan hòa của tầm mắt để tiến bước trên sự ước muốn. Nhưng khi va chạm vào một bức tường nào đó, sự ước muốn trở lại hành hạ tâm hồn, không riêng gì xác thân đang đau khổ.
Bắt nguồn từ đó, con người bỗng nổi lên ngọn lửa thứ hai để tiếp theo lòng tham dục là sân. Khi đã sân rồi ắt phải si. Ba ngọn lửa bừng cháy trong lòng để tiêu tan tất cả những gia tài sự nghiệp thiêng liêng của Thượng Đế đã ban cho.
Hiện giờ, con người chỉ còn cái túi da chứa đựng đủ tất cả những thứ ô trược hồng trần nên nặng nề không tiến bước được nữa phải ngồi lại để cho các chủng tử ([20]) đã thâu thập nứt mầm sanh hoa kết quả và hột giống ấy sẽ triền miên mọc trên cõi đời ô trược này.
Trái lại, trong trường tiến hóa của vạn linh mà là một nguyên nhân hạ thế, chỉ vì vô tâm một phút, không cẩn trì ([21]) chơn tánh bổn linh để chịu dừng chân thối bước rồi nhìn cõi đời, nhìn sự vật chi chi cũng đều là đau là khổ, là oan trái, là nghiệp lực tất cả.
Chư hiền sĩ, hiền muội ôi! Bao nhiêu duyên phước mà chư hiền sĩ, hiền muội đã tạo ra ở tiền kiếp, hiện tại mới được giác ngộ trước kỳ đại ân xá. Hãy gìn giữ lấy, hãy dặn lòng tu tiến, tỉnh ngộ. Dầu ở vào cương vị nào, sang hèn, khôn dại, tất cả đều còn có điểm linh chơn tánh của Thượng Đế. Tuy mang áo cẩm bào,([22]) lòng đừng mến tục; dầu trong bô vải,([23]) chớ để cho thân tâm trầm nịch ([24]) chốn mê đồ.([25]) Cuộc vinh sang Trời dành là để chư hiền làm nấc thang tiến hóa. Khi đã có một nhân tốt ở quá khứ, nếu không gìn giữ hột nhân ấy để cây phúc được sum sê thì cơ hội ân xá này cũng khó trở về quê xưa vị cũ. Ngày mai đây khi mặt trời lặn xuống, bóng thỏ lố hình, Bắc Đẩu chói sáng thì chúa sơn lâm cũng phải trở lại rừng già, cuộc hổ đấu long tranh sẽ kết thúc sau Hội Long Hoa.
Nầy các nguyên nhân! Nầy chư hiền sĩ, hiền muội hiện diện hôm nay! Hãy nhớ lời Bồ Tát Như Lai, tâm tâm niệm niệm đừng ly, khoác cho mình một chiếc đạo bào ([26]) để làm thiết giáp tránh cơn lửa đạn mưa tên, thắp cho mình một ngọn đuốc thiêng để thấy cạm bẫy chông gai mà tiến bước. Nếu có duyên cùng Bần Đạo dìu dắt qua cõi tạm bến mê, sẽ được ban ơn khi gặp lại.
Bần Đạo cùng chư Tiên Phật lúc nào cũng tận độ nguyên nhân hồi đầu ([27]) hướng thiện,([28]) nhưng chờ chư nguyên nhân có hai chữ thật tâm. Bao nhiêu đó thay vì muôn ngàn nén hương khẩn đảo.([29])
Bần Đạo đến hôm nay đã có ý thâu những người hữu duyên hữu phúc trong kiếp nạn chúng sanh. Như đã nói, chờ sự thật tâm của mỗi người.
(...)
Bần Đạo sẽ còn thâu các nguyên nhân hữu căn hữu kiếp trong một đàn khác. (...)
THI
Đôi lời Bồ Tát dạy hôm nay
Mong mỏi người lành thoát họa tai
Trở lại đường Tiên cùng nẻo Phật
Thanh nhàn thong thả tháng năm ngày.
(...) Bần Đạo ban ơn cho toàn thể chư đạo tâm nam nữ. Chư nguyên căn hữu phước sẽ được ơn trong một đàn khác. Thăng.


([1]) bạn xưa: Ngài nguyên là Minh Tra, tu học và hành đạo tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam. Thánh danh ngài là Hồng Phước (thế danh Hoàng Ngọc Tạo). Sau khi quy thiên, ngài đắc quả Đô Thống Quản Địa Thần (1967), rồi thăng Giác Minh Tôn Thánh (1979).
([2]) Bài thi xưng danh khoán tâm giải ra như sau:
Câu 1: ĐỐkhông sắcĐÔ. / Câu 2: THÔNGsắc có thành THỐNG. / Câu 3: QUAN mà thêm hỏi thành QUẢN. / Câu 4: THÂN mà thêm huyền thành THẦN.
Vậy, ngài là Đức Đô Thống Quản [Địa] Thần. Cho tới tháng 4-1975, Sài Gòn gọi là đô thành, gồm chín quận đánh số từ 1 tới 10 (không có quận 9). Căn cứ theo quả vị của ngài thì biết ngài cai quản tất cả (thống quản 統管) các ông Địa (Địa Thần) trong phạm vi đô thành Sài Gòn.
([3]) Minh Đức Đạo Nhơn: Thế danh Lê Văn Còn, nguyên là Giáo Sư Thượng Còn Thanh (Đầu Họ Đạo thánh thất Bình Hòa, thuộc Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo). Hai con trai của ngài là Lê Văn Non (1913-1985, thánh danh Đạt Minh, đắc quả Quang Minh Huệ Tiên năm 1986) và Lê Văn Bá (1918-2008, thánh danh Chí Tín) đều ở trong lớp Thiên ân hướng đạo tiền khai của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam (do Đức Chí Tôn thành lập năm 1965).
([4]) Huệ Lương: Thế danh Trần Văn Quế (1902-1980), bấy giờ là Tổng Lý Minh Đạo của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam. Ngài đắc quả Quảng Đức Chơn Tiên (1981).
([5]) giáo đạo 教道: Dạy đạo. đàn trung 壇中: Những vị có mặt trong buổi lập đàn cầu cơ.
([6]) thầy bóng: Thầy đồng bóng.
([7]) phù pháp: Thầy phù thủy và thầy pháp.
([8]) Nói tắt là cảm ứng 感應. Người phàm có cảm (affecting) được Ơn Trên thì các Đấng mới ứng (đáp lại / responding) một cách huyền diệu nhiệm mầu thể theo ước nguyện của người phàm.
([9]) Luận Ngữ (7:34) chép lời Đức Khổng: “Khâu chi đảo cửu hỹ.” Xem thêm: Huệ Khải, Cầu Đảo, in trong Bắc Cầu Tâm Linh (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 15-16; quyển 54-2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo).
([10]) minh chánh: Tức là quang minh chánh đại 光明正大 (trong lòng thẳng thắn, không hề có âm mưu mờ ám).
([11]) hữu dư: Thừa thãi. bất túc: Thiếu thốn, không đủ.
([12]) nên chi: Vì lẽ đó.
([13]) vong kỷ vị tha 為他: Cũng như xả kỷ vị tha 舍己為他, bỏ lòng ích kỷ (quên lợi ích bản thân) mà nghĩ tới người khác.
([14]) , . , . , .
([15]) suất tánh 帥性: Tuân theo (noi theo) cái tánh tự nhiên.
([16]) gợi mào: Khơi mào, mở đầu, gợi mở vấn đề.
([17]) sắc thân 色身: Thân xác hữu hình. tiện dễ: Thuận tiện và dễ dàng cho việc tu hành. (Không có thân xác thì khó tu luyện, khó làm công quả…)
([18]) cu (câu) hội 俱會: Cùng có mặt, cùng tụ hội.
([19]) giai tằng 階層: Tầng lớp xã hội (social strata).
([20]) chủng tử 種子: Hạt giống (seed).
([21]) cẩn trì 謹持: Cẩn thận gìn giữ (preserving carefully).
([22]) cẩm bào 錦袍: Áo gấm; ý nói cảnh quyền quý, sang giàu.
([23]) bô vải: Vải bô, vải sợi to, thô; ý nói cảnh bình dân, tầm thường.
([24]) trầm nịch 沈溺: Chìm đắm, say mê đắm đuối.
([25]) mê đồ 迷途: Đường mê; con đường lầm lạc, sai trái.
([26]) đạo bào 道袍: Áo đạo.
([27]) hồi đầu 回頭: Quay đầu lại. Tỉnh ngộ, trở về đường ngay lẽ phải.
([28]) hướng thiện 向善: Quay về điều lành.
([29]) khẩn đảo 緊禱: Cầu cúng, vái van liên tục.
Huệ Khải chú thích