KINH
VÀO HỌC
(Giọng
nam xuân)
I.
KINH VĂN
Đại Từ Phụ xin
thương khai khiếu
Giúp trẻ thơ học hiểu văn từ
Gần điều nên, lánh lẽ hư
4. Nương gươm thần huệ đặng trừ
nghiệt căn.
Dò đường thánh khó khăn chẳng nại
Tùng Khuôn Hồng nhỏ dại lớn khôn
Buộc yêu thương bạn đồng môn
8. Nghĩa nhân vẹn giữ xác hồn trăm
năm.
Nguyện tam cang gìn tâm trọn đạo
Nguyện ngũ thường hiếu thảo làm
khuôn
Nguyện nên hương hỏa tông đường
12. Nguyện thương lê thứ trong trường công
danh.
Cầu khẩn đấng chơn linh nhập thể
Đủ thông minh học lễ học văn
May duyên gặp hội long vân
16.
Thuyền thơ ngọn gió Các Đằng xuôi đưa.
Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát
(niệm một lần)
II. XUẤT
XỨ
Bài kinh này do tiền khai Phạm Hộ Pháp
(1890-1959) đặt, sau đó có Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn nhuận sắc. (Tòa Thánh Tây
Ninh, Kinh Thiên Đạo Và Thế Đạo. Bản in 1992, tr. 103, chú thích
1.)
III.
CHÚ GIẢI
Kinh Vào Học được đọc trước khi bắt
đầu một buổi học trong nhà đạo. Giảng viên và các học viên đứng ngay ngắn, chắp
tay đặt trước ngực và cùng đọc kinh.
Giọng nam xuân: Giọng đọc kinh theo làn điệu nhạc lễ truyền thống của dân
tộc, nhịp hơi nhanh, biểu thị nét vui tươi, lòng thơ thới. (Còn một giọng khác
là nam ai, nhịp chậm, biểu thị nét
buồn thảm, bi ai. Kinh đọc trong đám tang đều theo giọng nam ai.)
Câu 1-2: Đại Từ Phụ xin thương khai
khiếu / Giúp trẻ thơ học hiểu văn từ.
Đại Từ Phụ 大慈父: Người
cha rất hiền, rất thương con (the Great
Merciful Father), tức là Đức Chí Tôn, Đức Cao Đài, Đức Ngọc Hoàng Thượng
Đế.
khai khiếu:
a. khiếu 竅: Khả năng đặc biệt, năng lực
về phương diện tinh thần (an instinct for).
Thí dụ: khiếu thẩm mỹ (biết thưởng thức nghệ thuật hoặc biết sáng tạo nghệ
thuật; an instinct for beauty), khiếu
văn chương (biết thưởng thức văn chương hoặc biết làm thơ, viết văn; an instinct for literature).
b. khai khiếu 開竅: Mở trí thông minh, làm cho
tâm trí sáng suốt, mau chóng hiểu đúng được việc gì (helping to get a quick and correct understanding of something).
trẻ thơ: Con trẻ còn khờ dại (immature children). Khi vào cửa đạo, dù
tuổi đời có nhiều đến đâu chăng nữa, thì trước Đức Chí Tôn (Đấng Cha Trời) hay Đức
Phật Mẫu (Đức Mẹ) ai ai cũng chỉ là đứa con ngây thơ non dại.
Văn từ: Văn
chương, chữ nghĩa. Tức là lời kinh, thánh ngôn thánh giáo có trong bài học; kể
luôn cả lời văn, lời nói của giảng viên lúc giảng bài.
Đại ý câu 1-2: Cầu xin Đại Từ Phụ (Thượng Đế)
thương chúng con, mở trí thông minh cho chúng con có đầy đủ sáng suốt, học hiểu
được hết những lời văn, chữ nghĩa diễn bày đạo lý.
Câu 3-4: Gần điều nên, lánh lẽ hư / Nương
gươm thần huệ đặng trừ nghiệt căn.
điều nên: Điều phải, điều hợp với đạo đức.
lánh: Xa lánh.
lẽ hư: Điều xấu xa, sai trái, không hợp
với đạo đức.
nương: Dựa vào, nhờ cậy vào.
gươm thần huệ:
a. thần huệ: Trí
huệ thần diệu (nhiệm mầu). Sự sáng suốt mầu nhiệm, nhờ đó con người biết phân
biệt để bỏ điều sai lầm mà làm theo điều chân chính.
b. gươm thần huệ: Gươm
trí huệ thần diệu. Con người muốn khỏi đau khổ, phiền não phải dùng trí huệ
thần diệu suy xét các nguyên nhân tạo ra não phiền, đau khổ và rồi cương quyết
cắt đứt mọi sự ràng buộc, mọi mối liên hệ với chúng. Do đó, trí huệ thần diệu
được ví như thanh gươm sắc bén. Truyện thơ dân gian Việt Nam Quan Âm Thị Kính có câu:
Này gươm trí huệ mài đây
Bao nhiêu phiền não cắt ngay cho rồi.
đặng trừ: Để trừ bỏ được, để diệt trừ được.
nghiệt căn: Mầm mống xui khiến con người phạm
tội.
Đại ý câu 3-4: Chúng con xin gần gũi điều
tốt lành, xa lánh điều xấu xa. Chúng con xin nương nhờ vào sức mạnh trí huệ của
chúng con, lấy trí huệ làm gươm bén để chặt đứt mọi mầm mống gây tạo ra tội lỗi.
Câu 5-6: Dò đường thánh khó khăn chẳng
nại / Tùng Khuôn hồng nhỏ dại lớn khôn.
dò: Dò dẫm, lần bước đi từ từ để tìm
hiểu, học hỏi.
đường thánh: Con đường trau dồi phẩm hạnh để
người trần tục trở nên thanh cao như các vị Thánh Hiền. Giáo lý Cao Đài dạy
người đời tu học cho nên bậc Thánh Hiền, Tiên Phật; do đó đường thánh cũng có
nghĩa đường lối tu hành theo giáo lý Cao Đài.
khó khăn chẳng nại: Chẳng vì khó khăn mà ngại, e sợ.
tùng: Noi theo, đi theo.
Khuôn Hồng:
a. hồng: to
lớn. Thí dụ: hồng ân là ơn to tát (của Đức Chí Tôn ban cho).
b. khuôn: Cái
khuôn đúc ra đồ vật. Từ Hán-Việt gọi là quân.
c. Khuôn Hồng: Hồng quân. Cái
khuôn lớn đúc ra con người và muôn vật trong vũ trụ này; tức là Trời, Thượng Đế.
(Khuôn Thiêngcũng đồng nghĩa.)
nhỏ dại lớn khôn:
a. Từ lúc còn nhỏ dại cho đến khi khôn
lớn.
b. Từ đàn em em nhỏ dại cho đến bậc đàn
anh đàn chị đã khôn lớn.
Đại ý câu 5-6: Chúng con dù là đàn em nhỏ
dại hay hàng anh chị khôn lớn cũng đều nguyện noi theo Đức Chí Tôn, lần bước
theo đường lối tu học của đạo Cao Đài, không sợ khó khăn trở ngại.
Câu 7-8: Buộc yêu thương bạn đồng môn
/ Nghĩa nhân vẹn giữ xác hồn trăm năm.
buộc: Phải, bắt buộc.
bạn đồng môn: Bạn cùng học một Thầy, một Đạo.
nghĩa: Cách sống hợp lẽ phải, đạo đức. Thí
dụ: Nghĩa thầy trò, nghĩa vợ chồng.
nhân: Lòng thương người, thương vật.
vẹn giữ: Giữ gìn cho trọn vẹn.
xác hồn trăm năm: Suốt cả cuộc đời, từ lúc sống cho
tới ngày chết.
Đại ý câu 7-8: Chúng
con bắt buộc phải thương yêu bạn đồng đạo, suốt cuộc đời xin giữ tròn vẹn cách
sống nhân nghĩa (thương người thương vật, cư xử đúng lẽ phải).
Câu 9-10: Nguyện
tam cang gìn tâm trọn đạo / Nguyện ngũ thường hiếu thảo làm khuôn.
nguyện: Tự nhủ, tự cam kết sẽ làm đúng
những điều mà bản thân coi là thiêng liêng.
tam cang: Tam cương. Ba giềng mối, ba mối
quan hệ:
a. quân thần cang: Xưa
là quan hệ vua (quân) và tôi (thần); nay là quan hệ công dân và nhà nước. Tức
là dân phải trung với nước.
b. phụ tử cang: Quan
hệ cha (mẹ) và con cái. Tức là
con phải hiếu với cha mẹ.
c. phu thê
cang: Quan hệ chồng (phu)
và vợ (thê). Tức là chồng vợ phải thương yêu nhau, tôn trọng nhau, chung thủy
với nhau.
Tam cang
là căn bản đạo làm người, trung thành với Tổ Quốc, hiếu thảo với cha mẹ, thương
yêu, tôn trọng người bạn đời của mình (vợ hay chồng).
gìn tâm
trọn đạo: Giữ lòng chân chánh để thực thi trọn
vẹn đạo lý ở đời.
ngũ
thường: Năm hằng. Năm đức tính mà con người
phải luôn luôn có:
a. nhân:
Xem giải thích câu kinh 4.
b. nghĩa: Xem giải thích câu kinh 4.
c. lễ: Sự trang nghiêm, khuôn phép, đứng đắn trong
tư tưởng và hành vi. Thí dụ: ăn nói tục tằn là trái lễ; xem những hình ảnh,
sách vở thô tục là trái lễ...
d. trí: Sáng suốt, biết phân biệt phải trái,
biết lúc nào tiến lúc nào lui. Thí dụ: Ông Trương Lương sau khi giúp Lưu Bang
lập nên nhà Hán, đã từ quan vì biết Lưu Bang lòng dạ không chung thủy, sẽ giết
hại công thần. Nhờ có trí nên Trương Lương thoát nạn. Còn Hàn Tín ở lại làm
quan to, sau bị Lưu Bang lập mưu giết đi. Hàn Tín vì thế bị chê là thiếu trí.
e. tín: Đối với bản thân thì tự tin ở mình; đối xử với
người khác thì không dối trá, lừa gạt; đối với các Đấng thiêng liêng thì làm
đúng những gì đã nguyện hứa.
hiếu
thảo: Thương kính, nhớ ơn và biết phụng dưỡng
cha mẹ.
làm
khuôn: Làm thành khuôn phép, mẫu mực noi theo.
hiếu
thảo làm khuôn: Người xưa bảo “Nhân sinh bách hạnh, hiếu vi tiên.”
Nghĩa là người đời có trăm đức hạnh thì đứng đầu là hiếu. Do đó, tuy câu kinh
nói rộng ra gồm các đức hạnh như tam cương, ngũ thường nhưng căn bản vẫn lấy
đạo hiếu làm khuôn phép, mẫu mực.
Đại ý câu
9-10: Chúng con nguyện giữ lòng chân chánh, sống
trung hiếu, thủy chung, sao cho nên người có đủ nhân, nghĩa, lễ, trí, tín mà
hiếu thảo là khuôn phép căn bản.
Câu
11-12: Nguyện nên hương hỏa
tông đường / Nguyện thương lê thứ trong trường công danh.
hương
hỏa: Nhang và đèn (lửa). Tức là việc thờ
cúng tổ tiên.
tông
đường: Nhà thờ tổ tiên.
lê thứ: Dân chúng.
trường
công danh: Môi trường làm việc có danh vọng, quyền
chức ở đời.
Đại ý
câu 11-12: Chúng con nguyện rằng nơi gia đình thì giữ
trọn đạo hiếu, tôn kính phụng thờ tổ tiên. Ra xã hội, nếu chúng con có quyền
chức thì xin nguyện thương yêu phục vụ dân chúng.
Câu
13-14: Cầu khẩn đấng chơn linh nhập thể / Đủ thông
minh học lễ học văn.
cầu khẩn: Thiết tha cầu xin.
nhập thể: Nhập vào thể xác. (Nhưng trong câu kinh
này cần hiểu thoát ý. Xem chú giải đấng
chơn linh bên dưới.)
đấng
chơn linh: Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển (quyển
II, 1966, tr. 66), Đức Chí Tôn dạy: “Thầy đã nói rằng nơi thân phàm các
con, mỗi đứa Thầy đều cho một chơn linh gìn giữ cái chơn mạng sanh tồn. Thầy
tưởng chẳng cần nói, các con cũng hiểu rõ rằng đấng chơn linh ấy vốn vô tư, mà
lại đặng phép giao thông cùng cả chư Thần Thánh, Tiên Phật và các Đấng trọn
lành nơi Ngọc Hư Cung.”
Chơn
linh ấy cũng chính là lương tâm, tánh Trời tự nhiên của mỗi người. Khi con
người gây ra lỗi lầm đó là lúc tánh phàm lấn lướt tánh Trời, che lấp lương tâm,
làm cho con người trở nên mê muội, tối tăm. Vậy cầu khẩn đấng chơn linh nhập thể không có nghĩa là cầu đấng
chơn linh ở ngoài thân nhập vào trong thân xác; câu kinh có nghĩa thúc giục
phần tánh Trời trổi dậy chế ngự tánh phàm, để con người trở nên sáng suốt,
thông minh.
học lễ
học văn: Truyền thống dân tộc có câu Tiên
học lễ, hậu học văn, hoặc Có học phải có hạnh. Văn (kiến
thức, học vấn, tài năng) phải đặt trên nền tảng lễ (đạo đức, hạnh kiểm), có như
vậy mới biết đem tài giúp đời, giúp đạo. Người tài càng cao mà thiếu đức thì
gây hại cho đời cho đạo càng nghiêm trọng. Vì thế nền giáo dục Cao Đài coi
trọng cả đức dục (lễ) lẫn trí dục (văn).
Đại ý
câu 13-14: Chúng con tha thiết cầu xin cho phần chơn
linh sáng suốt sẵn có trong thân trợ giúp chúng con phát huy trí thông minh để
học hỏi, trau dồi cả về đức lẫn tài.
Câu
15-16: May duyên gặp hội long vân / Thuyền thơ ngọn
gió Các Đằng xuôi đưa.
may
duyên: Gặp cơ hội tốt, thuận lợi.
hội long
vân: Hội rồng mây. Có câu rồng gặp mây, cá
gặp nước; ý nói người tài đức gặp cơ hội thuận tiện, được nhà nước tin dùng, có
thể thi thố tài đức ra giúp đời, giúp đạo.
thuyền
thơ: Con thuyền chở sách vở (thư, thơ); ý
nói thuyền của người học trò.
Các Đằng: Gác Đằng, tên đầy đủ là Đằng Vương Các.
Thuyền
thơ ngọn gió Các Đằng xuôi đưa: Ngọn
gió đưa con thuyền của người học trò đến thẳng Đằng Vương Các. Câu đối cổ Trung
Hoa có vế trên là: Thời lai phong tống Đằng Vương Các, nghĩa
là khi thời vận tới, gió thổi thuyền tới gác Đằng Vương, ngụ ý kẻ có tài gặp cơ
hội thuận lợi thì thành công lẫy lừng.
ĐIỂN TÍCH: Gác Đằng Vương dựng ở đất Hàng Châu (Trung
Hoa) để ghi nhớ công trận của Lý Nguyên Anh (được phong tước Đằng Vương). Năm
675, thiếu niên Vương Bột (650-676) trong lúc vượt biển thăm cha đang làm thứ
sử Giao Châu (Việt Nam), tình cờ một trận gió lớn thổi bạt thuyền đến gác Đằng Vương.
Nơi ấy đang tổ chức tranh tài thi phú nhân dịp vừa tái thiết xong gác. Vương
Bột sáng tác bài Đằng Vương Các Tự
chinh phục tất cả khách làng thơ và lưu danh thiên cổ. Trong bài đó, có hai câu
vẫn được đời truyền tụng là thần cú: “Lạc
hà dữ cô vụ tề phi / Thu thủy cộng tràng thiên nhất sắc.” / (Dịch sát nghĩa
từng chữ: Ráng chiều với cò lẻ cùng bay / Nước thu cùng trời dài một sắc.)
Đại ý
câu 15-16: Chúng con cầu xin gặp được cơ hội thuận lợi,
để đem tài học ra thi thố giúp đời, giúp Đạo được thành công rực rỡ.
IV. TÓM TẮT ĐẠI Ý TOÀN BÀI KINH VÀO HỌC
Cầu xin
Đại Từ Phụ (Thượng Đế) thương chúng con, mở trí thông minh cho chúng con có đầy
đủ sáng suốt, học hiểu được hết những lời văn, chữ nghĩa diễn bày đạo lý.
Chúng con xin gần gũi điều
tốt lành, xa lánh điều xấu xa. Chúng con xin nương nhờ vào sức mạnh trí huệ của
chúng con, lấy trí huệ làm gươm bén để chặt đứt mọi mầm mống gây tạo ra tội ác.
Chúng con dù là đàn em nhỏ dại hay hàng
anh chị khôn lớn cũng đều nguyện noi theo Đức Chí Tôn, lần bước theo đường lối
tu học của đạo Cao Đài, không sợ khó khăn trở ngại.
Chúng con bắt buộc phải
thương yêu bạn đồng đạo, suốt cuộc đời xin giữ tròn vẹn cách sống nhân nghĩa
(thương người thương vật, cư xử đúng lẽ phải).
Chúng con nguyện giữ lòng
chân chánh, sống trung hiếu, thủy chung, sao cho nên người có đủ nhân, nghĩa,
lễ, trí, tín mà hiếu thảo là khuôn phép căn bản.
Chúng con nguyện rằng nơi gia
đình thì giữ trọn đạo hiếu, tôn kính phụng thờ tổ tiên. Ra xã hội, nếu chúng
con có quyền chức thì xin nguyện thương yêu phục vụ dân chúng.
Chúng con tha thiết cầu xin
cho phần chơn linh sáng suốt sẵn có trong thân trợ giúp chúng con phát huy trí
thông minh để học hỏi, trau dồi cả về đức lẫn tài.
Chúng
con cầu xin gặp được cơ hội thuận lợi, để đem tài học ra thi thố giúp đời, giúp
Đạo được thành công lừng lẫy.
V. CHỦ ĐỀ TƯ TƯỞNG CỦA BÀI KINH VÀO HỌC
Bài
kinh này ngoài tác dụng vô vi (siêu hình) là cầu xin Ơn Trên giúp sức, mở trí
cho người học đạo lại còn có giá trị về luân lý theo nhân đạo Nho Giáo. Mỗi khi
tụng đọc bài kinh, ấy là lúc người đi học tự nhắc nhở mình phải giữ gìn đạo làm
người: đối với nước, với đồng bào, với gia đình tổ tiên, với vợ chồng, với bạn
bè.
Bài
kinh dạy cho người đi học một bài luân lý rằng có học, có tài phải có hạnh đức.
Đã thọ ơn Trời mà học hành giỏi giắn thì phải biết đem tài học ấy ra giúp đời,
giúp dân, giúp nước, giúp Đạo.
Hiểu sâu ý nghĩa bài kinh, người tín đồ
Cao Đài biết xa thêm rằng không phải chỉ tụng kinh này khi học giáo lý nơi cửa
Đạo, mà ngay cả trên con đường học hành ở ngoài đời, vẫn có thể tụng kinh này,
với ý hướng cao thượng là học cho thành tài không phải để vinh thân phì gia, mưu
cầu lợi ích riêng tư, mà học để giỏi giang, có đủ đức tài tâm hạnh đem ra phụng
sự đời và Đạo.
HUỆ KHẢI soạn