Thứ Tư, 17 tháng 10, 2018

12 ĐẠO NGHĨA BẠN BÈ - ĐẠO UYỂN ĐÔNG 2018


THÁI HỮU VÕ
Năm 1927 ông Thái Hữu Võ xuất bản Phan Thanh Giản Truyện, 73 trang ruột, in tại nhà in Xưa Nay, số 62-64 boulevard Bonard, Sài Gòn.([1]). Đây là nhà in của ông Nguyễn Háo Vĩnh (1893-1941), một bậc sĩ phu Nam Kỳ ái quốc, và là bổn đạo Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh.([2])
Tháng 8-1927, tại Ba Tri, ông Võ viết Lời Tựa cho sách trên. Ngay đầu trang 1, ông tự giới thiệu là tri phủ hạng nhứt hưu trí, thăng hàm đốc phủ sứ. Ông sinh tại làng An Bình Đông, tổng Bảo An, quận Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Năm hai mươi bốn tuổi ông làm cai tổng Bảo An.
Lời văn người xưa ở Nam Kỳ, như ông Thái Hữu Võ chẳng hạn, ngày nay đọc lại tôi thấy chứa nhiều thú vị. Tôi trích lại đây nguyên văn một số trang trong sách ông Võ, giữ nguyên cách ông chấm câu, cách xuống hàng sau mỗi đoạn, chỉ sửa các lỗi chánh tả ([3]) và mấy chữ viết hoa. Chỗ nào cần giải thích, tôi soạn thêm cước chú. Nhan đề bài này (Đạo Nghĩa Bạn Bè) do tôi thêm vào.
Nhân đây tôi xin cảm ơn hiền hữu Trần Văn Chánh đã cho mượn bản photocopy trọn quyển sách xưa mà ngày nay thuộc vào loại quý hiếm. Nhờ vậy, chúng ta có được một góc nhìn về bậc hiền nhân Phan Thanh Giản (1796-1867), theo cách nhìn của lớp tiền bối hãy còn khá gần gũi thời đại cụ Phan. (Huệ Khải, 21-8-2018)
[Trang 24] Có một ngày kia ngài đi vãng dân ([4]) ngang qua nhà người anh em bạn của ngài tên là Phan Dĩ Thử, ở làng Hanh Thông, con cháu công thần, người nầy cũng học giỏi, mà không đi thi, nhà nghèo, ở một cái chòi tranh mà chuyên nghề làm ruộng. Khi ngài đến nhà ông đó, ổng mắc đi làm ngoài ruộng, không hay ngài đến, thì ngài nằm đó chờ cho đến tối ông ấy về thấy ngài thì mầng rỡ, rồi lật đật dọn cơm cho ngài ăn, trên mâm chỉ có một dĩa rau luộc và một dĩa mắm kho rồi day lại nói với ngài rằng: «Thưa ngài, ngày nay ngài chẳng nài ([5]) khó nhọc giá lâm ([6]) đến đây mà viếng tôi, thì tôi rất muôn ngàn cảm tạ, nhưng tôi lấy làm hổ thẹn cho phận tôi là một kẻ hàn vi mạt sĩ,([7]) cái lều cỏ nầy là một chỗ không xứng đáng mà rước một vị quan đại thần như ngài vậy, và bữa cơm rau nầy cũng chẳng phải là vật thực của kẻ có tước phẩm triều đình, mà nếu ngài không chê rằng nghèo hèn thì xin ngài vui lòng dùng cùng tôi một bữa, đạm bạc lấy thảo.»
[Trang 25] Ngài nghe ông ấy nói như vậy thì đáp lại rằng: «Cái phẩm tước ấy là để mà chầu chực nơi chốn triều đình, và để mà vỗ trị ([8]) trong hàng dân dã, chớ lẽ nào dùng cái phẩm tước ấy mà khoe với thân tộc họ hàng, và cũng chẳng phải đem nó ra mà dùng với người thân bằng cố hữu.([9]) Nay ông là kẻ cố hữu của tôi trong lúc tiền niên,([10]) dẫu rằng vách lá lều tranh, nhà cửa ông hẹp, tiền bạc ông nghèo, nhưng mà cái tình nghĩa cố giao ([11]) của tôi với ông dầu cho ngàn năm cũng không nghèo đặng, vả lại xưa có câu rằng: Bần tiện chi giao mạc khả vong! ([12]) Nay tôi đến đây mà ăn một bát canh rau cùng ông, tôi tưởng quý hơn là một mâm cao lương của người giàu có, xin ông chớ ngại.» Ông kia nghe nói thì mỉn cười ([13]) rồi đáp rằng: «Bên Trung Quốc hồi đời Hán, có ông Tống Hoằng, chẳng dè Việt Nam ta ngày nay cũng có một ông Tống Hoằng nữa là quan lớn đó vậy.»  
THÁI HỮU VÕ


Huệ Khải chú thích:
([1]) Từ năm 1952, số 62 boulevard Bonard là “librairie Khai Trí” của ông Nguyễn Hùng Trương (1926-2005). Kể từ năm 1955 trở đi, boulevard Bonard đổi thành đại lộ Lê Lợi. Cũng do xu hướng Việt hóa các tên gọi tiếng Pháp, “librairie Khai Trí” đổi thành “nhà sách Khai Trí”.
([2]) Bửu tháp của ông Vĩnh cất tại Trước Tiết Tàng Thơ (ở Thủ Thiêm), nơi ấy đã tiếp bửu kinh Đại Thừa Chơn Giáo (1936).
([3]) Sách in sai chánh tả rất nhiều. Ngay cả nhan đề in sai là Phan Thanh Giảng Truyện.
([4]) vãng dân: Đi tới tận nơi xem xét đời sống dân chúng.
([5]) chẳng nài: Không quản ngại.
([6]) giá lâm 駕臨: Giá là từ xưng hô tôn trọng người đối diện (cũng như chữ ngài). Lâm là nói người bề trên cao sang mà hạ mình đi xuống gặp kẻ dưới.
([7]) hàn vi 寒微: Nghèo hèn. mạt sĩ 末士: Kẻ tầm thường, thấp kém (lời nói khiêm tốn, hạ mình).
([8]) vỗ trị: Vỗ an và cai trị.
([9]) thân bằng : Họ hàng (thân) và bè bạn (bằng). cố hữu  : Bạn cũ.
([10]) tiền niên 前年: Năm kia.
([11]) cố giao 故交: Bạn cũ (cũng như cố hữu).
([12]) Đời Đông Hán, Tống Hoằng 宋弘 làm quan được vua Quang Vũ rất quý trọng. Chị vua là Hồ Dương góa chồng. Khi nghe chị khen ngợi Tống Hoằng, vua muốn chị cưới Tống Hoằng dù ông ấy đã có vợ. Vua vời Tống Hoằng vào gặp để dọ ý, nên hỏi khéo: “Trẫm nghe nói Quý dịch giao, phú dịch thê 貴易交, 富易妻. (Sang đổi bạn, giàu đổi vợ.) Nói thế là ý gì?” Tống Hoằng đáp: “Thần nghe nói Bần tiện chi giao bất khả vong, tao khang chi thê bất hạ đường. 貧賤之交莫可忘, 糟糠之妻不下堂. (Bạn bè kết giao lúc nghèo hèn chớ quên, vợ cưới lúc đói rách không thể hắt hủi.) Vua hiểu ý, không dám bảo ông cưới chị mình.
([13]) mỉn cười: Mỉm cười.