Thứ Tư, 17 tháng 10, 2018

11 NHỚ THẦY CŨ - ĐẠO UYỂN ĐÔNG 2018



LƯU KHÔN
ĐẠO UYỂN giới thiệu:
Ngày 26-7-2011, một con đường ở quận Tân Phú (TpHCM), nối đường Lũy Bán Bích với đường Thoại Ngọc Hầu được đặt tên là đường Nghiêm Toản. Sau đây là phần lược ghi tiểu sử của thầy NGHIÊM TOẢN, hiệu Hạo Nhiên.
1907: Sinh ngày 05-3 tại Nam Định.
1928 (1930?): Tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Đông Dương (Hà Nội).
1931-1936: Vì chống Pháp, bị thực dân đày đi Sơn La, rồi Côn Đảo.
1936-1945: Từ Côn Đảo về, dạy học ở vài trường tư tại Hà Nội.
1949-1954: Dạy văn chương Việt Nam tại trường Cao Đẳng Sư Phạm và Đại Học Văn Khoa (Hà Nội).
1954-1975: Dạy văn học Việt Nam và Trung Hoa tại Đại Học Sư Phạm và Đại Học Văn Khoa (Sài Gòn); làm Trưởng Ban Việt Hán tại Đại Học Văn Khoa (Sài Gòn).
1976: Nghỉ hưu.
1978: tạ thế tại Sài Gòn.
Sách đã xuất bản
1949: Việt Nam Văn Học Sử Trích Yếu, Tập I. (Sài Gòn: Nhà sách Vĩnh Bảo, 126 trang.)
1950: Việt Luận. (Hà Nội: Sông Nhị.) / 1951: Việt Luận. (Hà Nội: Sông Nhị, tái bản lần thứ ba, 214 trang.)
1951: Luận Văn Thị Phạm. (Hà Nội: Nhà sách Thế Giới, in lần thứ hai, 230 trang.) / 1969: Luận Văn Thị Phạm. (Sài Gòn: Nhà sách Khai Trí, in lần thứ tám, 256 trang.)
1951: Mai Đình Mộng Ký (của Nguyễn Huy Hổ, 1783-1841). Hoàng Xuân Hãn (1908-1996) biên tập và trích dẫn, Nghiêm Toản chú thích. (Hà Nội: Nhà sách Sông Nhị, 62 trang.)
1952: Thi Văn Việt Nam. Hoàng Xuân Hãn trích dẫn, Nghiêm Toản chú thích. (Hà Nội: Nhà sách Sông Nhị, 183 trang.)
1958: Lão Tử Đạo Đức Kinh. Quốc văn giải thích. (Sài Gòn: Nhà sách Khai Trí.) / 1959: Lão Tử Đạo Đức Kinh. (Sài Gòn: Bộ Quốc Gia Giáo Dục, 286 trang.) / 1970: Lão Tử Đạo Đức Kinh, quyển I. Quốc văn giải thích. (Sài Gòn: Nhà sách Khai Trí, in lần thứ hai, 442 trang.)
1960-1966: Le Roman des Troi Royaumes. Bản dịch và chú giải Tam Quốc Chí bằng tiếng Pháp. Đồng tác giả: Giáo sư Louis Ricaud. (Paris: Ecole Française d’Extrême Orient / trường Viễn Đông Bác Cổ.) / 1987 : Livre 1 (Paris: Flammarion, UNESCO, XLVIII+304 pages.) / 1987: Livre 2 (Paris: Flammarion, UNESCO, 312 pages.) / 1988: Livre 3 (Paris: Flammarion, 292 pages.)
Các bài viết (hay nói chuyện)
1960: Hồ Tôn Hiến Và Từ Hải. (Sài Gòn: Đại Học Văn Khoa).
1966: Mélanges sur Nguyễn Du (Réunis à l’occasion du bicentenaire de sa naissance, 1765). Ecole Française d’Extrême Orient.
1967: Kim Kiều Tái Hợp Hay Là Sự Phục Hồi Danh Dự Của Thúy Kiều. (Sài Gòn.)
1970: Quelques Aspects de la Littérature vietnamienne. (Sài Gòn: Collection Aspects Culturels du Vietnam. No 12. / Sài Gòn: Direction des Affaires culturelles, Ministère d’Etat chargé des Affaires culturelles, sans date, 55 pages.)
1974: Ngọc Trâm Ký (truyền kỳ đời Minh của Cao Liêm). Nguồn Gốc Truyện Phan Trần. (Sài Gòn: Tập san Khoa Học Nhân Văn, Hội Đồng Quốc Gia Khảo Cứu Khoa Học, Tập II, 40 trang.)
Trong số các học trò thành danh của thầy Nghiêm Toản có thầy Lưu Khôn (sinh năm 1930), từng dạy Hán Văn và Việt Văn tại bốn trường Đại Học Văn Khoa, Sư Phạm, Vạn Hạnh và Minh Đức (ở Sài Gòn) và ba trường Đại Học Cần Thơ, Tiền Giang, Hòa Hảo.
Lưu Khôn là tác giả Tự Học Chữ Nho (Sài Gòn: Nhà sách Khai Trí, 1965, dày 481 trang, bìa cứng). Năm 1991 nhà xuất bản TpHCM in lại sách này nhưng đổi nhan đề thành Tự Học Chữ Hán: Tiếng Hoa Thực Hành (481 trang).
Đầu năm 1999, thầy Lưu Khôn viết NHỚ THẦY CŨ, một hồi ức nhẹ nhàng, man mác tình sư đệ. Đạo Uyển hân hạnh giới thiệu cùng quý đạo hữu một áng văn hay, để chúng ta có dịp cùng trân trọng một giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc: Đạo nghĩa thầy trò.
*
Chúng tôi được theo học với cụ Toản liên tiếp trong hai năm, kể từ năm 1955, tại cả hai trường Cao Đẳng Sư Phạm và Đại Học Văn Khoa Sài Gòn.
Vì trước đã nghe danh Cụ qua bộ Việt Nam Văn Học Sử Trích Yếu, mà báo chí trong Nam từng hết lời ca tụng, chúng tôi khấp khởi mừng thầm khi được thọ giáo với Cụ. Làm sao chúng tôi quên được cái giây phút đầu tiên lúc Cụ mới bước vào lớp của chúng tôi. Trong bộ Âu phục tươm tất, với chiếc ô đen và cái cặp da căng phồng trong tay, Cụ đã đến với chúng tôi bằng dáng điệu khoan thai, lời nói ôn tồn và tấm lòng từ ái của một người cha đối với đàn con dại. Cụ còn trông có vẻ ung dung, thanh thản hơn, khi vừa giảng bài, vừa phe phẩy cái quạt giấy. Và trong suốt thời gian chúng tôi theo học với Cụ, cũng như sau này khi được về dạy trong ban Việt Hán của Cụ tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, cái hình ảnh ấy của Cụ cơ hồ không bao giờ thay đổi.
Người tuy nhu hòa, nhưng lúc nào Cụ cũng làm việc rất nghiêm túc. Cụ luôn luôn đến lớp đúng giờ và không bao giờ bỏ ra về trước giờ. Bài vở Cụ soạn rất chu đáo. Lúc nào trên bàn thầy cũng bày sẵn các phiếu ghi chú, mà những người làm công tác nghiên cứu thường hay sử dụng. Có nghe Cụ giảng bài, mới thấy cách làm việc của Cụ rất có phương pháp. Mỗi chữ, mỗi câu đều được Cụ giải thích tường tận, phân tích chi ly. Chúng tôi thầm phục Cụ có một trí nhớ phi thường. Cụ kể chuyện vanh vách, đọc thơ làu làu, còn hơn các nhà hùng biện. Bằng một giọng nói truyền cảm, bằng một vốn kiến thức uyên thâm, thông kim bác cổ, Cụ từng làm say mê biết bao thính giả đã đến dự các buổi nói chuyện của Cụ, nhất là về truyện Kiều, về cái ghen của Hoạn Thư đối chiếu với cái ghen của nhân vật trong kịch phẩm của Racine, một kịch tác gia nổi tiếng của Pháp, thế kỷ thứ 17.
Khi thì trích dẫn một câu thơ Pháp, khi thì nhắc lại lời nói của bậc thánh hiền ngày xưa, Cụ quả là thần tượng của chúng tôi lúc bấy giờ.
Nhưng chúng tôi không chỉ kính phục Cụ vì tài mà còn vì đức nữa. Cụ rất thương học trò, lúc nào cùng sẵn sàng thông cảm và giúp đỡ.
Còn nhớ trong buổi dạy đầu tiên Cụ đã phát cho chúng tôi mỗi người một mẩu giấy để chúng tôi ghi tên tuổi, sinh quán, và lớp học cuối cùng ở bậc trung học. Cụ có vẻ rất ngạc nhiên khi biết chúng tôi sinh trưởng ở đồng bằng sông Cửu Long, và năm tốt nghiệp trung học lại là năm học Khoa Học Thực Nghiệm tại trường Chasseloup-Laubat. Có lẽ Cụ nghĩ chúng tôi chọn lầm lớp học chăng, và từ đó Cụ luôn luôn theo dõi để giúp đỡ chúng tôi.
Một kỷ niệm khác nữa là tuy chúng tôi đã đi dạy ở tỉnh xa, nhưng lúc nào cũng được Cụ nhắc nhở đến. Còn nhớ lần đó khi trở về trường để lãnh bằng tốt nghiệp, chúng tôi vô cùng cảm động khi nghe một chị sinh viên chợt nhận ra chúng tôi và buột miệng nói: “Té ra anh đây là người mà thầy Toản thường nhắc đến trong lớp.” Chị bạn ấy nói không ngoa, vì lúc còn học với Cụ, chúng tôi cũng thường nghe Cụ nhắc đến các môn sinh cũ của Cụ.
Nhắc đến sự giúp đỡ mà Cụ đã dành cho các môn sinh, có lẽ chúng tôi là một trong những người được hưởng ơn huệ của Cụ nhiều nhất.
Bấy giờ là vào cuối năm 1963, chúng tôi đang làm hiệu trưởng tại một trường trung học dưới tỉnh. Ngay sau khi tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, thì tại các trường trung học lớn ở thủ đô cũng như ở các tỉnh, đã xảy ra phong trào “đả đảo” ban giám hiệu. Chúng tôi chạy về Sài Gòn và được Cụ nhận vào làm phụ khảo trong ban Việt Hán của Cụ. Chính Cụ đã hết lòng hướng dẫn chúng tôi “đứng lớp” tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn.
Cũng chính Cụ đã thông cảm hoàn cảnh khó khăn của gia đình chúng tôi, mà cho phép chúng tôi được đi dạy thêm tại các đại học khác ở thủ đô và các tỉnh.
Đức độ của Cụ còn được thể hiện trong khi đối xử với các môn sinh cũ sau này đã trở thành đồng nghiệp của Cụ. Lúc nào Cụ cũng ân cần nghĩ đến chúng tôi, và điều khiến chúng tôi vô cùng áy náy là trong lúc xưng hô, Cụ không bao giờ quên dùng ba chữ “Thưa giáo sư”. Phải chăng Cụ đã đem cái “Lễ” mà đốì xử với các môn sinh của Cụ, như các bậc hiền triết ngày xưa?
Sau biến cố 30-4-1975, Cụ cũng đến dự các lớp học chính trị tại trường Văn Khoa Sài Gòn, nhưng từ khi trường này sáp nhập chính với trường Khoa Học để trở thành trường Đại Học Tổng Hợp Tp.HCM, thì không thấy Cụ lai vãng đến trường nữa. Thời gian sau đó, thỉnh thoảng chúng tôi có gặp Cụ đi bộ một mình trên đường Đinh Tiên Hoàng vào buổi sáng. Có lẽ Cụ đi bộ dưỡng sinh, cũng như ngày trước, theo phép dưỡng sinh, cứ giữa hai giờ lên lớp Cụ thường lấy trong cặp ra một trái chuối để ăn, và khi ăn xong thì uống một ít nước lọc lúc nào Cụ cũng có mang theo. Nhưng rồi, trong thời gian chúng tôi đưa sinh viên lớp Hán Nôm, Khoa Văn, trường Đại Học Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh đi “thực tế” tại Cao Lãnh, Đồng Tháp, đâu vào năm 19... chúng tôi không còn nhớ rõ, thì được tin Cụ qua đời. Cụ đã vĩnh viễn ra đi trong âm thầm, nhưng gia đình, thân hữu, đồng nghiệp, và môn sinh của Cụ vẫn tiếc thương Cụ, và hậu thế nhất định sẽ không bao giờ quên những công trình đóng góp vô giá của Cụ đối với nền văn học nước nhà. Riêng chúng tôi là học trò của Cụ, lúc nào chúng tôi cũng tưởng nhớ công ơn dạy dỗ của Cụ, và nguyện luôn luôn xứng đáng là học trò của Cụ.
Hôm nay, ngồi viết mấy dòng chữ này, chúng tôi không khỏi bùi ngùi nhớ lại khoảng thời gian được gần gũi Cụ. Bây giờ Cô ở đâu? Anh Hồng và em Ly ở đâu?
LƯU KHÔN
03-01-1999