NGUYỄN THANH LỢI
Nghiên
cứu địa danh là vấn đề rất lý thú và cũng không kém phần phức tạp. Địa danh học
(toponymy) nghiên cứu nguồn gốc, cấu
tạo, ý nghĩa và sự biến đổi tên địa lý. Nó là bộ môn nghiên cứu của ngôn ngữ
học, song lại đòi hỏi kết quả nghiên cứu liên ngành của ngôn ngữ, địa lý, lịch
sử, dân tộc học, khảo cổ học, văn hóa học… Nghiên cứu địa danh Chăm ở nước ta
lâu nay gần như chưa có những chuyên khảo riêng biệt. Bài viết này đưa ra một
số “thông tin dữ kiện” ban đầu, nhằm giúp thêm vào việc tìm hiểu, nghiên cứu
các địa danh gốc Chăm, vốn còn ít thành tựu. Qua đây, cũng thấy được sự giao
thoa giữa hai nền văn hóa Chăm-Việt về mặt ngôn ngữ, lịch sử.
CÀ NÁ
Trong
tiếng Chăm, Kana có nghĩa là “đá nổi
lởm chởm”. Âm tiết Ka trong tiếng
Chăm rất dễ chuyển thành Cà trong
tiếng Việt: Kajaung ® Cà Dòn (vùng),
Katew ® Cà Tiêu (đập),
Kađuk ® Cà Đú (núi)… Bờ
biển Cà Ná trước kia là nơi nghỉ mát của các vua Chăm, nay là cánh đồng muối
nổi tiếng nhất nước, sản lượng có lúc đạt đến 50.000 tấn/năm. Đây cũng là điểm
du lịch hấp dẫn của Ninh Thuận với cảnh đẹp như tranh, những tảng đá trắng nhấp
nhô chen lẫn giữa làn nước biển trong xanh như ngọc bích.
Nguyễn
Đình Tư trong sách Non Nước Ninh Thuận
cho biết dãy núi Đèo Cả (629m), có ngọn Hòn Mây (220m) đâm thẳng ra biển. Dãy
núi này là một cánh tay của dãy Pằng Đà Rằng [Pan Darang, NTL chú thích]. Trong tiếng Chăm, Pằng Đà Rằng có nghĩa là “quốc hiệu Đà Rằng”, tức là quốc hiệu của
Chiêm Thành.
Do đó,
mũi đá đâm ra biển này người Pháp dịch là cap
Pandarang và dân địa phương gọi là mũi
Dinh. Tác giả cũng ngờ rằng mũi Dinh là do chữ “Dinh Ông” mà ra (tại Sơn
Hải, cách mũi Dinh 5km có đền thờ thần Sóng Biển Po Riyak, tức thần Cá Voi). Mũi Dinh còn có tên gọi khác là mũi
Điện, do có ngọn hải đăng Mũi Dinh được xây dựng từ năm 1887 đến nay vẫn còn
hoạt động.([1])
CAM RANH
Có tác
giả cho rằng địa danh Cam Ranh nghĩa là “vũng nước cạn”, xem ra giả thuyết này
không được thuyết phục. Chúng ta đều biết Cam Ranh là một vịnh sâu, kín gió và
cảng Cam Ranh là một trong những cảng biển có điều kiện thiên nhiên tốt nhất
thế giới, chỉ đứng sau cảng San Francisco (Mỹ) và cảng Rio de Janeiro (Brazil).
Năm 1905, cảng này từng đón một lúc cả một hạm đội của Nga gồm một trăm bốn
mươi tàu chiến và tàu vận tải do đô đốc Nga Rojestvensky vào trú ngụ và tiếp tế
binh lương.
Tác phẩm
Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư do Đỗ Bá,
tự Công Đạo ở Bích Triều, Thanh Giang, soạn vào khoảng những năm 1630-1653.
Sách gồm bốn quyển, mỗi quyển có một số bản đồ về sông núi, quán xá, cầu đò,
đường thủy bộ, cửa biển… từ Thăng Long đến Chiêm Thành. Ở đoạn nói về sự kiện
vua Lê Thánh Tông chinh phạt Chiêm Thành vào năm 1471, lập ra đạo Quảng Nam
(gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay), ông cho sai khắc bài thơ vào
núi Đá Bia (Phú Yên), chúng ta thấy địa danh Cam Ranh được ghi lại dưới tên gọi
Cam Ranh Môn - cửa biển Cam Ranh.([2])
Địa danh
Cam Ranh cũng được ghi lại trong bài Hải Môn
Ca, bài thơ Nôm khuyết danh viết vào khoảng thời các chúa Nguyễn, một tài
liệu quý về địa lý học Việt Nam và được trích lại trong sách Thông Quốc Duyên Cách Hải Chử,([3])
bản chép tay của Viện Khảo Cổ Sài Gòn,([4])
Bửu Cầm dịch và giới thiệu. Trong đó có chú thích về địa danh này: Cam Ranh,
tên một cửa biển ở phía đông huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa:
Thủy Ba canh trót, đi đàng năm canh.
Vè Các Lái (Hát vô) hay còn gọi là Vè Thủy Trình, một tác phẩm văn học dân gian có giá trị về nhiều
mặt: địa lý, lịch sử, thủy văn, phương ngữ… của dân đi ghe bầu Bắc-Nam, được
sáng tác vào khoảng đầu thế kỷ 19, đã ghi nhận địa danh này:
Ngó về Hòn Tý dựa kề Cam Linh.
Trong
sách Đại Nam Nhất Thống Chí cũng nhắc đến địa danh này với các tên gọi: cửa biển
Cam Ranh, tấn Cam Ranh, biển Cam Ranh.
Sách Lịch Sử Đảng Bộ Huyện Cam Ranh Thời Kỳ 1930-1975
thuật lại sự kiện liên quan đến nguồn gốc địa danh Cam Ranh như sau: Năm 1800,
quân Tây Sơn do hai tướng Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng cầm đầu, vây thành Quy
Nhơn. Quân của Nguyễn Ánh do tướng Lê Văn Duyệt và Võ Di Nguy đem quân ra cứu
thành, đánh nhau với quân Tây Sơn ở cửa Thị Nại, do bất lợi vì gió bão nên quân
của chúa Nguyễn phải rút về vịnh Cam Ranh. Hai bên đánh nhau gần một năm trời
để giành vùng vịnh. Năm 1802, sau khi lên ngôi, vua Gia Long cho lập một ngôi
miếu tại chân hòn Phụng (làng Cam Linh sau đổi tên thành làng Cam Ranh), đổi
địa danh Cam Hồ thành Cam Ranh (sự tranh chấp về hồ nước ngọt).([7])
Theo sách này, nguồn gốc địa danh Cam Ranh được giải
thích theo hai cách. Một là, Cam Ranh là tên của một vị tướng Chân Lạp đã từng
chiếm đóng Cam Ranh trong bốn năm giữa thế kỷ 12 trong khi chống với quân Chiêm
Thành, ông tên là Cankana, phiên âm
tiếng Việt thành Cam Ranh. Hai là, Cam Ranh từ địa danh Cam Hồ đổi thành Cam
Linh (hồ nước ngọt linh thiêng), người Pháp đọc thành Cam Ranh. Ngôi miếu ở
làng Cam Linh cũ đến nay vẫn còn [thành
phố Cam Ranh hiện nay vẫn còn địa danh phường Cam Linh. NTL chú thích].
Sách
này còn cho biết, năm 1939 Pháp biến làng Cam Ranh thành căn cứ hải quân. Vào
năm sau, khi xây dựng xong các công trình, chúng đuổi một số dân trong phạm vi
khu quân sự. Ông Trương Giỏi cùng trên tám mươi người qua lập làng mới ở Đá Dởi
(Đá Bạc), lấy tên làng cũ là Cam Linh.
Chúng
tôi cho rằng thuyết thứ hai đã nêu trên có cơ sở thực tế hơn. Đại Nam Nhất Thống Chí, Tỉnh Khánh Hòa, có
đoạn mô tả về cửa biển Cam Ranh: Núi Thạnh Đức ở phía đông nam huyện Vĩnh Xương
88 dặm. Trước kia tên núi là Đông An, năm Tự Đức 15 (1862) đổi lại tên này.
Mạch núi từ núi Hoàng Ngưu [núi Đồng Bò,
NTL chú thích] trải qua một dãy bãi cát, nối liền bờ biển rồi chạy xiên về phía
nam, đột khởi lên một ngọn núi cao che kín cửa biển Cam Ranh. Quanh núi này bày
ra những động cát trùng điệp, một cái hồ ở dưới chân núi, nước rất trong mà phẳng
lặng, tục danh là Tương Trì. Phía tây núi này nứt ra một núi nhỏ che cửa gọi là
hòn Lang (Lang Dự), phía nam nứt ra một núi nhỏ che cửa biển gọi là hòn Tranh
(Tranh Dự), ở đây có dân cư. Phía đông nam cũng nứt ra một núi gọi là hòn Khô (Khô
Dự), ở phía bắc có cửa biển nhỏ, ngoài cửa biển ấy có các đảo nhỏ là hòn Trong,
hòn Ngoài (Nội Dự, Ngoại Dự).([8])
Các
tài liệu địa chất cũng cho biết, ngay trên bán đảo Cam Ranh có một hồ nước ngọt
thiên nhiên với trữ lượng thường xuyên khoảng 16.000m3, nằm ngay
trên ngọn núi có tên là Ao Hồ, dưới chân núi hình thành làng Cam Linh xưa.
Như
vậy, Kamlin (Chăm); Cam Hồ, Cam Lân,
Cam Linh, Cam Ranh (Việt) đều là một địa danh chỉ vùng đất có “hồ nước ngọt
linh thiêng”,([9]) nay thuộc địa bàn thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
NHA TRANG
Nha
Trang là một địa danh bắt nguồn từ tiếng Chăm Ýa Trang (xứ Nha Trang, sông lau). Một số nhà nghiên cứu đã đưa ra
cách giải thích về địa danh Nha Trang bắt nguồn từ tiếng Chăm như: ýa krưm nghĩa là sông tre (A. Cabaton), ýa trăh nghĩa là “chỗ hai dòng nước gặp
nhau” (Nguyễn Khắc Ngữ), ýa trang
nghĩa là “sông lau” (Thái Văn Kiểm, Quách Tấn, Nguyễn Đình Tư).
Tự Điển Chăm-Việt-Pháp của Moussay ghi nhận về địa danh này như
sau:
Trang: cây lau. / Ýa:
nước. / Paley Ýa Trang: xứ Nha Trang
(pays de Nhatrang).([10])
Thành tố
ýa, ea trong ngữ hệ Mã Lai-Đa Đảo (Malayo-Polynésien) có nghĩa là “nước”,
đôi khi là “sông”, “suối”. Ýa, yaa
hay ea là theo cách phiên âm của
người Pháp. Mặt khác, khi chuyển đổi ngữ âm từ địa danh Chăm sang địa danh
Việt, ýa biến âm thành nha, nên Ýa Trang ® Nha
Trang. Tương tự, chúng ta có các địa danh Ýa Cheh ® Nhà Xé, Ýa
É ® Nhà É, Ýa
Hwa ® Nhà Hoa.
Tóm lại,
địa danh Nha Trang bắt nguồn từ Ýa Trang
để chỉ con sông Cái, sau được dùng để gọi rộng ra cả vùng đất.
SÔNG DINH
Sông
Dinh còn gọi là sông Cái hay sông Phan Rang, dài khoảng 100km, bắt nguồn từ
sông Tô Hạp thuộc địa phận huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa. Đoạn sông Cái mang
tên sông Dinh vì nó chảy qua thôn Kinh Dinh, tỉnh lỵ Phan Rang (nay là phường
Kinh Dinh, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận). Sông Dinh còn gọi
là sông Mai Nương (Đại Nam Nhất Thống Chí), phiên âm theo tiếng
Chăm. Trước đây có ngôi làng mang tên Mai Nương nằm bên hữu ngạn sông Dinh, nay
thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Người Chăm gọi sông Cái là krong Prong và đập Nha Trinh là panư Pacha.([11])
Con sông
Dinh còn có các tên khác là krong Pinh.
Krong trong tiếng Chăm nghĩa là sông,
chẳng hạn krong Pha là sông Pha. Âm Pinh có thể chuyển thành âm Dinh. Dinh là đơn vị hành chính và quân
sự ở Đàng Trong thời các chúa Nguyễn, sông Dinh là con sông chảy ngang lỵ sở
của dinh. Quảng Nam có dinh trấn Thanh Chiêm; Quảng Bình có Dinh Trạm là lỵ sở
của dinh Quảng Bình; dinh Bình Khang (Khánh Hòa) có con sông Dinh (thị xã Ninh
Hòa); gần dinh phủ Phước Tuy (thành phố Bà Rịa) có các địa danh núi Dinh, sông
Dinh, chợ Dinh.
PHAN RÍ
Thị trấn
Phan Rí Cửa thuộc huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận), nằm ở cửa sông Lũy, trông
ra vịnh cùng tên. Con sông chảy qua thị trấn này gọi là sông Lũy hay sông Man
Rí (gần âm với Phan Rí), tương truyền là nơi các vua Chiêm Thành xây dựng thành
lũy, có lẽ vì vậy mà mang tên sông Lũy? Ở huyện Bắc Bình ngày nay vẫn còn địa
danh xã Phan Rí Thành, quốc lộ 1A cắt địa bàn xã và con sông Lũy cũng chảy
ngang qua đây, đổ ra cửa Phan Rí.
Phan Rí
xưa là thủ phủ của phong ấp Tân Đà La (Pin
To Lo) với bộ tộc thuộc dòng cây Cau (clan
de l’Aréquier) làm chủ ở phía Nam (Panduranga)
thường xung đột với bộ tộc thuộc dòng cây Dừa (clan du Cocotier) ngự trị ở miền Bắc (Indrapura) trong vương quốc Chămpa.
PHAN RANG
Địa danh
Phan Rang (cũng gọi là Phan Lang) được phiên âm từ Panrang, Pandurangga, Pandarang, Phun Darang, Prang darang.([12])
Có ý kiến cho rằng Phan Rang chính là tên rút gọn của Păng Turăngka, tên của vùng đất cũ, nơi có nhiều đền tháp cổ kính
và là kinh đô cuối cùng của vương quốc Chămpa. Giả thuyết này có yếu tố hợp lý,
phù hợp với quy luật tiết kiệm ngôn ngữ, rút gọn từ bốn âm tiết còn hai âm
tiết.
Pandarang ghi theo âm Hán-Việt là Bôn Đà Lãng chứ không phải Bồn
Đà Lãng như đã có tác giả viết. Địa danh này lần đầu tiên được nhắc đến
trong thư tịch với sự kiện cột đồng Mã Viện:
“Sách Thủy Kinh Chú của Lịch Đạo Nguyên chép
rằng Mã Văn Uyên (Mã Viện tên tự là Văn Uyên) dựng cái mốc đồng để làm giới hạn
cuối cùng của đất phía Nam Trung Hoa. Mốc đồng ấy tức là cột đồng. Theo Tùy Sử, Lưu Phương khi đi đánh Lâm Ấp [Chiêm Thành, NTL chú thích], qua cột
đồng của Mã Viện, đi về phía nam tám ngày thì đến quốc đô Lâm Ấp. Trong khoảng niên
hiệu Nguyên Hòa (806-820) đời Đường, An Nam đô hộ sứ là Mã Tổng lại lập hai cột
đồng ở chỗ Mã Viện dựng cột đồng trước đó, để tỏ ra mình là dòng dõi con cháu
Phục Ba (Phục Ba tướng quân Mã Viện). Theo sách Thông Điển của Đỗ Hựu, từ nước Lâm Ấp đi về phía nam, đi thủy, đi
bộ hơn hai ngàn dặm đến đấy có nước Tây Đồ Di là chỗ Mã Viện dựng cột đồng để
nêu địa giới. Theo sách Tân Đường Thư,
ở châu Bôn Đà Lãng của Lâm Ấp, phía nam là năm bãi lớn, có núi “cột đồng” (đồng
trụ sơn), hình núi như cái lọng đựng nghiêng, về phía nam có nhiều núi đá, phía
đông là biển lớn. Cột đồng do Mã Viện dựng lên”.([13])
ĐÀ NẴNG
Địa danh
Đà Nẵng xuất hiện lần đầu tiên là trong Ô
Châu Cận Lục do Dương Văn An soạn vào
năm 1553: “Đền thờ Tùng Giang tại biển Tư Khách, huyện Tư Vinh và tại cửa biển
Đà Nẵng xứ Quảng Nam”.([14])
Sách chép lại sự kiện Nguyễn Phục vận chuyển binh lương phục vụ cho cuộc chinh
phạt Chiêm Thành vào năm 1470 của vua Lê Thánh Tông và cho biết Nguyễn Phục
cũng bị giết vào năm này ở Đà Nẵng. Vậy có thể đoán định địa danh Đà Nẵng phải
có trước năm 1470.
Thái Văn
Kiểm trong một bài viết cho rằng địa danh Đà Nẵng bắt nguồn từ tiếng Chăm, Đà là “sông”, Nẵng là “lớn”. Đà Nẵng có nghĩa là “sông lớn”. Người Trung Hoa đọc
là Tu Nâng.([15])
Địa danh
Đà Nẵng được ghi trong các bản đồ cổ vẽ từ thế kỷ 16 như An Nam Hình Thắng Đồ, An Nam
Thông Quốc Toàn Đồ. Cũng có bản đồ
ghi thiếu nét hoặc viết nhầm thành Đà
Nông. Nguyên văn trong bài Hải Môn Ca
viết là Đà Nông. Thực ra, Đà Nông chính là tên một cửa biển ở xã Phú Lạc, phủ
Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên (Đại Nam Nhất Thống Chí).
Theo Lam
Giang, địa danh Đà Nẵng nguyên bắt nguồn từ tiếng Chăm Hang Danak là “bờ biển buôn bán”. Còn Danak hay Darak nghĩa là
“sông lớn”, tức sông Hàn “mà sông lớn thì cố nhiên việc thủy vận tiện lợi, buôn
bán phồn thịnh”.([16])
Từ điển
Chăm-Việt ([17])
giải thích nghĩa darak là “biển”. Từ hang được chú là “bờ”, hang krong là “bờ sông”.([18])
Chúng tôi không tìm thấy từ Hang Danak
hay Hãng Danak với ý nghĩa là “bờ
biển buôn bán” hay “dải đất do biển rút cạn để lộ ra” trong hai cuốn từ điển
trên, kể cả Từ Điển Việt- Chăm.([19])
Ở vùng
đất này còn có những địa danh có ngữ âm tương tự, nằm trong cùng một hệ thống
địa danh mà ta có thể suy đoán từ gốc Chăm như Đà Sơn, Đà Ly, An Nông, Nông
Sơn, Sông Đà…([20])
Như vậy,
có thể tạm kết luận, địa danh Đà Nẵng là sự Việt hóa âm đọc từ địa danh gốc
Chăm Danak.
Còn về
địa danh Hàn, trước nay nhiều ý kiến
đều cho rằng bắt nguồn từ gốc Chăm là Hãng
để chỉ vùng đất Đà Nẵng.([21])
Theo chúng tôi, nhận định như vậy chưa được thỏa đáng.
Trong
luận văn cao học sử Lịch Sử Đà Nẵng
được bảo vệ tại Trường Đại Học Văn Khoa Huế trong những năm 1970, Võ Văn Dật đã
đưa ra những kiến giải đáng chú ý về địa danh Hàn. Ông cho rằng, danh xưng Hàn không phải có nguồn gốc thuần túy Việt
Nam: “Người Việt Nam đã nghe người Tàu gốc Hải Nam phát âm hai tiếng Hiện Cảng ra Hàng Cảng rồi mô phỏng và Việt hóa thành ra danh xưng Hàn”. Người
Chăm gọi vùng đất này là Darak hay Danak, từ đó Việt hóa thành Đà Nẵng. Người Hoa (Hải Nam) gọi là Hành Cảng hay Hàn Cảng, từ đó Việt hóa và rút gọn thành Hàn. Từ đó, ông đưa ra ba câu hỏi cần giải đáp:
Tại sao
đã có địa danh Đà Nẵng lại còn đặt thêm địa danh Hàn (nếu cho rằng Đà Nẵng có
trước và ngược lại? Tại sao danh xưng này chỉ mô phỏng theo cách
phát âm của người Hoa Hải Nam
mà không phải là người Trung Hoa ở các tỉnh khác? Danak hay Darak thì thành
Đà Nẵng, còn tại sao Hành Cảnh hay Hàn Cảnh thì rút gọn thành Hàn thôi? Ông
cũng đưa ra sự giải thích.
Thứ nhất, người Trung Hoa đã có quan hệ
giao thương với vùng Quảng Nam
này trước cả người Việt (trước năm 1306). Người Trung Hoa đã biết đến Đại Chiêm
(Hội An) qua danh xưng Lư Dung thì cũng đã biết đến Đà Nẵng mà họ đặt tên là
Hiện Cảng. Nếu một người Việt đến định cư sinh sống ở vùng đất này hỏi một
người Hoa đến trước đó thì biết tên gọi vùng đất này là Hàn, còn hỏi người Chăm
thì biết thêm tên Đà Nẵng với âm gốc Danak.
Hiện tượng một địa phương có nhiều tên gọi không phải là cá biệt. Chẳng hạn,
địa danh Mô Xoài (Bà Rịa) có tới mười một cách gọi: Mỏ Xoài, Mô Xoài, Mỗi Xuy,
Mũi Xoài, Mũi Xôi, Mũi Xuy, Mũi Xúy, Mọi Xoài, Mỗi Xoài, Mộ Xoài, Mô Xui.([22])
Thứ hai, ở các tỉnh miền Trung, từ Thừa
Thiên đến Quảng Ngãi, trong số người Hoa đến làm ăn lập nghiệp đa số là người Hải
Nam. Hải Nam là một đảo lớn nằm về cực nam Trung Hoa, gần phía đông vịnh Bắc
Bộ, cách đều các tỉnh miền duyên hải từ Móng Cái đến Quảng Nam. Khoảng cách từ
cực nam đảo này đến Đà Nẵng chỉ khoảng 270km theo đường thẳng. Do tính chất hải
đảo nên họ càng có nhu cầu liên lạc, mua bán với chính quốc và lân bang. “Vì sự
có mặt đông đảo đó, nên người Việt khi mới bước chân đến vùng tân thổ dễ dàng
gặp người Hải Nam trước hết và qua người Hải Nam, người Việt biết được Hành
Cảng, Hàn Cảng của địa danh Hiện Cảng”.([23])
Thứ ba,
khi người Hải Nam phát âm hai tiếng Hiện Cảng, chữ Hiện thường được nhấn mạnh
hơn chữ Cảng, do đó có thể người Việt đã chú ý nhiều đến chữ Hành và Hàn hơn là
chữ Cảng.
Mặt khác, người Việt có khiếu thẩm âm rất
nhạy bén, nên khó có khả năng duy trì tiếng Cảng sau chữ Hàn để tạo thành cái
đuôi nặng nề, khó nghe. Do đó, từ Hành Cảng, Hàn cảng chỉ còn lại Hàn.
Ban đầu những lớp người Hoa đầu tiên đến
đây chỉ phát âm danh xưng Hành Cảng, Hàn Cảng mà ít chú ý đến tự dạng. Về sau
khi đã biết mặt chữ của Hành Cảng là Hiện Cảng những đã quen đọc theo quán tính
nên khó sửa.
Chữ Hiện trong tiếng Hán có nghĩa là “con
hến” hoặc “núi nhỏ mà hiểm”.([24]) Điều
này đã lý giải được hình dạng của núi Sơn Trà (núi Tiên Sa) giống như con hến
và rất dễ nhận biết ngay từ ngoài khơi biển Đà Nẵng.
Hồng Đức Bản Đồ, mục Quảng Nam Thừa Tuyên Sơn Xuyên Hình Thế Chi Đồ
(1490) ghi Hàn Môn (cửa Hàn) và Bình Nam Đồ của Đoan Quận Công Bùi Thế
Đạt (1744) ghi Hàn Thị (chợ Hàn). Ca
dao địa phương xưa có câu:
Từ
ngày Tây lại cửa Hàn
Đào
sông Câu Nhí, đắp đàng Bông Miêu.
Thành phố Tourane là tên của một đơn vị
hành chính trực thuộc tỉnh Quảng Nam , chính thức thành lập ngày 24-5-1899.
Trong các bản đồ, sách vở, ghi chép của các thương nhân và giáo sĩ phương Tây
từ thế kỷ 16, 17, 18 đã thấy nhắc đến những địa danh như Turon, Toron, Taraon, Touan, Touane, Touron, Turson và Tourane. Năm 1615, linh mục Buzumi đã
đến Đà Nẵng và gọi nơi này là Port de
Kénan (có lẽ do chữ Hán mà ra). Christophoro Borri đến Đà Nẵng năm 1616,
sau đó viết trong sách Xứ Đàng Trong
năm 1621 đã gọi Đà Nẵng là Touron.
Ông viết về thủ phủ Quảng Nam ,
trong đó có đề cập đến địa danh Touron: “Cacciam
là thị trấn có chúa đóng ở đó, cách xa Touron
độ sáu bảy dặm (lieues) nếu đi theo
đường sông.” ([25])
Năm
1624, Alexandre de Rhodes đến Đàng Trong, từng lui tới Turon (Đà Nẵng) nhiều lần. Trong các bản đồ của ông, vị trí của Đà
Nẵng được ghi là Cuahancu Choan cu Turon
hoặc Cuaran. Trong bản đồ châu Á do
Sanson d’Abbeville vẽ năm 1652, Đà Nẵng được ghi là Turaon.
Những
địa danh Cuahan, Porte de Kéan, Turon,
Turson đều nhanh chóng bị biến mất. Đến nửa sau thế kỷ 18 chỉ còn sót lại Touron và phổ biến nhất là Tourane.
Trong
bản đồ Đông Dương do Próvost vẽ năm 1752, vịnh Đà Nẵng được ghi là Baie de Touron. Trong lá thư của
Chavallier, thống đốc Chandemagor gửi cho toàn quyền Pháp tại Pondichery, đề
ngày 12-2-1778, Đà Nẵng được gọi là Touron.
G.
Cordier trong Cours de Langue annamite
đã giải thích về nguồn gốc chữ Tourane:
“Tourane, theo một vài người là nói
trại chữ Châu Ranh; theo một vài
người khác là nói trại chữ Đà Nẵng mà người Trung Hoa ở Hải Nam phát âm thành Tounan, còn người bản xứ gọi là Cửa
Hàn”.
Khi đề
cập đến địa danh Đà Nẵng, Tân Việt Điểu (Thái Văn Kiểm) viết: “Đà Nẵng gốc
tiếng Chăm: Đà là “sông nước”, Nẵng là “già” [ở đoạn trên Thái Văn Kiểm lại giải thích Đà Nẵng là “sông lớn”, NTL
chú thích]. Hai chữ ấy, người Trung Hoa gốc Hải Nam đọc là Tourane và cũng có thể Tounan
phát sinh Tourane. Trên bản đồ của cố
Alexandre de Rhodes xuất bản năm 1653, ta thấy ghi Chean hay Turon thay vì Tourane.
Thành
phố Tourane xây dựng ngay trên cửa sông Hàn (cửa Hàn). Dân địa phương có tên là
Kẻ Hàn hoặc Kéan, ghi theo cố Alexandre de Rhodes đã đặt chân nơi này tháng Giêng
năm 1625.
Tuy
nhiên, từ năm 1618, Tourane đã được
linh mục Christophoro Borri gọi là Touron
hay Turan. Thực ra tên Tourane bắt nguồn ở tên một làng hiện
còn tồn tại là Thạc Gián mà viết nhầm
là Tu Gián vì hai chữ Thạc và Tu hơi giống nhau.([26])
Vì vậy mà Tu Gián đã phát sinh danh
xưng Tourane.
Có người
lại cho rằng Tourane do chữ Châu Ranh, tức ranh giới nước ta và
Chiêm Thành ngày xưa. Cũng có người cho rằng Tourane do chữ cửa Hàn mà
ra.([27])
Tháng 6-1845,
Auguste Haussman, một thương nhân Pháp đi trên tàu Alomère của Fomier Duplan
đến Đà Nẵng, trong tập Du Hành Đến Trung
Hoa, Xứ Đàng Trong, Ấn Độ Và Mã Lai
(Voyage en Chine, Cochinchine, Inde et Malaisie, 1848, tome 2) có đoạn nói về
nguồn gốc địa danh Tourane: “Ngày hôm
sau, khoảng 5 giờ sáng, chúng tôi ngược dòng sông để thăm thành phố hay làng Tourane, mà người bản xứ đã gọi một cách
giản dị là Hane (Hàn), rồi người Pháp
nói trại đi (thành Tourane), vì lý do ngày xưa có một cái tháp dựng lên trên
lối vào (sông)…”
Có lẽ
cách giải thích “đơn giản” này ngày nay vẫn còn ảnh hưởng trong khá nhiều người
như trường hợp Dương Xuân Thượng đã dẫn ra trong cuốn Sổ Tay Địa Danh Việt Nam của Nguyễn Dược và Trung Hải.
Tóm lại,
đã có nhiều cách giải thích về địa danh Hàn,
Tourane, song cho đến nay vẫn chưa có
giả thuyết nào đứng vững và đây vẫn là một thách thức đối với các nhà nghiên
cứu. Những kiểu giải thích theo lối “từ nguyên học dân gian”([28])
thường dễ bị bác bỏ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bùi
Khánh Thế chủ biên, Từ Điển Chăm-Việt.
Hà Nội: Nxb Khoa Học Xã Hội, 1995.
Bùi
Khánh Thế chủ biên, Từ Điển Việt-Chăm.
Hà Nội: Nxb Khoa Học Xã Hội, 1996.
Bửu Cầm
và những người khác, Hồng Đức Bản Đồ.
Sài Gòn: Bộ Quốc Gia Giáo Dục, 1962.
Cao
Xuân Dục, Lưu Đức Xứng, Trần Xáng, Đại
Nam Nhất Thống Chí, Tỉnh Khánh Hòa. Bản in Duy Tân 1909. Sài
Gòn: Nha Văn Hóa, 1964.
Dương
Văn An nhuận sắc và đề tựa, Ô Châu Cận Lục. Trần Đại Vinh và Hoàng Văn
Phúc hiệu đính, dịch chú. Huế: Nxb Thuận Hóa, 2001.
Dương Xuân Thượng, Dấu Ấn Chăm Qua Vài Địa Danh, Tạp chí Thế Giới
Mới, số 506, 507, (30-9 và 01-10-2002).
Gerard
Moussay và các cộng sự, Tự Điển
Chăm-Việt-Pháp. Phan Rang: Trung Tâm Văn Hóa Chàm, 1972.
Huyện Ủy Cam Ranh, Lịch Sử Đảng Bộ Huyện Cam Ranh Thời Kỳ
1930-1975. Cam Ranh, 1994.
Huỳnh
Công Bá, Bàn Thêm Về Nguồn Gốc Của Địa
Danh Đà Nẵng. Tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử, số 3, 1996.
Lam
Giang, Trần Quý Cáp Và Tư Trào Cách Mạng Dân Quyền Đầu Thế Kỷ XX, Sài Gòn: Nxb Đông
Á, 1971.
Lê Trung
Hoa, Địa Danh Học Việt Nam, Hà Nội:
Nxb Khoa Học Xã Hội, 2006.
Lê
Trung Hoa, Tìm Hiểu Nguồn Gốc Địa Danh
Nam Bộ Và Tiếng Việt Văn Học. Hà Nội: Nxb Khoa Học Xã Hội, 2005.
Ngô Quy
Nhơn chủ biên, Đà Nẵng Bước Vào Thế Kỷ 21, Nxb Văn Nghệ TpHCM, 2000.
Nguyễn
Dược, Trung Hải, Sổ Tay Dịa Danh Việt Nam. Hà Nội: Nxb Giáo Dục, 2005.
Nguyễn
Đình Tư, Non Nước Ninh Thuận. Sài
Gòn: Nxb Sống Mới, 1974.
Nguyễn
Q. Thắng, Quảng Nam Đất Nước & Nhân
Vật, Hà Nội: Nxb Văn Hóa Thông Tin, 2001.
Nhiều
tác giả, Lịch Sử Thành Phố Đà Nẵng. Nxb
Đà Nẵng 2001.
Nhiều
tác giả, Văn Nghệ Dân Gian Khánh Hòa:
Tác Giả Tác Phẩm. Hội Văn Học Nghệ
Thuật Khánh Hòa, 2006.
Quốc
Sử Quán Triều Nguyễn, Khâm Định Việt Sử
Thông Giám Cương Mục, Tập 1, Viện Sử Học dịch. Hà Nội: Nxb Giáo Dục, 1998.
Tạp
chí Sáng Dội Miền Nam. Sài Gòn, tháng
01-1961.
Thái Văn
Kiểm, Đất Việt Trời Nam. Sài Gòn: Nxb
Nguồn Sống, 1960.
Văn Hóa Nguyệt San, tập XIII, quyển 9. Sài Gòn: Tháng 9-1964.
Võ Văn Dật, Lịch Sử Đà Nẵng. Tiểu luận cao học Sử,
Trường Đại Học Văn Khoa Huế, Viện Đại Học Huế, 1974.
NGUYỄN THANH LỢI