NGUYỄN VĂN DẦN
Tháng
8-1925 ông Nguyễn Văn Dần xuất bản Vĩnh
Long Nhơn Vật Chí (76 trang ruột), in lần thứ nhất tại imprimerie Viêt (Sài
Gòn), giá bán một đồng. Ngoài bìa sách cho biết Vĩnh Long Tương Tế Hội ở số 251
đường Lagrandière, Sài Gòn.([1])
Ở trang không đánh số, ngay sau trang bìa giả (title page) in chân dung ông Nguyễn Văn Dần và cho biết ông là Chủ
Hội của Vĩnh Long Tương Tế Hội, nhà số 115 đường Verdun, Sài Gòn.([2])
Nơi trang 20 cuốn sách xưa này ông Dần có kể lại tích cụ Phan Thanh Giản (1796-1867)
ghé thăm thầy học cũ rất hay. Tôi trích lại nguyên văn, giữ nguyên cách chấm câu
của người xưa, chỉ sửa lỗi chánh tả và vài chỗ viết hoa, đồng thời chú thích ba
chỗ cần thiết. Nhan đề bài này (Đạo Nghĩa Thầy Trò)
do tôi thêm vào. Nhân đây, tôi xin cảm ơn
hiền hữu Trần Văn Chánh đã cho mượn bản sách xưa nay đã thuộc vào loại quý hiếm.
(Huệ Khải, 26-8-2018)
Năm
Tự Đức thứ mười lăm (1862) cụ [Phan Thanh Giản] vâng mạng hoàng đế vào trọng nhậm
chức Kinh Lược ba tỉnh hướng Tây Nam Kỳ là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Khi đến
tỉnh Gia Định cụ ghé lại Gò Vắp ([3])
để viếng thăm tôn sư là cụ Võ tiên sanh.([4])
Lúc gần đến chòi tranh của thầy ở, thì cụ truyền xếp võng điều và lọng lại, xuống
đi bộ vào bái thăm thầy. Thầy trò gặp gỡ nhau chẳng xiết vui mầng,([5])
vì cách nhau đã nhiều năm! Hỏi thăm việc hàn huyên xong rồi, cụ bái tạ mà đi Vĩnh
Long và dâng lại cho tôn sư hai nén bạc để uống trà. Khi ấy tôn sư đáp lại cho
cụ Phan một chục trái bắp! Cụ Phan thọ lãnh món vật của tôn sư cho, bèn bổn thân
xách lấy bắp, chẳng để cho quân lính cầm. Đoạn đi bộ một đỗi xa xa mới truyền sửa
võng lọng mà lên lại. Thiệt là người học trò có tư cách và hiếu nghĩa với thầy!
Rất vẻ vang cho đạo học nhà Nam! Rất đúng đắn với câu: “Gặp vận vinh vang
thêm toại chí, nhớ thương sư phụ phận con em!”
NGUYỄN VĂN DẦN
([4]) tiên sanh (sinh) 先生:
Tiếng gọi thầy giáo. Năm 1816, theo lời khuyên của quan Hiệp Trấn tỉnh Vĩnh Long (tên là Lương, không biết họ), nho sinh Phan
Thanh Giản nán lại Vĩnh Long thọ giáo quan đốc học họ Võ (không biết tên). Thầy
Võ nói ở đây không phải là xử sĩ Võ Trường Toản vì Võ xử sĩ tạ thế năm 1792; bốn
năm sau (1796) Phan Thanh Giản mới chào đời.