Gió muốn thổi đâu thì thổi. GIOAN 3:8
@ Hiền huynh Phan Thành
Lợi (Bến
Tre). Điện thư ngày 26-7-2018:
Vào trang nhà của
bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc,() tôi tình cờ đọc một bài huynh Huệ Khải viết về quyển Như Thị, ký tên Nghê Dũ Lan. Có chi tiết tôi thấy
không thông, nên xin hỏi lại người viết. Có hai đoạn Nghê Dũ Lan viết như sau
(chữ in đậm là tôi lưu ý):
“Hai nghìn
mấy trăm năm trước Lã Thị Xuân Thu đánh
rơi bốn chữ Khắc chu cầu kiếm và nó trôi, trôi mãi vào thiên cổ nhân gian. (...)
Biết như thế, ắt Hàn sướng lắm, (...).
Nhưng thêm bảy trăm năm nữa thì Hàn
đành ngậm ngùi chào thua rồi. (...) Thích Ca Mầu Ni hỏi nhỏ họ Lã: Ư ý vân hà? Ý ông thế nào? Lã cúi đầu, thưa khẽ: Mô Phật, thiện
tai! Thiện tai!”
Tôi hiểu hai chữ Lã (in đậm) tức là Lã Thị Xuân Thu. Vậy
thì hai chữ Hàn (in đậm) là ai vậy,
thưa hiền huynh?
Huệ Khải: Chào hiền huynh, lẽ ra tệ đệ đã trả lời thư hiền huynh trong Đạo Uyển Thu 2018, nhưng do sơ sót về...
kỹ thuật (cười...) nên phần trả lời lại “lọt” qua tập Đông 2018 này.
Thưa hiền huynh, hai đoạn dài huynh trích trong thư vốn ở trong một bài viết
cũ của tệ đệ. Số là bác sĩ Đỗ hơn mười năm trước có in quyển Như Thị (Nxb Văn Nghệ, tháng 1-2007), và nhân đó tệ đệ viết
bài giới thiệu trên tuần san SGGP Thứ Bảy.
Điều này tệ đệ có nói trong bài viết ấy như sau:
Qua tuổi sáu lăm,
ông Đỗ đánh dấu một năm nghỉ hưu bằng quyển sách vuông vuông Như Thị. Sách chưa phát ra, ông ưu ái lấy “nóng”
cho tôi một cuốn, bảo hãy đọc chơi. Đọc sớm trước khi sách bày tràn kệ ngoài thị
trường âu cũng là cái thú. Nhưng mới đọc đoạn mở đầu tôi bèn dừng lại, như vừa
nhấp thử một hớp rượu ngon thì ngưng chén, để có cơ hội lắng nghe cái men thơm
ngấm từ từ vào thể phách.
Thật vậy, đọc hai
câu hỏi ông viết liền nhau: Dòng sông có còn níu mãi bờ sông? Thả một hòn sỏi
đánh dấu chỗ thuyền trôi? – thì không dám đọc thêm nữa. E “phai” mất đi cái men
say lâng lâng đang thọ hưởng. Cả một bài thơ Đường có khi đánh đắm hồn mình chỉ
tại bảy chữ một câu. Cũng như thế, hơn hai trăm trang sách mà mới vô đầu đã “trầm
trọng” ở hai câu mười bảy chữ há đã là quá đáng! ()
Thưa hiền huynh, viết như đoạn trên là để ngầm giải
thích vì sao cả một tập sách dày 214 trang mà tệ đệ chỉ “động thủ” một chút xíu nơi đầu sách.
Bản thảo vừa viết xong, đang khoái chí, tệ đệ bèn nhấp chuột, “meo” ngay
cho bác sĩ Đỗ xem chơi. Viết bản thảo lúc đó, tệ đệ nhớ mài mại tích khắc chu cầu kiếm liên quan tới Hàn Phi
Tử, nên viết nhầm. Hai chữ Hàn mà
huynh in đậm trong thư chính là do đệ nhớ lầm.
May sao, trước khi gởi tới tuần san SGGP
Thứ Bảy, đọc kỹ lại và kịp phát hiện ra, tệ đệ bèn sửa thành Lã, tức Lã Bất Vi. Hiền huynh vào SGGP online thì thấy bản đã sửa như sau
(trích):
Hai nghìn mấy trăm năm trước, họ Lã đánh rơi bốn chữ Khắc chu cầu kiếm
và nó trôi, trôi mãi vào thiên cổ nhân gian. Khắc chu cầu kiếm. Vạch thuyền tìm
gươm. Thế đấy, bốn chữ nhẹ hều, có gì trầm trọng mà cớ sao suốt từ Chiến Quốc
còn chưa lắng chìm, còn bập bềnh xuôi dòng trường giang, tràn sang đại hải, để
từ Trung Nguyên phiêu dạt xuống phương Nam, rồi tấp vào bài kệ đời Trần của
Trúc Lâm sơ tổ: Hữu cú vô cú, Phi hữu phi vô, Khắc chu cầu kiếm… Câu có câu
không, Chẳng có chẳng không, Vạch thuyền tìm gươm… Biết như thế, ắt Lã sướng lắm, đâu dè sau một nghìn năm
trăm năm vẫn còn giăng tay được với ông Thiền tổ trời Nam.
Nhưng thêm bảy trăm năm nữa thì Lã đành ngậm ngùi chào thua rồi. Không
chào thua sao được khi Đỗ nhẹ nhàng “Thả một hòn sỏi đánh dấu chỗ thuyền trôi”!
Hỡi ôi, lại một câu tuyệt cú! Thả một hòn sỏi đánh dấu chỗ thuyền trôi. Thích
Ca Mầu Ni hỏi nhỏ họ Lã: Ư ý vân hà?
Ý ông thế nào? Lã cúi đầu, thưa khẽ:
Mô Phật, thiện tai! Thiện tai!
Phải. Cái sát phạt máu me và xương thịt tan tành
thời Chiến Quốc khiến cho Lã đành
nhắc tới kiếm, tới gươm. Khiến cho con thuyền của Lã không là thuyền thơ trăng gió.()
Cuối bài báo, tệ đệ có chú thích về họ Lã như sau:
Cuối thời Chiến Quốc, Lã Bất Vi (? - 235 trước
Công Nguyên) chủ biên bộ sách “Lã Thị Xuân Thu” tập hợp các học thuyết thời
Tiên Tần (từ thế kỷ 3 TCN trở về trước), trong đó có tích “Khắc chu cầu kiếm”
như sau: Một người nước Sở đang qua sông vô ý đánh rơi thanh gươm xuống nước.
Ông ta liền khắc dấu vào mạn thuyền và nói: “Đây là chỗ gươm rơi xuống nước”.
Khi thuyền dừng lại, ông ta cứ noi theo dấu khắc trên mạn thuyền mà lặn xuống
nước mò gươm. Nhưng thuyền đã đi quá xa chỗ đánh rơi gươm! (4)
Vài năm trước, khi biết bản thảo ban đầu (với sự nhầm lẫn) được dẫn lại nơi
trang nhà của bác sĩ Đỗ, tệ đệ đã “meo” cho bác sĩ để nhờ sửa lại cho đúng. Nhưng
có lẽ người sửa còn sót nên đã khiến hiền huynh có dịp gởi thư trao đổi với tệ đệ.
Hoan hỷ thay! Xin cảm ơn hiền huynh quan tâm và cầu chúc hiền huynh cùng bửu
quyến hằng an lạc.
*
@ Hiền huynh Dương Như Quảng (Suối Nghệ, Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu). Điện thư ngày
06-8-2018:
Thánh Truyền Trung Hưng (Hà Nội: Nxb Tôn
Giáo, 2017), trang 552, có in lời dạy
của Đức Liễu Tâm Chơn Nhơn: “Chúng sanh sống trong cõi hữu hình vật chất có sẵn lòng bác
ái trắc ẩn, tu ố chí tâm.” Xin hỏi: Có phải chí tâm là rất thành khẩn, là thành
tâm, như khi nói chí tâm quy mạng lễ không? Và
tu ố chí tâm nghĩa là gì?
Huệ Khải: Kính thưa hiền huynh, khi
nói chí tâm quy mạng lễ thì chí tâm 至 心 có nghĩa là rất thành khẩn,
thành tâm, đúng như hiền huynh hiểu.
Nhưng lời dạy của Đức Liễu Tâm Chơn Nhơn là tu ố chi tâm. Bản in 2017 đã sai khi thêm
dấu sắc thành chí.
Tu ố chi tâm 羞 惡 之 心 nghĩa là lòng hổ thẹn (the feeling of shame). Tu và ố cùng có nghĩa là xấu hổ, hổ thẹn (ashamed). Bài thánh giáo của Đức Liễu Tâm Chơn Nhơn đã được chú giải
và in trong Đại Đạo Văn Uyển, tập Lợi
(số 19) năm 2016, tr. 17-20.
Nhân đây xin nói qua về cấu trúc tu ố
chi tâm (A chi B) mà chúng ta hay
gặp khi học thánh giáo. Cấu trúc này hiểu theo tiếng Việt là A ® B, tức là A bổ nghĩa cho B. Chẳng hạn: thiên địa chi tâm 天 地 之 心 = lòng
trời đất / phụ tử chi tình 父 子 之 情 = tình
cha con / vũ trụ chi gian 宇 宙 之 間 = trong
khoảng vũ trụ, v.v...
Trong các bài kinh cúng tứ thời, ta gặp: Nhựt, nguyệt, tinh thần chi quân 日 月 星 辰 之 君 = đấng cai quản mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao / Thánh Thần, Tiên Phật chi chủ 聖 神 仙 佛 之 主 = đấng làm chủ (chúa tể) Thánh Thần, Tiên Phật / nhứt khí chi trung 一 氣 之 中 = trong một khí / song thủ chi nội 雙 手 之 = trong hai tay / cửu
thập nhị tào chi mê muội 內 九 十 二 曹 之 迷 昧 = sự mê muội của bọn chín mươi
hai [ức nguyên nhân] / Tất Viên, Phương
Sóc chi bối 漆 園 方 朔 之 輩 = các ngài Tất Viên, Phương Sóc
/ nhựt nguyệt chi quang 日 月 之 光 = ánh sáng mặt trời, mặt trăng,
v.v...
Xưa kia, tại thánh thất Từ Quang (Cẩm Phú, Điện Phong, Điện Bàn, Quảng Nam),
Thứ Ba 04-12-1934 (28-10 Giáp Tuất), Đức Nam Cực Tiên Ông giáng cơ dạy:
Nơi đây Thầy mới định từ
Tam Kỳ Phổ Độ khắp chư môn trùng
Vì chúng sanh ít dùng Hán tự
E khó phân khỏi sự lạc lầm
Nay đây truyền tiếng quốc
âm
Ai ai cũng hiểu khó lầm khỏi sai.
Chúng ta mừng quá, cứ ngỡ rằng Ơn Trên sẽ không dùng chữ Nho khi dạy đạo nữa.
Nhưng thật ra, khi dùng chữ quốc ngữ thì mấy mươi năm qua các Đấng vẫn không bỏ
hẳn từ Hán Việt; các cấu trúc ngữ pháp chữ Hán vì thế vẫn có trong thánh giáo, thậm
chí không ít thi bài toàn là từ Hán Việt.
Đọc thánh giáo tiếng Việt không phải lúc nào cũng hiểu dễ dàng, huống chi là
từ Hán Việt, cấu trúc ngữ pháp chữ Hán. phần đông đạo hữu vì không hiểu đúng, tự
ý sửa chữa, rồi sao chép hoặc in thánh giáo sai sót.
Không riêng từ Hán Việt, ngay cả từ thuần Việt (quốc ngữ) bà con đạo hữu chúng
ta viết sai chánh tả chẳng ít. Ngày nay thử đọc những gì bà con tải lên Internet,
thấy mà thương!
Chính Đức Tổng Lý Trần Hưng Đạo cũng “ngán” cho cái tật viết sai
tiếng Việt của bổn đạo Cao Đài. Thế nên, giáng cơ tại thánh thất Từ Vân (Phú Nhuận),
Thứ Bảy 05-11-1955 (21-9 Ất Mùi), Đức Tổng Lý Vô Vi của Hội Thánh Truyền Giáo Cao
Đài đã dặn dò tiền bối Thanh Long Lương Vĩnh Thuật (1918-1982) về việc gắn các câu
chữ cho ngôi Trung Hưng Bửu Tòa tại Đà Nẵng. Đức Thánh Trần chẳng những không cho
dùng chữ Nho (Hán tự) mà còn nhấn mạnh rằng “trong
và ngoài hoàn toàn dùng chữ Việt, chính tả
cho đúng”.
Mỗi lần nhớ tới lời Đức Thánh Trần Hưng Đạo bảo “chính tả cho đúng”, tôi
lại ngậm ngùi, vừa thương ngài, vừa thương kinh sách Đạo Thầy trải qua gần trăm
năm vẫn chưa được con Thầy gắng sức thể hiện chữ nghĩa cho đúng đắn.
*
@ Nguyên Chánh Trị Sự Lê Thị Ánh Tuyết (xã đạo Tam Kỳ, Trung Mỹ,
Quảng Nam). Điện thư ngày 10-8-2018:
Chào đạo huynh Huệ Khải. Chủ Nhật vừa rồi tại
thánh thất tệ muội ở Hoa Kỳ (thánh thất Cao Đài Houston / Houston Cao Đai
Temple, Texas) thảo luận tìm hiểu về KINH CỨU KHỔ. Có hai vấn đề thắc mắc mà tất
cả đạo tràng chưa tìm được giải đáp, nên hôm nay mạo muội nhờ đạo huynh giải
thích.
1. Tại sao bài KINH CỨU KHỔ trong sách đạo huynh
soạn ()
và một số nơi khác (như Kinh Tận Độ của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài) bắt đầu
là câu “Nam mô Đại Từ Đại Bi Quảng Đại Linh Cảm Quan Thế Âm Bồ Tát”; nhưng
Cao Đài Tây Ninh và một số nơi khác lại là “Nam mô Đại Từ Đại Bi Quảng Đại Linh
Quan Thế Âm Bồ Tát”. Tại sao "Linh Cảm" lại rút gọn là
"Linh"?
2. Trong Kinh Tận Độ (bản in 1995, tr. 145), câu
niệm cuối bài KINH CỨU KHỔ là "Nam mô Đại Từ Đại Bi Tầm Thinh Cứu Khổ Cứu
Nạn Linh Cảm Quan Thế Âm Bồ Tát". Trong Kinh Thế Đạo của Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh (bản in
1992, tr. 108) và trong sách của đạo huynh (đã dẫn) lại là "Nam mô Cao Đài
Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát."
3. Houston Cao Đài Temple là một thánh thất quy
tụ tín hữu thuộc các Hội Thánh Cao Đài khác nhau (Tây Ninh, Truyền Giáo,
v.v...), cho nên khi hội học, gặp phải một vấn đề gì thì đem ra thảo luận rồi tìm
ý kiến thống nhất tối ưu. Giáo lý cao sâu, có rất nhiều điều toàn đạo hữu tại
thánh thất chưa thông hiểu được. Nếu đạo huynh cho phép, trong thời gian tới,
tệ muội sẽ gởi câu hỏi để nhờ đạo huynh cho ý kiến. Rất mong được đạo huynh
giải thích tường tận, để tệ muội chia sẻ cùng đạo hữu tại thánh thất Houston.
Vô cùng cám ơn đạo huynh. Kính mến.
Huệ Khải: Kính thưa hiền tỷ, tôi vui lắm khi nhận được thư hiền tỷ. Một tái ngộ bất
ngờ! Mới đó mà đã tám năm. Tôi vẫn nhớ dịp ra Tam Kỳ (Quảng Nam) lần thứ nhất vào
trung tuần tháng 7 Canh Dần (2010) để dự đại lễ kỷ niệm 75 năm đưa đạo Cao Đài về
Quảng Nam (1935-2010) và kỷ niệm 40 năm hình thành Thánh Đường Quảng Nam (1970-2010).
Trong chương trình kỷ niệm có buổi hội ngộ đầu tiên giới thiệu kinh sách Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống với bổn đạo miền Trung. Buổi giới thiệu chiều hôm ấy đã
thành công mỹ mãn, trong đó có công sức của hiền tỷ khi đảm nhiệm làm người dẫn
chương trình rất duyên dáng. Tôi quay sang hỏi vị chức sắc Cơ Quan Phổ Tế ngồi
cạnh, và được biết hiền tỷ là cô giáo dạy tiếng Anh.
Vừa rồi ấn tống quyển Sự Nghiệp Trung
Hưng của Thượng Giáo Sư Phạm Văn Liêm (Nxb Hồng Đức 2018), tôi đã chuyển vào
đó số tiền công quả của hiền tỷ với lòng thành hồi hướng giác linh song thân và
cha chồng hiền tỷ. Nhân đây, Chương Trình Chung Tay Ấn Tống xin thắp nén tâm hương,
cầu nguyện giác linh thân phụ hiền tỷ (Giáo Hữu Lê Minh Đức: 1929-2018) sớm được
thọ hồng ân Thầy Mẹ nơi cõi thiêng liêng hằng sống.
Về ba điểm hiền tỷ nêu ra, tôi tuần tự trình bày như sau:
1. Tại sao "Linh Cảm" lại rút gọn là
"Linh"?
Câu niệm “Nam mô Đại Từ Đại Bi Quảng
Đại Linh Cảm Quan Thế Âm Bồ Tát” rất phổ biến xưa nay trong nhà Phật.
Ai tụng Bạch Y Thần Chú cũng đều niệm
như thế. Tôi vừa thử đưa câu niệm này (viết chữ Nho) vào Google thì trong vòng
0,24 giây có được khoảng 3.740 kết quả. Nhưng bớt chữ Cảm đi thì trong 0,28 giây chỉ có đúng 5 kết quả.
Như vậy, tôi nghĩ có lẽ do sao chép bị sót chữ mà Linh Cảm trở thành Linh,
và có thể xưa kia các tiền bối ở Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh đã sử dụng một bản
in sót chữ chăng?
Theo tôi, căn cứ vào tính phổ biến của Linh
Cảm so với Linh, ta nên niệm theo
truyền thống: “Nam mô Đại Từ Đại Bi Quảng
Đại Linh Cảm Quan Thế Âm Bồ Tát”.
2. Về câu niệm cuối bài Kinh Cứu Khổ.
Trong sách đã dẫn của tôi, câu niệm hồng danh Thầy ở cuối bài Kinh Cứu Khổ
là do tôi căn cứ theo Kinh Thế Đạo của Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh. Thỉnh thoảng
đi cúng thời ở thánh thất Từ Vân (Phú Nhuận), tôi nghe bổn đạo niệm khác. Xem lại
Kinh Tận Độ thì thấy câu niệm là “Nam mô
Đại Từ Đại Bi Tầm Thinh Cứu Khổ Cứu Nạn Linh Cảm Quan Thế Âm Bồ Tát”.
Tôi không biết ở các nơi khác còn có cách niệm nào nữa hơn không. Lý do phát
sinh sai biệt thì tôi chưa rõ. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng nếu ở thánh thất hiền tỷ
đang có hai cách niệm khác nhau mà chưa thống nhất được ý kiến, thì hãy thử
dung hòa bằng cách trước niệm hồng danh Thầy, sau niệm tiếp hồng danh Đức Bồ Tát.
Cốt sao chúng ta giữ được tình thân ái, hòa khí giữa đồng đạo. Bằng không, chúng
ta đọc Kinh Cứu Khổ mà lại bất hòa chỉ vì bất đồng ở câu niệm cuối bài kinh thì
biết đâu Đức Bồ Tát cũng phải than: “Khổ
quá! Cứu khổ cho chư hiền thiệt là khó!”
3. Rất mong được đạo huynh giải thích tường tận,
để tệ muội chia sẻ cùng đạo hữu tại thánh thất Houston.
Thưa hiền tỷ, đạo học thậm thâm mà tôi chỉ mới mon men, rón rén bước vào nhà
Thầy. Những dịp đạo hữu gần xa nêu câu hỏi chính là các vị làm giáo viên ra đề kiểm
tra cho tôi được dịp làm học trò “trả
bài”; nhờ vậy tôi được ôn bài, được học
hỏi thêm. Cho nên, tôi biết ơn tất cả quý đạo hữu ấy.
Từ nay, đã có địa chỉ e-mail của hiền tỷ, mỗi khi tải kinh sách ấn tống lên
các blogs của Chương Trình Chung Tay Ấn
Tống, tôi sẽ chuyển đường links về hiền
tỷ. Như vậy hiền tỷ có thể tham khảo và chia sẻ với các đạo hữu quan tâm; chúng
ta giải quyết được trở ngại không gian ngăn cách khiến bất tiện gởi sách in qua
Houston biếu thánh thất và quý đạo hữu.
Cầu chúc hiền tỷ và bửu quyến hằng an lạc trong hồng ân Thầy Mẹ.
*
MẠNH TỬ
@ Hiền hữu Nguyễn Văn Hương (Long Định, Long Kiến, Chợ Mới, An Giang). Điện thư ngày
11-8-2018:
Tôi nghe bá tánh bảo
rằng Đức Mạnh Tử khuyên: Đọc sách mà tin
hết vào sách thì thà không có sách. (Tận
tín thư bất như vô thư.) Xin hỏi: Thật sự Đức Mạnh Tử có khuyên như vậy
không?
Huệ Khải: Chào hiền hữu. Ngày 11-8-2018, vừa đọc thư hiền hữu xong, tôi thử dùng Google
tìm kiếm câu hiền hữu hỏi, và lập tức thấy trong vòng 0,52 giây có liền 2.890 kết
quả. Sợ chưa? Người Việt chúng ta dễ dãi sao chép lẫn nhau không cần kiểm chứng
và lan truyền một câu văn không chính xác rồi gán ngay cho Đức Mạnh Tử là tác
giả.
Sách Mạnh Tử gồm bảy thiên 篇 (cũng như chương / chapter),
chia làm hai quyển gọi là Thượng, Hạ. Quyển Hạ gồm bốn thiên. Thiên chót gọi là
Tận Tâm 盡 心 và chia làm hai phần, gọi là Tận Tâm Thượng, Tận Tâm Hạ. Theo bản Mạnh Tử của James Legge (1815-1897),
trong Tận Tâm Hạ, ở đoạn đánh số 49 mở đầu như sau:
孟 子 曰 : 盡 信 «書» , 則 不 如 無 «書» . (Mạnh Tử viết: Tận tín «THƯ», tắc bất như vô «THƯ».)
1. Trước hết, ta thấy, khi nói “Tận tín thư bất như vô thư”, người Việt đã bỏ sót chữ tắc (liên từ / conjunction,
có nghĩa: thì, thì là). Thí dụ: Bất tiến tắc thối 不 進 則 退 (Không tiến là lùi). Luận Ngữ, thiên Học Nhi, có câu này: Đệ tử nhập
tắc hiếu, xuất tắc đễ. 弟 子 入 則 孝 , 出 則 悌 . (Con em ở trong nhà thì hiếu thảo [với cha mẹ], ra
ngoài thì kính nhường [người lớn]).
Kinh Thư
2. Lại thấy, chữ THƯ 書 được James Legge đặt trong dấu ngoặc kép. Thì ra nó không có
nghĩa chung chung là sách vở (books),
mà là nhan đề một pho kinh trong Ngũ Kinh (Dịch,
Thư, Thi, Lễ, Xuân Thu). Vâng, THƯ trong câu chữ Nho dẫn trên là Kinh Thư, còn
gọi là THƯỢNG THƯ 尚 書, ghi chép các sự kiện lịch sử Trung Quốc thời cổ (vua Nghiêu, vua Thuấn; ba
nhà Hạ, Thương, Tây Chu).
James Legge dịch câu chữ Nho trên đây như sau:
Mencius said, “It would be better to be without the Book of History than
to give entire credit to it.”
Nghĩa là: Mạnh Tử nói, “Thà không có (Kinh)
Thư còn hơn là tin hết vào (Kinh) Thư.”
3. Tại sao Đức Mạnh Tử không cả tin vào Kinh Thư?
Kinh Thư có tới hai mươi lăm thiên ngụy tác (apocrypha), trong đó có thiên Vũ
Thành 武成 (Thành Tựu Chiến Sự / Successful
Completion of the War). Thế nên, sau khi nói “tắc bất như vô Thư”, Đức Mạnh Tử lập tức giải thích lý do ngài chỉ
tin (Kinh) Thư một phần nào:
吾 於 «武成» , 取 二 三 策 而 已 矣 . (Ngô ư «Vũ Thành», thủ nhị tam sách nhi dĩ hỹ.)
James Legge dịch câu chữ Nho trên đây như sau:
In the “Completion of the War,” I select two or three
passages only, which I believe.
Nghĩa là: Trong [thiên] Vũ Thành, ta chỉ
chọn lấy hai hay ba đoạn mà ta tin tưởng.
Trở lại với khoảng
2.890 trường hợp người Việt diễn dịch và trích dẫn không đúng câu nói của Đức
Mạnh Tử, phải chăng đây là cái thói quen dễ dãi sao chép lẫn nhau bất cần khảo
chứng của người Việt?
Cũng bởi thói quen này, phải chăng xưa nay người Việt chúng ta vô tình đã
“vu khống” Đức Mạnh Tử khi cứ bảo rằng ngài từng nói câu “Tận tín thư bất như vô thư” theo
nghĩa
“Đọc sách mà tin hết
vào sách thì thà không có sách.”?
Thưa hiền hữu,
Nhân trả lời câu hỏi của hiền hữu, nói tới thói quen dễ dãi sao chép lẫn nhau
bất cần khảo chứng của người Việt, xin nhắc lại rằng mục Gió Bốn Phương trên Đạo Uyển Thu
2018 (tr. 138-140), hiền hữu Lê Anh Minh cho biết câu đối “Thời lai phong tống
Đằng Vương Các / Vận khứ lôi oanh Tiến Phúc Bi” vốn của người khuyết danh, không phải là hai câu
thơ của Tô Đông Pha đời Tống; thế nhưng xưa nay người Việt vẫn cứ đề quyết là
thơ của Tô Đông Pha.
Từ khi chủ biên Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh
Sách Đại Đạo, thỉnh thoảng tôi nhận được một số bản thảo của quý đạo hữu gần xa
gởi về. Quý vị ấy hay trích thánh giáo. Tôi kiểm tra lại thì thấy hoặc là sai hồng
danh Đấng giáng cơ, hoặc sai sót chữ nghĩa. Thậm chí, có vị trích dẫn bài thơ bốn
câu mà hai câu trên vốn của Đức Lý, hai câu dưới vốn của Đức Mẹ, thế nhưng trong
bản thảo lại ghi là “Đức Chí Tôn dạy”. Tôi đoán rằng khi trích
dẫn, vị ấy chỉ chép theo trí nhớ chứ không chịu khó mở kinh sách ra dò lại cẩn
thận.
Hiền hữu mến, ngoài câu hỏi thú vị trên đây, trong thư khá dài hiền hữu còn
cho biết từng có ý muốn gởi bài về Đạo Uyển,
nhưng lại ngại ngần, vì lẽ “cảm thấy Ban Ấn
Tống khó tánh quá xá!” Vâng, chúng
tôi tuy ráng kỹ lưỡng mà vẫn cứ không sạch hết lỗi lầm mỗi khi in sách. Nếu không
“khó tánh quá xá” như hiền hữu bảo thì sách ấn tống của Chương Trình chúng mình
in ra ắt sẽ tệ hại lắm. Nếu trót thế, chúng tôi tránh sao khỏi đắc tội vì thiếu
trách nhiệm đối với công quả của quý ân nhân thương mến, tin cậy gởi gắm.
Vậy, rất mong hiền hữu sẽ gởi bài góp mặt với Đạo Uyển. Lỡ thấy bài không đăng, thì hãy vui vẻ tự nhủ: Mình biết trước rồi mà. Mình nói có sai đâu hén!
Sau đó, hiền hữu vẫn hăng hái gởi thêm bài khác, rồi lại thêm bài khác nữa.
Cười...
Xin cảm ơn hiền hữu nhiều năm qua vẫn luôn là bạn đọc trung thành của Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống. Chúc hiền hữu an lạc trong hồng ân Thầy Mẹ. Quý mến.
*
@ Hiền muội Phương Hà (Mang Thít, Vĩnh Long). Điện thư ngày 12-8-2018:
Đọc Đại Đạo Văn Uyển và Đạo Uyển, em thấy hay nhắc tới James Legge. Xin Ban Ấn Tống cho em biết về đạo
nghiệp của vị này.
Lê Anh Minh: James Legge có phương danh chữ Nho là Lý Nhã Các 理 雅 閣. Ông là giáo sĩ của Hội Truyền Giáo London (the London Missionary Society), và là một nhà Hán học cự phách. Ông
sinh ngày 20-12-1815 tại Huntly, Aberdeenshire, Tô Cách Lan (Scotland), và tạ thế ngày 29-11-1897 tại
Oxford, nước Anh.
Ngày 10-01-1840, ông đến Malacca (ở Mã Lai) làm
viện trưởng của Anh Hoa Học Viện 英 華 學 院 (Ying Wa College / the Anglo-Chinese College).
Năm 1843, ông từ Malacca đến Hương Cảng (Hong
Kong) và cư trú ở đây suốt ba mươi năm. Vì vậy, ông đồng thời là đại diện của
Hội Truyền Giáo London tại Malacca và Hương Cảng (1840-1873).
Từ năm 1876 cho đến lúc mất, ông dạy chữ Hán tại Viện
Đại Học Oxford, nước Anh. Ông phiên dịch hầu hết những kinh điển trứ danh của đạo
Nho sang tiếng Anh (như Nho Giáo Thập Tam
Kinh) và một số kinh điển đạo Lão.
Những năm 1879-1891 ông cộng tác với triết gia Đức
kiêm nhà Đông phương học Max Müller (1823-1900) cùng nhiều học giả khác hợp soạn
bộ sách kỳ vĩ nhan đề Sacred Books of the
East (Kinh điển phương Đông, 50 quyển).
Một số tác phẩm của James Legge:
- The Life and Teaching of Confucius
with Explanatory Notes (Cuộc đời và giáo huấn của Khổng Tử, chú giải Luận
Ngữ), London, 1861.
- The Religions of China (Các tôn
giáo của Trung Quốc), London, 1880.
- The Shu-king (Kinh Thư),
Oxford, 1879.
- The
Yih-king (Kinh Dịch), Oxford, 1882.
- The Texts
of Taoism: Tao-teh-king (Đạo Lão kinh điển: Đạo Đức Kinh), Oxford, 1891.
- The
Writings of Kwang-zze in the Texts of Taoism (Trang Tử), Oxford, 1891.
- The Life
and Works of Mencius with Essays and Notes (Mạnh Tử, cuộc đời và tác phẩm
có chú giải), London, 1875.
- The Thai-shang Tractate of Actions and Their Retributions
(Thái Thượng Cảm Ứng Thiên), Oxford, 1891, v.v...
Nên biết thêm rằng năm 1815 Hội Truyền Giáo London
thành lập một nguyệt san bằng Hán ngữ tại Malacca. Một người tiên phong trong
lĩnh vực báo chí ở đấy là Vương Thao 王 韜
(1828-1897), nguyên là văn nhân, làm chủ bút tiếng Hán suốt những năm 1850. Vì
bị nghi ngờ có liên lạc với loạn Thái Bình nên Vương Thao bỏ chạy sang Hương
Cảng dưới sự che chở của người Anh. Mười năm sau đó ông giúp James Legge hoàn
thiện công trình phiên dịch Ngũ Kinh
sang tiếng Anh (lúc đó James Legge đã dịch xong Tứ Thư rồi). Sau đó James Legge và Vương Thao đã cư trú ở Scotland
hai năm. Nhờ tiếp xúc rất nhiều với phương Tây và thông thạo ngành xuất bản,
Vương Thao trở thành nhà báo độc lập trong những năm 1870 và tự thành lập một
tờ nhật báo tại Hương Cảng. Như vậy, James Legge có những công trình phiên dịch
kinh điển để đời cũng nhờ sự phụ tá của Vương Thao.
*
@ Cô giáo Têrêsa
Hài Đồng Giêsu Nguyễn Thị Thanh
Thủy, giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, hạt Xóm
Mới, Gò Vấp. Điện thư ngày 17-8-2018:
Chào bác Huệ Khải, bác
có khỏe không ạ? Con vừa xem "Tản Mạn Chuyện Đạo" của tác giả Nguyễn
Văn Nghĩa, sao con thấy bóng dáng mình trong đó. Có lúc mình bực bội gì đó làm
buồn lòng người khác lại thấy xấu hổ... Con kính chúc bác luôn vui mỗi ngày.
Con, Thanh Thủy.
Huệ Khải: Cô Thanh Thủy quý mến. Cô sắp
trở lại bục giảng rồi nhỉ? Đã khá lâu tôi không viết thư thăm cô và gia đình. Hôm
qua, sau khi đưa Đạo Uyển Thu 2018 đi
nhà in, tôi liền đăng các bài vào blog, rồi gởi đường dẫn tới một số đạo hữu. Lúc
ấy bất chợt nghĩ tới cô, nên gởi luôn. Vậy nên cô là một trong số chừng mươi vị
đạo hữu được xem Đạo Uyển Thu 2018 rất
sớm.
Bác Nguyễn Văn Nghĩa trong tuổi thất tuần, đang tu
hành tại gia ở Tây Ninh. Nếu biết rằng “Con vừa xem ‘Tản Mạn Chuyện
Đạo’ của tác giả Nguyễn Văn Nghĩa, sao con thấy bóng dáng mình trong đó”, ắt bác ấy cũng vui vui và sẽ
viết thêm bài mới để tiếp tục gởi tới Đạo Uyển.
Tháng 8 này các nơi, đặc biệt là trung tâm Đức Mẹ
La Vang, đều dâng thánh lễ, dâng hoa, và hướng vọng về Đức Mẹ Maria. Tôi cầu
nguyện Đức Mẹ ban ơn lành đến cô giáo và gia đình, phù trợ mọi đạo sự cô đang đảm
đương nhiều năm nay tại giáo xứ.
*
) Hiền huynh Long, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Điện thoại ngày 21-8-2018:
Trong Kinh Sám Hối có
câu: "Nói năng minh chánh, lời ra phải nhìn.” Nhưng đi cúng tôi thấy có nhiều nơi đọc: "Nói năng minh
chánh, lời ra phải gìn.” Vậy, chữ nào mới đúng?
Huệ Khải: Chào hiền huynh, theo bản gốc
từ Minh Lý Đạo (là nơi tiếp nhận Kinh Sám Hối), thì câu kinh đúng chính là: "Nói năng minh chánh, lời ra phải nhìn.”
Trong Tìm Hiểu
Kinh Cúng Tứ Thời (Thanh Căn và Huệ Khải soạn chung, Nxb Tôn Giáo, 2011),
tr. 56, chú thích 63, tôi viết: Lời ra
phải nhìn: Nhìn nhận, không chối bỏ lời đã nói ra (to keep one’s word, to be true to one’s word).
Nay tôi bổ sung như sau: Chữ nhìn trong câu kinh dẫn trên là từ Việt cổ.
Trong Đại Nam
Quấc Âm Tự Vị (quyển II, 1896, tr. 131, cột 2), Paulus Của giảng Nhìn có nghĩa: "(...) nhận là của mình.”
Trong Chuyện
Giải Buồn (quyển hai, 1886), chuyện kể số 84 (nhan đề: Tra án), Paulus Của viết: "Tên Châu (...) nói với vợ họ Cổ rằng: ‘(...) thôi trước nói làm sao, bây
giờ phải nhìn lời.’ ” Vậy, nhìn lời tức là giữ lời hứa.
Khi ban truyền Kinh Sám Hối, ngày 22-5-1925 (01-4
nhuần Ất Sửu), Đức Quan Thánh Đế Quân dạy: "Nói
năng minh chánh, lời ra phải nhìn”,
có nghĩa đã nói ra thì phải giữ lời hứa. Tín đồ đọc kinh, sửa lại là "Nói năng minh chánh, lời ra phải gìn”, tuy ý nghĩa không sai, nhưng
không còn đúng nguyên văn, và lại làm mất đi một từ Việt cổ mà Đức Quan Thánh
giúp chúng ta bảo tồn.
*
@ Cháu Trà Thị Biên Đình (Tân Biên, Tây Ninh). Điện thư ngày 06-9-2018:
Theo “Đạo Sử Xây Bàn” (quyển I)
của Nữ Đầu Sư Hương Hiếu (bản ronéo, trang 24), ngày 13-11-1925 (27-9 Ất Sửu),
Đức AĂÂ giải Nghĩa “Niếp tử” như sau:
“Niếp là rương đựng sách. / Tử là thầy Ðức Khổng Tử. / Niếp tử: là rương đựng sách của Ðức Khổng
Tử (...)” Cháu thấy chỗ này khó hiểu. Thử tra từ điển Hán Việt thì không thấy
chữ Niếp nào hết. Xin bác Huệ Khải giải thích giúp cháu. Cháu cảm ơn bác.
Huệ Khải: Chào cháu Biên Đình. Nhìn thấy tên cháu, tôi không khỏi mỉm cười. Nhà cháu
ở huyện Tân Biên, sát biên giới Campuchia, nên cha cháu đặt tên cháu là Biên
Đình 邊庭 rất hay; và nó còn cho thấy cha cháu thích Truyện Kiều, ở mấy câu Nguyễn
Du tả Từ Hải: Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi / Râu hùm, cằm én,
mày ngài / Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao / Đường đường một đấng anh hào
/ Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.
Trở lại câu cháu hỏi; nói khó hiểu là đúng rồi, vì hai lẽ.
Một, có thể là vị đạo hữu làm công quả đánh máy giúp tiền khai Hương Hiếu gõ
sót chữ chăng? Trong bản ronéo tôi đang có, cũng như các bản điện tử trên
Internet, đều viết giống như cháu trích dẫn: “Tử là thầy Ðức Khổng
Tử.”
Theo tôi, câu văn sẽ rõ nghĩa ngay nếu thêm dấu
phẩy và viết: Tử là thầy, ám chỉ Đức
Khổng Tử. Chúng ta biết, trong sách Luận
Ngữ, thường chép Tử viết 子曰, nghĩa là Đức Khổng nói. Vậy, phải viết hoa chữ Tử
(Níp Tử, thay vì Niếp tử; xem tiếp giải thích bên dưới).
Hai là chữ Niếp.
Người đánh máy đã gõ sai chánh tả. Đúng ra là Níp. Đây là một từ Việt cổ, có nghĩa là cái rương (tráp, hòm) bằng
tre, thường dùng đựng sách vở (mà đựng đồ vật khác cũng đặng). Như vậy, Đức AĂÂ
giảng “Níp là rương đựng sách” thì đúng quá rồi.
Chữ Nho gọi níp
là cấp 笈, ghép chữ cập 及 với bộ trúc 竹 nằm phía trên (vì níp
làm bằng tre). Cấp dịch ra tiếng Anh
là ”trunks (for books)” (những cái
rương đựng sách);() hay là ”square bamboo container for food or
clothing” (cái vật chứa vuông vắn đan bằng tre dùng đựng thức ăn hay cất quần
áo).() Bởi vậy có thành ngữ phụ cấp tùng sư 負笥從師 (mang níp theo thầy), ý nói dốc lòng theo thầy học hành;
hay phụ cấp viễn du 負笈遠遊 (mang níp đi chơi xa).
Nhắc lại, níp
là từ Việt cổ. Ngày xưa, các cụ soạn Tam
Thiên Tự dạy chữ Nho cho người Việt, có ba lần dùng chữ níp để giảng nghĩa ba chữ Nho khác
nhau. Thật vậy:
- Mở Tam
Thiên Tự 三千字 (Ba
ngàn chữ) do Đoàn Trung Còn in (Sài Gòn: Trí Đức Tòng Thơ, 1959), trang 26, chữ
thứ 1719 (xem chữ Nho hàng thứ bảy, từ trái đếm sang chữ thứ bảy), ta thấy chữ 笈 mà các cụ đọc là cập, giảng là níp. Nay các từ điển Hán Việt đọc 笈 là cấp.
- Cũng bản in của Đoàn Trung Còn, trang 25, chữ
thứ 1642 (xem chữ Nho hàng thứ tám, từ trái đếm sang chữ thứ hai), ta thấy chữ 篋 mà các cụ đọc là hiệp,
giảng là níp. Nay các từ điển Hán Việt
đọc 篋 là khiếp. Đằng khiếp 籐篋 là cái níp đan bằng mây,
thư khiếp 書篋 là níp đựng sách. Chữ khiếp cũng viết với bộ trúc 竹 phía trên (vì khiếp làm bằng tre).
- Vẫn bản in của Đoàn Trung Còn, trang 13, chữ thứ
687 (xem chữ Nho hàng thứ tám, từ trái đếm sang chữ thứ bảy), ta thấy chữ 笥 mà các cụ đọc là tư,
giảng là níp. Nay các từ điển Hán Việt
đọc 笥 là tứ, tức là cái sọt tre vuông vức; tiếng Anh dịch là ”square bamboo container for food or
clothing” (cái vật chứa vuông vắn đan bằng tre dùng đựng thức ăn hay cất quần
áo).() Chữ tứ cũng
viết với bộ trúc 竹 phía trên (vì tứ làm bằng
tre).
*
) Hiền hữu Nguyễn Trung Tín (thánh thất Trung Dương, Đơn Dương, Lâm Đồng). Tin nhắn ngày 14 và 18-9-2018:
1. Trong Đại Đạo Văn
Uyển Tập Lợi 2014, có câu thánh thi của Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn: Hãy đến non Tiên tìm Lão Hủ
/ Mới tường đáy nước ẩn giao long. Xin
hỏi Lão Hủ là vị nào?
2. Trong Đại Đạo Văn
Uyển Tập Nguyên 2014, có câu: Giáng linh Hộ Pháp Vi Đà / Chuyển cây ma xử đuổi tà trục tinh. Xin hỏi Vi Đà và Di Đà là một
vị hay hai vị?
Huệ Khải: Chào hiền hữu. Xin lần lượt trả lời như sau:
1. Hủ 朽 (tính
từ) là mục nát. Cái gì tồn tại mãi mãi được gọi là bất hủ 不朽 (immortal).
Khi nói về con người thì hủ nghĩa già
yếu, suy nhược. Người già cả tự xưng lão
hủ 老朽 để ngụ ý mình tuổi già sức yếu; cũng là cách nói khiêm tốn. Đức
Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn tự xưng Lão Hủ là theo ý này; chúng ta viết
hoa để tỏ ý tôn kính ngài.
2. Hộ Pháp Vi Đà 韋陀 trong Đại Đạo Văn Uyển Tập Nguyên 2014 đã giải thích rồi và kèm theo hình minh họa, nên không nhắc
lại nơi đây.
Di Đà là cách nói tắt hồng danh Phật
A Di Đà (阿彌陀, Amitābha). Phật
tử tu theo pháp môn Tịnh Độ luôn niệm Nam
mô A Di Đà Phật để mãn kiếp trần được vãng sanh vào cõi Tịnh Thổ 淨土 (Pure Land) của Đức Phật Di Đà.
Bên cạnh là hình vẽ Đức Phật Di Đà theo quan niệm của Phật Giáo Tây Tạng (Tibetan Buddhism).
Như vậy Hộ Pháp Vi Đà và Phật
Di Đà là hai vị khác nhau. Có điều, phần đông đạo hữu miền Nam khi nói Vi Đà đều phát âm giống như Di Đà, không phân biệt Vi và Di.
*