ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN
ĐỒNG QUY NHI THÙ ĐỒ
Gioan NGUYỄN SƠN
Khi học về tư tưởng của
Teilhard de Chardin (1881-1955), linh mục dòng Tên,([1]) tôi đã gặp được cụm từ thăng giả hội 升者會 (tất cả những gì đi lên sẽ gặp nhau). Ông là một nhà cổ sinh vật học
và ông suy tư thần học từ những dữ kiện khoa học; hơn thế nữa, từ quan điểm tiến
hóa (évolution) mà Charles Darwin (1809-1882)
đã đưa ra trong khoa sinh vật học. Từ đó, Teilhard cho rằng có một sự tiến hóa
bao trùm cả vũ trụ, không chỉ trong thế giới vật chất, trong thế giới sinh vật,
mà trung tâm là con người. Từ khi có con người với ý thức, lý trí, và tinh thần,
sự tiến hóa sẽ tập trung vào những gì thuộc tinh thần để sau cùng con người từ
môi trường vật chất tiến qua môi trường sự sống; sự sống này sẽ ngày càng tinh
tuyền, viên mãn để sau cùng đưa con người vào một thượng giới, một môi trường
linh thánh, một cảnh vực thần linh (milieu
divin). Càng lên cao, tính đặc thù và đa dạng biến mất để xuất hiện sự
tương đồng và đây là chỗ để mọi dị biệt ở khởi điểm gặp nhau hay hội tụ (tout ce qui monte converse). Dịch Kinh (Hệ Từ Hạ) có một câu tương tự, được nhiều người biết hơn: Đồng quy nhi thù đồ (Gặp nhau, nhưng từ nhiều con đường khác
nhau).([2]) Chúng ta tạm hiểu rằng có một chân lý tối thượng mà
nhân loại có thể đã đạt đến và gặp nhau dù bằng nhiều phương pháp tu tập hoặc
tín ngưỡng khác nhau.
Trong bài viết này tôi muốn
dùng câu nói dẫn trên trong Kinh Dịch để soi rọi vào Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo
xem có những tương đồng hoặc dị biệt nào, và những điểm khả dĩ giúp chúng gặp
nhau và hội tụ. Trước hết, tôi xin thưa rằng những gì mà tôi mạo muội đưa ra đây
nên coi như những gợi ý mà thôi; chí ít chúng cũng giúp chúng ta nuôi dưỡng được
tinh thần khoan dung tôn giáo.([3])
Tôn giáo và tín ngưỡng
Phần đông người ta cho rằng
Thiên Chúa Giáo và Phật Giáo là hai
tôn giáo với ít nhất ba nội hàm ([4]) sau
đây: (1) Cộng đồng ấy có một giáo chủ và những môn đệ kế thừa tức là hàng giáo
phẩm hoặc tăng đoàn; (2) Cộng đồng ấy có giáo lý dựa trên kinh điển mà vị giáo
chủ lập đạo để lại như di huấn của ngài; (3) Cộng đồng ấy có những nghi thức thờ
phượng và những thực hành khác để tuyên xưng và củng cố đức tin của tập thể
mình.
Chúng ta thấy Thiên Chúa Giáo
và Phật Giáo đều có đủ những nội hàm trên:
Thứ nhất, Đức Phật Thích
Ca là giáo chủ với tăng đoàn của ngài đã duy trì Phật Pháp cho đến ngày nay;
cũng vậy, trong Thiên Chúa Giáo, Chúa Giêsu với hàng giáo sĩ là những người tiếp
tục sứ mạng của các tông đồ của giáo hội ban sơ.
Thứ hai, Thiên Chúa Giáo có
kinh điển là Thánh Kinh Cựu Ước và Thánh Kinh Tân Ước; riêng Công Giáo còn thừa
nhận truyền thống lấy từ thần học các giáo phụ ([5]) và các thông điệp quan trọng của các giáo hoàng.
Trong Phật Giáo, Đức Phật đã để lại trên ba trăm ngàn pháp thoại được kết tập
thành kinh điển đạo Phật. Ngoài kinh, còn có luật và luận. Luật chi phối việc
tu hành của tăng đoàn và các Phật tử tại gia; luận là
những triển khai về kinh điển của các cao đồ hậu bối theo những quan điểm khác
nhau của các môn phái sau khi Đức Phật tịch diệt.
Thứ ba, cả hai tôn giáo đều
có nghi thức hành đạo của mình: việc cúng kiếng thờ phượng, việc ăn chay, việc
tu hành và các kỷ luật cũng như bổn phận tùy theo cương vị (tu sĩ, tín hữu
bình thường, gia trưởng, con cái, v.v…). Từ đó người ta xây dựng những nơi thờ
phượng như nhà thờ, đền chùa, v.v… Các tôn giáo lớn và các tín ngưỡng địa
phương ([6]) đều có một không gian thờ phượng mà người
ta coi đó là nơi linh thiêng (lieu sacré).
Những nơi đó là chốn thiêng liêng (trong chùa có tượng Phật, kinh Phật; trong
nhà thờ có thánh thể, sách thánh). Vả lại, với niềm tin các thần linh có mặt
khi người ta đang cúng kiếng và dâng lễ vật, các tín hữu đến chùa hoặc nhà thờ
để dâng hương, tụng đọc kinh điển, để cầu xin khấn khứa, qua đó hiểu rõ hơn những
giới răn và giáo lý và đem chúng ra thực hành. Chí ít họ cũng tìm được một sự
an ủi tinh thần nào đó giữa bao đau khổ, nhiễu nhương của cuộc sống.
Như vậy, thế mạnh của các
tôn giáo lớn so với tín ngưỡng của đại chúng bình dân (như thờ các tổ nghề, thờ
ông địa, cá ông, v.v…) chính là giáo hội và kinh điển.
Công thức hóa tín biểu
Phật Giáo có ba lần tập kết
kinh điển. Sau ba lần đó Phật Giáo đã hình thành hai hệ thống kinh điển: kinh
điển Pali của Phật Giáo nguyên thủy, kinh điển Sanskrit của Phật Giáo đại thừa.
Việc chia ra đại thừa và tiểu thừa do một vài quan niệm giáo lý khác nhau mà
còn do hậu quả của việc tiếp biến (hoặc hội nhập) văn hóa:([8]) văn hóa Trung Á và Đông Nam Á.
Trong Thiên Chúa Giáo cũng
có sự tiếp biến văn hóa tương tự mà ở đây là văn hóa Trung Cận Đông và Địa
Trung Hải.([9]) Sau khi Đức Giêsu lên trời, việc truyền
giáo được đẩy mạnh ra khỏi biên giới của nước Do Thái cổ. Lúc đó người truyền
giáo tích cực nhất là Phaolô; ông là người đầu tiên hệ thống hóa tín biểu chí
ít với những chủ điểm chính:
- Học thuyết về cứu chuộc: Phaolô đã biến nghi thức hiến tế của đạo
Do Thái với chiên (cừu) là sinh tế thành học thuyết về cứu chuộc với cái chết của
Đức Giêsu (để trở thành của lễ sát tế) trên cây thập giá.([10])
Dĩ nhiên việc hiến tế
trong nghi thức Do Thái Giáo là tạm thời vì giá trị của sinh tế là tương đối.
Vì giá trị tương đối cho nên nó phải được lặp lại nhiều lần, đặc biệt để kỷ niệm
cuộc Vượt Qua của người Do Thái khi vượt qua Biển Đỏ ráo chân vì theo tường thuật
trong Thánh Kinh, để mở lối cho dân Do Thái, nước Biển Đỏ rẽ ra hai bên làm
thành con đường khô ráo cắt ngang qua Biển Đỏ.
Tuy hội nhập
văn hóa hiến tế của Do Thái Giáo, Phaolô cũng như các nhà thần học tiên khởi đã
tuyệt đối hóa của lễ([11]) sát tế, để của lễ chỉ dâng một lần là đủ cho mọi người được cứu
và mọi sự được hoàn tất.([12]) Hy tế ([13]) không còn là một
con cừu hay một sinh vật bình thường (thậm chí một người bình thường) mà là một
thần linh: Con Một của Thiên Chúa.([14])
Vì Đức Chúa Trời đã yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của
Ngài, ngõ hầu ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời. (Gioan 3:16)
Khi đọc câu Phúc Âm này,
tôi không nghĩ như quan niệm chính thống của Giáo Hội: Ban cho không phải để bị giết hoặc bị sát tế. Tôi nghĩ nhiều
hơn đến sự hiện diện vinh hiển của Ngài. Chỉ điều này cũng đủ để cứu nhân loại
rồi: Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư
ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang
mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật. (Gioan 1:14)
Cũng theo thần học chính
thức, từ quan điểm hiến tế một lần là xong ở trên, người ta phải coi Đức Giêsu
là Thiên Chúa: Thiên Chúa Ngôi Hai. Và do đó phải coi trọng thần tính của Ngài
và coi nhẹ nhân tính. Nhân tính này có thể bỏ qua và cho vào quên lãng. Vì thế
người ta có học thuyết Ba Ngôi (đúng ra phải gọi là mầu nhiệm Ba Ngôi). Và để bảo
đảm cho thần tính đó thì khi sinh ra Ngài phải do một “bà mẹ đồng trinh”; khi
chết đi, Ngài sẽ sống lại (phục sinh), và lên trời (thăng thiên).
- Học thuyết về Ba Ngôi: Ba Ngôi đó là Cha-Con-Thánh Linh (Father-Son-Holy Spirit). Cha sinh ra Con
nhờ tình yêu của Thánh Linh (tức Chúa Thánh Thần). Câu Phúc Âm “Trước khi có Abraham đã có Ta” (Gioan 8:58)
dường như xác định Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Thật ra nếu dựa vào giáo lý Công
Giáo thì câu trích dẫn cũng có thể được áp dụng cho hết mọi người vì chí ít mỗi
người đều ở trong tư tưởng của Thiên Chúa trước khi cha mẹ mình sinh ra mình. Nếu
tôi là người theo Phật Giáo, hẳn tôi sẽ nói rằng đó chính là bản lai diện mục của tôi trước khi cha mẹ
tôi sinh ra tôi, cái Phật tính mà mọi người đều có nơi Pháp thân. Và phải chăng
Ngôi Hai là bản lai diện mục đó? Tat Tvam
Asi (Anh là Cái Đó).
Ba Ngôi còn được hiểu theo
chức năng: Bản thể như nhau nhưng ngôi vị khác nhau với những chức năng khác
nhau. Chúa CHA sáng tạo, Chúa CON cứu chuộc, Chúa THÁNH THẦN thánh hóa. Nhờ
sáng tạo mà muôn vật được tạo thành từ hư vô (ex nihilo) như thần học vẫn nói. Để cứu chuộc, Ngôi Hai phải nhập
thể ([15]) làm người mà đến với nhân loại, phải can thiệp vào
lịch sử để qua sự hiến tế cứu loài người khỏi tội lỗi từ khi ông bà nguyên tổ
(Adam và Eva đã sa đọa và phạm tội). Để sự cứu chuộc có thể mang lại kết quả tốt
nhất, con người phải có ơn thánh hóa của Chúa Thánh Thần, được hiểu là tình yêu
giữa Chúa Cha và Chúa Con.
Đến đây phải nói thêm rằng
Ba Ngôi đã có trong một số nền văn hóa hay tôn giáo xuất hiện trước Thiên Chúa Giáo.
Trong tôn giáo của Babylon
có Aglibol, Baalshamin, Malakbel. Trong
tôn giáo cổ Rôma có Jupiter, Junon,
Minerve. Trong Bà La Môn (Ấn Độ) có ba ngôi: Brahma, Vishnu, Shiva. Trong tôn giáo cổ Ai Cập, ta có bộ ba: Osiris, Isis, Horus. Đặc biệt Horus có
lai lịch khá giống Đức Giêsu: ngày sanh giống nhau, người mẹ đồng trinh, bị
đóng đinh, v.v…
Riêng trong đạo Chúa, Ngôi
Ba (Thánh Linh, tức Chúa Thánh Thần) không rõ nét là một ngôi vị bởi vì hình tướng
biến đổi luôn: khi thì dưới hình dạng chim bồ câu, khi thì gió, lửa, nước (hằng
sống), v.v… Ngoài ra đạo Chúa còn nhấn mạnh đến tính chất tương quan, tương thuộc
của Ba Ngôi và cho rằng chân lý vốn là tương quan. Tương quan tuyệt hảo, hài
hòa, bình an chính là Ba Ngôi; tương quan ấy là tình yêu vô lượng của Ba Ngôi
nên thánh sử Gioan gọi Thiên Chúa là tình yêu: Deus Caritas est. (Dieu est l’Amour.) Dĩ nhiên không nên lẫn lộn
tình yêu vô đối ([16]) của Thiên
Chúa với tình yêu thế tục vốn dễ rơi vào tình yêu vị kỷ (narcissistic) và tình yêu chiếm hữu (amour-possession), trong khi tình yêu của Thiên Chúa chủ yếu là tận
hiến và trao ban.([17])
Dù ta có thể loại suy từ tình yêu thế tục như tình mẫu tử thì cũng chỉ hiểu được
một phần rất nhỏ tình yêu của Thiên Chúa mà thôi.
Phật Giáo cũng có cái
tương tự với Ba Ngôi như trên. Đó là Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng). Tuy ba mà một:
Một này là chánh pháp (dharma); Phật
hay Tăng đều là những biểu hiện trọn vẹn nhất của Pháp. Cũng như tình yêu là yếu
tính (essence) của Ba Ngôi. Nếu hiểu
Pháp cốt lõi là từ bi và trí huệ, thiết tưởng Ba Ngôi và Tam Bảo dường như rất
gần nhau vậy.
Một câu hỏi tôi tự đặt ra
cho mình: Trước Ba Ngôi của đạo Chúa đã có Ba Ngôi của Ai Cập, của Rôma; trước
Tam Bảo của đạo Phật, đã có Ba Ngôi của Bà La Môn (Brahma, Vishnu, Shiva); vậy, liệu Ba Ngôi hay Tam Bảo có tiếp biến
(tiếp nhận và biến đổi) từ một giá trị nào của văn hóa có trước không? Tôi vẫn
nghĩ là có. Sự tiếp biến (hay hội nhập) văn hóa này có lẽ còn thấy trong hai
trường hợp kỳ diệu sau:
a. Đức Maria
vô nhiễm trinh thai và hạ sinh Ngôi Hai Thiên Chúa: Theo Kinh Thánh Tân Ước,
thiên thần Gabriel được sai đến với Đức trinh nữ Maria để báo tin cho bà biết
Ngôi Hai sẽ làm người trong cung lòng bà và sẽ trở thành Đấng Cứu Độ. Sau sự kiện
truyền tin, Ngôi Ba (tức Chúa Thánh Thần, hay Thánh Linh, dưới hình ảnh chim bồ
câu) làm cho trinh nữ Maria thụ thai, sinh ra Đức Giêsu.
b. Trường hợp Đức Phật
cũng gần giống. Hoàng hậu Maya mang thai Đức Phật không phải là do sự ăn ở với
vua Tịnh Phạn (Suddhodana) mà do việc
bà nằm mộng thấy một con voi trắng đi vào cạnh sườn bà. Đây cũng là sự trinh
thai và điều này nói lên rằng Đức Phật (cũng như Đức Giêsu) không phải là phàm
nhân mà là những người trên thượng giới có sứ mạng xuống trần để phục vụ và
mang lại lợi lạc cho nhân loại.([18])
Riêng trong Kitô Giáo, việc
trinh thai và sự đồng trinh sau khi sinh của Đức Maria là một trong những yếu tố
xác quyết thần tính của Đức Giêsu. Tính chất thần linh Ngôi Hai Thiên Chúa của
Đức Giêsu bảo đảm cho sự cứu độ trở thành sự cứu độ phổ quát và vĩnh cửu, bao
trùm hết mọi người, kể cả những người thuộc tôn giáo và tín ngưỡng khác. Dù vậy,
Giáo Hội cơ chế và quyền bính không khuyến khích cách giải thích này về cứu độ
phổ quát (phổ độ). Và trong cách nhìn ấy, từ thời xa xưa Giáo Hội cho rằng chỉ
những người theo đạo Chúa mới được cứu. Thời các giáo phụ đã có câu: Ngoài Giáo Hội Công Giáo, tuyệt đối không có
ơn cứu độ. (Hors de l’Église
catholique il n’y a absolument pas de salut.) Ngoài ra, người ta hiểu việc trinh thai theo đúng nghĩa đen, mọi
cách giải thích theo nghĩa biểu tượng đều coi là sai lạc (lạc giáo).
Nhận định của Islam về cái chết cứu độ của Đức Giêsu
Công bố rằng hiến lễ trên
thập giá là Con Thiên Chúa đã không được Islam chấp nhận. Kinh Coran vẫn thừa
nhận Đức Giêsu là một tiên tri ([19]) đến
trước vị tiên tri Muhammad (571-632) trong đạo Islam. Hơn thế nữa, Kinh Coran
cho rằng Chúa Cha không thể để cho Đức Giêsu bị sát tế, dù sự sát tế là để chuộc
tội cho nhân loại đã bất tuân Thiên Chúa. Vì khi trả lại công bằng cho nhân loại,
xem ra Chúa Cha đã lại bất công với Chúa Con. Vì thế trong kinh Coran, Đức
Giêsu đã siêu thăng về trời, còn người bị La Mã đóng đinh trên đồi Golgotha là
một người khác. Islam khi khẳng định như thế dường như có tham khảo Tin Mừng theo
Giacôbê mà Giáo Hội Rôma coi là ngụy thư (apocryphe).
Dù vậy Giáo Hội Rôma vẫn
luôn coi cái chết của Đức Giêsu là cái chết để cứu chuộc, cái chết của một sinh
tế (một sinh vật bị sát tế), mà quên rằng cái chết ấy trước hết là quà tặng yêu
thương tuyệt hảo của Thiên Chúa Ba Ngôi ban tặng cho nhân loại. Chính Đức Giêsu
đã nói trước khi Ngài bị bắt: Không có
tình yêu nào lớn hơn sự yêu thương mà thí mạng sống mình vì bạn hữu. Nếu anh chị
em làm theo điều tôi dạy thì anh em là bạn hữu tôi. (Gioan 15:13)
Và suốt nhiều thế kỷ Giáo
Hội đã nhấn mạnh cái chết để cứu chuộc và hầu như bỏ qua cái chết vì yêu thương
và vì tình bằng hữu. Vả lại, như câu thơ Yêu
là chết trong lòng một ít,([20]) nên khi ta nhẫn nhục chịu thiệt thòi, phải nhẫn nại
vì yêu thương (ví dụ, yêu thương một người bạn xấu hay một đứa con hư) thì ta
đã noi gương Chúa để chết vì yêu, và
như thế, lúc đó ta đã làm một hành vi hiến tế.
Nếu vật sát tế
là Chúa Con thì đương nhiên Ngài sẽ sống lại sau ba ngày. Chính Phaolô đã tuyên
tín ([21]) điều này, cùng lúc hiểu sự sống lại ấy là chiến thắng tội lỗi. Tín
hữu cũng được thông phần vào sự chiến thắng này nên sẽ được xóa tội và hưởng sự
sống đời đời nhờ đức tin. Phaolô viết: Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Kitô cũng đã
không sống lại nữa. Và nếu Đức Kitô đã chẳng sống lại, thì đức tin anh em cũng
hóa ra vô ích: Anh em còn ở trong tội lỗi mình. (1 Côrintô 15:16)
Như thế Phaolô đã tuyên
tín với một hệ thống hoàn chỉnh, rất thuyết phục trước dân ngoại.([22]) Nhưng rõ ràng là ông đã tiếp biến những giá trị
trong văn hóa Do Thái Giáo mà chúng ta có thể gọi là đạo Môsê, chí ít là giá trị
hy tế. Phaolô đã tiếp biến như thế với tư cách một tín đồ Do Thái Giáo. Và sự
tiếp biến này tuyệt vời đến nỗi ba tín đồ Do Thái khác là Mátthêu, Máccô, và Luca
đã viết một Tin Mừng nhất lãm ([23]) gần như đồng nhất với những dẫn chứng tương tự trong
Cựu Ước. Sau này các nhà thần học chính thống giải thích bằng cụm từ lịch sử của ơn cứu độ, một ơn cứu độ duy
nhất nhưng chia ra làm nhiều thời kỳ, trong đó có thời kỳ của Môsê. Sự tiếp biến
này làm nổi bật địa vị Đức Giêsu và ơn cứu độ của Ngài, nhưng làm giảm giá trị
của bác ái vì nhiều tín hữu vẫn còn
hiểu bác ái theo nội hàm của Môsê, một
nội hàm thuộc tôn giáo của một dân tộc thượng đẳng (tức người Israel , vì là dân
được Chúa chọn).
May mắn thay, ngày nay thần
học hiện đại không còn nhấn mạnh như xưa vào hiến lễ chuộc tội vì nó sao chép
việc hiến tế Giavê ([24]) bằng chiên (cừu) và chỉ có giá trị tạm thời như thuốc
giảm đau. Thần học hiện đại nhấn mạnh vào khía cạnh tình yêu của Thiên Chúa, vốn
là một quà tặng cho không và có giá trị vĩnh cửu: Chính tình yêu mới cứu được chúng ta. Thật ra quan niệm này đã có
trong sách Phúc Âm thứ tư (Gioan) với phát biểu của Đức Giêsu trước khi tắt thở
(Gioan 19:30): Mọi sự đã hoàn tất. (Tout est accompli.) Chúa không nói câu
này sau khi sống lại và lên trời bởi lẽ công trình cứu độ của Ngài hoàn tất với
cái chết mà cái chết này đã thể hiện tình-yêu-viên-mãn ngay khi Ngài hiến tế. Vô
hình trung thần học hiện đại gặp gỡ đức từ bi của giáo lý nhà Phật vì hai pháp
tu quan trọng của Phật Giáo là từ bi và trí huệ với sự nhấn mạnh nhiều ít khác
nhau vào một trong hai pháp đó.
Đến đây ta có thể tạm kết
luận trong Thiên Chúa Giáo có thần linh tối cao là Thiên Chúa; sự tồn tại và cứu
độ nhân loại hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa đó, vào các thần linh cấp dưới
thường được gọi là thiên thần, và đặc biệt các tu sĩ có chức thánh qua bí tích
truyền chức. Phần hành đạo của giáo dân được gói gọn trong Mười Điều Răn của
Ngũ Thư Do Thái,([25]) những
điều khoản trong Luật của Hội Thánh và thực hiện các bí tích. Một lúc nào đó,
khi tinh thần yếu đuối, khi đức tin nhạt nhòa thì những điều trên mau chóng được
củng cố thành giáo điều trong một ý thức hệ không khác với một ý thức hệ chính
trị là bao. Vì thế, Đức Giêsu luôn cảnh báo các môn đệ: Anh em hãy luôn tỉnh thức. (Máccô 13:33)
Phật Giáo là tôn giáo vô thần?
Một số học giả Tây Phương
cho rằng Phật Giáo là một tôn giáo vô thần (athée)
vì trong định nghĩa tôn giáo của họ luôn luôn có mặt của thần linh, đặc biệt một
thần linh tối cao. Ngày nay một vài học giả Phật tử cũng nhận mình là vô thần,
rồi các vị ấy không coi Phật Giáo là tôn giáo nhưng là một học thuyết tâm linh
cao siêu vi diệu giúp người ta diệt trừ đau khổ và đạt đến giải thoát.
Dĩ nhiên Đức Phật và giáo
pháp nguyên thủy không đề cập đến thần linh, đến những vấn đề mà các tôn giáo hữu
thần thường trình bày (như: Vũ trụ do đấng nào sáng tạo, cuộc đời sau khi chết
như thế nào, cảnh giới sau cái chết, và một vài vấn đề siêu hình khác) vì chính
Đức Phật cho rằng những câu hỏi siêu hình ấy không giúp ích cho việc giải thoát
của con người. Thế nhưng, phải nói rằng những giáo thuyết có bài bản hình như
chỉ dành cho những người có căn cơ và trí tuệ cao. Chúng ta thấy cử tọa của Đức
Phật đều là những người có căn cơ và trình độ tu tập nhất định, những người đầu
tiên nghe Ngài giảng về Tứ Diệu Đế là những người có căn cơ tu tập, có một thời
gian tu chung với ngài là năm anh em Kiều Trần Như (Kondanna), những sa môn tức là những tu sĩ Bà La Môn ít nhiều đã
qua đào tạo, những nhà quý tộc, những ông trưởng giả. Hình ảnh của đám đông đại
chúng bình dân xem ra rất mờ nhạt trong số cử tọa của Đức Phật. Điều này xem ra
trái ngược với hình ảnh một Đức Giêsu thuyết Bài Giảng Trên Núi trước một đám người bình dân ít học, trên một
bãi cỏ tại một nơi vắng vẻ. Đức Giêsu thường đi đến những làng mạc xa xôi, vắng
vẻ, nghèo nàn như bờ sông, bờ hồ, các làng chài. Đó là những nơi mà Đức Giêsu
thích giảng dạy, thậm chí những nơi ăn nhậu và có cả các cô gái buôn hương bán
phấn. Ngài như một thầy thuốc ở giữa một đám đông bệnh nhân nghèo khổ đang bị bệnh
dịch hành hạ.
Tuy nhiên, Đức Phật không
bỏ quên những người nghèo khổ bất hạnh. Trong các pháp thoại của ngài có những
yếu tố để không lâu sau (nếu không nói cùng thời), đại chúng bộ đã hình thành
tư tưởng đại thừa với quan niệm cứu độ phổ
quát hết thảy các chúng sinh, để như chính lời Đức Phật đã nói: Ta là Phật đã thành; chúng sinh là Phật sẽ
thành. Ngài cũng đã đề cập đến Bồ Tát Đạo với hạnh nguyện cứu nhân độ thế. Ngay
cả việc Ngài cho phép phụ nữ đi tu gồm các ni sư, ni cô như một lời chúc lành ban trước cho tư tưởng đại
thừa. Dưới cái bóng của Bồ Tát Đạo, những thần linh trước kia bị trục xuất đã thầm
lặng quay về – kể cả những thần linh của Ấn Giáo với những tên gọi khác, bởi lẽ
khi đã cậy nhờ vào tha lực thì trước tiên người ta phải nhờ vả thần linh.
Về phương diện kinh điển, đại
thừa xuất hiện với bộ kinh Bát Nhã Ba La
Mật Đa, không biết ai là tác giả, tương truyền là những lời Đức Phật dạy
cho một đệ tử tên là Tu Bồ Đề (Subhūti)
vào khoảng thế kỷ I trước Công Nguyên. Vào khoảng giữa thế kỷ II đầu Công
Nguyên, xuất hiện một luận sư độc đáo là đại sư Mã Minh (Asvaghosa), viết bộ Đại Thừa
Khởi Tín Luận. Mã Minh sinh khoảng năm 80 Công Nguyên, trong một gia đình theo
đạo Bà La Môn, vì thế học thuyết của Mã Minh thấp thoáng có tư tưởng Upanishads.
Chí ít chúng ta thấy đại
thừa và tiểu thừa đều có sự tiếp biến văn hóa bản địa nơi Phật Giáo được truyền
bá. Đặc biệt đại thừa không tránh khỏi sự tiếp biến đối với đạo Bà La Môn, một
tôn giáo đa thần và một văn hóa lớn lâu đời, có trước Phật Giáo. Qua việc tiếp
biến (hay hội nhập), thần linh bắt đầu xuất hiện và can thiệp vào quá trình
nhân quả của nghiệp. Thật vậy, với đại thừa và quan niệm Bồ Tát Đạo, thần linh
mà Đức Phật Thích Ca đã “cho vào dấu ngoặc” khi giảng dạy đạo giải thoát, đã lần
lượt “quy y” Phật Giáo, nhưng đó là những vị rất tích cực và dễ thương, không
còn là những thần linh Bà La Môn (ngày nay gọi là Ấn Giáo / Hindouisme), những ông thần làm cơ sở
(đúng hơn là bảo trợ) cho việc phân chia đẳng cấp ở Ấn Độ xưa kia và đóng khung
người ta trong đẳng cấp đó.([26]) Những thần linh đó cũng thích những tế vật
như bò béo, chiên to, v.v...([27]) Vì thế, theo Phật Giáo, muốn giải thoát thì phải từ
bỏ những thần linh Ấn Độ. Các vị bồ tát hoặc các thần hộ pháp trong đại thừa
thì rất vị tha, rất vô tư, và vô cùng nhân hậu. Ta hãy thử nhận diện những vị hộ
pháp này trong một bài kệ của kinh Dược Sư: Mười
hai thần tướng Đại Dược Sư / Hộ trì chánh pháp tại ta bà / Thiên Long Bát Bộ đều
tùy hỷ / Tà ma ngoại đạo phải tránh xa. / Nam-mô hộ pháp chư thiên Bồ Tát Ma Ha
Tát.
Thần tướng, chư thiên chẳng phải cũng giống với các
thiên thần trong Công Giáo hay sao mà đứng đầu là các thiên thần Gabriel,
Raphael, rồi các thiên thần hộ thủ mỗi cá nhân? Yếu tố tha lực này cho phép các
thần linh can thiệp vào cuộc đời người ta, nhất là những người nghèo khó mà trí
tuệ và lòng từ bi còn hạn hẹp để giúp họ (hộ trì) thực hiện phần nào chánh pháp
trong việc tu hành. Sự hộ trì này được gọi là trợ duyên. Dĩ nhiên trợ duyên này không thay thế cho cơ chế nhân quả
vì luật nhân quả chi phối mọi sự hữu trong vũ trụ này; nhưng trợ duyên có thể
làm cho nhân quả biến đổi theo chiều hướng tích cực. Ví như phân bón không thay
thế cho đất và nước nhưng giúp cho cây trồng (nhất là ở nơi đất xấu, ít nước)
được tốt hơn, cho ra nhiều quả hơn.
Một đặc tính của trợ duyên là không áp đặt, không làm thay. Muốn được trợ
duyên, hành giả phải có góp phần, dù là rất nhỏ hoặc không đáng kể. Nếu trợ
duyên là sự ban phát bởi lòng từ bi của các Bồ Tát, là lời mời gọi chúng sinh
phải nên hoàn thiện, phải nỗ lực để thành chánh quả thì về phía chúng sinh, chánh
tín là lời đáp trả kèm theo việc làm của lòng từ bi,([28])
những hành vi tạo phước. Niệm Phật A Di Đà, Bồ Tát Quan Thế Âm, Phật Dược Sư,
v.v… đều là một phần của chánh tín, một lời đáp trả ưng nhận trợ duyên.
Đạo Thiên Chúa không nói trợ duyên nhưng dùng một từ ngữ khác là ân sủng (grâce). Ân sủng này bao gồm nhiều loại mà quan trọng là ơn thường sủng (có luôn luôn) và ơn hiện sủng (hiện đang có) để giúp tín
hữu hoàn thành mọi bổn phận đạo đức trong cương vị một con cái Chúa. Ơn này
không giúp ta làm trái luật tự nhiên mà trong nhiều trường hợp ban cho ta sức mạnh
thực hiện các quy luật đó,([29]) đem lại lợi lạc cho bản thân và người khác. Nếu cố
tình làm trái luật tự nhiên, gây ra nhân xấu thì không ân sủng nào xóa được quả
xấu.
Đức Giêsu nói (2 Côrintô 12:9): Ơn Thầy
đã đủ cho anh em. Dù đã đủ nhưng
không thể thiếu nỗ lực làm lành lánh dữ
của tín hữu. Lúc đó mới tạo ra sự “cộng hưởng” từ hai phía làm nên hiệu quả tỏ
tường.
Cõi Tây Phương Cực Lạc
Nếu hiểu Tịnh Độ Tông như một phương tiện -- không phải
là một cứu cánh tối hậu, một thực tại sau cùng, hoặc Niết Bàn (vốn không thể lấy
không gian và thời gian mà lĩnh hội) -- thì có một tịnh thổ còn gọi là cõi Tây
Phương Cực Lạc. Có thể coi cõi này như một nơi trung chuyển, một chỗ trung gian
giữa cõi ta bà với thực tại Nhất Như sau cùng.
Từ cõi hàm ý rằng Tây Phương Cực Lạc
là một phương sở, một trụ xứ mà Bồ Tát Xá Lợi Phất (Sāriputra) có thể dùng ngôn ngữ biểu tượng để mô tả trong kinh A Di
Đà như sau:
Ở cõi nước ấy, núi non, đất
đai, thành quách, cung điện, các thứ phương tiện, nhà cửa phố xá cho đến hàng
cây đều nạm bảy báu: vàng bạc, trân châu, pha lê, mã não, lưu ly, xà cừ; cho
nên cõi ấy gọi là cực lạc.
Ở cõi cực lạc, có ao thất bảo,
nước tam công đức chảy hoài không dứt. Cát dưới hồ ấy là vàng đá quý. Dọc theo
bờ hồ có những lối đi với những lầu các, cung điện nguy nga. Phong cảnh hữu
tình, trang nghiêm đẹp mắt.
Hoa sen năm sắc lớn như bánh
xe, nở bày cánh nhụy rực rỡ lạ kỳ. Sen xanh ánh biếc, sen vàng rực rỡ, sen đỏ
ánh hồng, sen trắng ánh tuyết. Hương thơm tỏa ngát, tinh khiết nhiệm mầu, điểm
tô cảnh đẹp giúp người nhiếp tâm.
Rõ ràng là chỉ trong cảnh giới đẹp đẽ, xinh tươi ấy hành giả mới dễ dàng đạt
đến phẩm chất cao thượng của hoa sen. Nó giúp hành giả nhiếp tâm thanh tịnh để
vươn lên cao, cao hơn nữa đến sự giác ngộ giải thoát, thể nhập Niết Bàn. Đến
đây xin nói lại rằng Tịnh Thổ là cảnh giới trung chuyển, giải thoát viên
mãn mới là cùng đích. Thế nên người được vãng sinh qua Tịnh Thổ vẫn còn mang
nghiệp như câu nói đới nghiệp vãng sinh.([30])
Trong Thiên Chúa Giáo, cũng có một cõi cực lạc như thế mà Sách Thánh gọi là
thiên đàng hoặc là trời mới đất mới như được mô tả trong
sách Khải Huyền của Thánh Gioan:
Tôi cũng thấy thành thánh, là
Giêrusalem-mới, từ trên trời, ở nơi Đức Chúa Trời mà xuống, sửa soạn sẵn như một
người vợ mới cưới trang sức cho chồng mình. (Khải Huyền 21:2)
Tường thì xây bằng bích ngọc,
thành thì xây bằng vàng ròng, tợ như thủy tinh trong vắt. Những vách thành thì
trang sức đủ thứ ngọc. Nền thứ nhất, bằng bích ngọc. Nền thứ nhì bằng đá lam bửu.
Nền thứ ba bằng lục mã não. Nền thứ tư bằng đá lục cẩm. Nền thứ năm bằng hồng
mã não. Nền thứ sáu bằng đá hoàng ngọc. Nền thứ bảy bằng ngọc hoàng bích. Nền
thứ tám bằng ngọc thủy thương. Nền thứ chín bằng ngọc hồng bích. Nền thứ mười bằng
ngọc phỉ túy. Nền thứ mười một bằng đá hồng bửu. Nền thứ mười hai bằng đá tử bửu.
Mười hai cửa thì làm bằng mười hai hột châu. Mỗi cửa bằng một hột châu nguyên
khối làm thành. Đường trong thành bằng vàng ròng, giống như thủy tinh trong suốt.
(Khải Huyền 21:18-21)
Thiên sứ chỉ cho tôi xem sông
nước sự sống, trong như lưu ly, từ ngai Đức Chúa Trời và Chiên Con chảy ra. Ở
giữa phố thành và trên hai bờ sông có cây sự sống trổ mười hai mùa. Mỗi tháng một
lần ra trái. Và những lá cây đó dùng để chữa lành cho các dân. (…) Đêm không
còn có nữa, và những tôi tớ Thiên Chúa không cần đến ánh sáng đèn hay ánh sáng
mặt trời, vì Chúa là Đức Chúa Trời sẽ soi sáng cho họ và họ sẽ trị vì đời đời. (Khải Huyền 21:18-21; 22:1,5)
Khi đọc bản văn này trong sách Khải Huyền, tôi có mấy nhận xét sau:
1. Thiên Đàng, hoặc trời
mới đất mới, hoặc thành Giêrusalem-mới này là một phương sở có không gian
và thời gian. Đêm không còn nữa vì có hào quang của Chúa cùng chư thánh tỏa
sáng. Nơi này với tất cả những biểu tượng tốt lành như vàng, các loại bảo vật
và ngọc quý với đủ bảy sắc cầu vồng, sông thiêng và cây sự sống. Nhưng rõ ràng
không phải là cái tuyệt đối sau cùng.
2. Nếu trong cảnh giới tịnh độ, mọi tốt lành, đẹp đẽ và giá trị là để giúp
người ta tu giai đoạn sau cùng đạt thành công (như cụm từ cuối của bản văn
trích dẫn: giúp người nhiếp tâm), thì thành Giêrusalem-mới này sẽ giúp
cho những người được chọn trị vì trong một tương lai nhờ ở gần Chúa và được Người
soi sáng.
3. Cụm từ ở đầu bản văn (Từ trên trời
ở nơi Đức Chúa Trời mà xuống) cho thấy rõ ràng bên trên thành Giêrusalem-mới
còn có một chỗ cao hơn, nơi Thiên Chúa ngự trị và thành ấy ở trên thế gian này
mà Phật Giáo gọi là cõi ta bà. Tôi đã mạo muội mà nói rằng đó là một nơi trung
chuyển đến sự cứu độ (giải thoát) sau cùng là nơi ở của Thiên Chúa. Hẳn Đức Giêsu đã nói về cái cùng đích đó khi dạy
(Mátthêu 5:48): Anh em hãy nên hoàn thiện
như Cha trên trời là Đấng Toàn Thiện. Phải chăng tín hữu nên trở thành
chính sự hoàn thiện? Đức Giêsu cũng đã lấy Ngài làm tấm gương hoàn thiện: Tôi ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Tôi
(Gioan 14:11); Tôi và Chúa Cha là một
(Gioan 10:30). Và khi chúng ta ngợi khen Đức Maria trong kinh Kính Mừng (Đức Chúa Trời ở cùng Bà), ta cũng đã thừa
nhận sự hoàn thiện của Đức Maria. Và tôi mạo muội gọi thiên đàng hay thành Giêrusalem-mới
là tịnh-độ-thánh (để phân biệt với Tây
Phương Cực Lạc của Phật A Di Đà), là nơi sau cùng hành giả phải đến trước khi nên- thánh, nói đúng hơn là nên-một với Thiên Chúa trong sự
hoàn thiện.
Điều kiện để được vào tịnh-độ-thánh
Tôi dùng chữ thánh là để nhấn mạnh
một ý đã có trong sách Khải Huyền, khi sách này nói về phẩm chất của những người
được nhận vào tịnh-độ-thánh:
Người ta sẽ đem vinh hiển và
phú quý của các dân đến đó; kẻ ô uế, người làm điều gớm ghiếc và nói dối không
hề được vào thành; nhưng chỉ có những kẻ đã được ghi tên trong sách sự sống của
Chiên Con. (Khải Huyền
21:26-27)
Như vậy điều kiện để được vào tịnh-độ-thánh là chúng ta phải trong sạch,
công bình và trung thực. Phải thành tựu những giá trị cứu độ có trong mọi tôn
giáo và văn hóa (vinh hiển và phú quý của
các dân đến đó). Đó là những đòi hỏi cuối cùng trước khi nên-thánh viên mãn. Có lẽ vì thế chúng
ta mới hiểu ý nghĩa của từ thiên đàng
mà Đức Giêsu nói với “tên
trộm lành”.([31]) Chúng ta
hãy trở lại cảnh tượng đó trên đồi Golgotha:
Vả lại, một tên trộm cướp bị
đóng đinh cũng mắng nhiếc Ngài rằng: Ngươi không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự
cứu lấy mình cùng cứu chúng ta nữa! Nhưng tên kia trách nó rằng: Ngươi cũng chịu
một hình phạt ấy, còn chẳng sợ Đức Chúa Trời sao? Về phần chúng ta, chỉ là sự
công bình, vì hình phạt ta chịu xứng với việc ta làm; nhưng người này không hề
làm một điều gì ác. Đoạn lại nói rằng: Hỡi ông Giêsu, khi ngài đến trong nước
mình rồi, xin nhớ lấy tôi! Đức Chúa Giêsu đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng
ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với ta nơi paradis. (Luca 23:39-45)
Các bản văn Công Giáo đều dịch paradis
là thiên đàng, các bản văn Tin Lành thì phiên âm là ba-ra-đi với cước chú: “Ba-ra-đi (paradis)
hoặc dịch là vườn vui vẻ, hoặc dịch là thiên đàng.”
Nhưng nếu dựa vào truyền thống, người ta thường gọi tên trộm có phúc ấy là “tên trộm lành” ([32]) -- mới lành
chứ chưa phải là thánh. Mặc dù trong
thần học chính thống, có quan điểm cho rằng, sau lời hứa của Đức Giêsu, tên trộm
ấy đã nên thánh, là người đầu tiên vào thiên đàng sau khi Đức Giêsu sống lại,
cũng là người đầu tiên được chính Đức Giêsu tại thế phong thánh.
Phần tôi, tôi theo truyền thống mà cho rằng anh chỉ là tốt lành, vẫn còn phải
tu đức để nên trọn-lành và cái paradis mà Chúa hứa với anh ta chính là
nơi anh còn phải tu tập để trở thành thánh trong tình yêu của Chúa, vì hình như
Chúa đã thấy ở anh những căn lành, những tố chất để nên thánh,([33])
vì thế tôi dám gọi Chúa đang hứa đưa anh vào cõi tịnh-độ-thánh là nội hàm mà
tôi đã dùng để hiểu từ paradis. Vả lại
nên-thánh là cứu cánh của việc sống đạo, chứ không phải giữ đạo (vốn bị hạn chế trong việc giữ lề
luật theo hình thức để được vào thiên đàng theo cách hiểu thực dụng của khá nhiều
tín hữu). Nên-thánh đúng nghĩa phải
là nên-một với Chúa và trong Chúa. Vì
thế Thánh Nữ Têrêxa Avila (1515- 1582) đã nói một câu rất khó chịu là: Nếu trong hỏa ngục có Chúa thì tôi sẵn sàng
xuống hỏa ngục với Ngài.
Bây giờ xin trở lại những điều kiện để được vãng sinh tịnh độ. Trong kinh A
Di Đà, ta thấy có năm điểm:
(1) Làm phước báu nhiều (như bố thí, ăn chay).
(2) Có căn lành nhiều, không còn tham sân si cũng như các cảm xúc và hành
vi tiêu cực khác.
(3) Tạo nhiều nhân duyên tốt (như tạo ra những môi trường văn hóa xã hội tốt
đẹp, những môi trường hoằng pháp tốt đẹp).
(4) Quán tưởng pháp âm để sống hòa hợp với tự nhiên.
(5) Nhất tâm bất loạn.
Tất cả những điều trên, truyền thống tu tịnh độ của Phật Giáo tóm tắt trong
hai câu: Ái bất trọng, bất sanh ta bà. Niệm
bất thiết, bất sanh tịnh độ.([34]) Nghĩa là để
vào được tịnh độ, người ta phải buông bỏ hết mọi ái dục, và phải cầu nguyện thiết
tha, miên mật ([35]) như lời
khuyên của Đức Giêsu là phải tỉnh thức và cầu nguyện không ngừng.
Một vài điều tiêu cực
Đến đây, chúng ta thấy rõ rằng tịnh độ của đại thừa hay trời mới đất mới của đạo Chúa đáp ứng một
khát vọng được cứu độ của đa số quần chúng vốn có căn cơ (hay trí tuệ) thường ở
mức trung bình. Nói theo Nho Giáo, đó là những người thuộc trung nhân dĩ hạ.([36]) Vì thế Tịnh
Độ Tông thường nhấn mạnh đến từ bi hơn trí tuệ trong khi các tông phái trí thức
khác thì nhấn mạnh đến trí tuệ nhiều hơn.
Tuy nhiên không phải lúc nào con người cũng đúng theo những chuẩn tắc của Tịnh
Độ Tông, (. . .)([37]) nên có những
hành giả bỏ qua câu đầu (Ái bất trọng, bất
sanh ta bà), chỉ còn giữ lại câu sau (Niệm
bất thiết, bất sanh tịnh độ). Khổ
nỗi là chữ thiết không còn được hiểu
là thiết tha, nồng nàn, chánh niệm, chánh
tín theo điều kiện (5) ở trên là Nhất
tâm bất loạn. Trái lại người ta hiểu theo mặt chữ là con số hàng trăm, hàng
ngàn câu niệm danh hiệu Phật A Di Đà, trong khi lơ là bốn điều kiện đầu. Như thế
lâu ngày việc tụng niệm trở thành máy móc, hình thức và chiếu lệ. Cách hành trì
như thế chẳng phải đã lệch hướng rồi sao?
Trong Đạo Chúa cũng thế, người ta bằng lòng ở lại nơi trung chuyển như ba
tông đồ muốn dựng lều ở lại lâu dài trên núi Tabor trong ngày Chúa biến hình.([38]) Thật vậy,
núi Tabor khi Đức Giêsu đàm đạo với Môsê và Êlia chẳng khác gì thiên đàng, một
nơi tịnh độ. Thế nhưng con đường nên thánh của ba tông đồ còn đang phía trước.
Các vị còn thiếu việc vác thánh giá theo Chúa để hoàn thiện bản thân.([39])
Trong một đoạn văn trước đoạn nói về thành Giêrusalem-mới, chúng ta có sự mô tả
những người được cứu chuộc hoặc được giải thoát: Họ đến từ muôn dân, muôn nước, áo họ trắng tinh như tuyết. (…) Họ đến từ
mọi khổ đau và đã giặt áo mình trong máu của Chiên Con. Sự thanh luyện
bằng đau khổ, tất cả những đau khổ mà Phật Giáo đề cập trong Khổ Đế. Nhiều người theo đạo để được vào
thiên đàng (hay tịnh-độ-thánh) mà quên rằng cái đích sau cùng là nên-một với Chúa, hay nói một cách mạnh
mẽ như Thánh Irênê: Thiên Chúa xuống làm
người để con người trở thành Thiên Chúa. Câu này đâu khác gì câu Đức
Phật đã nói: Ta là Phật đã thành, chúng
sinh là Phật sẽ thành.
Chỉ khi qua sự thanh luyện của thập giá này mà chúng ta mới được vác thánh giá theo Đức Kitô cho nên-thánh,
và mới được như lời Phaolô: Anh em hãy hủy
mình ra không… Hãy trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô.([40])
Chỉ trong một câu này của Phaolô, người ta gặp được hai quan niệm rất quan trọng
của Phật giáo là vô ngã (non-soi) và
bất nhị (non-dualité) của Thiền Tông.
Nhân đây tôi xin dẫn ra một vài câu nói rất bất nhị của Mẹ Têrêxa Calcutta (1910-1997), một thánh nhân của thời
đại chúng ta. Năm 1977, Mẹ nói về người nghèo:
Tôi nghĩ điều thật sự quan trọng
là tất cả chúng ta phải đón nhận (người nghèo) là anh chị em của chúng ta;
chúng ta mắc nợ họ tình yêu, sự chăm sóc và quan tâm… Họ cho chúng ta nhiều hơn
chúng ta cho họ. (…) Họ là những người rất mạnh mẽ, sống ngày qua ngày
không có thức ăn. Và họ không chửi rủa cũng không than phiền. Chúng ta không
nên thương xót hoặc đồng cảm với họ. Chúng ta học nơi họ rất nhiều điều…
Điều đáng lưu ý là những người nghèo hưởng được sự yêu thương, chăm sóc và
an ủi của Mẹ Têrêxa phần lớn là người Ấn Độ theo đạo Hinđu (Ấn Giáo), nghĩa là
họ thuộc về một tôn giáo khác. Điều thứ hai là cái bất nhị (dualité) của Mẹ Têrêxa là thể tánh của đại
từ bi, trong khi cái bất nhị của Thiền Tông dựa vào trí tuệ.
Trong việc hành đạo, đa số tín hữu bám chặt vào tín điều và các bí tích mà Giáo
Hội cơ chế đã đúc kết như được liệt kê trong kinh Tin Ngày Chủ Nhật mà quên đi
cụm từ và làm những việc lành phúc đức.([41])
Về các quy tắc đạo đức, tín hữu nhớ rõ Mười Điều Răn trong đạo Môsê (Cựu Ước),
nhưng ít người dám sống Tám Mối Phúc Thật của Đức Giêsu trong Bài Giảng Trên
Núi. Thế nhưng, chính Tám Mối Phúc Thật mới là quy chuẩn của việc nên thánh. Người
ta còn thay việc suy niệm Lời Chúa ([42]) bằng việc đọc
kinh và lần chuỗi càng nhiều càng tốt. Đôi khi vì quá mệt mỏi có người vừa đọc
kinh vừa ngủ gật.([43])
Quả thật nếu làm trọn Tám Mối Phúc Thật cùng những việc lành phúc đức trong kinh Tin Ngày Chủ Nhật, chắc hẳn Kitô
hữu không khác với Phật tử làm trọn năm điều khuyên trong phép tu Tịnh Độ. Có
như thế, những việc khác như suy niệm, ngồi thiền, đọc kinh, tham dự thánh lễ
hoặc trì tụng danh hiệu Phật mới đem lại lợi lạc và sự thăng tiến trong đời
sống tâm linh cho người hành đạo.
Thánh Mẫu Maria và Đức Quán Thế Âm
Một đặc trưng dễ thấy của tinh thần Tịnh Độ là vai trò của người nữ trong việc
cứu độ. Bên cạnh Phật A Di Đà của Tịnh Độ là Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Bên cạnh
Chúa Giêsu và dưới chân thập giá ở thời điểm mạnh (temps fort) của yêu thương và cứu độ có Đức Maria. Và chính trong
lúc này, Đức Maria đã được tấn phong làm Thánh Mẫu.([44])
Trong pháp môn Tịnh Độ, Quan Thế Âm cũng được coi là Phật Mẫu và Mật Tông thờ phượng
dưới danh hiệu Tara (còn gọi là Bạch Độ
Mẫu và hai mươi mốt hóa thân Lục Độ Mẫu).([45]) Điều này thấy
rõ trong một lời trì chú của Mật Tông tức Kim Cang Thừa: Nam mô Bạch Tara Quán Thế Âm Bồ Tát.
Hình tượng một người nữ làm Phật Mẫu hoặc Thánh Mẫu quả là một sự tôn vinh
tuyệt vời lòng từ bi của chư Phật. Có thể nói Đức Quán Thế Âm thể hiện đại từ
bi của chư Phật. Không có lòng đại từ bi này chư Phật không thể gọi là Phật,
cũng khó nói các ngài có đại trí huệ. Chính với lòng đại từ bi ấy mà Đức Quán
Thế Âm lắng nghe tiếng kêu cầu của chúng sinh để ra tay cứu giúp.
Trong đạo Chúa, Thánh Mẫu Maria cũng cùng Ba Ngôi tìm mọi cách để cứu nhân
độ thế. Có thể nói Mẹ Maria chính là hiện thân của tình yêu giữa Ba Ngôi, một
tình yêu không dừng lại ở chiêm niệm mà ra tay cứu vớt. Vì thế Thánh Mẫu là
tình yêu Ba Ngôi đến với con người, ngược lại với lời kêu cứu của con người “qua Mẹ đến cùng
Thiên Chúa”, theo một công thức của thần
học chính thống. Mặt khác, dù cương vị Đức Maria phàm hèn đối với Thiên Chúa,
nhưng Mẹ đáng được gọi là Đấng Đồng Công
Cứu Chuộc.
Ta hãy tận hưởng tình yêu ấy khi chạy đến cùng Mẹ Maria và Mẹ Quán Thế Âm để
ăn năn hoán cải và cầu xin mà không cần nhiều lý lẽ, vì Pascal nói: Con tim có
những lý lẽ mà lý trí không hiểu được. (Le cœur a des raisons que la raison ne connaît pas.) Ta cũng không
như Giám Mục Bossuet nào đó đòi hỏi phải đưa Đức Maria vào ngang hàng với Ba
Ngôi.([46])
Ta chỉ cần biết rằng từ bi và trí huệ là hai mặt của đồng-tiền-cứu-độ hay giải thoát. Vả lại, trong ngôn ngữ thần thoại Hy
Lạp, trí huệ (la sagesse) được biểu
trưng bằng một nữ thần có tên là
Sophia.
Vâng: Nam Mô Bạch Tara Quán Thế Âm Bồ
Tát. Hoặc: Lạy Thánh Mẫu Maria xin cứu
lấy các linh hồn.
Kết luận
Trên đây chỉ là những suy nghĩ vụn vặt và “ngoài luồng”. Tuy nhiên, tôi cũng tạm đưa ra mấy kết luận như sau:
1. Trong mỗi người và trong nhân loại nói chung, ai cũng mang trong mình một
khát vọng về sự cứu độ và về thực tại tuyệt đối. Đặc biệt khi người ta nhận biết
mình chỉ là những tồn tại hữu hạn (être
fini) ngoài sinh, già, bệnh, chết lại còn bị những thiên tai địch họa bên
ngoài đe dọa. Trong những lúc bi đát ấy, nhu cầu được cứu độ càng trở nên mạnh
mẽ hơn lúc bình thường an nhiên tự tại. Dường như trong chúng ta đều có một chủng
tử (hạt giống) bao hàm cái khát vọng được cứu ấy ở nơi sâu thẳm nhất. Nhà phân
tâm học kiệt xuất Carl Jung (1875-1961) gọi những chủng tử ấy là những nguyên mẫu
(archétype) trong vô thức tập thể (inconscient collectif). Vô thức tập thể
này thâm sâu hơn vô thức mà Sigmund Freud (1856-1939) đề cập. (Cái vô thức của
Freud còn rất cạn vì nhiễm ô rất nhiều ái dục.) Khi gieo những hạt giống thanh
tịnh và cao quý ấy vào những mảnh đất văn hóa khác nhau, chúng sẽ hội nhập và tạo
ra các tôn giáo (bản địa) khác nhau. Điều này cũng giải thích sự gặp nhau giữa
Tịnh Độ Tông với đạo cứu độ của Thiên Chúa. Sự hiện hữu nhiều tôn giáo khác
nhau trong những nền văn hóa khác nhau chỉ là “diệu dụng” của một chân lý duy nhất nhưng vô cùng phong phú và giàu
sang. Nhưng tại sao là Tịnh Độ? Xin thưa, vì chỉ có tịnh độ mới vượt qua cái mà
Karl Marx gọi là ý thức giai cấp, vì
ơn gọi phục vụ người nghèo (nhất là nghèo trí tuệ) là ơn gọi chính của mọi pháp
môn Tịnh Độ.
2. Trước đây có một thời kỳ tôi tham gia vào một đoàn thể gọi là Đối Thoại
Liên Tôn. Tôi thấy khi gặp nhau, các bên tôn giáo đều nặng về sự tiếp đón xã
giao, lễ lạt... mà không đi vào thực chất của đối thoại. Đối thoại đúng nghĩa
là khi qua cuộc đối thoại, người ta “múc” của
nhau những điều hay đẹp để bổ sung những gì mình không có. Điều này đòi hỏi các
bên phải thông thoáng hơn để không cho rằng mình là con đường duy nhất đến với
chân lý và là con đường duy nhất đúng. Phải chấp nhận một tiên đề là có nhiều
con đường khác nhau sẽ gặp nhau ở chân lý hay thực tại tối hậu. Đó là ý nghĩa
câu Đồng quy nhi thù đồ. Dĩ nhiên để
chấp nhận có thù đồ thì người ta phải
buông bỏ giáo điều mà việc chấp chặt giáo điều dường như là đặc trưng của các
tôn giáo độc thần phương Tây: Người ta đặt cho Ông Trời những tên gọi khác nhau
rồi quay ra đánh đấm nhau.
May thay! Từ khi tôi khám phá ra rằng thiên đàng của đạo Chúa cũng là một
cõi tịnh độ mà vì thương con người yếu đuối về mọi mặt (đặc biệt những người có
trí huệ hạn chế), nên các Đấng cao siêu, từ ái đã dọn sẵn cho nhân loại khổ não
lầm than để sau một kiếp người khổ ải, họ còn có nơi tiếp tục tu hành ngõ hầu đạt
đến cứu cánh. Tôi hoan hỷ và tự nhủ: Nếu cần đối thoại, chí ít tôi đã có một nội
dung cụ thể để qua đó học hỏi bạn bè. Đức Khổng Tử nói: Có bạn đạo phương xa tới thăm, cũng chẳng vui sao? ([47]) Đối với tôi,
mọi tôn giáo trong cái tinh túy cao thượng
của mình đều là bạn đạo phương xa mà tôi cần học hỏi.
3. Với một tâm trạng cởi mở như vừa nói, thiết tưởng việc các tôn giáo và mọi
thành phần dân tộc có thể cùng nhau cộng tác xây dựng một xã hội tốt đẹp, một
không gian lành mạnh để thăng tiến bản thân vừa tự nhiên vừa vượt tự nhiên, một
tịnh độ ở đây và bây giờ, một tịnh độ tại thế và của hôm nay. Trong đó mọi chia
rẽ tôn giáo, mọi hiềm khích quan điểm, mọi chia rẽ mà lịch sử để lại sẽ được
hóa giải trong yêu thương và đoàn kết. Chúng ta có thể nói đất nước này là tiền
phòng của cõi tịnh độ (hay thiên đàng), là một trạm trên con đường dẫn đến thực
tại tối hậu và tuyệt đối. Điều này đáng được mong muốn lắm thay.
Gioan NGUYỄN SƠN
(Pháp danh: Toàn Nhất)
Lưu ý: Các
chú thích trong bài do Đạo Uyển thêm vào. Ngoài ra, với các chú thích của tác
giả, sẽ ghi rõ là Ng. Sơn chú.
([1]) Về
linh mục Pierre
(Phê-rô) Teilhard de Chardin, xem thêm bài Thánh
Lễ Giữa Bình Minh Sa Mạc, in trong: Huệ Khải, Như Hoa Nở Muộn. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019, tr. 113-114.
([4]) nội hàm 內涵 (connotation):
Toàn bộ những thuộc tính (đặc tính) bao gồm trong một khái niệm. Thí dụ, khái
niệm cá có nội hàm là: động vật có
xương sống, sống dưới nước, bơi bằng vây, thở bằng mang, v.v…
thuộc tính 屬性 (attribute): Đặc tính vốn có của một sự vật, nhờ đó sự vật tồn tại
và qua đó con người nhận thức được sự vật, phân biệt được sự vật này với sự vật
khác. Thí dụ, thuộc tính của nước là
lỏng, không màu, không mùi vị, v.v…
([5]) giáo phụ 教父 (fathers
of the Church): Là các tác giả Kitô Giáo của những thế kỷ đầu (từ nửa sau
thế kỷ I cho tới thế kỷ VIII), trổi vượt về các khảo luận thần học, có đời sống
mẫu mực, và được Hội Thánh công nhận là giáo phụ. Các tác phẩm của các giáo phụ
góp phần bảo vệ đức tin Kitô Giáo, truyền đạt Thánh Kinh tới Kitô hữu, đặt ra
những cơ cấu nền tảng phụng vụ (nghi lễ) trong Hội Thánh, hình thành cơ cấu các
giám mục, linh mục, phó tế, v.v…
([9]) Tôi
nhất trí với quan điểm của một số nhà xã hội học cho rằng tôn giáo là một phần
của văn hóa. Những hình thức tín ngưỡng sơ khai nhất như thờ vật linh cũng là
những hình thức văn hóa sơ khai. Ngày nay chúng ta nói, ví dụ như nền văn hóa
châu Âu là nền văn hóa Kitô Giáo vì quả thật không thể tách rời hai cái đó ra.
Chúng vừa tương sinh lại vừa tương thuộc. Vì thế theo tôi, các tôn giáo đều “mắc
nợ” những nền văn hóa có trước mình dù theo hướng khẳng định hoặc theo hướng phủ
định. (Ví dụ, Phật Giáo khẳng định có luân hồi giống như đạo Bà La Môn, nhưng
phủ định các thần linh có trong đạo ấy.) Dĩ nhiên quan niệm coi tôn giáo là một
bộ phận của văn hóa không được tôn giáo chính thống nào thừa nhận vì họ coi
giáo chủ nhận sứ mạng trực tiếp từ Trời, không thông qua một văn hóa nào cả. (Ng. Sơn chú)
([12]) Sự
kiện Đức Giêsu chết trên thập giá được chép như sau (Gioan 19:28-30): . . . Đức Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng
nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: “Tôi khát!” Ở đó, có một bình đầy giấm. Người
ta lấy miếng bọt biển thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên
miệng Người. Nhắp xong, Đức Giêsu nói: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu
xuống . . .
([14]) Với
thuyết chuyển đổi bản thể (transubstantiation)
Công Giáo biến sự cử hành hiến tế thành nhiều lần, sự lặp lại chính xác hiến tế
trên núi Golgotha; còn Tin Lành chỉ nhắc lại để tưởng nhớ chứ không tái hiện.
Dù vậy cả hai tôn giáo đều coi đó là sự hiến tế thần linh tức Ngôi Hai. (Ng. Sơn chú)
([17]) Triết
gia Pháp Jean-Paul Sartre (1905-1980) mỉa mai: “Tình yêu chỉ là sự ngộ nhận của
hai người.” Ngộ nhận vì người ta tưởng họ yêu nhau, nhưng thật ra mình yêu
chính mình qua hình ảnh của đối tượng. Vì thế trong khi tình yêu phàm tục xây dựng
và củng cố cái bản ngã, thì tình yêu của Thiên Chúa hoặc Đại Từ Bi giúp ta tiêu
trừ bản ngã vì chỉ có tình yêu này là trường tồn, thanh tĩnh và an lạc. (Ng. Sơn chú)
([18])
Trong một số truyền thuyết và huyền thoại khắp nơi, còn có một số trường hợp
trinh thai khác nhằm nói lên tính chất đặc biệt, phi phàm của các anh hùng, hiền
nhân và thánh nhân. Chẳng hạn trường hợp Lý Công Uẩn (974-1028): Mẹ ông ra ruộng
thấy một dấu chân người khổng lồ; bà ướm chân mình vào, về nhà mang thai nhà
vua khai sáng triều Lý. (Ng. Sơn chú)
([33]) Khi
tên trộm này nói mình đáng tội, anh công bằng với chính mình. Khi tuyên xưng Đức
Giêsu vô tội, anh công bằng với Ngài. Khi cầu xin Ngài nhớ đến anh, anh bày tỏ
một lòng khiêm nhường tín thác (là một đặc điểm trổi vượt của đức tin). Vả lại,
điều này cũng cho thấy trí tuệ (hoặc trí huệ) vì anh đã nhìn ra Đạo nơi Ngài. (Ng. Sơn chú)
([36]) trung nhân dĩ hạ 中人以下 (Those whose capabilities are below
mediocrity or ordinariness): Người có căn trí (capabilities) từ mức trung bình trở xuống. Luận Ngữ (5:21): 子曰: 中人以上, 可以語上; 中人以下, 不可以語上也. Tử viết: Trung nhân dĩ thượng, khả dĩ ngứ
thượng; trung nhân dĩ hạ, bất khả dĩ ngứ thượng dã. (Đức Khổng nói: Kẻ bậc
trung trở lên thì ta có thể nói điều cao siêu với họ; kẻ bậc trung trở xuống
thì ta không thể nói điều cao siêu với họ. / The Master said, “To those whose capabilities are above
mediocrity, the highest subjects may be announced. To those whose capabilities are below
mediocrity, the highest subjects may not be announced.”)
([38]) Đức
Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê đi theo mình. Người
đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao [Tabor]. Rồi Người biến đổi
hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục
Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và bỗng các ông thấy ông Môsê và ông
Êlia hiện ra đàm đạo với Người. Bấy giờ ông Phêrô thưa với Đức Giêsu rằng: “Lạy
Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái
lều, một cho Ngài, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia.” (Mátthêu 17:1-4)
([41]) Làm
việc lành phúc đức không chỉ là làm từ thiện, nhất là cho người đồng đạo, mà
còn xây dựng đời sống tinh thần đạo hạnh cho mình và cho mọi người, v.v… Nhất
là phải tôn trọng nhân vị của ta và người trong sự bình đẳng (le respect humain). Có lẽ phải có đủ năm
điều kiện của phép tu tịnh độ đã nêu trên đây. (Ng. Sơn chú)
Chữ bằng 朋 thường
được hiểu là bạn bè, nhưng trong câu này nên hiểu là bạn đạo, hay bạn đồng môn.
Khi chú thích câu này Dương Bá Tuấn 楊伯峻
(1909-1992), tác giả Luận Ngữ Chú Giải 論語注解, cho biết rằng chú thích xưa
nói Đồng môn viết bằng 同門曰朋 (Bạn đồng môn gọi là bằng).