Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2020

Viết thêm sau bài TÌNH NGHĨA GIÁO KHOA THƯ (Đạo Uyển 33 / Xuân 2020)


Đạo Uyển viết thêm
Trên đây Sơn Nam kể chuyện anh phái viên đi đòi bạn đọc Tư Có trả tiền mua báo dài hạn. Khi biết Tư Có vô phương trả nợ, anh phái viên nói:
Anh Tư đừng ngại chuyện đó. Cứ tiếp tục đọc. Lâu lâu dò nơi mục Thư Tín không chừng có lời của tôi thăm hỏi anh Tư. Nếu thấy báo đăng đòi tiền các độc giả, xin anh Tư hiểu rằng đó là nhắc nhở các người khác. Tôi hứa nói lại với ông chủ nhiệm mỗi kỳ gởi tặng anh Tư một số báo, hoài hoài cho tới số chót.
Đọc tới chỗ này chúng tôi chạnh lòng, không khỏi nhớ nghĩ vẩn vơ. Hồi xưa, các tiền bối chúng ta làm báo đạo để quảng truyền tôn giáo Cao Đài cũng từng khổ tâm khi buộc lòng phải cho “rao” trên báo mấy lời nhẹ nhàng đòi nợ quý tín hữu là bạn đọc. Chẳng hạn, năm 1937, tổ chức Cao Đài Đại Đạo Liên Hòa Tổng Hội (thường gọi tắt là Liên Hòa Tổng Hội) xuất bản tạp chí Đại Đạo Qui Nguyên Lược Luận, số 1, in typo. Qua năm 1938, trên số 12, trang 40, tạp chí in mấy dòng như sau (chúng tôi đã sửa lỗi chánh tả khi trích lại nơi đây):
KỈNH CÁO ĐC GIẢ
Muốn cứu sống lâu dài sách Đại Đạo Qui Nguyên, xin quý độc giả vui lòng gởi số tiền năm rồi và năm tới mau về, rất cám ơn.
Tòa soạn sách Đ.Đ.Q.N.
Trước đó, trên số 11, ở cuối trang chót (nếu như tạp chí có đánh số thì là trang 41), tòa soạn cho đăng như sau (chúng tôi đã sửa lỗi chánh tả khi trích lại nơi đây):
XIN QUÝ NGÀI ĐC GIẢ LƯU Ý!
Kính quý ngài,
Sách Đại Đạo Qui Nguyên của Liên Hòa Tổng Hội gởi cho quý ngài đã tới số mười một rồi (11) gần hết năm. Còn một phần của quý ngài chưa đóng, hoặc đóng có phân nửa. Vậy xin quý ngài đặng số 11 nầy, vui lòng vì đạo gởi giúp số tiền thiếu ấy mau mau, đặng Liên Hòa có đủ tài liệu mà in tiếp. Và quý ngài có trả rồi thì buộc phải có biên lai của ông thủ bổn Liên Hòa ký tên hẳn hòi.
Vì giá giấy lên và tổn phí cũng lên, nên Bàn Trị Sự L.H.T.H. có nhóm định lại giá sách Đ.Đ.Q.N. 12 cuốn 1$80, 6 quyển 1$00, 1 quyển 0$15.
Nay kính,
Sài Gòn, ngày 27-4 [năm đạo thứ] 13
Bàn Trị Sự Liên Hòa Tổng Hội
Xin quý ngài có gởi thơ hay là mandat [phiếu chuyển tiền qua bưu điện] thì đề như vầy:
Monsieur Nguyễn Văn Đước
Tri huyện à Chí Hòa (Sài Gòn)
*
Nói chung, các tạp chí của người đạo Cao Đài trước đây đều vắn số. Nhưng có một ngoại lệ là nguyệt san Cao Đài Giáo Lý của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam. (Cơ Quan này do Đức Chí Tôn thành lập tại Sài Gòn năm 1965). Lúc đầu Cao Đài Giáo Lý quay ronéo, in trên giấy duplicateur (khổ giấy suýt soát cỡ A4). Mỗi số khoảng 16-24 trang. Tòa soạn đặt tại số 165E Cống Quỳnh, Sài Gòn. Số 1 ra tháng 12-1965; số 73 ra tháng 01-1972.
Kể từ số 74 (tháng 02-1972), nguyệt san in typo, khổ 16x24cm. Mỗi số khoảng 50-64 trang ruột. Tòa soạn đặt tại số 171 Cống Quỳnh, Sài Gòn. Tạp chí xuất bản theo giấy phép kiểm duyệt số 713/BTT/PHNT ngày 20-3-1972 của Bộ Thông Tin, và in tại ấn quán Phổ Thông, là nhà in riêng của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, đặt tại trụ sở Cơ Quan (171 Cống Quỳnh, Sài Gòn).
Nguyệt san này đình bản với số 95 (tháng 3-1975), sau mười năm liên tục ấn hành; không phải vì thiếu hụt tiền mà vì lịch sử sang trang (biến cố 30-4-1975).
Khoảng giữa năm 1977, LAD (Huệ Khải) xin vào làm nhân viên Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam. Nhờ đó, LAD có dịp trò chuyện với các vị tiền bối góp phần khai sáng Cơ Quan theo lịnh Đức Chí Tôn đồng thời cũng là những vị phụ trách nguyệt san Cao Đài Giáo Lý; có được thấy tận mắt di tích nhà in của Cơ Quan đặt trong gian phòng vuông vắn nho nhỏ ở tầng trệt, bấy giờ chỉ còn sót một bàn xén giấy điều khiển bằng cần kéo tay (không dùng động cơ điện), và một vài hộc gỗ đựng chữ chì không còn nguyên vẹn… Hồi xưa ấy chàng trai trẻ Thanh Căn (Phan Ngọc Lợi, 1951-2019) là một cộng tác viên tích cực: sửa bản in (sửa morasse), vẽ minh họa để làm bản kẽm (cliché) in nguyệt san, đóng gói nguyệt san gởi biếu các nơi qua đường bưu điện, v.v...
Khi trò chuyện với tiền bối Chí Tín (Lê Văn Bá, 1918-2008; đắc quả Chí Tín Huệ Tiên, 2019), LAD bày tỏ lòng thán phục quý tiền bối đã bền bỉ suốt mười năm với nguyệt san Cao Đài Giáo Lý, một kỳ tích mà các bậc tiền bối trước kia chưa làm được. Tiền bối Chí Tín liền cười tươi và tiết lộ bí quyết: “Cháu biết là nhờ đâu không? Hồi xưa các tiền bối của mình bán báo nên gánh chịu lỗ lã, đành phải ngưng lại. Cơ Quan mình rút kinh nghiệm, nhứt định không bán, chỉ biếu tặng miễn phí. Nhờ vậy mà sống dai cho tới đầu năm 1975.”
Lời nói đó của bác Chí Tín in sâu vào tâm khảm LAD, nên vào tháng 6-2008, khi bắt tay in kinh sách truyền bá đạo Cao Đài, hay đầu năm 2012 khi ra mắt giai phẩm Đại Đạo Văn Uyển (từ năm 2018 gọi tắt là Đạo Uyển), Huệ Khải quyết định noi gương ấn tống của các tiền bối Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, nhứt định không bán sách. Nhờ vậy mà Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo còn sống bền đến hôm nay.
Chỉ tiếc rằng bây giờ bà con chúng ta phần đông hầu như không thích đọc sách lắm; do đó, số bạn đọc càng lúc càng giảm xuống, khiến cho số bản in từng đầu sách cũng bị giảm theo. Chương Trình Chung Tay Ấn Tống tuy vậy vẫn cố gắng duy trì hoạt động đều đặn, với hoài bão vừa làm “sân chơi” cho các cây bút áo trắng sáng tác, vừa làm phương tiện “hàm thụ” góp phần bồi dưỡng từ xa về các đề tài giáo lý, tri thức văn hóa tổng quát cần thiết cho túi hành trang phụng đạo của người tín hữu Cao Đài, nhất là quý vị đang có trọng trách phổ thông giáo lý, thuyết giảng hằng tháng tại các họ đạo…
Nhân đây, xin chắp tay thành kỉnh tạ ơn quý độc giả vẫn hằng tin cậy, luôn thương yêu, một lòng bền bỉ đồng hành với Chương Trình Chung Tay Ấn Tống suốt bấy lâu.