Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2020

BÀ CỐ TÔI (Đạo Uyển 33 / Xuân 2020)


BÀ CỐ TÔI
NGUYỄN NHƯ THẠCH
Ông cố ngoại tôi, thầy Cả Luận (Lâm Văn Luận, 1901-1975), là một đông y sĩ nổi tiếng ở Thủ Dầu Một từ năm 1930. Ông là cháu nội và là truyền nhân của cụ Lâm Trọng Trung (1845-1929) vốn là một thầy thuốc nổi tiếng ở đất Thủ Dầu Một. Sanh thời thầy Cả Luận được tiếng mát tay, hiền từ, nhơn đức vì hay giúp người sa cơ và bỏ nhiều công sức trong việc xây dựng các ngôi chùa trong vùng. Nhờ vậy, ông không bị mất nhà qua các cuộc bể dâu.
Lúc nhỏ ông được học chữ Hán và theo học École de Thủ Dầu Một, rồi học nghề thuốc với chính ông nội mình. Cha mất sớm, ông sống cùng mẹ và chị trong căn nhà nhỏ trên đất của ông nội. Hằng ngày nhìn bác dâu và các anh chị họ sống sung túc trong nhà ông nội, ông nói với mẹ mình: “Sau này con sẽ sắm cho mẹ tất cả.”
Câu chuyện này tôi được nghe từ nhỏ:
Có một thân chủ thưa với thầy Lâm Trọng Trung: “Thưa thầy, tôi nói việc này xin thầy đừng giận.” Lấy ngón tay chỉ vào cậu học trò hai mươi tuổi đứng hầu sau lưng ông Trung, người đó nói tiếp: “Thưa thầy, mấy bữa thầy đi vắng, thầy này bắt mạch hốt thuốc cho tôi hay quá. Nay xin thầy cho thầy này tiếp tục bắt mạch cho tôi...”
Người học trò đó chính là ông cố của tôi, sau này là thầy Cả Luận. Năm hai mươi tuổi, ông cưới vợ là cô Trương Thị Mót. Bà cố ngoại tôi sanh năm Canh Tý (1900), mất ngày 01-3 Tân Dậu (05-4-1981). Bấy giờ ông cố tôi được ông nội mình (cũng là thầy) cho phép ra hành nghề riêng. Chỉ tám năm sau, khi chưa được ba mươi tuổi, ông trở thành một thầy thuốc nổi tiếng và xây dựng được cơ ngơi cho riêng mình. Dù người xưa thường nói trước ba mươi tuổi không được xây nhà lớn, nhưng ông nói xây nhà là xây cho ông nội và mẹ ông.
Tôi viết hồi ức này, ghi lại mấy kỷ niệm với bà cố ngoại.
*
Chiều nay về nhà ba má, mở cửa cổng, dắt xe vô, rồi bất chợt như nhìn thấy hình ảnh của cố đứng sau bàn Thiên như ngày nào, một ngày xa xưa đó, cũng trong một buổi chiều tắt nắng, thanh bình...
Ký ức tuôn trào, đóng cửa, quay về nhà và viết.
Hồi tôi năm tuổi, cha bị đi “tập trung học tập cải tạo” từ đầu tháng 5-1975. Má dắt tôi và một bầy em lít nhít về ở với cố và ông bà ngoại. Lúc đó cố đã gần tám mươi.
Trong ký ức của tôi, cố là một bà rất đẹp lão, đi đứng nghiêm trang, từ tốn. Tóc cố bạc trắng, bới củ tỏi sau gáy. Tôi còn nhớ hình ảnh mỗi chiều cố tắm gội sạch sẽ, tự tay giặt bộ đồ của mình chứ không để cho ai giặt hết (và tôi cũng bắt chước cố, tự giặt quần áo từ hồi bảy, tám tuổi). Tắm gội rồi, cố thay bộ bà ba trắng, ra giếng mội ([1]) múc một bình nước cúng. Rồi cố thắp nhang trên bàn ông Thiên, vái bốn phương, lâm râm khấn gì đó thiệt là lâu. Tôi nhiều lần tới sát bên mà chẳng nghe được gì hết nên có lần tôi hỏi: “Cố ơi, cố vái gì vậy cố?” Cố cười trả lời: “Cố vái cho quốc thái dân an, gia đạo bình yên, mạnh giỏi. Cố vái cho tụi bây mau lớn.”
Có lần đang đêm cố cũng ra sân để vái ông Thiên. Đó là lần ông Út của tôi, con rể của cố, người đầu tiên của gia đình tôi được ra khỏi trại “học tập cải tạo”, về nhà lúc đã lên đèn. Tôi còn nhớ ông Út đứng chờ cố khấn xong rồi nói: “Má ơi, con phải trình diện chánh quyền địa phương.” Má tôi xách cây đèn bão đưa ông đi lên công an xã. Có tôi đi theo nữa.
Bây giờ, mỗi khi nhìn cái bàn Thiên tôi lại như thấy hình ảnh của cố bận bộ bà ba trắng đang vái bốn phương tám hướng. Vậy mà có lúc tôi định phá bỏ cái bàn ông Thiên lịch sử đó. Đó là lúc tôi mười bảy tuổi, suy nghĩ nông cạn và vô thần. Tôi nghĩ rằng cố tôi mất rồi, bà ngoại tôi thì đã qua Mỹ và theo đạo Tin Lành với dì tôi. Ba má tôi là người Công Giáo, còn tôi thì không theo tôn giáo nào. Đây cũng là điều tự do trong gia đình bên ngoại của tôi; ai thích tôn giáo nào cũng được, miễn là phải giữ đạo lý làm người. Tôi biết ba má tôi cũng có lúc đau buồn vì đã không hướng dẫn được con mình theo đạo; tôi đã làm gương xấu cho hai đứa em kế tôi.
Cái bàn Thiên để làm gì nữa? Bây giờ còn ai đốt nhang đâu? Nghĩ là làm, tôi đổ nước cho mềm đất rồi lắc cái bàn Thiên của cố. Không khó lắm để một thanh niên mười bảy như tôi nhổ được nó lên và bỏ vô góc vườn. Mấy bữa sau má tôi mới biết. Bà nói rằng không được phá đi cái gì nữa; cái nhà này đã bị phá rất nhiều từ ngày đó rồi, bởi phải làm cho nhà mình xấu đi, chứ không người ta sẽ nói là “tư sản”...
Tới chiều tôi đi học về thì cái bàn Thiên đã được dựng lại ở chỗ cũ, tráng xi măng xung quanh và thêm cái đường đi bằng gạch Tàu nữa, như hồi còn cố.
Rất lâu sau này tôi mới hiểu được rằng cái bàn Thiên đó có một giá trị lịch sử vô cùng to lớn với gia đình tôi, và là chứng nhân lịch sử của gia đình tôi. Vậy mà xém chút nữa tôi đã phá bỏ nó vì sự ngu dốt và ngông cuồng của tuổi trẻ.
Đặc biệt, tôi nhớ cố tôi không mất một cái răng nào, dù cả đời cố không dùng kem đánh răng, chỉ chà răng bằng vỏ trái cau tươi và súc miệng với nước muối. Má tôi hay nói với tụi tôi rằng nếu con không chịu đánh răng thì con sẽ rụng hết răng trước bà cố cho mà coi. Tôi còn ráng gân cổ cãi rằng con đâu có thấy bà cố đánh răng hồi nào đâu. Rồi tôi còn đòi chà răng bằng vỏ cau và súc miệng nước muối như cố. Cố cười rồi cho tôi mấy miếng cau, còn dạy tôi chà răng nữa. Được đâu hai ba lần gì đó là tôi chán, vì nó cực hơn đánh răng với kem nhiều.
Nhà tôi hồi đó có mấy cây kem đánh răng hiệu Hynos với hình “anh Bảy Chà” đen thui, cười đưa hai hàm răng trắng bóng, mà má tôi hay chọc, nói giống tôi, đen thùi lùi. Còn tôi thì thấy hình ông Hynos giống y chang con bà Mười Bốn ở xóm dưới và “thằng” chú tiểu lai Mỹ đen tu trong chùa trên dốc. Sau này thỉnh thoảng tôi còn lượm được mấy vỏ hộp kem như vậy ở trong kho nhà tôi.
Cố hay dạy chúng tôi nhiều câu chuyện về đạo lý ở đời. Trong các câu chuyện của cố, kết thúc bao giờ cũng có hậu: Ở hiền gặp lành, làm ác gặp ác; cái ác bao giờ cũng bị trừng trị; nếu ác vừa vừa, mọi người tha thứ thì lương tâm cũng giày vò mà chết hoặc hóa điên; người tốt bao giờ cũng được tưởng thưởng xứng đáng. Đó là triết lý và mong ước giản đơn của những bà già chân quê bình dị như cố tôi. Nhưng tôi cũng tin vào điều đó, những điều mà lúc còn ấu thơ tôi đã được cố dạy.
Cố cũng dạy tôi phải biết khiêm tốn, tiết kiệm, không được coi thường người nghèo khó. Ăn cơm phải ăn cho hết, không được bỏ mứa và rơi rớt ra ngoài. Mỗi một hột cơm rơi phí sau này xuống âm phủ phải ăn một con dòi. Phải nhớ người nghèo không có cơm ăn. Cố dạy ăn uống phải chừng mực, không được ngồm ngoàm người ta chê cười. Tôi vốn xấu chứng đói, đi chơi về là kêu: “Đói quá! Đói quá!” Rồi được má múc cho tô cơm nhỏ, ăn trước cả nhà. Ăn với đường tán là món ưa thích của tôi hồi đó. Cái tô bằng chừng chén rưỡi, màu xanh Tàu, có hình Bát Tiên quá hải. Sau này em tôi làm bể mất rồi. Tôi ăn thấy ngon gì đâu vì đang đói mà. Vừa ăn vừa khen: “Ngon quá! ngon quá!” Vậy mà cố cũng rầy. Cố nói: “Làm gì như chết đói, ai thấy cười nhà mình.”
Em gái tôi bốn tuổi còn nhõng nhẻo đòi má ẵm. Cố cũng rầy, nói: “Có em rồi. Con người ta bây lớn phụ buôn bán được rồi đó, bay còn ẵm!” Má tôi nói: “Tại nó bự xác chứ có bốn tuổi à, nội.” Cố nói: “Năm chứ bốn gì.” Tại Cố tính tuổi ta, luôn tuổi mụ trong bụng mẹ.
Lâu lâu cố nhờ tôi chạy xuống quán ông Út Râu để mua bánh tráng cho Cố. Một trăm (cái) bánh tráng, năm trăm đồng cũ (tức là một đồng tiền mới, sau đợt đổi tiền ngày 23-9-1975); hai trăm bánh, một ngàn (tiền cũ); tôi cứ lộn tùng phèo.
Có lần cố cho tiền tôi và các bạn ăn bánh. Lần đó có một bác hàng xóm phơi lúa trong sân nhà tôi chọc thằng Bình lai: “Sao không về Mỹ, mậy?” Làm nó khóc. Cố kêu bác lại rầy rồi dỗ nó: “Con là con ruột của con Ba, bà biết mà.” (Thiệt ra nó là con nuôi, bà Ba lượm ngoài đường.) Rồi cố đưa tiền, kêu tôi chạy đi mua bánh về cho tụi nó ăn. Đó là lần duy nhất cố cho tôi tiền và cho phép ăn bánh trước giờ cơm.
Có lần trong lúc gây lộn, tôi có ý xúc phạm một bạn hàng xóm, con của ông bán bánh mì ngoài bến xe. Cố nghe được, kêu tôi vào dạy, bắt tôi xin lỗi bạn. Cố chỉ lên bàn thờ ông Sơ có cặp liễn rồi đọc câu gì đó, sau này lớn tôi mới biết đó là hai câu: Xử thế vật kiêu nhân. Tu thân nghi thiết kỷ.([2])
Tức là: Trong xử thế không được kiêu ngạo với người. Việc tu thân phải nghiêm khắc với chính mình.
Tôi nào có hiểu gì đâu, bị rầy hoài tôi tức cố lắm. Nhiều lúc cố quay đi, tôi còn “thủ võ” với cố nữa.
Năm tôi học lớp Bốn thì cố tôi qua đời. Tôi nhớ những lần đó mà ngồi khóc quá trời. Còn nhớ bà Ba tiệm may Huê Mỹ là bạn của ngoại nói: “Tội nghiệp hông! Con thương cố lắm sao?”
Cố tôi ít bịnh lắm, mà mỗi lúc bịnh cố không chịu uống thuốc tây vì sợ thuốc tây nóng, sợ uống thuốc tiêu bị tiêu luôn cái bao tử, dù má tôi là dược sĩ, và ông ngoại tôi có nhà thuốc tây lớn thứ nhì ở thị xã hồi đó (trước đợt đánh tư sản vào thượng tuần tháng 9-1975). Mỗi khi bịnh cố tôi tự đi hái lá cây làm thuốc, hoặc nhờ mua thuốc bắc. Cố cũng biết ít nghề thuốc vì ông cố tôi là đông y sĩ nổi tiếng hồi xưa.
Hồi đó tôi còn nhớ cố hay nhờ tôi đi hái lá để cố làm thuốc, trong đó có cây bỉ bái làm thuốc dưỡng thai. Giờ không thấy cây đó nữa mà tìm trong sách cũng không có luôn. Không biết nó còn tên gì khác hay không?
Lúc đó, cố tôi đã nghỉ làm thuốc rồi, từ ngày ông cố tôi mất hồi tháng 4-1975. Cố chỉ làm thuốc tễ khi có ai đó trong bà con dòng họ yêu cầu. Người giúp cố làm thuốc, lăn bàn tán thuốc, giã thuốc, vo viên thuốc là anh Sấm (đệ tử của cậu Tư tôi) hay anh Hoàng, anh Bảo (cháu của ông cố Hai, anh ruột ông cố tôi).
Tôi lại nhớ lần cậu Tư tôi bị xe đụng gãy xương đùi nằm trong bệnh viện. Chiều tối anh Sấm chạy về nói với má tôi: “Ngày mai chuyển đi nhà thương Chợ Rẫy. Anh Khải (tức cậu Tư tôi) nói chị kiếm cho ảnh mấy viên Glifanan (giảm đau) với thuốc ngủ. Nhà thương không có thuốc gì hết.”
“Trời ơi! Gãy xương đùi mà không có thuốc giảm đau, làm sao chịu cho nổi?!” Cố tôi lại đốt nhang hết ba bàn thờ ông bà và bàn ông Thiên ngoài trời. Vô nhà cố còn khấn: “Lạy Trời lạy Phật cho con chịu thay cho cháu của con.”
Cái lần ông ngoại tôi bị điện giựt té bất tỉnh, cố cũng thất thần và kêu lên như vậy. Mới hay nước mắt chảy xuôi, cha mẹ ông bà lúc nào cũng nghĩ cho con cháu trước. Ba má tôi cũng vậy thôi. Bao miếng ngon dành hết cho con cái. Có con rồi mới biết lòng mẹ cha.
Sinh thành nghĩa trọng càn khôn đại,
Cúc dục ân cao nhật nguyệt trường.([3])
(Sinh thành nghĩa nặng, trời đất lớn,
Dưỡng dục ơn cao, ngày tháng bền.)
Cố tôi bệnh bao lâu thì mất, tôi cũng không nhớ nữa, chỉ nhớ rằng có bà Út tôi từ Sài Gòn về để săn sóc cố. Mấy ngày cuối cùng, cố yếu lắm, không còn nói được nữa, chỉ nhìn mọi người và nắm tay nhẹ nhẹ như muốn nhắn gởi tâm tình cho người ở lại. Hôm cố đi, ông ngoại tôi đang ở ngoài ruộng coi bạn hàng hái rau. Hơn 4 giờ sáng, ông vô tới sau bếp thì có con chim cú ở đâu bay tới trên cành mận ngay trên đầu của ông; nó kêu đúng ba tiếng lớn rồi bay đi ngay. Dù trước nay không tin vô mấy chuyện này, cho là sự tình cờ nhưng ông nói ông nghe lạnh sống lưng, hối hả bước lên nhà trên, vừa kịp lúc bà Út tôi bước ra nói: “Má đi rồi, anh ơi!”
Trời thu mây hợp lại tan
Ngày xuân hoa nở hoa tàn mấy lăm
Trải trong tám chín mươi năm
Bóng câu qua cửa dễ cầm mãi ru.
Thịt xương gởi đám diêm phù...
(Bích Câu Kỳ Ngộ)
Nhân sinh nhất thế trường như khách.([4])
Một đời người cũng chỉ là khách trọ. Cố đi để lại cho con cháu niềm thương nhớ khôn nguôi.
Bình Dương, mùng 4 Tết Tân Mão
(Thứ Năm, 03-02-2011)
NGUYỄN NHƯ THẠCH


([1]) giếng mội: Giếng có mạch nước (mội) phun lên, tràn trên mặt đất. (Đạo Uyển chú)
([2]) 處世勿驕人. 修身宜切己. (Đạo Uyển chú)
([3]) 生成義重乾坤大 / 鞠育恩高日月長. (Đạo Uyển chú).
([4]) Bài tứ tuyệt Chu Phóng 朱放 tiễn Ôn Đài, tức Ôn Đình Quân 溫庭筠 (812-870):
眇眇天涯君去時
浮雲流水自相隨
人生一世長如客
何必今朝是別離.
Miễu miễu thiên nhai quân khứ thì
Phù vân lưu thủy tự tương tùy
Nhân sinh nhất thế trường như khách
Hà tất kim triêu thị biệt ly.
Huệ Khải dịch:
Mù mịt chốn xa lúc bạn đi
Mây trôi nước chảy cũng phân kỳ
Thế gian một kiếp thân như khách
Hà tất sáng nay mình biệt ly.
(Đạo Uyển chú)