Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2020

DĨ VĂN HỘI HỮU (Đạo Uyển 33 / Xuân 2020)


DĨ VĂN HỘI HỮU
HUỆ KHẢI
Bốn chữ dĩ văn hội hữu 以文會友 (dùng văn chương để kết bạn) là lời thầy Tăng Sâm (505-435 trước Công Nguyên), được chép lại trong Luận Ngữ (12:24). Xưa nay lời thầy Tăng vẫn ứng nghiệm trong cuộc sống những anh em có thú viết lách. Sau đây là một trường hợp được ghi lại từ các điện thư của tôi.
1. Thứ Hai, 11-3-2019, lúc 9:35 giờ tối, một bạn đọc viết:
Kính chào chú Huệ Khải. Cháu là độc giả của chú qua các bài trên tuần báo Công Giáo Và Dân Tộc. Cũng qua các sách ấn tống và blog.
Cháu là hậu duệ đích tôn của cụ Nguyễn Thần Hiến và cụ Nguyễn Như Bích. Kính gởi chú hình mộ và tháp của ông bà cố cháu là cụ Nguyễn Như Bích và cụ Hồ Thị Hường.
Cháu hiện đang ở đất Bình Dương (bên ngoại).
Kính chúc chú nhiều sức khỏe.
BS Nguyễn Như Thạch (48 tuổi)
Tôi ngạc nhiên và mừng lắm. Như vậy, nhờ ấn tống quyển Vút Một Đường Mây (Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2018) mà tôi bất ngờ được “kết nối” với một hậu duệ của hai vị tiền bối Nguyễn Như Bích và Hồ Thị Hường là song thân bác sĩ Nguyễn Như Giu (1910-2000). Chuyện hai vị tiền bối Nguyễn và Hồ đã kể trong sách, các trang 49-64, nhưng chưa được đầy đủ chi tiết về mặt sử liệu, nhất là hình ảnh liên quan.
Thứ Ba, 12-3-2019, lúc 10:29 giờ sáng, tôi hồi âm:
Thân gởi bác sĩ Nguyễn Như Thạch,
Tôi ngạc nhiên và vui khi nhận thư và ảnh do bác sĩ Thạch có nhã ý gởi tặng.
Bác sĩ Thạch nhỏ hơn tôi mười bảy tuổi, thì thôi xưng hô là anh, em cho tiện.
 (. . .)
Bác sĩ Thạch cho biết địa chỉ (số nhà, đường, huyện, tỉnh... số điện thoại) để tôi gởi biếu sách Vút Một Đường Mây, và các sách khác của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống.
Xin giữ liên lạc nhé.
Chúc bác sĩ an lạc trong ơn phước Thiêng Liêng.
Chào bác sĩ Thạch.
HK
2. Thứ Ba, 12-3-2019, lúc 3:12 giờ chiều, bác sĩ Nguyễn Như Thạch hồi âm:
Dạ, em không khách sáo, xin được phép kêu bằng anh. (. . .)
Ông nội em (bác sĩ Nguyễn Như Giu) có chị và em gái cũng tu Cao Đài. Là bà Ba Nguyễn
Như Kim Huờn và bà Năm Nguyễn Như Hằng, nguyên hiệu trưởng trường Lê Ngọc Hân ở Mỹ Tho, sau làm đốc học ở Gia Long.
Mộ bà cố em và bà Hồ Thị Huê ở nghĩa trang Cao Đài, cầu Hưng Lợi, Cần Thơ, sau đã dời về Cái Răng. Bà cố Tư là Phối Sư Hồ Hương Quế (Hồ Thị Huế) có tên ở Tòa Thánh Tây Ninh. Mộ ông cố Nguyễn Như Bích (1886-1936) ở làng Đông Hậu bên Trà Ôn, trên đất nhà gốc của ông Cả Nhựt, nay hình như là xã Hựu Thành (?).
Đính kèm: Bài quảng cáo trên An Hà Báo, Cần Thơ (1929).
Em viết bằng điện thoại nên không viết nhiều được. Máy của em đang hư...
Địa chỉ của em: Nguyễn Như Thạch, số . . . đường . . . phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một. Bình Dương. ĐT . . .
3. Chủ Nhật, 17-3-2019, lúc 12:14 giờ trưa, từ Bình Dương bác sĩ Nguyễn Như Thạch viết:
Kính anh Huệ Khải.
Cách đây mười năm, em được má của em giới thiệu đọc bài của anh trên Công Giáo Và Dân Tộc. Sau đó má cho em cuốn Nhịp Cầu Tương Tri, em còn nhớ bìa màu xanh tím. Và có mấy câu em nhớ tới bây giờ: Dang tay bắc những nhịp cầu / Ra công lấp những hố sâu nhân tình / Mới là đáng kiếp nhân sinh…
Và em bén duyên Huệ Khải từ đó.
(. . .)
4. Vút Một Đường Mây còn thiếu hình ảnh và nhiều chi tiết về thân thế của các tiền bối Hồ Văn Nhựt, Hồ Thị Huế, Hồ Thị Hường, Hồ Thị Huê, và Nguyễn Như Bích, tôi viết thư đề nghị bác sĩ Nguyễn Như Thạch hãy bổ sung bằng cách viết bài kèm hình ảnh và gởi đăng dần trên Đạo Uyển. Khi nào tái bản Vút Một Đường Mây thì sẽ in vào phụ lục.
Bởi vậy, ngày Thứ Bảy, 17-8-2019, lúc 12:54 giờ trưa, từ Bình Dương, bác sĩ Nguyễn Như Thạch viết:
Em gởi kèm theo đây hình ảnh tháp của bà cố em (Hồ Thị Hường). Sau đây là những gì em biết:
* Bà Hồ Hương Huế (sinh năm 1884), theo ngài Phạm Công Tắc, tu ở Tây Ninh. Lúc bị Tây bố ráp, bà chạy về lánh ở Tô Châu (Hà Tiên). Bà mất năm 1943. Bà cố em từ Cần Thơ qua chôn bà trong núi. Sau đồng đạo cải táng về nghĩa trang Cao Đài ở Hà Tiên.
Má của cô hai là bà Ba Nguyễn Như Kim Huờn, chị của bác sĩ Nguyễn Như Giu (ông nội em). Một người nữa là bà Năm Nguyễn Như Hằng, hiệu trưởng trường Lê Ngọc Hân (Mỹ Tho), cũng tu Chiếu Minh.
Tất cả mộ của các bà và bà cố Hường, và bà nội em, ông bà Hồ Anh Huê (bà cố Sáu, không có con) đều nằm trong Chiếu Minh Nghĩa Địa (có tháp Đức Ngôi Hai Ngô Minh Chiêu, và ông Trương Duy Toản, bà Tư Hồng...).
Ba em nói trên tháp bà Tư Hồng (Trần Thị Hường) có khắc bài thơ của ông nội em (bác sĩ Nguyễn Như Giu):
Cát bụi mịt mù thuở loạn ly
Một tay xây dựng cửa từ bi
Thân già đâu quản thân tàn xế
Chí cả không nao gánh nặng chì...
Năm 1985, các cô bác em của cô Hai Thuấn (Tuyền) đi tập kết về, nói rằng nghĩa địa sẽ bị giải tỏa, nên đã bốc tất cả đem về nghĩa trang của gia tộc học giả Lê Chí Thiệp ([1]) là cháu ngoại cụ tổ Nguyễn Thần Hiến (1857-1914) ở Cái Tắc. Tro cốt để trong một tháp chung.
Mộ ông cố Nguyễn Như Bích và mẹ ông cố (cụ bà Nguyễn Thần Hiến) nằm trên đất ông Cả Nhựt ở Đông Hậu, Trà Ôn (như hình trước gởi cho anh).
Theo ba em và các cô thì bà Sáu Hồ Anh Huê không tu theo Cao Đài, vì thuở nhỏ, trước năm 1920, bà đã theo đoàn cải lương ca ra bộ cùng với ông Cao Văn Lầu. Bà sinh năm 1891, mất khoảng năm 1945, 1946 cùng chồng... Tuy vậy cũng khó mà kiểm chứng, vì lúc đó ba em mới năm, sáu tuổi.
* Về cụ ông và cụ bà Cả Hồ Văn Nhựt, mộ táng tại Đông Hậu, cũng không ai nhớ được năm sanh và ngày mất. Ba mươi năm tròn em cũng không có về bên đó, nên cũng không biết hỏi ai.
Qua lá thư dẫn trên, bác sĩ Nguyễn Như Thạch đã bổ sung khá nhiều chi tiết về gia tộc bên nội ở Cần Thơ. Thật quý hóa!
Rất mong bác sĩ Nguyễn Như Thạch sẽ viết thêm các hồi ức về gia tộc bên nội, để góp phần sử liệu của đạo Cao Đài.
HUỆ KHẢI
Nhiêu Lộc, 04-9-2019


([1]) Lê Chí Thiệp đã xuất bản (ghi nhận chưa đầy đủ): Triết Học Bergson (Hà Nội: Nxb Tân Việt, 1942), Một Nền Đạo Lý (Sài Gòn: 1957), Kinh Dịch Nguyên Thủy (Sài Gòn: Nxb Khai Trí, 1973) . . . (Đạo Uyển chú)