GIÓ BỐN PHƯƠNG
Gió muốn thổi đâu
thì thổi. GIOAN 3:8
@ Ông Huỳnh Việt Lang (Los Angeles, Hoa Kỳ).
Điện thư ngày 13-7-2019:
Kính ông Huệ Khải,
Tôi vừa đọc
bài viết ĐỌC LẠI THƯ NGƯỜI XƯA / TẤM LÒNG MỘT NGƯỜI THẦY của ông phát hành ngày
1 tháng 12-2018 [đăng trên huekhai.blogspot.com]. Trong
bài này, ông có nêu lên một chi tiết: Khoảng năm 1983-1984 (căn cứ theo trình
tự bài viết, tôi đoán là như vậy) học giả Nguyễn Hiến Lê đã sửa nhan đề ấn phẩm
“Kinh Dịch”, gạch bỏ dòng “Đạo của người quân tử”.
Tôi đang có trong tay tác phẩm này, bản do Nxb Văn Học
phát hành lần thứ chín (2006), cũng in nhan đề là “Kinh Dịch - Đạo Của Người Quân
Tử”. Thử tra thêm, tôi thấy bản phát hành lần thứ mười một (2014) của Nxb Tổng Hợp
TpHCM cũng in nhan đề là “Kinh Dịch - Đạo Của Người Quân Tử”. Tuy nhiên, tôi nhận thấy
rằng thông tin của ông Huệ Khải thì khả tín hơn (căn cứ vào tinh thần trong các
bài viết trên blog của ông) - mặc dù, tôi không hiểu nguyên nhân khiến học giả Nguyễn Hiến Lê điều chỉnh
nhan đề ấn phẩm trên. Tôi mạo muội nghĩ, có lẽ [Nguyễn Hiến] Lê tiên sinh cho rằng
Kinh Dịch không tương thích với “Đạo của người quân tử”, nên ông ấy mới gạch bỏ
dòng này. Nhưng không tương thích ở chỗ nào thì tôi không hiểu ra. Nếu không
quá bất tiện, xin ông Huệ Khải vui lòng cho vài gợi ý chỉ giáo cho. Mong lắm
thay. Chúc ông cùng quý quyến an lành.
Huệ Khải: Kính thưa ông
Huỳnh Việt Lang,
Trước hết, xin cảm
ơn ông đã quan tâm tới blog của tôi và các bài viết đăng tải ở đó. Về lý do vì
sao thầy Lộc Đình Nguyễn Hiến Lê gạch bỏ dòng Đạo của người quân tử, tôi cũng tiếc là thuở thầy còn tại thế, tôi
sơ ý quên hỏi cho rõ. Còn việc “đoán mò” lý do để trả lời ông thì tôi thấy mình
không đủ khả năng. (Cười...) Mong ông thông cảm.
Kính chúc ông và bửu
quyến được an hảo. Xin chào ông.
*
* Cụ bà Têrêsa Trần
Nguyệt Ánh: Nguyễn Trãi, Cà Mau. Thư ngày 22-8-2019:
Kính mến gởi thăm ông Huệ Khải và gia đình.
Mãi đến nay tôi mới gởi thư cảm ơn ông Huệ Khải về quyển “Phúc
Âm Kể Lại Theo R.F. Wilson” ông đã gởi tặng. Mà càng chậm trễ lại càng thấm sâu
lòng biết ơn... Các bài Phúc Âm được khai triển nhiều chi tiết nhỏ rất tế nhị,
đi vào lòng người rất được trân quý...
Mấy tháng qua tôi bị suy yếu, lại thêm vụ sửa nhà. Đến
nay mọi việc đã ổn, nhà rất khang trang rồi...
Nguyện xin Chúa ban hồng ân cho gia đình, cho ông Huệ
Khải thân mến (mà nhiều người mộ mến) được nhiều sức khỏe và tươi vui.
Huệ Khải: Cháu chào cụ
Têrêsa kính mến. Đọc thư cụ viết với nét chữ rõ ràng, khỏe khoắn, lòng cháu vui
lắm khi nhớ rằng cụ nay đã chín mươi tư tuổi ta mà trí óc vẫn minh mẫn, đôi mắt
vẫn tỏ tường và đặc biệt hơn nữa là cụ lại hay đọc sách (kể cả những trang sách
khô khan của Huệ Khải). Ngoài ra, cụ vẫn còn có thể làm bánh, nấu ăn và làm
vườn chút đỉnh được. Ơn phước Chúa ban cho cụ quả là chan chứa, tràn trề.
Nhờ cầu nối của báo Công Giáo Và Dân Tộc mà vài
năm nay cháu hân hạnh được thêm một bạn đọc là Kitô hữu Têrêsa rất cao tuổi ở tận Cà Mau. Cụ chẳng những đọc sách
kỹ mà còn siêng viết thư cho cháu, bày tỏ cảm tưởng. Phải nói, dường như bây
giờ hiếm người được như cụ.
Cháu cảm kích lời cụ cầu nguyện Chúa ban ơn cho
cháu và gia đình cháu. Vâng, xin cụ luôn cầu nguyện cho chúng cháu.
Cháu cầu nguyện cụ Têrêsa và chị Cécilia Lê Thị
Băng Tâm luôn an lạc trong tình thương yêu và quan phòng của Chúa Giêsu Kitô.
*
@ Hiền muội trinh diem (trinhdiem...@...). Điện thư ngày 06 và 08-9-2019:
* Kính thưa đạo huynh Huệ Khải,
Đạo muội tên là Diễm, sinh hoạt tu học ở Tu Tập Sinh Hội
Thánh Truyền Giáo, Tp. HCM.
Kính thưa đạo huynh, đạo muội có một việc kính nhờ đạo
huynh như sau: Đạo muội có một người bạn học ̶ soeur Anna H., dòng Mến Thánh
Giá ̶ được nhà dòng cử đi học ở Mỹ năm năm nay. Trong quá trình học tại Mỹ,
soeur H. được học rất nhiều đạo nhưng không có đạo Cao Đài. Tuy vậy, nay soeur
H. muốn tìm hiểu và làm đề tài về đạo Cao Đài.
Soeur H. có nhờ đạo muội tìm giúp tài liệu song ngữ Việt-
Anh về giáo lý, lịch sử, đời sống đức tin... của đạo Cao Đài để làm đề tài.
Do điều kiện ở xa và đạo muội có rất ít kinh sách song
ngữ Việt-Anh về đạo nên đạo muội mạo muội kính nhờ sự giúp đỡ của đạo huynh: Đạo
huynh có thể cho muội xin links, hoặc files mềm một số sách mà đạo huynh đã
viết song ngữ Việt-Anh.
Kính chúc đạo huynh cùng gia đình trọn hưởng hồng ân
trong mùa đại lễ Thánh Đán Đức Diêu Trì Kim Mẫu.
Kính.
Đạo muội Diễm
* Đạo muội vẫn còn nhớ câu chuyện “Con Nhà
Đạo Vào Đời Thời @” của đạo huynh tại lễ Cầu Nguyện Nhập Học năm 2006, và bốn
câu thơ của đạo huynh vẫn luôn cùng đạo muội từ ngày ấy đến giờ:
Tạ ơn Thầy âm thầm
đưa con tới
Chiếc thuyền từ giữa bể khổ đầy
vơi
Thân nghiệp chướng nếu không Thầy
soi lối
Con làm sao thành thật biết ơn
đời.
Đạo muội xin kính chúc đạo huynh sức khỏe và xuất bản
thêm nhiều đầu sách để chúng đệ muội học hiểu thêm về đạo Thầy cũng như nhiều
nội dung khác.
Kính chào đạo huynh,
Đạo muội Diễm
Huệ Khải: Hiền muội Diễm quý
mến, tôi vui đọc thư hiền muội. Tôi vẫn nhớ mấy buổi có dịp sinh hoạt chung với
các Tu Tập Sinh tại thánh thất Trung Minh (quận 11), và rất phục cách tổ chức
học tập của các bạn trẻ Cao Đài dưới sự dìu dắt của các huynh trưởng nhà đạo.
Nếu tôi không lầm, hiện nay ít có nơi nào xây dựng được lớp người tiếp nối như
Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài. Đó là điều tôi từng xác định trong buổi nói
chuyện với các bạn trẻ Truyền Giáo ở Linh Tháp (Quảng Ngãi) vào sáng Thứ Năm 11-8-2016:
Các bạn đã được sinh ra trong gia đình Cao Đài. Các bạn
được Hội Thánh Truyền Giáo đoàn ngũ hóa để trở thành lớp người kế thừa, tiếp
nối truyền thống Cao Đài của cha ông. Nhờ thế, sáu mươi năm nay Hội Thánh
Truyền Giáo luôn luôn có sinh lực của giới trẻ phả vào mọi cuộc lễ lớn nhỏ.
Giá như nhiều nơi khác trong cộng đồng Cao Đài hiện nay cũng gây dựng được
thế hệ tiếp nối giống như Hội Thánh Truyền Giáo thì mừng vui biết mấy! ([1])
Bây giờ nói tới việc
đạo muội hỏi về sách song ngữ Việt-Anh giới thiệu đạo Cao Đài. Thú thực, tôi
soạn chưa được nhiều. Tính tới nay, qua hai nhà xuất bản Tôn Giáo và Hồng Đức
(đều ở Hà Nội), tôi chỉ mới ấn tống được mười chín (19) tập sách Việt-Anh mong
mỏng mà thôi. Sau khi sách phát hành, các bản tiếng Việt được đăng tại: huekhai.blogspot.com; và để tiện cho người
nước ngoài, các bản tiếng Anh được đăng riêng tại: understandingcaodaism.blogspot.com.
Ngoài ra, tại daidaovanuyen.blogspot.com
có đăng nhiều bài thánh giáo và khảo cứu về đạo Cao Đài, tuy chưa dịch ra tiếng
Anh trọn vẹn, nhưng đều có giải thích thuật ngữ tôn giáo kèm theo tiếng Anh
tương ứng để tạm “bù đắp” cho tình trạng
chúng ta chưa có một quyển từ điển Cao Đài Việt-Anh khả tín (reliable). Tạm thời, hiền muội có thể giới
thiệu soeur H. tham khảo ba địa chỉ ấy.
Chúc hiền muội và các bạn trẻ Tu Tập Sinh của Hội
Thánh Truyền Giáo Cao Đài phát triển bền bỉ để trở thành lớp người tiếp nối hữu
hiệu cho Hội Thánh. Mến chào hiền muội.
*
Hiền hữu Trần Thanh Tạo: Quầy Kinh Sách Cao Đài (Hội Thánh Truyền
Giáo Cao Đài), Tam Kỳ, Quảng Nam. Tin nhắn qua Facebook ngày 12-9-2019.
Với
Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, theo đệ nghĩ, Thầy không cho dùng nhiều hình
tướng mà hướng con cái tập trung quay về nội tâm tu luyện và phổ độ chúng sanh.
Đệ nghĩ rằng Hội Thánh và các họ đạo cần nhận định rõ ràng đường hướng này để
xây dựng Giáo Hội, xây dựng đường lối để phát triển. Thay vì làm nhiều việc hào
nhoáng bên ngoài thì nên tập trung vào chiều sâu, tạo nội lực. Hiện nay công
tác phổ độ có lẽ kém hơn trước đây. Ngày xưa phải đi bộ mà chức sắc còn tới lui
với nhân sanh ở họ đạo, xã đạo nhiều hơn bây giờ.
Sáng
nay đệ về xã đạo Thăng Phước (thuộc họ đạo Trung Khánh, xã Bình An, huyện Thăng
Bình, tỉnh Quảng Nam). Nơi này vẫn giữ nét xưa trong phần lễ. Cũng chỉ rau cháo
đạm bạc để cúng tiên linh nhân ngày vía lễ rồi đem xuống quây quần cùng nhau.
Vẫn phát quà trung thu với những chiếc bánh ú (còn có thêm ít quà nữa). Tổng
chi phí là 820.000 đồng. Đạo hữu về tham gia được ba mươi người. Tuy rất đạm
bạc nhưng cuộc lễ rất nghiêm túc, trang trọng, vui vẻ, thanh thoát. Trong xã
đạo rộn rã tiếng cười.
Ban Ấn Tống: Hiền hữu quý mến, chúng tôi ở xa nhưng vẫn luôn
quan tâm tới đạo sự của Quầy Kinh Sách Cao Đài mà hiền hữu và các bạn đồng chí
hướng đang thực hiện mấy năm nay trong lòng tin cậy, đỡ nâng của các hướng đạo
đàn anh thuộc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài tại thành phố Tam Kỳ. Trong toàn
thể các cộng đồng Cao Đài tại các tỉnh, thành hiện nay, Quầy Kinh Sách Cao Đài
ở Tam Kỳ là độc nhứt. Ôi! Giá như sáng kiến này được “nhân ra” ở nhiều nơi khác.
Những suy tư của hiền hữu về vấn đề hướng nội và
chiều sâu để tạo nội lực, chúng tôi rất đồng cảm; do đó, xin phép được chia sẻ
lại với quý bạn đạo qua mục Gió Bốn
Phương.
Việc hiền hữu về sinh hoạt với xã đạo Thăng Phước
và kể lại với chúng tôi khiến chúng tôi vui, thấy ấm lòng. Chúng tôi rất mong
và luôn mong rằng hiền hữu Trần Thanh Tạo (cũng như quý đạo hữu khác), mỗi khi
có dịp đi về một cộng đồng áo trắng bất kỳ, vui lòng dành thời gian viết lại và
gởi tới Đạo Uyển, như một mẩu tin ngắn về sinh hoạt nhà đạo. Đó cũng là cách
chúng ta nối rộng vòng tay anh chị em con chung của Thầy của Mẹ. Thân ái.
*
Hiền huynh Nguyễn Quốc Huân
(Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài). Bình luận trên facebook ngày 12-9-2019:
Đang
giữa mùa lá rụng
Lại nghĩ đến mai vàng
Đang ngày nắng chang
chang
Lại làm thơ rét mướt
Xin hỏi người biên tập
Như thế, cực lòng
không!?
Ban Ấn Tống: Hiền huynh Quốc Huân quý mến. Cảm ơn hiền huynh đã
sớm hồi âm lời mời gọi bạn đạo Cao Đài gần xa viết bài gởi Đạo Uyển Xuân 2020. Hiền huynh quả chí lý: Lời mời gọi viết bài của
Ban Ấn Tống gởi đi trong tháng 9 dương lịch, coi như đang mùa thu (vì không
phải cả nước ta đều có đủ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông); thế thì, nhà thơ lấy thi hứng ở mô mà viết thơ xuân hòng gởi đăng giai
phẩm xuân Đạo Uyển!?
Bọn mình mỉm cười đọc mấy câu ngẫu hứng của hiền
huynh, và thừa biết hiền huynh nói đùa cho vui. Thật vậy, những kẻ làm giai
phẩm xuân như bọn mình xưa nay luôn phải lo toan đón tết trước và sớm hơn bá
tánh; phải lo liệu để có sách vào đầu tháng Chạp và gởi đi các tỉnh trước ngày
đưa Ông Táo chầu Trời. Cuối năm, gần tết, bưu điện thường quá tải, nên không
chịu nhận các bưu kiện... Làm giai phẩm hạ, thu, đông thì cũng y chang như thế,
vẫn phải chạy trước cuốn lịch của nhân gian. Bọn mình khác chi những kẻ “sống vội”. Hãy mở lòng tha thứ cho những kẻ đáng
thương ấy.
Nói “tha thứ”
là thật; bởi lẽ sau khi đã đưa in Đạo
Uyển Thu 2019 thì có bạn gởi tới bài viết về tháng Bảy vu lan!
Dẫu biết hiền huynh Quốc Huân đùa cho vui, nhưng để
đáp lại tấm lòng của hiền huynh và cũng để thay lời kết, xin làm gan gởi nhà
thơ áo trắng đất Quảng mấy câu vè như ri:
Thơ
xuân mà đợi mai vàng
Để cho thi hứng nó tràn
chảy ra
Bấy giờ mới gởi “người ta”
Thì xuân giai phẩm in đà
xong xuôi
Quốc Huân huynh hỡi, huynh
ơi!
*
@ Hiền huynh Lê Văn
(Trung Hưng Bửu Tòa, Đà Nẵng). Điện thư ngày 26-9-2019:
Câu "Bồ giả, Phổ giả. Tát giả, Tế giả" có hay
không? Nếu có, xin Đạo Uyển cho biết ý nghĩa. Trân trọng cảm ơn. Kính chúc quý đạo
huynh, đạo tỷ trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo sức khỏe,
nhiều thuận lợi trong hồng ân Thầy Mẹ.
Huệ Khải: Hiền huynh kính mến, câu này đúng ra là Bồ giả phổ dã, Tát giả tế dã. 菩者普也, 薩者濟也.
Trong sách Ấu
Học Quỳnh Lâm 幼學瓊林 của Trình Đăng Cát 程登吉
đời Minh, quyển 4, mục 6: Thích Đạo Quỷ
Thần 釋道鬼神 (quỷ thần trong đạo Phật và đạo Lão) có câu: Bồ
giả phổ dã, Tát giả tế dã, tôn xưng thần chi, cố hữu Bồ Tát chi dự. 菩者普也, 薩者濟也, 尊稱神祗, 故有菩薩之譽.
Ý
nghĩa: Bồ là phổ (rộng khắp; everywhere)
vậy, Tát là tế (cứu giúp; helping) vậy,
tôn xưng thần linh nên có lời khen Bồ Tát.
Như
thế, Bồ giả phổ dã, Tát giả tế dã nhằm
giải thích rằng Bồ Tát là phổ tế, cứu giúp rộng khắp. (Phổ tế đồng nghĩa với phổ độ 普度.)
Nói
thêm: Chữ độ 度 (渡) hay tế nghĩa là từ bờ này sang bờ bên kia, qua sông, sang sông. Cho nên
kinh điển nói tế độ 濟渡 nghĩa là cứu vớt người đời ra khỏi biển khổ, giống như vớt kẻ chết đuối
lện thuyền chở sang bờ bên kia (đáo bỉ ngạn
到彼岸). Chánh pháp (dharma) vì thế ví như thuyền bát nhã (prajna boat) vớt người chìm đắm trong biển
khổ (cõi trần).
*
@ Hiền hữu Ngọc Thiện Thanh. Điện thư ngày
02-10-2019:
Ở họ đạo của tệ đệ có một vài huynh trưởng cao niên tha
thiết muốn tìm cách gầy dựng lớp trẻ con em nhà Đạo, mong ước sau này sẽ có được
những người tiếp nối cho họ đạo nói riêng cũng như cho Đại Đạo nói chung. Trong
lúc bàn bạc tìm một tên gọi phù hợp thì có ý kiến rằng hãy gọi tập thể này là “thanh
thiếu niên” thay vì gọi theo xu thế lai căng hiện nay là “tuổi teen”. Ý
kiến này khiến nảy sinh thắc mắc: Thế nào là thanh thiếu niên? Ai thuộc lứa tuổi
thanh thiếu niên? Tiếc là ngay cả vị đưa ý kiến cũng chưa giải thích đủ thuyết
phục. Vậy, kính nhờ Đạo Uyển giải thích giúp. Tệ đệ rất cảm ơn.
Huệ Khải: Hiền hữu mến, câu
hỏi của hiền hữu thật ra không dễ trả lời chút nào. Tạm nói thế này: Thanh
thiếu niên 青少年 (adolescents) là lứa tuổi gồm thiếu niên
và thanh niên, chưa thành người lớn (adults).
Hiện nay không có độ tuổi chuẩn để xác định ai là thanh thiếu niên, nhưng người
ta tạm quy ước là từ mười tới mười chín tuổi. Sau đây là hai thông tin mang tính
chuyên môn của Hoa Kỳ và của Tổ Chức Y Tế Thế Giới,([2]) có lẽ hữu ích để hiền hữu tham khảo.
1. Từ Điển Bách Khoa Anh (Encyclopædia Britannica), bản
điện tử cập nhật ngày 14-6-2019,([3]) cho biết: Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO)
định nghĩa một thanh thiếu niên là bất kỳ
ai tuổi từ mười tới mười chín.([4])
2. Năm 2002, Hội Tâm Lý Hoa Kỳ (American Psychological Association) ở
thủ đô Washington xuất bản một tài liệu 41 trang với nhan đề: Các Thanh Thiếu Niên Đang Phát Triển: Tham
Khảo Dành Cho Các Nhà Chuyên Môn (Developing
Adolescents: A Reference for Professionals). Trong Lời Mở Đầu (Prefrace),
trang 1, tài liệu này viết:
Hiện nay không có một định
nghĩa chuẩn mực về “thanh thiếu niên”. Mặc dù thường được căn cứ vào độ tuổi,
nhưng đấy chỉ là một cách định nghĩa thanh thiếu niên. Thanh thiếu niên còn có
thể được định nghĩa theo nhiều cách khác, chẳng hạn xem xét các yếu tố như là
sự phát triển về thể lực, tính xã hội, và tinh thần (trí não) cũng như lứa
tuổi. Ví dụ, thanh thiếu niên có thể định nghĩa theo cách khác, là quãng thời
gian từ lúc bắt đầu dậy thì cho tới khi cá nhân ấy không còn phải lệ thuộc về
kinh tế. Điều quan trọng nhất là xem xét cẩn thận các nhu cầu và năng lực của
mỗi thanh thiếu niên. Vì mục đích của tài liệu này, thanh thiếu niên nói chung được
định nghĩa là các bạn trẻ tuổi từ mười tới mười tám.([5])
Ngay sau đoạn văn dẫn trên, cùng trang 1, tài liệu cho một chú thích tỉ
mỉ như sau:
Không có một độ tuổi chuẩn để
dịnh nghĩa thanh thiếu niên. Các cá nhân có thể bắt đầu là thanh thiếu niên trước
tuổi lên mười, y hệt như một số khía cạnh của thanh thiếu niên thường tiếp tục
phát triển sau tuổi mười tám. Mặc dù mức trên của giới hạn tuổi đôi khi được
xác định là lớn hơn tuổi mười tám (ví dụ, hai mươi mốt hay hai mươi lăm), có
một sự đồng thuận phổ biến rằng nên xem thanh thiếu niên là những người trong độ
tuổi từ mười tới mười tám. Tuy nói như vậy, song các nhà chuyên môn làm việc
với các bạn trẻ lớn hơn mười tám tuổi vẫn có thể tìm thấy thông tin liên quan
chứa trong tài liệu này để hiểu được thân chủ của mình.([6])
Họ đạo của hiền hữu ưu tư về việc gầy dựng một tập
thể thanh thiếu niên để làm thế hệ tiếp nối quả là điều rất quý và rất đáng trân
trọng. Tôi đồng ý với hiền hữu rằng “nói trước bước không
qua”; vì vậy xin nghe theo đề nghị của hiền hữu là ẩn danh họ đạo, và chúc
nguyện quý họ đạo sẽ sớm hiện thực được ước vọng rất chánh đáng này.
*
* Hiền hữu Trương Ngọc Hải: xã An Bình Tây, huyện
Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Thư ngày 10-10-2019:
Kính thưa Ban Ấn Tống, xin nhờ quý vị giảng nghĩa giúp
bốn chữ “phi Đạo hoằng nhân”
của Đức Khổng Tử. Rất cảm ơn Ban Ấn Tống.
Huệ Khải: Hiền hữu mến, Luận
Ngữ, thiên 15, câu 29, chép: 子 曰: 人 能 弘 道, 非 道 弘 人. Tử viết: Nhân năng hoằng Đạo, phi Đạo
hoằng nhân. Xưa nay, cụm từ “phi Đạo hoằng nhân” hoàn toàn không dễ hiểu; các sách thường chỉ dịch
theo mặt chữ nên tối nghĩa. Chẳng hạn:
1. James Legge (1815-1897, Tô Cách Lan) dịch: The Master
said, “A man can enlarge the
principles which he follows; those principles do not enlarge
the man.”
2. Charles Muller (sinh năm 1953, Mỹ) dịch: The Master said: “It is the person who
unfolds the Way. It is not the Way that unfolds the person.”
3. Lê Anh Minh dịch: Khổng Tử nói: Con người có thể làm cho Đạo phát triển lớn mạnh chứ Đạo
không làm cho con người phát triển lớn mạnh.
Cả ba cách dịch dẫn trên tương tự về nghĩa, nhưng
đều là dịch theo mặt chữ, nên không giúp chúng ta sáng tỏ ý gì,
mà ba người dịch cũng không giải thích.
4. Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) dịch: Khổng Tử nói: Người ta có thể làm cho Đạo
rộng lớn lên; Đạo không làm cho con người rộng
lớn được.
Người dịch chú thích:
Ý
muốn nói: Con người chủ động, làm cho Đạo sáng thêm, rộng thêm được; nếu con
người bị động, cứ cố chấp, giữ đúng Đạo thì Đạo
chỉ làm cho con người hóa hẹp hòi thôi. Trách nhiệm ở người
chứ không phải Đạo.
5. Dương Bá Tuấn 楊伯峻 (1909-1992) chú thích câu Nhân
năng hoằng Đạo, phi Đạo hoằng nhân như sau:
Khổng Tử thật sự
muốn nói gì và như thế nào là phi Đạo hoằng nhân, những điều đó rất khó để lĩnh hội. Chu Hy [朱熹 (1130-1200)] miễn
cưỡng giải thích thêm, còn Trình Hạo [程顥 (1032-1085)] thì nói trong “Luận Ngữ Tập Chú
Thuật yếu” rằng: “Chương [câu?]
này không phải khó giải thích nhất mà là đáng nghi ngờ
nhất”, do đó chúng tôi không suy đoán gì thêm nữa.” (Dương Bá Tuấn,
Luận Ngữ Chú Giải. Ngô Trần Trung Nghĩa dịch. Hà Nội: Nxb Văn Học,
2019, tr. 374-375)
Tóm lại, ngay cả các tác gia Trung Quốc cổ kim
cũng thấy cụm từ “phi Đạo hoằng nhân” khó
hiểu (và khả nghi). Như vậy, để cho “an
toàn”, khi cần trích dẫn thì chúng ta chỉ nên dùng phân nửa đầu (Nhân năng hoằng Đạo) mà thôi.
Dương Bá Tuấn là con cả của Dương Thụ Cốc 楊樹穀, còn gọi là Dương Đức Sùng 楊德崇. Bá Tuấn thuở ấu
thơ sớm được ông nội dạy cho đọc Luận
Ngữ, và Tả Truyện. Nhưng người
ảnh hưởng Bá Tuấn nhiều nhất là triết gia Dương Thụ Đạt 楊樹達, cũng là chú (hay bác) ông.
Năm 1926 Bá Tuấn trúng tuyển vào khoa Trung Văn của
Bắc Kinh Đại Học, tốt nghiệp năm 1932. Ông làm phó giáo sư tại khoa Trung Văn
này năm 1953 và bắt đầu soạn Luận Ngữ
Dịch Chú 論語譯註 (xuất bản
năm 1958). Khoảng năm 1957,
do xã hội xáo trộn, ông bị thuyên chuyển tới Lan Châu Đại Học ở tỉnh Cam Túc xa
xôi, vẫn dạy Trung Văn. Tại đây ông soạn Mạnh
Tử Dịch Chú 孟子譯註 (xuất
bản năm 1960).
Năm 1960 ông trở lại Bắc Kinh, làm việc cho Trung Hoa
Thư Cục Hữu Hạn Công Ty 中華書局有限公司, và bắt đầu soạn Xuân
Thu Tả Truyện Chú 春秋左傳註. Ông bỏ ra hai
mươi năm cặm cụi làm việc mới hoàn thành bản chú giải này (xuất bản năm 1981)
và nổi tiếng. Năm 1990 sách này được hiệu đính và tái bản. Ngoài ra, Bá Tuấn và
vợ là Từ Đề 徐提 có hợp soạn Tả Truyện Từ Điển (xuất
bản năm 1985).
*
@ Hiền muội Minh Tuyết, Điện thư ngày
15-10-2019:
Tại thánh tịnh An Tiên (Chợ Lách, Bến Tre), đàn
cơ lúc Tý thời, mùng 01 rạng mùng 02 tháng 02 Đinh Mùi (11 rạng 12-3-1967), Đức
Tam Trấn Oai Nghiêm Quan Âm Bồ Tát dạy:
“Nhưng than ôi! Chỉ tiếc vì tự ngàn xưa, giới nữ
lưu đã bị gán những tiếng như nhi nữ thường tình, tay yếu chơn mềm, quần vận yếm
mang, phụ nhơn nan hóa, nhược chất liễu bồ, khê hắc chi tâm, lá lâm chi khẩu.”
Kính nhờ Đạo Uyển giải thích cho đạo muội tám chữ
khê hắc chi tâm, lá lâm chi khẩu. Xin cảm ơn Ban Ấn Tống.
Huệ Khải: Tám chữ in đậm viết theo cấu trúc chữ Hán A
chi B; trong đó A bổ nghĩa (modifying)
cho B. Thí dụ: mẫu tử chi tình 母子之情 tức là tình mẫu tử, tình mẹ con; thiên địa chi tâm 天地之心 tức là lòng trời đất (vô tư,
không thiên vị).
1.
Điển ký hay người sao chép thánh giáo đã nhầm lẫn khi viết khê hắc. Đúng
ra là khê hác.
Khê 溪 là suối, lạch, khe
nước, dòng nước trong núi. Hác 壑 là khe nước trong núi, ngòi nước, rãnh nước hẹp. khê hác chi tâm 溪壑之心 là lòng dạ hẹp hòi, lắt léo như suối khe
quanh co trong núi (không rộng như sông lớn, biển cả).
2.
Xét cụm từ lá lâm chi khẩu, thì lá là chữ Việt, còn lâm chi khẩu
là chữ Hán. Vậy không thể kết hợp theo cấu trúc chữ Hán A chi B được.
Tôi e rằng điển ký hay người sao chép thánh giáo đã viết sai chữ lá. Do
đó, không thể nói ý nghĩa cụm từ này là gì.
*
([5]) There is currently no
standard definition of “adolescent.” Although often captured as an age range,
chronological age is just one way of defining adolescence. Adolescence can also
be defined in numerous other ways, considering such factors as physical,
social, and cognitive development as well as age. For example, another
definition of adolescence might be the period of time from the onset of puberty
until an individual achieves economic independence. What is most important is
to consider carefully the needs and capabilities of each adolescent. For the
purposes of this document, adolescents are generally defined as youth ages 10
to 18.
([6]) There is no standard age range
for defining adolescence. Individuals can begin adolescence earlier than age
10, just as some aspects of adolescent development often continue past the age
of 18. Although the upper age boundary is sometimes defined as older than 18
(e.g., age 21 or 25), there is widespread agreement that those in the age range
of 10 to 18 should be considered adolescents. That being said, professionals
who work with young adults over age 18 may still find the information contained
in this report to be relevant for understanding their clients.