Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2020

VAI TRÒ TÔN GIÁO TRONG XÃ HỘI HIỆN ĐẠI (Đạo Uyển 33 / Xuân 2020)


VAI TRÒ TÔN GIÁO
TRONG XÃ HỘI HIỆN ĐẠI
(The Role of Religion in Modern Society)
HIDEKI KATO
GIỚI THIU: Bài này nguyên là diễn văn đọc tại cuộc Đối Thoại Lần Thứ Sáu Trong Các Nền Văn Minh Giữa Nhật Bản và Thế Giới Islam ([1]) tổ chức ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia ngày 23-3-2008. Xét về thời gian thì không còn mới, nhưng ý tưởng của tác giả vẫn còn có khá nhiều điều để giới nghiên cứu tôn giáo quan tâm.
Hideki Kato gia nhập Bộ Tài Chánh Nhật Bản năm 1973 và giữ nhiều chức vụ tại: Văn Phòng Chứng Khoán, Văn Phòng Thuế Vụ, Văn Phòng Tài Chánh Quốc Tế, Viện Chánh Sách Tài Chánh Và Tiền Tệ.([2]) Tháng 9-1996 ông xin nghỉ việc.
Tháng 4-1997, ông thành lập một tổ chức nghiên cứu độc lập và phi lợi nhuận với tên gọi Sáng Kiến Nhật Bản (Japan Initiative), rồi làm chủ tịch (president) tổ chức này kể từ đó.
Những năm 1997-2008, ông làm giáo sư dạy quản trị chính sách tại Khánh Ứng Nghĩa Thục Đại Học 慶應義塾大 (Keio University, thành lập năm 1858).
Tháng 4-2006 ông nhận chức nghị trưởng (chair-man) Đông Kinh Tài Đoàn 東京財団 (Tokyozaidan, hay the Tokyo Foundation), là một tổ chức nghiên cứu được thành lập năm 1997 để phân tích các vấn đề trong nước và quốc tế áp dụng cho tương lai nước Nhật. Tháng 10-2009, ông làm tổng thơ ký cho một đơn vị trong Nội Các Chánh Phủ Nhật; đơn vị này gọi là Hành Chánh Loát Tân Hội Nghị Sự Vụ Cục 行政刷新會議事務局 (Government Revitalisation Unit).
Từ tháng 4-2010 ông làm chủ tịch (president) Đông Kinh Tài Đoàn ([3]) và kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 6-2012.
DIỄN VĂN CỦA HIDEKI KATO
Tôi không phải là một học giả nghiên cứu các tôn giáo, cũng không phải là một chuyên gia về đạo Islam, nhưng với góc nhìn về đường lối chánh phủ và tổ chức xã hội, tôi quả thật có nhiều suy tư tới những vấn đề trọng yếu mà xã hội hiện đại đang giáp mặt. Thế nên hôm nay điều tôi ước muốn thực hiện là cống hiến một sơ thảo về cái mà tôi xem là vai trò của tôn giáo trong xã hội hiện đại với hy vọng cung cấp chút gì gợi mở cho tư duy. Mặc dù vậy, tôi phải thú nhận rằng tôi không phải một chuyên gia trong lãnh vực này, thế nên tôi xin quý vị lượng thứ nếu những nhận thức của tôi không chính xác.
Con người và nền văn minh hiện đại
Trước tiên tôi muốn trình bày về bản chất của nền văn minh hiện đại. Một nhà khoa học có lần bình luận rằng yếu tố xác định sự khác biệt giữa các nền văn minh hiện đại và cổ xưa là ngày nay chúng ta sẵn sàng dùng tới sức mạnh cơ khí. Bằng cách đốt cháy các nhiên liệu lấy từ lòng đất, vốn là một nguồn năng lượng được tích trữ dưới đất qua nhiều triệu năm, chúng ta có thể làm bước đi của mình tiến xa hơn, mở rộng phạm vi hoạt động của chúng ta, và đã thúc đẩy sự phân chia lao động và kinh tế tiền tệ tới những giới hạn sau cùng của chúng. Ngày nay, các hoạt động của chúng ta tức khắc tác động tới mọi ngõ ngách của hoàn vũ.
Nền văn minh hiện đại đã ban phước cho con người với nhiều lợi ích, bao gồm sự tiện nghi, thoải mái, và phồn vinh kinh tế.
Đồng thời, nó đã đẻ ra một số những điều tôi gọi là “các hiện tượng bệnh lý” (pathological phenomena), mà một trong những điều lớn nhất là cuộc khủng hoảng môi sinh toàn cầu. Một điều khác nữa là mỗi ngày người ta mua bán tài chánh và các sản phẩm khác với mức độ nhiều hơn nhu cầu thật sự hàng mấy trăm lần, thậm chí hàng mấy ngàn lần. […] ([4])
Mặc dù con người có bộ não phát triển cao, chúng ta vẫn là một phần của thế giới động vật. Nhưng, chính sự phát triển não bộ khác nhau đã đưa tới việc tạo ra văn minh. Những khía cạnh khác nhau của nền văn minh hiện đại là các sản phẩm nhân tạo và tốc độ hoạt động nhanh hơn... Bản thân chúng đang tạo ra những hố ngăn cách thậm chí còn lớn hơn giữa con người và các sinh thể khác (other life forms). Những hố ngăn cách này thật ra đã trở nên to lớn đến nỗi các khía cạnh không-phải-con-người (non-human) lâu nay đã không thể bắt kịp với nền văn minh hiện đại. Thế thì, người ta có thể chỉ ra đặc tính của các bệnh lý hiện đại như là sự biểu thị của hiện tượng này.
Tôn giáo
Đối với phần đông con người, tôn giáo trả lời những câu hỏi quan trọng trong đời; chẳng hạn, ở Phật Giáo thì xoay quanh các chủ đề sanh, lão, bệnh, tử. Đạo Phật dạy con người cách đối trị các ham muốn, âu lo, và sợ hãi. Đạo Phật còn mang lại cho con người sự an ủi (comfort) và in dấu ấn về sự cần thiết phải kham nhẫn (resignation).
Đồng thời, căn cứ trên giáo lý, đạo Phật cung cấp một hệ thống các chuẩn mực xử thế hàng ngày. Tính bao quát của các hệ thống như thế chắc chắn sẽ tùy thuộc vào việc người ta đang nói tới một tôn giáo mang tính thế giới hay một tín ngưỡng địa phương, bản địa (a world religion or a local, indigenous faith). Tính phổ quát nhất của các hệ thống như thế, tính siêu việt thời gian, vùng miền, và văn hóa, đó là những gì đã nổi bật lên như là những tôn giáo mang tính thế giới.
Nói khác đi, phần lớn con người kỳ vọng tôn giáo sẽ lấp đầy cái hố ngăn cách mà trên đây tôi đã nói tới, cái hố ngăn cách giữa con người và các sinh thể khác.
Tính phổ quát của những giá trị mà tôn giáo duy trì lại nằm trong lãnh vực các khái niệm trừu tượng. Khi chúng thực sự được thực thi một cách cụ thể, chúng thể hiện ra ở những hình thái khác nhau tùy theo không gian và thời gian.
Điều này na ná như sự kiện là các giá trị phổ quát của xã hội hiện đại, chẳng hạn tự do, bình đẳng, công bằng, và nhân quyền, được duy trì bằng những cách khác nhau tùy theo quốc gia và nhóm sắc tộc (ethnic group).
Xã hội hiện đại tìm kiếm điều gì trong tôn giáo
Theo ý nghĩa này, tôi tin rằng tôn giáo sẽ nhập cuộc với vai trò không ngừng to tát thêm hơn để lấp đầy cái hố ngăn cách quá lớn giữa con người và các các sinh thể khác mà nền văn minh hiện đại đã tạo ra.
Vai trò của tôn giáo sẽ không chỉ là an ủi con người trong cuộc đấu tranh sinh tồn mà còn là kềm chế những quá đà quá trớn của nền văn minh. Chẳng hạn, trong lãnh vực tiểu vi (the microscopic world), nền văn minh hiện đại đã có được khả năng sử dụng các thông tin về di truyền học. Những nỗ lực như thế để điều chỉnh các cơ chế của sự sống đang được lèo lái bằng những tiến bộ trong kỹ thuật học và bằng lòng tham của con người, mặc dù chưa thấy rõ ràng ảnh hưởng tiềm ẩn của chúng trong tương lai (their potential future impact).
Trên bình diện rộng lớn hơn, trải qua nhiều thập niên người ta đã không đếm xỉa tới những vấn đề về môi sinh mặc dù các nhà khoa học đã cảnh báo rằng vấn đề này thật sự nghiêm trọng, chủ yếu vì con người chưa cảm nhận được ngay tức khắc những hậu quả ấy. Điều này đã đưa đến cuộc khủng hoảng chúng ta đang giáp mặt hôm nay.
Cả hai vấn đề này đều đòi hỏi cần thiết phải kềm chế những tham dục của con người, mà đây là một nhiệm vụ căn bản đối với bất kỳ mọi tôn giáo.
Nếu có nhiệm vụ đóng vai trò lớn lao hơn trong việc kềm chế những quá đà quá trớn như thế, thì tôn giáo phải giáp mặt với một số vấn đề gì? Tôi muốn xem xét điểm này liên hệ tới vai trò của Phật Giáo ở Nhật Bản.
Ngày nay vấn đề lớn nhất mà tôn giáo giáp mặt chính là tôn giáo dường như không thể theo kịp nền văn minh hiện đại. Hố ngăn cách giữa con người và các sinh thể khác mà tôn giáo đang nói tới là cái đã có mặt cách nay khoảng một thế kỷ.
Điều này đúng cho hầu hết các tôn giáo […].([5])
[…] ([6]) Tôi chắc chắn rằng tất cả các tôn giáo trên thế giới, kể cả đạo Islam, đã nỗ lực để thích nghi với thời đại bằng cách bổ sung các khái niệm mới và thay đổi những cách diễn dịch. Nhưng những thay đổi ấy khi thực hiện lại có những khác biệt về tốc độ và phạm vi. Tôi muốn nói thêm rằng còn có những khác biệt trong cách thức những người sùng đạo thuộc các đức tin khác nhau phản ứng lại những thay đổi ấy.
Để cho các tôn giáo bắt kịp văn minh hiện đại và giải quyết hiệu quả những bệnh lý của nền văn minh này, tôi tin rằng điều quan trọng là các tôn giáo hãy giải thích các khía cạnh giáo lý cốt lõi của mình theo một cách thức mà con người hiện đại dễ dàng lãnh hội. Cũng cần yếu phải thiết lập các chuẩn mực xử thế hàng ngày sao cho chúng theo kịp những lối sống hiện đại. Về mặt này, tôi tin rằng quan trọng là hãy tính đến những phản ứng khác nhau tùy theo vùng miền và nhóm sắc tộc.
Tôi vững tin rằng dân tộc Nhật Bản vốn sẵn có những tình cảm tôn giáo rất mạnh mẽ nhưng những tình cảm này đang mau chóng bị đánh mất trong xã hội hiện đại, đặc biệt là ở các khu vực thành thị. Về phần đạo Phật ở Nhật Bản, tôi tin rằng tôn giáo này cần mau chóng bắt kịp nền văn minh hiện đại và thực hiện hai thay đổi tôi mới vừa nói tới nếu như đạo Phật vẫn còn là một phương tiện khả thi (viable) để bắc cầu nối lại khoảng cách giữa con người và các sinh thể khác trong xã hội đương đại.
Bản dịch: HUỆ KHẢI
Nhiêu Lộc, 25-12-2014



([1]) The Sixth Dialogue among Civilizations between Japan and the Islamic World. Bản tiếng Anh truy cập tại:
http://global.tokyofoundation.org/en/opinion/article/o08040102/view
([2]) The Securities Bureau; the Tax Bureau; the International Finance Bureau; the Institute of Fiscal and Monetary Policy.
([3]) http://www.tokyofoundation.org/en/past-experts/kato-hideki
([4]) Tôi lược bớt dòng này: “On the personal level, there has been a rise in such allergies as hay fever and atopy in Japan, and the number of mental patients suffering from depression and people committing suicide has been on the rise.” Dịch: Ở bình diện cá nhân, tại Nhật Bản đã có sự gia tăng những chứng dị ứng như sốt cỏ khô (hay fever), dị ứng ngoài da (atopy), và con số bệnh nhân tâm thần do trầm cảm, những người tự sát cũng đang gia tăng.
([5]) Tôi lược bớt những chữ này: “… as aptly illustrated by the fact that the condemnation of Galileo for heresy was only recently rescinded.” (… như được minh họa một cách thích hợp bằng sự kiện là án cáo buộc Galileo phạm tội dị giáo chỉ mới vừa được hủy bỏ gần đây thôi.)
([6]) Tôi lược bớt câu này: How Islam deals with progress was discussed at a previous meeting of the Dialogue among Civilizations between Japan and the Islamic World.(Đạo Islam giải quyết thế nào sự tiến bộ được thảo luận trong một cuộc họp trước đây của Đối Thoại Trong Các Nền Văn Minh Giữa Nhật Bản và Thế Giới Islam?)