Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2020

BUỔI TRƯA LAN MAN, truyện (Đạo Uyển 33 / Xuân 2020)



BUỔI TRƯA LAN MAN
HÀ NHƠN
Chuông cửa reo lên một tiếng ngắn gọn rồi lặng tắt. Không biết ai tới, nhưng Tân có thiện cảm với người ấy tức khắc. Bởi vì lắm người nhận chuông như trẻ con phá phách; nhận liên hồi, chủ nhà nghe rất khó chịu. Thường họ nhận chuông mà không nghe được tiếng chuông vì chuông để tuốt phía trong nhà, nên ngón tay cứ gí vào nút chuông điện, chẳng nhả ra. Đáng lẽ nhận chuông xong thì cũng đợi cho chủ nhà đủ thời gian đi ra cửa chứ.
Tân rời bàn, toan bước ra ngoài thì lúc cúi xuống tìm dép, chợt thấy mình đang mặc quần cộc, liền quờ tay cầm lấy cái quần dài vải trắng vắt trên lưng ghế dựa. Lại mất thêm chút xíu thời gian cho việc tề chỉnh y phục. Ngoài kia khách nhẫn nại, không nhận chuông hối thúc.
Buổi trưa, nắng gay gắt đổ xuống. Hàng rào dâm bụt nhà Tân lá vẫn xanh, nhưng thiếu nét tươi tắn thường có sau mỗi lần tắm trận mưa dai dẳng. Khách đang đứng nép bên cánh cửa cổng cao hơn ngực. Song cửa gỗ thưa không giấu được bàn tay phải đang giữ ghi-đông xe đạp, trong lúc bàn tay trái giơ lên giữ lấy vành chiếc nón lá lệch xuống che nghiêng gần hết khuôn mặt. Cánh tay áo bà ba trắng hơi tụt xuống, phô ra cổ tay thon tròn, rám nắng.
Mở chốt cửa cổng, kéo nhẹ cánh cửa vào trong, Tân cất giọng vui vẻ:
- Kìa chị Thanh Hiên! Nắng nôi quá! Mời chị vào.
Đẩy nón lá cho hơi ngả ra sau, vẫn đứng yên chỗ, Thanh Hiên nở nụ cười thân mật:
- Ghé nhà giờ này chẳng phải chút nào đâu, nhưng bác mời em có rảnh thì sang chơi. Dường như bác muốn trao đổi với em điều gì thì phải. Hồi sáng, họp ở thánh thất về muộn, bác lại ra vẻ đăm chiêu, nghĩ ngợi.
- Sao chị lại đạp xe giữa trưa nắng thế này cho cực!
Lại cười:
- Thì sẵn có chút việc gần đây mà tiện đường qua ngang nhà em. Vả lại, mới hái ít rau trong vườn, đem chia hai em nấu canh ăn cho mát.
Đón lấy túi ny lông đựng rau vừa được lấy ra từ chiếc giỏ thép gắn ở đầu xe đạp, Tân nài:
- Vào nhà uống miếng nước, chị nhé!
- Thôi, cảm ơn em. Chị ghé em trước để rau khỏi héo. Bây giờ còn phải vội đi cho xong việc của chị đây.
*
- Khách nào vậy anh?
Trao túi rau cho Hảo, vừa cởi áo sơ mi cho mát Tân vừa nói:
- Chị Thanh Hiên. Bác Giáo Hai nhắn anh qua nói chuyện chi đó. Mời vào uống nước nhưng chị vội, lật đật đạp xe đi rồi.
- Thì có lúc nào chị ấy rảnh rang đâu. Một thân một mình quán xuyến đủ việc, buông cái này bắt cái kia liền tay. Con nuôi mà như chị thì bác Giáo Hai có phước lắm.
Tân gật đầu, đồng ý với vợ. Để Hảo xách túi rau vào bếp, Tân trở ra bàn, định xem tiếp trang sách đọc dở thì chợt nhớ lời Hảo nói “bác Giáo Hai có phước lắm”, và không khỏi lan man hồi tưởng gần xa.
Là Giáo Hữu nghỉ hưu nhưng thỉnh thoảng bác vẫn dự thính các cuộc họp quan trọng theo nhã ý thỉnh mời của Ban Cai Quản. Bác lịch duyệt, trường trai hiến thân hành đạo từ thuở thanh xuân nên rất được họ đạo tín nhiệm. Bởi vậy, lúc bác nhất quyết xin nghỉ hưu, họ đạo thuyết phục mãi chẳng được, hầu như ai cũng tiếc, trong đó có Tân.
Còn nhớ in như chuyện vừa mới hôm qua. Lúc ở nhà bác, chỉ có hai bác cháu, Tân viện đủ lý do để nài nỉ bác nán lại thêm vài năm nữa, thì bác ôn tồn giải thích:
- Trong đơn xin nghỉ hưu nhờ họ đạo kính chuyển về Hội Thánh bác không tiện nói hết nỗi niềm suy tư, Tân à. Bấy lâu bác vẫn quý cháu vì biết cháu thực lòng thương Thầy mến Đạo. Bởi vậy, bác thổ lộ với cháu gan ruột bác.
Bác Giáo Hai ngưng lại và ngó mông ra vườn, dường như suy nghĩ xem nên bắt đầu từ đâu. Tân lặng thinh chờ đợi, và đưa mắt ngắm ông lão da dẻ hồng hào, râu tóc trắng như mây. Rồi Tân nghe giọng bác, thong thả và nhỏ nhẹ:
- Trên giấy tờ thì bác tám hai, nhưng hồi xưa ở làng con nít sanh ra có ai làm giấy làm tờ liền đâu. Chừng bác đi học, ông thân mới ra nhà việc lo thủ tục. Tính ra bác trễ hết bốn năm. Nghe nói bên Công Giáo, linh mục bảy mươi tuổi thì được nghỉ coi giáo xứ; hồng y tám mươi tuổi thì được miễn qua Vatican bầu giáo hoàng. Quy định như vậy ắt phải có cái lý của nó. Hãy loại trừ những trường hợp có một số người thể chất và trí tuệ khác thường mà nên lấy cái chung của đa số nhơn sanh để suy xét. Phải chăng ở tuổi bảy mươi, tám mươi thì theo luật tự nhiên của trời đất mình kém sáng suốt rồi, phán đoán và quyết định dễ sai lầm. Nếu làm chức sắc với quyền hành xử thay cho Hội Thánh ở một địa phương mà sai lầm thì hại cho Đạo, tội đó lớn lắm, phải biết sợ. Hơn nữa, tuổi già mình dễ lú lẫn, suy nhược; mình ra trước nhơn sanh mà bộc lộ chỗ suy nhược, lú lẫn thì nhơn sanh khi dể nếu họ không ưa mình. Nhược bằng ưa mình thì họ sanh lòng thương hại. Đằng nào cũng dở cho mình. Vậy phải biết rút lui trước khi quá trễ.
Tân cố cãi:
- Nhưng bác tu chơn từ trẻ, thể chất và trí lực vẫn đủ đầy. Bác quả là ngoại lệ thì đừng nghỉ hưu, uổng lắm bác.
Bác mỉm cười:
- Bác biết thân bác rành hơn cháu chớ! Vả lại, mình đương chức quá lâu thì cản đường tiến đạo lập công của người khác.
Lần đầu tiên được nghe nói rằng “mình đương chức quá lâu thì cản đường tiến đạo lập công của người khác”, Tân không giấu được nỗi sửng sốt, nhìn chăm chăm bác Giáo.
Hiểu ý, bác từ tốn đứng dậy, rời bàn nước đi tới chiếc tủ nhỏ đựng kinh sách. Khi trở lại, tay bác cầm một quyển không dày lắm, bìa bọc giấy dầu cũ kỹ.
Bác mở sách, tìm chỗ đánh dấu sẵn từ đời nào rồi nói:
- Tân Luật năm 1927 lời các tiền khai soạn cô đọng nên mình khó hiểu hết ý. Chẳng hạn, Điều Thứ Tám của phần Đạo Pháp quy định một câu ngắn gọn: “Lễ Sanh muốn lên Giáo Hữu thì nhờ cả Lễ Sanh xúm nhau công cử.” May thay, năm Mậu Dần tức 1938, Đức Lý Giáo Tông chú giải chỗ này rõ ràng như sau: “Chức Giáo Hữu khuyết hoặc hưu trí, Lễ Sanh đặng cử lên chức ấy.” Khuyết là sao? Có thể là vị Giáo Hữu nào đó quy thiên, bị giáng chức, bị trục xuất chăng? Mấy trường hợp này nghe tệ quá, có lẽ vì vậy mà Đức Giáo Tông không cụ thể hóa. Nhưng với hai chữ “hưu trí” thì lời Ngài rất sáng tỏ. Tân à, bác cứ trăn trở mãi về điều này mà vẫn để bụng để dạ bấy lâu. Bác hưu trí rồi thì chẳng phải là mở đường cho Lễ Sanh tiến lên ư?
Tân bật cười, quên cả dè dặt với bậc trưởng thượng:
- Chẳng ai diễn giải . . . kỳ khôi như bác đâu.
Bác nghiêm nét mặt:
- Cháu mới nói gì đó? Chẳng phải vì lịch sự nên nói trớ đi à? Thật ra ý cháu là bác lẩm cẩm, đúng không nào?
Tân hơi hoảng, vội nói:
- Xin lỗi bác, nhưng cháu đâu dám hỗn!
- Bác không trách cháu, chỉ muốn xác định rằng chính cháu cũng vừa nghĩ là bác lẩm cẩm đấy thôi. Lúc nãy cháu khéo dùng uyển ngữ, nói giảm cho bác khỏi mích lòng.
Nụ cười bao dung trên gương mặt phúc hậu khiến Tân yên tâm, biết rằng bác nói thật bụng. Tân lúng túng, chưa biết lựa lời ra sao cho hợp hoàn cảnh này thì bác nói tiếp:
- Tuổi già ngoài tật lẩm cẩm lại còn bảo thủ, sợ đổi mới, sợ lớp đàn em giỏi hơn mình. Như vậy là không đúng lẽ Đạo, vì thánh hiền dạy: “Nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân.” Em hơn anh thì Đạo mới phát triển.
Buổi trò chuyện hôm đó Tân chịu thua. Anh vốn dở biện bác.
Thế rồi bác được Hội Thánh thuận cho nghỉ hưu. Nhưng bác vẫn không thôi gắn bó với họ đạo, và sống trong sự chăm sóc tận tụy của con gái nuôi.
Thanh Hiên thật ra là cháu ruột, con vợ chồng chú em bác Giáo Hai. Giữa thời bom đạn triền miên cô bé sớm rơi vào cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Muốn tránh cho cháu nhỏ khỏi phải lạc loài, bác nhận về nuôi, cho ăn học. Cô bé ăn chay trường luôn với bác, tập làm đồng nhi, rồi thuộc kinh cúng tứ thời, kinh cúng cửu, v.v… từ lứa tuổi con nít còn ham nhảy dây, nhảy lò cò, đánh chuyền với trái banh và bó đũa.
Đang học thi Tú Tài Hai thì Thanh Hiên ngã bệnh. Không rõ lý do sâu xa nào khiến chị bỏ dở việc học, mà bác cũng chấp thuận. Về sau có mấy chỗ đánh tiếng xin bỏ trầu cau, chị đều từ khước và xin được tập tành bước vào nẻo tu chơn giống như bác. Thanh Hiên không xuất gia vào nhà tu vì muốn trọn hiếu với cha nuôi cũng là bác ruột. Một già một trẻ cứ thế đùm bọc nhau trên khoảnh đất vườn nho nhỏ thừa kế từ tổ phụ của bác. Huê lợi tuy khiêm tốn nhưng chị khéo tằn tiện và chịu cực nhận dạy kèm một số trẻ tiểu học, trung học đệ nhất cấp trong xóm. Bác Giáo Hai nhờ vậy được hưởng cảnh “lão giả an chi” đúng như ước mơ bình sinh của Đức Khổng Tử trong thời buổi Hội Thánh chưa đủ điều kiện cất được nhà hưu dưỡng cho chức sắc.
“Bác Giáo Hai có phước lắm”, lời nói ấy của Hảo giống như chất xúc tác khiến ký ức Tân lập tức hoạt động, và quay nhanh khúc phim gồm những mảnh vụn trong cuộc đời hai con người mà vợ chồng anh yêu quý, kính trọng. Đó cũng là lý do Tân đồng thuận rằng “Bác Giáo Hai có phước lắm”.
*
Tân giật mình, quay lại. Hảo đang ở ngay sau lưng, bàn tay phải dịu dàng đặt lên vai chồng.
- Anh có muốn tắm cho mát rồi thay đồ qua nhà bác Giáo Hai thì chuẩn bị đi. Đừng để bác trông.
Hảo đặt một gói khá to lên bàn, dặn dò:
- Có hộp lúa mạch nguyên hạt và ít hạt sen. Tiện thể anh mang biếu, nói chị Thanh Hiên nấu chung với nấm rơm hay cà rốt, mời bác dùng cho bổ dưỡng.
Tân nhìn Hảo, cười cười:
- Mới nhận được túi rau, giờ xách gói này qua, giống như trả nợ liền tay vậy.
- Giữa chị Thanh Hiên với chúng mình, ai lại nói thế!
Hảo lườm yêu chồng một cái rõ dài.
HÀ NHƠN
(Trích Những Người Con Áo Trắng, truyện dài)