Đức Chí Tôn dạy:
“Bước đường còn dài, vì sự cấp thiết của cơ Đạo bắt buộc mỗi con phải cố gắng thực hiện nền thánh đức của Thầy …” [1]
Tìm hiểu và thực hiện thánh đức của Thầy không phải là việc của riêng một người trong một hạn định thời gian và không gian nào đó. Bởi vì trí người thì hạn chế, còn thánh đức của Đấng Cha Trời thì vô biên, nhược thiệt nhược hư, lại thường ứng hóa theo lòng chúng sanh. Ban đầu chúng ta nương theo thánh giáo, tìm những chỗ gợi cho chúng ta nhận ra thánh đức của Thầy. Lâu dài về sau, suốt nhiều năm tháng thờ Thầy học đạo, chúng ta sẽ có cơ hội nhận ra thánh đức tế vi, ẩn diệu của Thầy.
Những thánh đức ban đầu chúng ta có thể học được trong thánh huấn của Thầy có thể kể ra là:
- Đức khiêm nhường.
- Đức yêu thương.
- Đức cương nghị.
- Đức công bình.
- Đức thuần chơn vô ngã.
Đức Chí Tôn dạy:
“Cái đà để cho các cái đà khác để lên là Thầy. Vì Thầy lại hạ mình dưới hết để cho các con bước lên đây mà đi.”.[2]
Người đời, kể cả người thuộc các tôn giáo thường dùng đủ mọi kiểu cách và ngôn từ để tôn vinh Đấng tối cao hoặc để tự tôn vinh chính mình. Đó là tâm lý thế thường.
Đấng Cao Đài đã đến với con cái và môn sinh rất bình thường, dung dị.
1. Khi đến với nhóm cầu Tiên của tiền bối Ngô Văn Chiêu vào năm 1920 tại Tân An, lần đầu tiên Thầy xưng danh Cao Đài Tiên Ông.
Đến năm 1921 tại chùa Quan Âm, Thầy dạy tiền bối Ngô Văn Chiêu vẽ mắt trái để thờ, xưng danh là Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát, dạy Ngô tiền bối Chiêu gọi bằng Thầy.
Hai danh xưng Tiên Ông và Thầy tuy có gợi lên một địa vị nào đó vẫn mang tính cách tương đối, không phải tối cao. Về mặt từ loại đây chỉ là hai danh từ chung hoặc để gọi một ông Tiên hoặc để gọi một ông giáo dạy học.
2. Nhóm tiền bối Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc lần đầu tiên được Thầy xưng danh AĂÂ vào tháng 7 Ất Sửu (8-1925). Thầy dùng danh xưng này để hóa độ các tiền bối và mãi đến tháng 11 Ất Sửu, sau khi dạy các tiền bối vọng Thiên cầu Đạo với Đức Cao Đài Thượng Đế, Thầy mới bày tỏ cho biết:
“Ba con thương Thầy lắm há! Con thấy đặng sự hạ mình của AĂÂ thế nào chưa? Người quyền thế lớn nhứt như vậy có thể hạ mình bằng AĂÂ chăng? AĂÂ là Thầy. Thầy đến con thế ấy, con thương Thầy không?” [3]
Người Cao Đài thuộc các thế hệ sau, một khi đã biết AĂÂ là ai rồi mới để công suy nghĩ tìm hiểu và nhận ra ý nghĩa phong phú của danh xưng. Thoạt đầu chưa hẳn ai đã thấy. Và nếu đây không phải là ẩn ý tế nhị của Thầy thì AĂÂ chỉ là ba ký hiệu A, Ă, Â để ghép vần, được dùng làm tín hiệu truyền thông giữa hai thế giới. Phải đợi đến đàn cơ ngày 05-8 Bính Dần (11-9-1926) các môn đồ mới hiểu rõ ý Thầy muốn dạy bảo điều gì:
“Các con coi bậc Chí Tôn như Thầy mà hạ mình đặng độ rỗi nhơn sinh là thế nào. Phải xưng là một vị Tiên Ông và Bồ Tát, hai phẩm chót của Tiên Phật. Đáng lẽ thế thường phải để mình vào phẩm tối cao tối trọng, còn Thầy thì khiêm nhường thế nào. Vì vậy mà nhiều kẻ môn đệ cho Thầy là nhỏ. Cười.
“Hạnh khiêm nhường là hạnh của mỗi đứa con. Phải noi theo gương Thầy mới độ rỗi thiên hạ đặng. Các con phải khiêm nhường sao cho bằng Thầy. Thầy lại nói, buổi lập Thánh Đạo, Thầy đến độ rỗi kẻ có tội lỗi. Nếu đời không tội lỗi, đâu đến nhọc công Thầy.
Chính vì lòng yêu thương sanh chúng mà Thầy phải nhiều phen khó nhọc tìm phương cách độ rỗi chúng ta.
II. ĐỨC YÊU THƯƠNG
Đức Chí Tôn dạy:
Đây là nội dung mà Ơn Trên dạy bảo rất nhiều lần tại khắp mọi nơi và vào nhiều thời gian khác nhau.
1. Tình thương yêu của Cha đối với con, của Thầy đối với trò
Đây vừa là nguồn gốc vừa là bản chất hay tính cách của tình thương yêu, thường được Ơn Trên dạy bảo:
“Chi chi hữu sanh cũng do bởi chơn linh Thầy mà ra. Hễ có sống, ắt có Thầy. Thầy là cha của sự sống, vì vậy mà lòng háo sanh của Thầy không cùng tận…” [6]
“Thầy lập nhơn loại là dòng giống các con, chỉ tưởng rằng ban đặng phẩm Thần Thánh, Tiên Phật nơi cõi thế giới càn khôn đặng làm cho rõ thánh chất mạnh mẽ hơn phàm chất, nào dè còn lại đặng chẳng đủ một phần triệu đấng thì thế nào Thầy không đau lòng cho đặng? Thầy chưa hề biết hành phạt các con bao giờ. Từ khai thiên Thầy đã sanh ra các con. Sự yêu mến của một ông cha nhân từ quá lẽ làm cho đến đỗi các con khinh khi, phản nghịch.” [7]
2. Tình thương yêu giữa huynh đệ là mong ước của Đại Từ Phụ
Tại sao Thầy nhấn mạnh rất nhiều về tình thương yêu giữa đồng đạo? Trả lời câu hỏi này người Cao Đài không nên căn cứ suông vào lý thuyết. Cần phải chiêm nghiệm thực tế, phản tỉnh sâu sắc chúng ta mới nhận ra thiên lý, thiên tâm, mới mong biết thương yêu và sống đạo tốt hơn. Ở đây chỉ xin trích dẫn vài đoạn thánh giáo Ơn Trên dạy rất thiết tha về hạnh thương yêu.
Vào vòng huynh đệ khá thương nhau
Một đức trổi hơn một phẩm cao
Quyết chí thiên đường men bước tới
“Thầy đã dạy, Thầy chỉ một lòng mơ ước cho các con biết thương yêu nhau trong thánh đức của Thầy. Sự thương yêu là chìa khóa mở cửa tam thập lục thiên, cực lạc thế giới và Bạch Ngọc Kinh. Kẻ nào ghét sự thương yêu thì chẳng hề qua khỏi cửa luân hồi. Mọi sự khó khăn Thầy gánh vác, chỉ cậy các con thương yêu gắng công độ rỗi.”.[9]
III. ĐỨC CƯƠNG NGHỊ
Đức Chí Tôn dạy:
Thầy minh thị vì thương yêu mà Thầy giáng trần lập Đạo. Qua cách lập Đạo và giáo hóa, Thầy vừa thể hiện rõ ràng tình yêu thương ấy, đồng thời rất khéo léo tùy duyên hóa độ số học trò đầu tiên còn mê chơi hoặc xa lạ, bỡ ngỡ.
Chúng ta học ở Thầy cái tinh tế về tâm lý của một nhà sư phạm, hạnh cương nghị của một nhà giáo dục từ nghiêm, yêu thương học trò, mềm mại uyển chuyển chỉ dạy, mà không nhu nhược yếu mềm. Khi dạy nhạc lễ, Thầy dùng lời rất nhẹ nhàng, trìu mến để chỉ vẽ từng bước đi, uốn nắn từng động tác như mẹ hiền dạy con tập viết.
Trái lại, khi buộc học trò phải giữ nghiêm phép, phải tuân thủ lời dạy, ngôn từ của Thầy rất rắn rỏi, cương quyết.
Chẳng hạn Thầy đặt điều kiện cho nhóm cầu cơ xây bàn:
“Muốn cho Bần Đạo đến thường, xin chư vị nạp lấy mấy lời yêu cầu của Bần Đạo sau đây: một là đừng kiếm biết Bần Đạo là ai; hai là đừng hỏi quốc sự; ba là đừng hỏi thiên cơ.”
Hoặc khi nhóm này bạch hỏi tuổi chỉ nghe Đức A Ă Â gõ bàn liên hồi, không ai đếm xuể.
Quở trách việc lạm dụng cơ bút, trái lời dạy của Ơn Trên, Thầy dùng từ khẳng định, phán bảo trực tiếp rất minh bạch:
“Thầy cấm từ nay chẳng nên lấp lửng cầu cơ hay chấp bút chi, vì là một sự hại lớn lao cho Đạo, đã phá đức tín ngưỡng của chúng sanh lại làm cho nhơn sanh bị nhơ trược.” [11]
Đặc biệt, khi Đức Chí Tôn dạy ngũ giới cấm, tức là dạy nhơn sanh không được sát sanh, không tham lam phi nghĩa, không tà dâm, không tửu nhục và không vọng ngữ thì lời răn rất ngắn gọn, cứng rắn và dứt khoát.
Chẳng hạn, dạy cấm sát sanh:
Sau khi giảng giải những tác hại của tham lam và tửu nhục, thánh giáo đều kết luận bằng những câu rất quả quyết:
“Ấy vậy gian tham là trọng tội.”
“Vậy Thầy cấm các con uống rượu, nghe à!”
Ở tầm mức bình thường của thế gian, nơi các bậc phụ mẫu nghiêm từ và nơi các bậc thầy có lương tâm, chúng ta đều có thể tìm thấy sự kết hợp hài hòa, hoàn hảo giữa tấm lòng yêu thương và đức hạnh cương nghị.
Và Đức Chí Tôn, đấng Tôn Sư và là bậc Đại Từ Phụ đã bằng thân giáo, nêu mẫu mực cho tất cả chúng ta về tình yêu thương và đức cương nghị khi Ngài dạy:
“Bởi vậy cho nên Thầy chẳng vì ghét mà không lời khuyến dụ, cũng chẳng vì thương mà không sai quỷ dỗ dành. Thầy nói trước cho các con biết mà giữ mình: Chung quanh các con, dẫu xa dẫu gần, Thầy đã thả một lũ hổ lang ở lẫn với các con. Thầy hằng xúi chúng nó thừa dịp mà cắn xé các con, song trước Thầy đã cho các con mặc một bộ thiết giáp, chúng nó chẳng hề thấy đặng, là đạo đức của các con.
Yêu thương sáng suốt đòi hỏi phải cương nghị và cương nghị là bảo đảm cho lòng yêu thương được hoàn mỹ. Hai đức tính này tồn tại và phát huy được nhờ dựa trên một nền tảng là đức Công Bình.
IV. ĐỨC CÔNG BÌNH
Đức Chí Tôn dạy:
Trong đời thường, dường như bà và mẹ thương cháu thương con nhiều hơn. Đồng thời, thế gian cũng ghi nhận: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”.
Phải chăng tình thương của bà và mẹ có phần nào thiên lệch, bất công? Và Đức Chí Tôn, Thầy và Cha cũng yêu thương chúng ta như thế? Rõ ràng là không. Tương tự như đức Thương Yêu, Thầy luôn luôn nhắc đến đức Công Bình, nhắc đến Thiên Điều hay Luật mà chính Thầy cũng khép mình tôn trọng.
1. Công bình thì phải trọng luật vì luật áp dụng công bình cho mọi đối tượng
“Con biết Thầy thương yêu nhân loại dường nào chưa? Những điều ngăn trở đều do nơi tiền khiên của chúng sanh… Đã vào trọn một thân mình nơi ô trược, thì Thầy đây cũng khó mà rửa với một gáo nước mà đặng trong sạch…” [15]
“Rất đỗi là Thầy là bậc Chí Tôn đây mà còn bị chúng nó mưu lén cho qua thánh ý Thầy thay. Một đàng trì, một đàng kéo. Thảm thay, các con chịu ở giữa!
Thầy dạy các con một điều là biết tranh đấu cùng Thầy. Hễ nó tấn thì mình chống, cân sức cho bằng hay là trỗi hơn mới đắc thắng. Các con chịu nổi thì Ðạo thành. Các con ngã thì Ðạo suy. Liệu lấy.
“Cầm cả quyền hành vô lượng nơi tay, Thầy ngó một cái cũng đủ tiêu diệt nó đặng, nhưng mà phép công bình thiêng liêng chẳng phải nên vậy. Ấy cũng là cơ mầu nhiệm cho các con có thể lập công quả …” [16]
“Đã gọi là Đấng cầm cân, lẽ công bình thiêng liêng đâu mà Thầy đặng phép tư vị?! Thầy lấy lẽ công bình thì tức nhiên phải chiếu theo Thiên điều, mà chiếu theo Thiên điều thì các con cái Thầy tức là các con, phải đọa trầm luân đời đời kiếp kiếp. Các con phải ngồi nơi địa vị Thầy, thì các con thế nào?
“Nhiều bậc Thiên Tiên còn đọa, huống là các chơn thần khác của Thầy đương nắn đúc thế nào thoát khỏi. Song hình phạt của Thiên điều dầu chính Thầy cũng khó tránh. Các con tự lập hình phạt cho các con cũng như Thiên điều mà Thần Thánh, Tiên Phật lập thành đó vậy.” [17]
Rất tiếc, vì nhiều lý do khác nhau nên đồng đạo chúng ta, kể cả những vị có trách nhiệm, trong thực tế thường không tròn hạnh công bình thể hiện qua các hành động thiếu tổ chức, không tôn trọng quyền pháp, không giữ sự phân công phân nhiệm phân minh.
Những sai phạm này hoặc vì hiểu biết chưa đủ, hoặc vì thiếu người nhiều việc phải làm giùm cho nhau, phải kiêm nhiệm phần hành, lâu dần quên mất ranh giới quyền hạn của mình, sinh tâm công thần, xem thường nguyên tắc. Trầm trọng hơn là có số huynh đệ lợi dụng tình trạng xem thường đạo hữu nhân sinh đã vì toan tính tư riêng mà phạm lẽ công bình, vượt qua các chuẩn thằng, khuôn phép.
2. Phép Trời khác với phép thế gian
Với tầm nhìn hữu hạn của thế gian, chúng ta ước mong luật công bình sẽ áp dụng để thưởng thiện phạt ác. Luật Trời thì không phải vậy. Thầy dạy:
“Trong các con, nhiều đứa muốn chư Thần Thánh hành phạt những tánh bất lương của bọn vô đạo kia đặng làm cho đường đạo vững bền, nền đạo mau thành tựu. Nhưng Thiên cơ há vị phàm phu tục tánh mà để cho các con toại kỳ sở nguyện sao? Các con khá thương hại cho lũ vô tâm ấy mà chẳng nên cừu hờn.” [18]
“Máy Thiên cơ các con chưa rõ, các con cứ tưởng lầm rằng Thầy không kềm chế kẻ vô lương đặng. Các con hằng muốn kẻ ấy bị hình phạt nhãn tiền, thì mới vừa lòng các con. Nhưng thánh ý Thầy không phải vậy đâu. Thầy đã nói cho các con hay trước rằng nếu các con không tự lập ở cõi thế này là cái đời tạm của các con, thì Thầy cũng không bồng ẵm các con mà đỡ lên cho đặng.” [19]
Những đức hạnh khiêm nhường, yêu thương, cương nghị, công bình mà Thầy dạy cho chúng ta bằng văn ý rõ ràng, chúng ta hiểu được dễ dàng và chúng ta cũng nghĩ rằng làm theo ý Thầy để thực hiện các đức hạnh ấy tưởng chừng không khó. Thực tế không phải vậy!
Có nhiều lý do để không dễ làm cho được các hạnh đức ấy mà nguyên nhân cốt lõi nhất là đức thuần chơn vô ngã nơi huynh đệ chúng ta đều non mỏng, yếu kém.
Thuần chơn là nguyên nhân dẫn đến vô ngã, hay vô ngã là điều kiện quyết định để có thuần chơn? Thực ra, thuần chơn và vô ngã là một cặp đôi tồn tại đồng thời và có quan hệ tương tác mật thiết một cách tức khắc, trực tiếp.
Thiếu vô ngã làm sao nhịn người ta? Không thuần chơn làm sao thấy rằng mình hơn số người này thì mình kém số người khác hoặc có mặt người kém ta nhưng cũng có mặt ta kém người? Hơn kém nhau còn do nhiều yếu tố chi phối, đâu phải hoàn toàn do ta quyết định. Thấy được sự thật như thế thì mình đâu dám ngạo mạn kiêu căng, chỉ thấy ta đây là hơn, là giỏi. Triệt tiêu được cái ngã chẳng những ta biết khiêm nhường mà còn đem lòng yêu thương, chia sẻ với người thua kém.
Đối với các đức hạnh còn lại như cương nghị, công bình cũng vậy. Nếu thiếu vô ngã, thuần chơn thì khó mà tiếp nhân xử thế cho đặng cương nghị, công bình; đôi khi còn sinh tâm gian xảo, bóp méo sự thật, chà đạp tình thương, v.v…
V. ĐỨC THUẦN CHƠN VÔ NGÃ
Thuần chơn vô ngã là đạo đức, là sanh tử đối với chúng ta. Nơi mọi thánh sở Cao Đài Hội Thánh Truyền Giáo, trong bửu điện thờ Đức Chí Tôn, phía trước Thiên bàn và ngay trên đầu chúng ta là tấm biển với bốn chữ Thuần Chơn Vô Ngã được trình bày đẹp đẽ, tôn nghiêm.
Đạo sự của chúng ta nhiều vô kể, từ độ sanh đến độ tử, từ cõi âm sang cõi dương, từ thánh sở địa phương đến trung ương Hội Thánh; rồi thanh niên, nữ phái, phước thiện, minh tra, v.v… Nhưng nhiệm vụ trước tiên và trên hết là thuần chơn vô ngã. Thực hiện được thuần chơn vô ngã là hằng nhớ đến Thầy, sống với Thầy, tu học theo Thầy. Đức Đông Phương Lão Tổ dạy:
“Bần Đạo khuyên chư hiền trở về cùng nhiệm vụ, nhiệm vụ chính của Trung Hưng là thuần chơn vô ngã. Bởi vậy nêu lên trên hết là Thầy, mà chúng ta quên Thầy mới lầm mưu chước quỷ.” [20]
Thuần chơn vô ngã là một trong số những ý chỉ quan trọng được dạy nhiều lần trong các kỳ đàn thuộc cơ Đạo miền Trung. Mở Thánh Truyền Trung Hưng, chúng ta gặp rất nhiều cụm từ thuần chơn vô ngã.
Đức Chí Tôn dạy:
“Thầy đã gắn nơi người mỗi con một đạo phù Thuần Chơn Vô Ngã làm pháp hộ thân để cứu mình, cứu đời trong cơn nước lửa.” [21]
Phù (lá bùa) thì phải luôn mang theo người, giữ gìn sạch sẽ, tinh khiết. Phù “thuần chơn vô ngã” là loại phù vô hình, chúng ta phải luôn giữ trong tâm tư tình cảm, trì thủ một cách tỉnh táo, miên mật.
Rất đau đớn là không phải chỉ một người mà nhiều người, không phải một đời mà nhiều đời, chúng ta chưa kết tinh, chưa thực hiện được thánh đức thuần chơn vô ngã.
Xin dẫn lời quở trách của Đức Lý Giáo Tông liên hệ đến sự thiếu thuần chơn vô ngã trong quá khứ để người của hiện tại và mai sau chiêm nghiệm, sám hối:
“Về bên ngoài, các chủ nghĩa học thuyết tôn giáo đã đua nhau tranh thắng từ bước từ giờ. Công nghiệp họ đã có từ lâu, tuổi tên họ đã đầy trong thiên hạ, hậu thuẫn họ đã sẵn, thế lực họ đã nhiều, lĩnh vực rộng, tổ chức sâu, tài cán dư, của tiền đủ. Nền Đạo ta còn mới mẻ, giáo lý ít người hay, thế yếu sức cô mà tổ chức điều hòa khoa học tân tiến, nên ai cũng ngờ, ai cũng dọa, ai cũng ganh tỵ gièm pha, chánh thể nào lên cũng nghi kỵ tìm đủ phương hạn chế kềm hãm. Bao nhiêu mũi tên đương châu đến, bao nhiêu trái đấm sắp liệng vào thành trì của ta, hầu xô ngã, thế mà mấy người hay, mấy người biết cái nguy cơ sắp tới nay mai!
Tại sao mà có những đối phương thù nghịch dữ dội ấy? Trong đó cũng có nhiều lý do. Một lý do chính là không giữ được thuần chơn vô ngã, lại chất đầy bổi rác nơi trong, để làm mồi cho ngọn lửa bên ngoài văng tới. Nếu không ham danh mến lợi thì đâu bị miếng mồi vật chất nhử câu. Không ý gian ngoa thì có sợ gì oai vũ dọa nạt. Đã thiệt vô vi đạo đức dễ ai hãm hại ghét ganh. Vì cũng tại nơi mình nhẹ lòng yêu thương nhơn loại, yêu chuộng tự do, yêu quý chánh pháp, yêu lấy thân danh ưu tư xây dựng một cõi đời thái bình đạo đức.
Nói đến tình hình nội bộ nó tương quan là thế, nên phải chỉnh đốn lại mọi mặt theo chánh pháp chơn truyền. Mặc dù nơi đây các hiền đệ thiếu tài thiếu sức, nhưng đạo pháp không cần tài cậy sức mà cần ở tấm lòng. Tấm lòng ấy biết yêu quý giác ngộ, thì có yếu cũng mạnh, không tài cũng tài.” [22]
Với thánh giáo tại Huyền Quan Đàn ngày 22-12 Giáp Dần (02-02-1975), Thầy dạy chúng ta làm cho được hai việc là (i) thực hiện thánh đức của Thầy, (ii) xây dựng thánh hình Đại Đạo. Lần này, chúng ta ôn học để sống đạo bằng thánh đức của Thầy. Xây dựng thánh hình Đại Đạo chúng ta sẽ ôn học trong lần sau.
Thầy dạy chúng ta làm hai việc. Và để chúng ta đừng xao lãng, dể duôi, giải đãi, Thầy đã dùng rất nhiều hình dung từ, trạng từ để nhấn mạnh, thúc hối, căn dặn.
Vậy xin thêm một lần nữa và cần phải nhắc nhở lẫn nhau nhiều lần về các từ ấy nhằm giúp chúng ta thấy được tấm lòng của Đấng Cha Trời để thương, để sợ, để tuân vâng mà tu học sống đạo: cố gắng, chu toàn trách nhiệm, sự cấp thiết của cơ đạo, bắt buộc mỗi con, phải cố gắng, mục tiêu chính, mỗi con phải, v.v…
Hơn mười ngày trước đó, cũng tại Huyền Quan Đàn, Thầy dạy:
“Đạo pháp rất thâm vi mầu nhiệm, một kiếp tu không phải dễ, phải quyết tâm mới chứng đạt đạo mầu. Thầy đã ban cho thành lập nên quyền pháp nơi này, lấy chữ Trung làm đích. Trung là ngôi chúa tể trong người. Vậy các con phải tu chứng Đạo, thấy được tự tánh nơi mình mà hòa đồng vạn loại.
Vậy trách nhiệm tương lai nền Đạo nơi đây do công phu tu chứng của mỗi con.”
Giáo Sư THƯỢNG VĂN THANH
Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài
[1] Huyền Quan Đàn, 22-12 Giáp Dần (02-02-1975).
[2] Trung Hưng Bửu Tòa, 16-5 Bính Thân (24-6-1956).
[3] Hương Hiếu, Đạo Sử Xây Bàn, quyển I, đàn ngày 31-12-1925.
[4] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, đàn ngày 11-9-1926.
[5] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, đàn ngày 27-10-1927.
[6] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, đàn năm 1928.
[7] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, đàn ngày 27-5-1927.
[8] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, đàn ngày 20-02-1926.
[9] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, đàn ngày 27-10-1927.
[10] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, đàn ngày 13-3-1926.
[11] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, đàn ngày 03-02-1928.
[12] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, đàn năm 1928.
[13] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, đàn ngày 13-3-1926.
[14] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, đàn ngày 24-12-1926.
[15] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, đàn ngày 22-9-1926.
[16] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, đàn ngày 22-9-1926.
[17] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, đàn ngày 27-5-1927.
[18] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, đàn ngày 12-4-1927.
[19] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, đàn ngày 15-4-1927.
[20] Trung Hưng Bửu Tòa, 27-9 Mậu Tuất (08-11-1958).
[21] Trung Hưng Bửu Tòa, 23-3 Bính Thân (03-5-1956).