Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2018

ĐĐVU 03 / THIÊN LÝ / PHÙNG HỮU LAN (1895-1990) / Dịch và chú: LÊ ANH MINH

Trong Đạo học, hai khái niệm Lý và Khí rất quan trọng (…). Trong Đạo học gia, người xác lập khái niệm Khí trong Đạo học là Trương Hoành Cừ; còn khái niệm Lý thì chính Chu Liêm Khê đã đề xuất trong Thông Thư (chương: Lý, Tính, Mệnh) của ông. Thiệu Ung cũng đề cập khái niệm Lý của sự vật trong Hoàng Cực Kinh Thế (thiên Quan Vật). Hoành Cừ cũng nói trong Chính Mông rằng: “Khí của trời đất, tuy có tụ có tán, có công có thủ trăm đường, nhưng cái nguyên lý của nó thì xuôi thuận và không sai lầm.” [1] Tuy các nhà ấy đã đề cập Lý, nhưng người xác lập địa vị của Lý trong Đạo học chính là anh em họ Trình. Anh em họ Trình tuy đề cập Lý và Thiên lý, nhưng họ chưa hề nói rõ ý nghĩa của chúng. Trong ngữ lục của họ, tức Nhị Trình Di Thư, có mấy điều liên quan đến Lý như sau:
– “Về thiên lý, cái đạo lý này thật là vô cùng. Nó không tồn tại vì vua hiền là Nghiêu; nó chẳng mất đi vì vua ác là Kiệt. Con người có được nó, thì hành động lớn lao không làm nó tăng thêm, sự cư trú khốn cùng không khiến nó giảm đi. Vậy sao có thể nói nó là còn, mất, tăng, giảm? Nó vốn không hề có khiếm khuyết; trăm lý lẽ đều hoàn bị.” [2]
– “Nếu ta không thể tự xem xét bản thân mình, thì thiên lý giảm đi. Về thiên lý, trăm lý đều có đủ [trong ta]. Nó vốn không hề có khiếm khuyết. Cho nên quay về xem xét bản thân thì ta đạt được sự chân thành.” [3]
– “Vạn vật đều có đủ trong ta. Điều ấy không chỉ áp dụng cho người, mà còn áp dụng cho vật nữa. Tất cả đều từ Lý ấy mà ra. Chỉ có vật là không thể suy diễn nó ra, còn con người thì có thể. Tuy có thể suy diễn được nó, nhưng chẳng có khi nào nó tăng thêm một phân. Tuy không thể suy diễn được nó, nhưng chẳng có khi nào nó giảm đi một phân. Trăm lý đều tồn tại khắp nơi. Nào phải khi vua Nghiêu trọn đạo làm vua, thì [cái lý của] đạo làm vua tăng thêm nhiều. Nào phải khi vua Thuấn trọn đạo làm con, thì [cái lý của] đạo làm con tăng thêm nhiều. Các lý xưa nay đều vốn như thế.” [4]
– “Lý trong thiên hạ chỉ là một Lý mà thôi. Cho nên dù trải rộng khắp bốn biển thì Lý cũng có một chuẩn mực. Dù chất vấn nó trước trời đất hay khảo sát nó ở tam vương (Đại Vũ, Thành Thang, Vũ Vương) thì nó vẫn là cái Lý không thay đổi.” [5]
– “Cái nghĩa lý ấy, người nhân thấy nó thì gọi là nhân, người trí thấy nó thì gọi là trí, người bình thường ngày ngày dùng nó mà không biết, cho nên đạo người quân tử thì hiếm người biết. Cái ấy không ít đi cũng không dư thừa ra; vấn đề chỉ là người ta nhìn nó mà không thấy.” [6]
– “Lặng lẽ bất động, khi được tác động thì thông suốt. Đó là Thiên lý. Nó đầy đủ mà không khiếm khuyết. Chẳng phải vì vua Nghiêu hiền mà nó còn, chẳng phải vì vua Kiệt ác mà nó mất. Cha với con, vua với bầy tôi; các lý thường hằng ấy không đổi. Chúng có thể được tác động thế nào? Bởi vì bất động, nên nói chúng lặng lẽ. Tuy bất động, nhưng chúng có thể được tác động để thông suốt. Cái tác động ấy chẳng phải từ bên ngoài.” [7]
Các lời dẫn trên đây, trong Nhị Trình Di Thư ghi là “nhị tiên sinh ngữ” 二先生語 (lời của hai thầy), nhưng không rõ là ai trong hai người. Còn ghi chú rõ là lời của Trình Y Xuyên nói thì có mấy câu sau đây:
– Lặng lẽ bất động, khi được tác động thì thông suốt. Đó là nói đến các sự việc trong cõi người ta. Nếu luận về Đạo thì muôn ngàn Lý đều đầy đủ [ở chúng], nên người ta không thể nói là chúng bị tác động hay không bị tác động.”.[8]
– “Đối với mọi vật trong thiên hạ, chúng ta đều có thể lấy Lý mà soi xét chúng. Có vật thì có nguyên tắc. Mỗi một vật phải có cái Lý của nó.” [9]
– “[Lý thì] hư vô lặng lẽ, không có hình tích gì, nhưng muôn ngàn hiện tượng trong vũ trụ đều có đủ trong Lý. Chưa ứng thì nó không đến trước, ứng rồi thì nó không đến sau. Giống như cái cây cao trăm thước, từ gốc đến cành và lá đều nhất quán, không thể nói rằng phần cây ở trên mặt đất là vô hình vô ảnh; và không thể nói rằng chúng đợi người ta sắp xếp thứ tự để cho đúng đường lối. Nếu có một đường lối như thế, thì chỉ có một đường lối duy nhất mà thôi.” [10]
– “Hễ có vật thì ắt có nguyên tắc. Làm cha thì phải hiền từ, làm con thì phải hiếu, làm vua thì phải nhân ái, làm bầy tôi thì phải tôn kính vua. Không có sự vật nào mà không có vị trí riêng của nó. Được vị trí ấy thì an bình, mất vị trí ấy thì loạn. Thánh nhân vì thế có thể khiến cho vạn vật được yên ổn xuôi thuận, chứ không tạo tác nguyên tắc cho vật. Ngài chỉ để cho mỗi thứ ở đúng vị trí của nó mà thôi.” [11]
Từ các trích dẫn trên đây, ta thấy:
Điểm thứ nhất: Cái gọi là Lý thì tồn tại mãi mãi, không tăng cũng không giảm. Người ta dù biết hay không biết nó, dù nói nó tồn tại hay không tồn tại, thì điều ấy chẳng quan hệ gì. Chẳng phải vì vua Nghiêu hiền đức thi hành đúng đạo làm vua mà cái Lý của đạo làm vua tăng thêm; tức là nếu không có vua Nghiêu thì cái Lý của đạo làm vua vẫn thế, không bị giảm đi chút xíu nào, chẳng qua là “người ta nhìn nó mà không thấy”. Cho nên trên đây nói: “Trăm lý đều tồn tại khắp nơi.”
Điểm thứ hai: Lý vốn bất biến. Cho nên trên đây nói: “Lý trong thiên hạ chỉ là một Lý mà thôi. Cho nên dù trải rộng khắp bốn biển thì Lý cũng có một chuẩn mực.” Vua Nghiêu trọn đạo làm vua thì Lý ấy cũng chỉ có một; vua Thuấn trọn đạo làm con thì Lý ấy cũng có một. Cho nên “trải rộng khắp bốn biển thì Lý cũng có một chuẩn mực”.
Điểm thứ ba: Trăm lý đều có đầy đủ trong tâm chúng ta, nên trên đây nói: “Về Thiên lý, trăm lý đều có đủ [trong ta]. Nó vốn không hề có khiếm khuyết. Cho nên quay về xem xét bản thân thì ta đạt được sự chân thành.” Cái gọi là “vạn vật đều có đủ trong ta” (vạn vật giai bị ư ngã) có nghĩa là cái Lý của vạn vật đều có đủ trong ta. Không riêng con người chỉ có “cái Lý của vạn vật”, mà chính vật cũng có như vậy. Tuy nhiên, người ta có thể ứng dụng Lý ấy mà vật thì không thể ứng dụng Lý ấy.
Điểm thứ tư: Lý ấy thì không tăng, không giảm, không biến, không động. Nên trên đây nói nó “lặng lẽ bất động”. Tâm của con người có đủ các lý để ứng với vạn sự, nên trên đây nói: “Lặng lẽ bất động, khi được tác động thì thông suốt.” (Tịch mịch bất động, cảm nhi toại thông). Tuy nhiên, câu nói ấy chỉ liên quan đến sự việc trong cõi người ta. Về phương diện vũ trụ mà nói, thời gian trước khi các Lý được thể hiện cụ thể thì không xảy ra trước, thời gian sau các Lý được thể hiện cụ thể rồi thì không xảy ra sau. Từ một Lý đến sự thể hiện cụ thể của nó giống như cái cây cao trăm thước, từ gốc đến cành và lá đều nhất quán, không thể nói rằng phần cây ở trên mặt đất là vô hình vô ảnh; và không thể nói rằng chúng đợi người ta sắp xếp thứ tự để cho đúng đường lối. Sở dĩ như vậy là vì Lý hoàn toàn độc lập với các tạo tác của con người, nên gọi là Thiên lý.
Điểm cuối: Dường như các Lý của sự vật thể hiện cái mà sự vật phải ra như thế. Thánh nhân không tạo ra các Lý này, mà ngài cứ để cho mỗi vật ở đúng vị trí của nó, tức là khiến cho mọi vật trở thành cái mà nó phải thành.
Kiến giải của Trình Di đối với Lý là như thế, bởi vì các trích dẫn trên đây nêu rõ là của ông nói, và chúng đều có thể giải thích được. Còn như kiến giải của Trình Hạo đối với Lý có phải như thế hay không thì chúng ta không thể đoán định được, bởi vì các trích dẫn còn lại trên đây không nêu rõ là của ai trong anh em họ Trình.
Nếu chuyên lấy những lời được ghi rõ là của Trình Hạo nói trong Nhị Trình Di Thư mà xét, thế thì kiến giải của Trình Hạo về Lý khác với kiến giải của Trình Di. Chẳng hạn như Trình Hạo nói:
– “Cái Lý của trời đất và vạn vật là: chẳng có một thứ nào độc lập, mỗi thứ phải có cái đối lập. Chúng đều tự nhiên như thế, chứ chẳng có sự an bài nào cả. Mỗi đêm tôi nghĩ đến điều này, [lòng vui đến nỗi] ‘chân tay tự nhiên múa máy mà chẳng biết’.” [12]
– “Kinh Thi nói: ‘Trời sinh các dân; có vật thì có nguyên tắc.’ [...] Vạn vật đều có cái Lý của chúng. Thuận theo thì dễ, nghịch lại thì khó. Nếu mỗi thứ cứ tuân theo cái Lý của mình, thì đâu cần phải lao nhọc sức lực của mình?” [13]
– “Trời sinh ra vạn vật, có dài có ngắn, có lớn có nhỏ. Quân tử được cái lớn trong đó, sao chúng ta lại ép cái nhỏ cũng phải trở thành cái lớn? Lẽ Trời (Thiên lý) là thế, lẽ nào chúng ta làm trái lại ư?” [14]
– “Người ta thuần hóa bò và mắc ngựa vào xe, làm như thế là dựa theo bản tính của chúng. Sao họ không mắc bò vào xe và thuần hoá ngựa? Vì cái Lý của chúng không thể như thế.” [15]
Theo các trích dẫn trên, cái mà Trình Hạo gọi là Lý dường như ám chỉ một thứ xu thế tự nhiên, tức là xu thế tự nhiên của vật. Cái Lý của trời đất và vạn vật tức là xu thế tự nhiên của trời đất và vạn vật. Cao đệ của anh em họ Trình là Tạ Lương Tá 謝良佐 (1050-1103) nói: “Trong cái gọi là cách vật cùng Lý (khảo sát sự vật và thấu triệt Lý của chúng), chúng ta phải nhận thấy rằng Thiên lý là cái đầu tiên cần đạt được. Cái gọi là Thiên lý chính là đạo lý tự nhiên, không có mảy may nhân tạo nào. Nay bỗng thấy một đứa bé sắp rơi xuống giếng, ai cũng sợ hãi và thương xót [mà đến cứu nó]. Vừa chợt thấy đứa bé sắp rơi xuống giếng mà lòng bỗng sợ hãi, đó gọi là Thiên lý vậy. Nếu vì muốn làng xóm và bạn bè khen ngợi, hay vì do quen biết cha mẹ nó, hay vì sợ mang tiếng bất nhân, mà đến cứu nó, thì đó là nhân dục vậy. [...] Làm việc gì với dụng ý riêng, cố ý tạo tác công việc, đó gọi là nhân dục thúc đẩy. [...] Cái gọi là Thiên (Trời), chỉ là Lý mà thôi. Nó chỉ là các hành vi tự nhiên như nhìn, nghe, cử động. Tất cả hành vi tự nhiên ấy đều thuộc về Trời. “Trời ban mệnh cho người có đức, nên có năm loại phẩm phục và năm huy hiệu phân biệt; Trời phạt kẻ có tội, nên có năm hình phạt và năm loại lao dịch. Trong các thứ ấy chẳng có gì là do người làm cả. Người học đạo cần hiểu rằng Thiên lý tức là đạo lý tự nhiên, hễ dời đổi thì không được. [...] Thầy Minh Đạo từng nói: ‘Cái học của ta tuy có chỗ nhận lĩnh từ người khác, nhưng hai chữ Thiên lý thì tự ta đưa ra’.” [16]
Theo trên, cái gọi là Thiên lý tức là một thứ xu thế tự nhiên. Cuối đoạn trên dẫn lời Trình Hạo, có thể nhận thấy rằng lời của Tạ Lương Tá dựa trên ý của Trình Hạo. Câu “Làm việc gì với dụng ý riêng, cố ý tạo tác công việc, đó gọi là nhân dục thúc đẩy” cũng nhất trí với tinh thần của Định Tính Thư 定性書 của Trình Hạo (…).
Nhị Trình Di Thư chép: “Vạn vật chỉ là một Thiên lý, tại sao ta lại can dự vào? Thậm chí như nói: ‘Trời phạt kẻ có tội, nên có năm hình phạt và năm loại lao dịch; Trời ban mệnh cho người có đức, nên có năm loại phẩm phục và năm huy hiệu phân biệt.’ Đó chỉ là Thiên lý tự nhiên mà phải như thế. Hễ con người can dự vào, thì sự can dự ấy chính là tư ý. Có thiện, có ác. Theo Lý, thiện gây ra sự vui mừng, nên có năm loại phẩm phục tự có thứ bậc [đánh giá mức độ thiện], để làm vinh hiển [người có đức]. Theo Lý, ác gây ra sự tức giận, nên [kẻ có tội] bị dứt tuyệt ở Lý, do đó mà có năm hình phạt và năm loại lao dịch. Nhưng tại sao người ta để tâm mừng giận ở giữa chúng?” [17]
Không rõ lời trên là của Trình Hạo hay Trình Di, nhưng đại ý của nó tương đồng với ý kiến của Tạ Lương Tá, và cũng nhất trí với tinh thần của Định Tính Thư 定性書, cho nên có lẽ nó là lời của Trình Hạo.
Ít nhất có một điểm có thể xác định (về anh em họ Trình). Trong Nhị Trình Di Thư, những điều bàn về Thiên lý hay Lý gán cho Trình Hạo nói thì không cho rằng Lý lìa vật và tồn tại độc lập; còn những lời gán cho Trình Di nói thì lại chú trọng điểm ấy. Cái mà Trình Di gọi là Lý thì đại khái giống như cái mà triết học Hy Lạp gọi là khái niệm hay hình thức. Về sau, phái Lý học trong Đạo học đều chủ trương như thế. Chủ trương của phái này dường như chịu ảnh hưởng của cái gọi là Tượng số học. Trong triết học Hy Lạp, Plato chịu ảnh hưởng của học phái Pythagore, lập nên thuyết về khái niệm. Bởi vì số có tính chất trừu tượng, lìa sự vật cụ thể, và tồn tại độc lập. Plato bị điều ấy ám ảnh, nên xem khái niệm cũng có tính chất độc lập ấy. Ngoài thế giới cụ thể, còn có một thế giới của khái niệm, lìa không gian và thời gian mà tồn tại mãi mãi. Phái Lý học trong Đạo học cũng chịu ảnh hưởng của cái gọi là Tượng số học, mà phân biệt Khí với Lý. Khí là chất  (matter) và Lý là thức  (form), như trên đây đã nói. Chất thì ở trong không gian và thời gian, làm nguyên chất 原質 (chất liệu nguyên sơ) cho sự vật cụ thể, và nó có thể biến, hóa, thành, hủy được. Thức thì không ở trong không gian và thời gian, không biến hóa mà tồn tại mãi mãi. Nói theo thuật ngữ của Đạo học gia, thì Khí cùng tất cả sự vật cụ thể là Hình Nhi Hạ 形而下, Lý là Hình Nhi Thượng 形而上.
Cái mà Trình Hạo gọi là Lý và Thiên lý, tức là xu thế tự nhiên của sự vật cụ thể, nó không lìa sự vật mà có. Về sau, phái Tâm học trong Đạo học cũng không cho rằng Lý lìa sự vật mà có. Do đó, trên đây tôi đã nói rằng Trình Minh Đạo (Trình Hạo) là người mở đường cho phái Tâm học còn Trình Y Xuyên (Trình Di) là người mở đường cho phái Lý học. Hai anh em họ Trình đã khai mở hai học phái lớn trong tư tưởng của một thời đại, có thể nói đó là một sự kiện rất hiếm có vậy.[18]
Nguyên tác: PHÙNG HỮU LAN
Dịch và chú: LÊ ANH MINH



[1] Chính Mông: Thiên địa chi khí, tuy tụ tán, công thủ bách đồ, nhiên kỳ vi lý dã thuận nhi bất vọng. 天地之氣雖聚散攻取 百塗然其為理也順而不妄.
[2] Nhị Trình Di Thư: Thiên lý vân giả, giá nhất cá đạo lý, cánh hữu thậm cùng dĩ. Bất vi Nghiêu tồn, bất vi Kiệt vong. Nhân đắc chi giả, cố đại hành bất gia, cùng cư bất tổn. Giá thượng đầu cánh chẩm sinh thuyết đắc tồn vong gia giảm. Thị đà nguyên vô thiểu khiếm, bách lý câu bị. 天理云者這一個道 更有甚窮已不為堯存不為桀亡人得之者故大行不 窮居不損這上頭更怎生說得存亡加減是佗元無少欠百理俱備.
[3] Nhị Trình Di Thư: Bất năng phản cung, Thiên lý giảm hỹ. Thiên lý vân giả, bách lý câu bị, nguyên vô thiểu khiếm, cố phản thân nhi thành不能反躬天理減矣天理云者百理俱 元無少欠故反身而誠.
Lê Anh Minh chú:
Câu “Phản thân nhi thành” lấy trong Mạnh Tử (Tận Tâm, thượng): “Vạn vật giai bị ư ngã hỹ. Phản thân nhi thành, lạc mạc đại yên.” 萬物皆備於我矣反身 而誠樂莫大焉([Cái Lý của] vạn vật đều có đủ trong tâm ta. Nếu ta quay về xem xét bản thân thì ta đạt được sự chân thành; như vậy còn niềm vui nào hơn.)
[4] Nhị Trình Di Thư: Vạn vật giai bị ư ngã. Bất độc nhân nhĩ, vật giai nhiên, đô tự giá lý xuất khứ. Chỉ thị vật bất năng suy, nhân tắc năng suy chi. Tuy năng suy chi, kỷ thời thiêm đắc nhất phân. Bất năng suy chi, kỷ thời giảm đắc nhất phân. Bách lý câu tại bình phô phóng trước. Kỷ thời đạo Nghiêu tận quân đạo, thiêm đắc ta quân đạo đa. Thuấn tận tử đạo, thiêm đắc ta tử đạo đa. Nguyên lai y cựu. 萬物皆備於我不獨人爾物皆 都自這裏出去只是物不能推人則能推之雖能推之幾時添得一分不能推之幾時減得一分百理俱在平鋪放 幾時道堯盡君道添得些君道多舜盡子道添得些子道 元來依舊.
[5] Nhị Trình Di Thư: Lý tại thiên hạ chỉ thị nhất cá lý, cố suy chí tứ hải nhi chuẩn. Tu thị chất chư thiên địa, khảo chư tam vương bất dịch chi lý. 理在天下只是一個理故推至四海而 須是質諸天地考諸三王不易之理.
[6] Nhị Trình Di Thư: Giá cá nghĩa lý, nhân giả hựu khán tố nhân liễu dã, tri giả hựu khán tố tri liễu dã, bách tính hựu nhật dụng nhi bất tri, thử sở dĩ quân tử chi đạo tiển hĩ. Thử cá diệc bất thiểu diệc bất thặng, chỉ thị nhân khán tha bất kiến. 這個義 仁者又看做仁了也知者又看做知了也百姓又日用而 不知此所以君子之道鮮矣此個亦不少亦不剩只是人看 他不見.
Lê Anh Minh chú:
Ý này lấy từ Hệ Từ Thượng: Nhân giả kiến chi vị chi nhân, tri giả kiến chi vị chi tri. Bách tính nhật dụng nhi bất tri, cố quân tử chi đạo tiển hỹ. 仁者見之謂之仁知者見之謂 之知百姓日用而不知故君子之道鮮矣. (Người nhân thấy Đạo thì cho là nhân. Người trí thấy Đạo thì cho là trí. Người bình thường ngày ngày vận dụng Đạo mà không biết. Cho nên đạo người quân tử thì hiếm người biết). Tri giả 知者 = trí giả 智者. Chữ  có hai âm: 1. tiển = ít, hiếm (thí dụ: Phú nhi bất kiêu giả tiển 富而不驕者鮮 = kẻ giàu mà không kiêu căng thì hiếm); 2. tiên = tươi (nghĩa gốc là sinh ngư 生魚 = cá tươi).
Richard Wilhelm dịch: Người nhân phát hiện ra nó (Đạo) nên gọi nó là nhân. Người trí phát hiện ra nó nên gọi nó là trí. Dân chúng sử dụng nó hằng ngày mà chẳng biết gì về nó; bởi vì đạo của người quân tử thì hiếm. (Der Gütige entdeckt ihn und nennt ihn gütig. Der Weise entdeckt ihn und nennt ihn weise. Das Volk gebraucht ihn Tag für Tag und weiß nichts von ihm; denn der SINN des Edlen ist selten.)
James Legge dịch: Người nhân thấy nó và gọi nó là nhân. Người trí thấy nó và gọi nó là trí. Thường dân tuy hằng ngày hành xử theo nó nhưng không biết nó. Do đó Đạo của sự vật mà người quân tử thấy thì ít người nhìn thấy. (The benevolent see it and call it benevolence. The wise see it and call it wisdom. The common people, acting daily according to it, yet have no knowledge of it. Thus it is that the course of things, as seen by the superior man, is seen by few.)
[7] Nhị Trình Di Thư: Tịch nhiên bất động, cảm nhi toại thông giả, Thiên lý cụ bị, nguyên vô thiểu khiếm. Bất vi Nghiêu tồn, bất vi Kiệt vong. Phụ tử quân thần, thường lý bất dịch, hà hội động lai. Nhân bất động, cố ngôn tịch nhiên. Tuy bất động, cảm tiện thông, cảm phi tự ngoại dã. 寂然不動感而遂通者天理具備元無少欠不為堯存不為桀亡父子君臣常理 不易何會動來因不動故言寂然雖不動感便通感非自 外也.
Lê Anh Minh chú:
Ở đây Nhị Trình nói về Thiên lý bằng cách mượn chữ trong Hệ Từ Thượng nói về Dịch: Tịch nhiên bất động, cảm nhi toại thông thiên hạ chi cố寂然不動感而遂通天下 之故.
Richard Wilhelm dịch: Chúng tĩnh và bất động. Nhưng nếu chúng được tác động, chúng xuyên suốt mọi sự cố trong thiên hạ. (Stille sind sie und bewegen sich nicht. Werden sie aber angeregt, so durchdringen sie alle Verhältnisse unter dem Himmel.) Chúng ở đây tức là các biến dịch (die Wandlungen).
James Legge dịch: Nó tĩnh lặng và bất động, nhưng khi được tác động nó xuyên suốt mọi hiện tượng và sự cố trong thiên hạ. (It is still and without movement; but, when acted on, it penetrates forthwith to all phenomena and events under the sky.)  ở đây tức là Dịch.
Tuy nhiên, khác với Wilhelm và Legge, Cao Hanh cho rằng ngữ cảnh này nói về bói dịch. Cảm  tức là người bói có lòng thành khẩn. Cao Hanh chú: Người dùng Kinh Dịch để bói, lấy lòng thành mà cảm đến nó, thì Kinh Dịch có thể [trả lời] thông suốt sự việc trong thiên hạ. (Nhân dụng Dịch Kinh chiêm sự, dĩ thành cảm chi, tắc Dịch Kinh năng thông thiên hạ chi sự 用易經占事以誠感之則易經能通天下之事.)
[8] Nhị Trình Di Thư: Tịch nhiên bất động, cảm nhi toại thông. Thử dĩ ngôn nhân phần thượng sự. Nhược luận đạo tắc vạn lý giai cụ, cánh bất thuyết cảm dữ vị cảm. 寂然不動感而遂通此言人分上事若論道則萬理皆具更不說感與未感.
[9] Nhị Trình Di Thư: Thiên hạ vật giai khả dĩ lý chiếu, hữu vật tất hữu tắc, nhất vật tu hữu nhất lý. 天下物皆可以理照有一 物必有則一物須有一理.
[10] Nhị Trình Di Thư: Xung mạc vô trẫm, vạn tượng sâm nhiên dĩ cụ. Vị ứng bất thị tiên, dĩ ứng bất thị hậu. Như bách xích chi mộc, tự căn bản chí chi diệp, giai thị nhất quán, bất khả đạo thổ diện nhất đoạn sự vô hình vô triệu, khước đãi nhân thi an bài, dẫn nhập lai giáo nhập đồ triệt. Ký thị đồ triệt, khước chỉ thị nhất cá đồ triệt. 沖漠無朕萬象森然已具未應不是先 應不是後如百尺之木自根本至枝葉皆是一貫不可道土 面一段事無形無兆卻待人施安排引入來教入塗轍既是 塗轍卻只是一個塗轍.
[11] Nhị Trình Di Thư: Phù hữu vật tất hữu tắc. Phụ chỉ ư từ, tử chỉ ư hiếu, quân chỉ ư nhân, thần chỉ ư kính. Vạn vật thứ sự, mạc bất các hữu kỳ sở. Đắc kỳ sở tắc an, thất kỳ sở tắc bội. Thánh nhân sở dĩ năng sử vạn vật thuận trị, phi năng vi vật tác tắc dã, duy chỉ chi các ư kỳ sở nhi dĩ. 夫有物必有則父止 於慈子止於孝君止於仁臣止於敬萬物庶事莫不各有 其所得其所則安失其所則悖聖人所以能使萬物順治 能為物作則也惟止之各於其所而已.
[12] Nhị Trình Di Thư: Thiên địa vạn vật chi lý, vô độc tất hữu đối, giai tự nhiên nhi nhiên, phi hữu an bài dã. Mỗi trung dạ dĩ tư, bất tri thủ chi vũ chi, túc chi đạo chi dã天地萬物之理 獨必有對皆自然而然非有安排也每中夜以思不知手之 舞之足之蹈之也.
Lê Anh Minh chú:
Câu cuối “bất tri thủ chi vũ chi, túc chi đạo chi dã” lấy ý từ Mạnh Tử (Ly Lâu, thượng): Nhân chi thực, sự thân thị dã. Nghĩa chi thực, tòng huynh thị dã. Trí chi thực, tri tư nhị giả phất khứ thị dã. Lễ chi thực, tiết văn tư nhị giả thị dã. Nhạc chi thực, lạc tư nhị giả, lạc tắc sinh hĩ; sinh tắc ô khả dĩ dã; ô khả dĩ, tắc bất tri túc chi đạo chi, thủ chi vũ chi. 仁之 事親是也義之實從兄是也智之實知斯二者弗去是 禮之實節文斯二者是也樂之實樂斯二者樂則生矣生則惡可已也惡可已則不知足之蹈之手之舞之. (Cái đích thực của nhân là thờ cha mẹ. Cái đích thực của nghĩa là thuận kính anh. Cái đích thực của trí là biết hai điều [hiếu và đễ] ấy mà chẳng bỏ qua. Cái đích thực của lễ là tiết chế và tô điểm hai điều ấy. Cái đích thực của nhạc là vui ở hai điều ấy. Hễ mình vui thì hai điều ấy phát sinh thêm. Phát sinh thêm thì sao dứt được? Không dứt được nên [mình vui] chân bước tay múa may mà mình chẳng biết.)
[13] Nhị Trình Di Thư: Thi viết: ‘Thiên sinh chưng dân, hữu vật hữu tắc.’ [...] Vạn vật giai hữu lý. Thuận chi tắc dị, nghịch chi tắc nan. Các tuần kỳ lý, hà lao ư kỷ lực tai? 詩曰: ‘天生蒸民有物有則.’ [...] 萬物皆有理順之則易逆之則難各循其 何勞於己力哉?
[14] Nhị Trình Di Thư: Phù thiên chi sinh vật dã, hữu trường hữu đoản, hữu đại hữu tiểu. Quân tử đắc kỳ đại hĩ, an khả sử tiểu giả diệc đại hồ? Thiên lý như thử, khởi khả nghịch tai? 夫天之 生物也有長有短有大有小君子得其大矣安可使小者亦 大乎天理如此豈可逆哉?
[15] Nhị Trình Di Thư: Phục ngưu thừa mã, giai nhân kỳ tính nhi vi chi. Hồ bất thừa ngưu phục mã hồ? Lý chi sở bất khả. 服牛 乘馬皆因其性為之胡不乘牛服馬乎理之所不可.
Lê Anh Minh chú:
Phục ngưu thừa mã lấy từ Hệ Từ Hạ: “Phục ngưu thừa mã, dẫn trọng trí viễn, dĩ lợi thiên hạ, cái thủ chư Tùy.” 服牛乘馬引重致遠以利天下蓋取諸隨. (Đánh xe trâu, xe ngựa; chở các thứ nặng nề đến nơi xa xôi đem lợi cho thiên hạ. Ý này lấy từ tượng của quẻ Tùy.) Cao Hanh chú: “Phục và thừa đều là ngồi xe.” (Phục thừa giai giá dã 服乘皆駕也.) Nhưng theo ngữ cảnh của câu trích từ Nhị Trình Di Thư trên đây, có lẽ hiểu như Richard Wilhelm lại đúng hơn: Họ thuần hóa bò và mắc ngựa vào xe. Do đó vật nặng có thể được kéo đi và người ta có thể đi đến nơi xa để làm lợi cho thiên hạ. Có lẽ họ lấy ý này từ quẻ Tùy. (Sie zähmten das Rind und spannten das Pferd ein. So konnten schwere Lasten gezogen und ferne Gegenden erreicht werden, um der Welt zu nützen. Das entnahmen sie wohl dem Zeichen: die Nachfolge.)
[16] Thượng Thái Ngữ Lục 上蔡語錄: Sở vị cách vật cùng lý, tu thị nhận đắc Thiên lý thủy đắc. Sở vị Thiên lý giả, tự nhiên để đạo lý, vô hào phát đỗ soạn. Kim nhân sạ kiến nhụ tử tương nhập ư tỉnh, giai hữu truật dịch trắc ẩn chi tâm. Phương sạ kiến thời, kỳ tâm truật dịch, tức sở vị Thiên lý dã. Yêu dự ư hương đảng bằng hữu, nội (nạp) giao ư nhụ tử phụ mẫu, ố kỳ thanh nhi nhiên, tức nhân dục nhĩ. [...] Nhậm tư dụng ý, đỗ soạn dụng sự, sở vị nhân dục tứ hĩ. [...] Sở vị Thiên giả, lý nhi dĩ. Chỉ như thị thính động tác, nhất thiết thị Thiên. Thiên mệnh hữu đức, tiện ngũ phục ngũ chương; thiên thảo hữu tội, tiện ngũ hình ngũ dụng. Hồn bất thị đỗ soạn tố tác lai. Học giả chỉ tu minh Thiên lý thị tự nhiên đích đạo lý, di dịch bất đắc. [...] Minh Đạo thường viết: ‘Ngô học tuy hữu sở thụ, Thiên lý nhị tự, khước thị tự gia niêm xuất lai.’ 所謂格物窮理須是認得 天理始得所謂天理者自然底道理無毫髮杜撰今人乍見 孺子將入於井皆有怵惕惻隱之心方乍見時其心怵惕 所謂天理也要譽於鄉黨朋友內交於孺子之父母惡其聲 而然即人欲耳. [...] 任私用意杜撰用事所謂人欲肆矣. [...] 所謂天者理而已只如視聽動作一切是天天命有德便五服五章天討有罪便五刑五用渾不是杜撰做作來 者只須明天理是自然的道理移易不得. [...] 明道嘗曰吾學 雖有所受天理二字卻是自家拈出來.
Lê Anh Minh chú:
Câu “Thiên mệnh hữu đức, tiện ngũ phục ngũ chương; thiên thảo hữu tội, tiện ngũ hình ngũ dụng.” 天命有 便五服五章天討有罪便五刑五用 ở trong Thư Kinh (Ngu Thư - Cao Dao Mô).
Ngũ hình 五刑 có nhiều thuyết khác nhau. Thông thường ngũ hình là:  Mặc  (thích chữ vào trán);  Tỵ  (cắt mũi); ƒ Phỉ  (cắt gân gót chân);  Cung  (thiến);  Đại tích   (tử hình).
Nhưng Hán Thư (Hình Pháp Chí) quy định là:  Kình  (thích chữ vào trán);  Tỵ  (cắt mũi); ƒ Trảm tả hữu chỉ 斬左右趾 (chặt hai bàn chân);  Kiêu thủ 梟首 (chặt đầu bêu giữa chợ);  Trư cốt nhục 菹骨肉 (bằm xương thịt).
Còn Tùy Thư (Hình Pháp Chí) quy định là:  Tử  (tử hình),  Lưu  (lưu đày); ƒ Đồ  (giam cầm và lao động khổ sai);  Trượng  (đánh bằng gậy);  Si  (đánh bằng roi).
(Xem: Cổ Đại Hán Ngữ Từ Điển, Thương Vụ Ấn Thư Quán, Bắc Kinh, 2000, tr. 1653.)
[17] Nhị Trình Di Thư: Vạn vật chỉ thị nhất cá thiên lý, kỷ hà dự yên? Chí như ngôn: ‘Thiên thảo hữu tội, ngũ hình ngũ dụng tai; thiên mệnh hữu đức, ngũ phục ngũ chương tai.’ Thử đô chỉ thị Thiên lý tự nhiên đương như thử, nhân kỷ thời dự; dự tắc tiện thị tư ý. Hữu thiện hữu ác, thiện tắc lý đương hỷ, như ngũ phục tự hữu nhất cá thứ đệ, dĩ chương hiển chi. Ác tắc lý đương nộ, bỉ tự tuyệt ư lý, cố ngũ hình ngũ dụng, hạt thường dung tâm hỷ nộ ư kỳ gian tai? 萬物只是一個天理己何與焉至如言: ‘天討有罪五刑五用哉天命有德五服五章哉.’  都只是天理自然當如此人幾時與與則便是私意有善有 善則理當喜如五服自有一個次第以章顯之惡則理當 彼自絕於理故五刑五用曷嘗容心喜怒於其間哉?
[18] Trích trong Lịch Sử Triết Học Trung Quốc, quyển II, tr. 564-572, bản dịch của Lê Anh Minh (Hà Nội: Nxb Khoa Học Xã Hội, 2007).