Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2018

ĐĐVU 03 / ĐỂ CÓ THỂ PHÁT HUY HƠN NỮA TÁC DỤNG KINH SÁCH ẤN TỐNG / Tam Hòa


Rồi cũng đến lúc ước mơ của đông đảo bổn đạo Cao Đài trở thành sự thật – nguồn kinh sách Đại Đạo đã đến với đa số nhân sanh, đáp ứng nhu cầu thiết yếu để học hỏi, nâng cao kiến thức đạo lý, có cơ sở đức tin vững vàng, có bản lĩnh giữ gìn và phát triển nền chánh pháp Kỳ Ba.
Nói sao hết được những cảm xúc, lòng chân thành biết ơn của bổn đạo gần xa, đặc biệt là của những người con áo trắng ở những miền quê xa xôi, ở những vùng đất quanh năm nắng bụi mưa bùn, đối với bao tấm lòng thương Thầy mến Đạo, bao vị Mạnh Thường Quân đã chung tay tạo điều kiện, phương tiện kinh sách dồi dào cho nhơn sanh tu học.
Làm sao bày tỏ được hết lòng tri ân các hiền huynh, hiền tỷ – những người đã gắn bó với sứ mạng lớn lao, đã nối gót tiền nhân thực hiện chương trình hoằng pháp, phổ thông giáo lý thông qua Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo!
Giờ đây, hơn 50 đầu sách đã được đa số bổn đạo biết đến. Con số này đã nói lên khả năng, dày công nỗ lực, hy sinh phi thường của quý huynh tỷ trong công cuộc xiển minh tân pháp của Kỳ Ba.
Người viết bài này đã may duyên được sự yểm trợ của BAN ẤN TỐNG, thường xuyên được nhận và phân phối một số lượng sách không nhỏ từ thánh thất BÀU SEN, đã được góp phần thực hiện lời nguyện đầu tiên trong bài Ngũ Nguyện tụng đọc hàng ngày.
Đã, đang và tiếp tục thực hiện nguyện ước trên, một công việc không mấy dễ dàng nhưng có phần thuận lợi, đó là sự yểm trợ nhiệt tình của Ban Ấn Tống, lòng ham thích kinh sách để tìm hiểu, học hỏi giáo lý Cao Đài của đa số bổn đạo. Thích thú với công việc nhưng cũng đầy những trăn trở suy tư về vấn đề phát huy hiệu quả của việc phổ truyền, giới thiệu và tiếp nhận nguồn kinh sách Cao Đài trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo. Trình độ hiểu biết về giáo lý, kinh điển của bản thân còn nhiều yếu kém. Điều kiện phục vụ còn lắm khó khăn. Nguồn kinh sách truyền tải giáo lý bây giờ tuy không còn khan hiếm đối với tín hữu Cao Đài nói chung, nhưng vấn đề tồn đọng là làm sao để mình và mọi người mỗi ngày một tiến bộ về trình độ đạo lý, mỗi ngày một mở mang kiến thức, nâng cao chất lượng học tập về thánh ngôn thánh giáo, kinh điển…
Có được nguồn kinh sách phong phú như hiện nay do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo thực hiện và gởi biếu rộng rãi, chúng ta đang dần dần được thỏa mãn nỗi “khát” kinh sách. Nhưng, thử hỏi người đạo hữu đã thực sự thu hoạch được những gì từ mỗi cuốn sách? Trong việc quảng bá, giới thiệu, truyền thụ và tiếp nhận kinh sách ấn tống không thể không lưu tâm đến phương pháp, kế hoạch nhằm phát huy tác dụng, nâng cao hiệu quả kinh sách để đạt được mục tiêu tu tiến.
Đây là vấn đề mọi người có thể cùng suy nghĩ, định hướng và thực nghiệm theo từng đơn vị họ đạo, cơ sở đạo một cách linh hoạt, sao cho phù hợp hoàn cảnh từng địa phương. Bởi lẽ, nếu chúng ta có nguồn sách hay, đẹp, bổ ích, phong phú mà chỉ để trưng bày trong tủ như món đồ trang trí, hoặc để dành đợi khi nào nhàn rỗi sẽ đọc, hoặc thụ động chờ bổn đạo nào có nhu cầu thì đến tủ sách họ đạo hỏi mượn… thì e rằng có phụ ơn soi dẫn của các Đấng thiêng liêng Tam Kỳ Phổ Độ, và phụ lòng các vị Mạnh Thường Quân nhiệt thành công quả ấn tống chăng?
Về việc phổ truyền, giới thiệu kinh sách từ tỉnh thành, quận huyện đến xã thôn, từ các trưởng ban, ngành… ở họ đạo, cơ sở đạo đến bổn đạo (trong đó có phái nữ, thanh thiếu niên) nếu có sự chuyên trách thì chắc chắn sẽ đạt hiệu quả cao.
Người chuyên trách phổ truyền này không chỉ thực hiện vào những buổi đạo hữu tập trung, những kỳ học tập mà cả những lúc tâm tình, trò chuyện trong dịp gặp gỡ, viếng thăm. Quảng bá, giới thiệu kinh sách cần lưu ý đến đối tượng tiếp thụ và điều kiện tiếp nhận; lưu ý đến phương pháp và nội dung truyền thụ. Khơi dậy niềm hứng thú, ý thức ham học hiểu, tinh thần cầu tiến cũng là một phương pháp không kém phần hiệu quả. Nói chuyện, kể chuyện (theo kinh sách Cao Đài) là một cách truyền thụ kiến thức đạo lý rất hữu hiệu đối với đa số bổn đạo có nhiều hạn chế về khả năng đọc sách, có nhiều khó khăn trong đời sống kinh tế, đặc biệt ở những vùng nông thôn, những địa bàn xa thánh sở. Thí dụ, ta có thể dùng những cuốn sách nói về cuộc đời và đạo nghiệp của các vị tiền bối như: Cơ Duyên Và Tuổi Trẻ, Hương Quế Cho Đời, Trên Đường Thiên Lý, Ngài Nguyễn Minh Thiện – Cuộc Đời Và Đạo Nghiệp…
Có những sách dùng cho mọi đối tượng, nhưng cũng có một số sách không phải phục vụ cho mọi đối tượng. Người phân phối sách tất nhiên phải nắm được khái quát nội dung sách (như vậy bản thân người này phải đọc sách trước đã). Có thể sẽ phát sách nhầm đối tượng nếu ta chưa đọc qua quyển sách đó. Chẳng hạn như cuốn Người Đạo Cao Đài Làm Quen Phương Pháp Nghiên Cứu, Nghệ Thuật Thuyết Trình Giảng Đạo, hay cuốn Lễ Bổn… thì ta nên cung cấp cho những đối tượng nào?
Về tổ chức thực hiện việc đọc sách, học tập thánh ngôn, thánh giáo, phát huy hiệu quả học tập, có thể lên kế hoạch năm, quý, tháng theo chủ đề cụ thể với hình thức thi đua có khen thưởng để khuyến khích. Thí dụ như:
- Thi đọc thuộc thánh giáo theo chủ đề xuân, thánh giáo dạy phái nữ, dạy thanh thiếu niên, thánh giáo dạy đạo của Đức Chí Tôn, Đức Diêu Trì Kim Mẫu, Đức Quan Âm, Đức Ngô Đại Tiên, Đức Chúa Giêsu, v.v… Ta tổ chức thi nhân các ngày âm lịch 09-01; 15-02; 13-3; 15-8, và 25-12 dương lịch, v.v…
- Thi kể chuyện theo kinh sách Cao Đài đối với thanh thiếu niên. Chẳng hạn, thi kể về cuộc đời và đạo nghiệp của các tiền bối như Ngô Đại Tiên, Bạch Liên Tiên Trưởng, Quảng Đức Chơn Tiên, Bác Nhã Thiền Sư, Cao Triều Phát, v.v…
- Tổ chức thuyết trình về sử đạo, tìm hiểu về kinh cúng tứ thời, v.v… (Lưu ý tới những chỗ in sai, đọc nhầm đã được Ban Ấn Tống khảo cứu và đính chính cụ thể.) Hiện nay chúng ta có khá nhiều sách trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống để thực hiện các chủ đề nói trên: Đất Nam Kỳ - Tiền Đề Văn Hóa Mở Đạo Cao Đài; Đất Nam Kỳ - Tiền Đề Pháp Lý Mở Đạo Cao Đài; Tam Giáo Việt Nam - Tiền Đề Tư Tưởng Mở Đạo Cao Đài; Ngô Minh Chiêu - Người Môn Đệ Cao Đài Đầu Tiên; Tìm Hiểu Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu Cáo, Tìm Hiểu Hai Bài Tiên Thiên Khí Hóa Và Quế Hương Nội Điện, v.v…
- Việc khen thưởng có tác dụng cao trong vấn đề khuyến khích đạo hữu tích cực đọc kinh sách, kể chuyện theo kinh sách. Có giấy khen và phần thưởng cho người tham gia theo từng mức độ (xuất sắc, khá, trung bình); có phần quà khuyến khích cho người tham gia nhưng chưa đạt tới mức thưởng.
Cùng nghĩ suy để tìm ra phương pháp tốt, hiệu quả cao trong việc phổ truyền kinh sách Đại Đạo; nỗ lực đóng góp cho Chương Trình Chung Tay Ấn Tống tùy từng khả năng, sức lực là thể hiện lòng thương Thầy mến Đạo, lòng tri ân công lao tiền bối. Ra sức tu học để nâng cao trình độ đạo lý thông qua việc tìm đọc kinh sách là yêu cầu không thể thiếu của toàn thể chức sắc, chức việc và tín đồ Đại Đạo.
“Trân trọng giữ gìn kinh sách để truyền trao cho đúng người thật tâm tìm tu, học đạo.” Đó là lời tha thiết của Ban Ấn Tống.
Cuối cùng, người viết bài này muốn một lần nữa cùng độc giả ôn lại lời của Đức Giáo Tông Đại Đạo Thái Bạch Kim Tinh:
“Còn sự phổ thông giáo lý Đại Đạo cũng không dành riêng cho lớp người nào. Ai cũng có thể làm được, miễn là hiểu được đường lối, mục đích và chủ trương cao cả của nó. Việc làm này không luận là lớn tuổi, nhỏ tuổi, không luận là hội thánh hay tòa thánh, cũng không luận là có đạo nhiều năm hay người mới vào, ít tuổi đạo. Nó đã đến, đang đến và sẽ đến với những ai am tường Thiên ý, học hỏi đạo lý, tận tụy phổ thông, say sưa truyền bá.” [1]
Thành kính nguyện cầu Ơn Trên soi dẫn, hộ trì cho quý huynh tỷ là những tác giả biên soạn kinh sách Đại Đạo, quý huynh tỷ trong Ban Ấn Tống, quý Mạnh Thường Quân cùng toàn thể tín hữu trong nền Đại Đạo khỏe mạnh, an lạc để tiếp tục thực hiện thành công sứ mạng hoằng dương chánh pháp.

TAM HÒA
Thánh thất Linh Bửu (Huyện Đại Lộc, Quảng Nam)
Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài




[1] Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-7 Bính Ngọ (20-8-1967).