Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2018

ĐĐVU 03 / CAO TRIỀU PHÁT – CHA TÔI / CAO BẠCH LIÊN


Tiền bối Cao Triều Phát trên đường kháng chiến (1948)
Những năm kháng chiến chống Pháp việc đi lại của cán bộ chiến sĩ đi từ miền Tây lên Đồng Tháp Mười và miền Đông cũng như ngược lại từ miền Đông, Đồng Tháp Mười xuống miền Tây cực kỳ nguỵ hiểm, nên mới có câu: “Qua sông bạc đầu, qua lộ giảm kỷ.”
Nói là con đường, nhưng không phải là quốc lộ Một tráng nhựa bằng phẳng như bây giờ. Con đường lúc đó là những con rạch ngoằn ngoèo, hai bên bờ cỏ cây, lá dừa nước mọc um tùm. Rạch nhỏ ra rạch lớn nối tiếp nhau, rồi ra sông lớn, sông Tiền, sông Hậu, rồi rạch nhỏ ngoằn ngoèo nối tiếp. Những chiếc xuồng có cả rèm che đỡ nắng mưa, lúc cần thì che lên, lúc không cần thì dẹp xuống cho gọn, cứ lặng lẽ bền bỉ len lỏi ngày đêm theo các con rạch đó để rồi vượt sông lớn.
Qua sông lớn phải chuẩn bị tinh thần và vật chất: Thay quai chèo mới, có mấy đôi dự trữ. Mỗi người đi trên xuồng có một cây dầm để tiếp sức người chèo xuồng. Chọn lúc chạng vạng tối hoặc bốn giờ sáng vượt sông là tương đối thuận lợi vì lúc trời nhập nhoạng, tranh sáng tranh tối, bên đồn giặc khó nhìn thấy. Không may bị chúng phát hiện, chúng báo cho máy bay hoặc tàu tuần tiễu tới bắn giết hoặc vây bắt.
Đêm tối tàu tuần tiễu hay tắt máy thả trôi, nhìn như một dề lục bình trôi trên sông. Những cặp mắt cú vọ luôn tìm kiếm để phát hiện xuồng qua sông. Chúng đuổi theo bắt sống hay bắn giết. Chúng còn phục kích hai bên bờ sông chờ bắt khi xuồng vừa tới bờ sông. Chuẩn bị cho việc vượt sông chu đáo để tránh thương vong đáng tiếc. Nhưng hiểm nguy vẫn rình rập trên con sông Cửu Long này cho những ai đi qua.
Trên con lộ Đông Dương từ Sài Gòn cho tới Cà Mau, cứ mấy trăm mét có một đồn bót giặc. Những cặp mắt cú vọ luôn rình rập soi mói. Chúng khống chế trục giao thông huyết mạch này. Những đoạn lộ Đông Dương chắn ngang các con rạch, muốn vượt qua chỉ có cách khiêng xuồng chạy qua lộ thiệt nhanh, phải vừa nhanh vừa nhẹ nhàng để đồn bót gần đó không phát hiện được. Còn phải tránh lính đi tuần tra trên đường. Chúng hay phục kích ở những đoạn đường chúng nghi cán bộ kháng chiến thường hay vượt lộ.
Nội quy của liên lạc đưa đường rất nghiêm nhặt: Xuồng tới gần lộ cũng là gần bót giặc, mái chèo khua nước phải nhẹ nhàng tránh gây tiếng động. Không được nói chuyện, có khi còn phải cố nhịn cả ho. Không được hút thuốc. Vì chỉ cần một sơ suất nhỏ là cả đoàn sẽ bị phát hiện, tai họa khôn lường. Lúc bò qua lộ phải nhẹ nhàng nhanh chóng. Nếu gặp pháo sáng bắn lên phải nằm yên chờ pháo tắt mới bò tiếp. Khi đụng phải phục kích phải bình tĩnh thoát ra sông có cây cỏ che khuất. Không được hoảng sợ kêu khóc làm lộ mục tiêu...
Lúc này cha tôi đã gần sáu mươi tuổi nhưng còn khỏe mạnh. Những cán bộ trong kháng chiến thường gọi cha là cụ. Thời đó tuổi thọ còn thấp, nên sáu mươi tuổi là đã già rồi. Trên con đường vạn dặm này cha đã qua lại nhiều lần vì yêu cầu của công tác cách mạng, nhưng may mắn là chưa lần nào gặp hiểm nguy. Ông đi lại bình tĩnh, an toàn, âu cũng là còn nợ nhơn sanh.
Những lần trước cha về miền Tây chỉ một xuồng và vài người đi theo. Lần này còn có nhiều cơ quan cùng đi, nhưng đi rải ra nhiều ngày và chia từng tốp nhỏ lần lượt qua lộ, qua sông chứ không đi tập trung ồ ạt.
Mẹ tôi, em Khiết và chị Ba ngồi một xuồng, tôi và cha ngồi một xuồng, có người lo bảo vệ và chèo xuồng đưa đi. Để bảo đảm bí mật, nên xuất phát vào lúc chạng vạng tối, từ kinh Dương Văn Dương.
Xuồng lặng lẽ đi trong đêm tối tới Mỹ Quý, Mỹ Thọ có trạm liên lạc nhận mật khẩu, ám hiệu rồi chuẩn bị qua sông Tiền. Các thành viên trên xuồng được trang bị một cái dầm để góp sức cho xuồng lướt nhanh qua sông. Tôi và cha cũng ra sức bơi bằng cây dầm của mình.
Gần tới bờ bên kia, trời đã sáng. Có tiếng máy bay ì ầm mỗi lúc nghe càng gần. Mọi người trên xuồng ra sức chèo, bơi, nước văng tung tóe, ai nấy mồ hôi ướt đẫm. Xuồng vào tới bờ, chui vào con rạch nhỏ, nép vào cây cỏ lúp xúp, người nằm rạp xuống. Cũng là lúc chiếc đầm già bay tới quần đảo ngó nghiêng. Chúng không phát hiện được gì, bắn mấy phát đạn vu vơ rồi bay thẳng. Qua sông Hậu còn lớn hơn sông Tiền. Vì sông lớn hơn và thời gian ở trên sông lâu hơn nên hiểm nguy rình rập cũng nhiều hơn.
Trên con lộ Đông Dương đồn bót dày đặc. Muốn đi miền Tây hoặc ngược lại phải vượt hai đoạn lộ. Vì xuồng theo con rạch nhỏ phải chui qua cầu. Chỗ có cầu luôn có lô cốt canh giữ, mà xuồng lại cần vượt qua phía bên kia con lộ, không cách nào khác là phải vượt qua lộ.
Tôi nhớ nhất lần vượt lộ Ba Càng. Khi mũi xuồng cặp mép con lộ Ba Càng, cha và tôi vội nhảy lên lộ, theo hướng dẫn của liên lạc, bò qua lộ thiệt nhanh. Tới mép lộ bên kia, xuồng đã có giao liên khiêng qua. Tôi bước theo cha xuống xuồng. Trời tối đen như mực. Tôi hụt chân té xuống rạch, may mà cha kịp túm lấy tóc tôi kéo lên xuồng. Tôi vừa sợ vừa ướt lạnh, run cầm cập.
Đến lần qua lộ thứ hai tôi rút kinh nghiệm nắm chắc tay cha và bước thận trọng, không dám láu táu như lần trước. Bò đến giữa đường thì pháo sáng từ phía bót giặc bắn lên lụp bụp. Mọi người nằm rạp trên lộ, chờ cho tới pháo hết sáng mới được bò tiếp và xuống xuồng đi miết cho đến hết con đường vạn dặm này.
CAO BẠCH LIÊN
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo