Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2018

ĐĐVU 03 / PHÉP LẠ LA HÀ / MINH HIẾU

Ngày thứ Hai 28-5-2012 (08 tháng 4 nhuần Nhâm Thìn), đồng đạo Quảng Ngãi cũng như đồng đạo gần xa đều mừng vui khôn xiết khi hay tin về sự mầu nhiệm của việc cầu nguyện xin Thầy ban ơn chọn nơi đóng giếng nước tại Linh Tháp.
Linh Tháp Quảng Ngãi tọa lạc tại tổ dân phố 3, thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Không riêng khuôn viên Linh Tháp mà luôn cả khu vực dân cư chung quanh đều không thể đóng giếng, vì đào hoặc đóng giếng xuống thì gặp đất cao lanh [1] và đá bàn (đá balông). Nơi đây thuộc khu đá chẻ nổi tiếng ở La Hà, rất khó tìm mạch nước.
Từ trước đến giờ, cư dân ở đây dùng giếng đào nhưng rất ít nước. Ngày giỗ chư Thánh Tông Đồ (mùng 10-7) hàng năm thường thiếu nước. Ngày 01-6-2010, hơn 500 tình nguyện viên đoàn hành trình xanh đạp xe xuyên Việt dừng chân nghỉ tại Linh Tháp hai ngày đêm, không đủ nước cho các em rửa mặt, các chức sắc ở đây rất xót xa.
Mấy năm trước, thợ đóng giếng nổi tiếng ở thành phố Quảng Ngãi được mời về đóng thử khắp trong khu vườn Linh Tháp, nhưng không có chỗ nào có nước. Đầu năm Nhâm Thìn, nhà anh Long ở trước cổng Linh Tháp mời thợ về đóng giếng vẫn không thành công.
Để có đủ nước dùng cho khóa tu mùa hè sắp đến, cũng như các lễ hội hằng năm tại Linh Tháp, và đặc biệt là chuẩn bị cho việc xây dựng lại ngôi Báo Ân Linh Tháp, ngày thứ Bảy 26-5-2012 (06 tháng 4 nhuần Nhâm Thìn), Giáo Hữu Thái Yến Thanh, chức sắc đại diện Hội Thánh Truyền Giáo tại Quảng Ngãi, hội ý một số vị trong Ban Đại Diện bàn việc tổ chức lễ cầu nguyện xin Ơn Trên chọn nơi đóng giếng.
Các vị chọn sáu chỗ rải rác trong khu vườn Linh Tháp, đóng một cây mốc đánh số từ 1 đến 6. Lấy sáu mẫu đất ở mỗi nơi, gói cẩn thận bằng giấy trắng, đánh số tương ứng từ 1 đến 6, rồi đặt trong khay.
Ngày Chủ Nhật 27-5-2012 (07 tháng 4 nhuần Nhâm Thìn), nhân cuộc họp mở rộng toàn chức sắc, chức việc và các ban ngành các họ đạo trong tỉnh Quảng Ngãi để thành lập ban tổ chức khóa Bồi Dưỡng Tâm Hạnh Sống Đạo cho giới trẻ (gọi tắt là khóa tu mùa hè năm 2012), Ban Đại Diện thông báo và trình bày lý do lễ cầu nguyện vào giờ Ngọ hôm ấy.
Đến giờ Ngọ, mọi người thành tâm dâng lễ cầu nguyện. Sau khi dâng tam bửu, Giáo Hữu Thái Yến Thanh dâng hương khấn nguyện. Các Lễ Sanh đầu họ đạo, Lễ Sanh, Hành Thiện, Tùng Sĩ Quân, chức sắc chức việc các ban ngành trong tám họ đạo và cơ sở đạo cùng thành tâm mật khấn. Sau đó, Giáo Hữu Thái Yến Thanh gieo quẻ âm dương để xin Thầy chọn trong số sáu mẩu đất dâng trình. Kết quả xin được hai điểm số 1 và số 2. Toàn đàn khấu tạ.
Ban Đại Diện quyết định ngày hôm sau (thứ Hai 28-5) sẽ đóng giếng, và phân công đạo huynh Nguyễn Thanh Tùng (trong Ban Đại Diện) tìm thợ đóng giếng.
Đạo huynh Thanh Tùng mời anh Tám là thợ đóng giếng tại thành phố Quảng Ngãi. Trước đây anh Tám nhiều lần vào đóng giếng tại Linh Tháp nhưng không thành công. Do đó, anh một mực từ chối: “Tôi đã đóng nát đất khu vườn Linh Tháp rồi, vẫn không có nước. Giờ đây tôi nhất quyết không làm nữa đâu, nhọc công vô ích!”
Sau khi nghe đạo huynh Thanh Tùng kể rõ việc cầu nguyện xin đóng giếng, anh Tám nhận lời, xem thử linh ứng ra sao.
Như đã hẹn, 7 giờ hôm sau anh Tám có mặt. Giúp anh có Giáo Hữu Thái Yến Thanh và đạo huynh Nguyễn Phước Thi (họ đạo Sông Vệ). Giáo Hữu Thái Yến Thanh chọn điểm số 2 đóng trước; dự kiến đóng luôn hai giếng, lấy nước vào hai ống thông nhau cho đủ nước chạy một motor.
Sau một giờ làm việc, giếng đóng thành công, gương mặt mọi người đều rạng rỡ hẳn lên, ai cũng sung sướng và nghẹn ngào xúc động khi chứng kiến sự huyền diệu vô cùng: Nước giếng trong vắt tuôn lên rất nhiều, thử chạy motor DK15 cũng không hết nước, nên chẳng cần đóng hai giếng. Anh Tám nói: “Không thể ngờ được! Đây quả là cái giếng Trời!”
Quá trưa hôm ấy, tôi đến xem thử giếng nước ra sao. Trời chang chang nắng, Giáo Hữu Thái Yến Thanh không nghỉ trưa, đang hăng hái cầm ống dây tưới vườn chuối rộng phía sau. Tôi nếm thử thấy nước rất mát và đậm vị khoáng chất. Thấy chiếc motor DK 20 đang chạy rất khỏe, tôi hỏi sao lại chạy motor lớn như vậy. Giáo Hữu Thái Yến Thanh trả lời: “Chạy thử motor lớn xem có cạn nước không.”
Ban Đại Diện đem mẫu nước đến Trung Tâm Y Tế Dự Phòng của tỉnh Quảng Ngãi để xét nghiệm. Kết quả: đạt đủ mười bốn tiêu chuẩn về nước uống.
Hiện nay Ban Đại Diện đã xây dựng một tháp nước dung tích ba mét khối (ba ngàn lít).
MINH HIẾU
Theo Sống Đạo tập 14 (Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài)



[1] Cao lanh (kaolin) là loại đất sét trắng, bở, chịu lửa, dùng làm đồ gốm sứ, vật liệu chịu lửa, vật liệu mài, sản xuất nhôm, phèn nhôm, đúc, chất độn sơn, cao su, giấy, xi măng trắng, v.v... Tên gọi cao lanh xuất phát từ địa danh Cao Lĩnh thổ  (đất Cao Lĩnh). Cao Lĩnh là khu vực đồi tại Cảnh Đức Trấn 景德鎮 (Giang Tô 江蘇, Trung Quốc), có nhiều mỏ đất sét trắng làm nguyên liệu sản xuất đồ sứ Trung Quốc. Các giáo sĩ Dòng Tên (Ordre des Jésuites) người Pháp phiên âm  là kaolin, chuyển sang tiếng Việt là cao lanh. [Văn Uyển chú]