I. THỜI KỲ MANH NHA
Đầu năm 1920, tại ấp Láng Biển (xã Mỹ Phước Tây, tổng Lợi Trinh, quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho) có nhóm tu sĩ Minh Sư tới nhà ông Trần Văn Thông và bà Nguyễn Thị Tứ tập cầu cơ theo kiểu dân gian, ráp từng chữ cái trong bảng hai mươi bốn mẫu tự (người Mỹ gọi là ouija board).
Sau đó, vào giờ Tý đêm 14 rạng 15 tháng 10, Thần Tiên giáng dạy phải tạo đại ngọc cơ và luyện tập một thiếu nhi mười tuổi làm đồng tử phò loan. Hai ông Thiên Ân và ông Minh Đức vốn là đồng tử bên đạo Minh Sư tham gia tập luyện đồng tử (là cháu nội bà Tứ, tên Trần Văn Năm, thánh danh Huệ Mỹ Chơn).
Các Đấng thường ban lời khuyến thiện, dạy đạo làm người phải yêu thương non sông Tổ Quốc. Nhà của tiền bối Nguyễn Thị Tứ lúc nào cũng có khách từ Đồng Tháp Mười, Vĩnh Long, Cần Thơ, Cà Mau, v.v… đến Láng Biển xin hầu đàn.
Nhà bà Tứ chỉ có ba gian và một gác cây, gọi là Lư Bồng, tạm dùng làm chỗ cầu cơ và hội hợp. Vì đạo tâm đến quá đông, nên phải dựng lều, làm thêm mái che phía trước và chung quanh.
II. THỜI KỲ TƯỢNG HÌNH
Ba năm 1924, 1925, 1926, Ơn Trên dạy lập ba đại hội gọi tên là Thiên Hoàng, Địa Hoàng và Nhơn Hoàng.
ĐẠI HỘI THIÊN HOÀNG
Ơn Trên dạy các chủ nhà tịnh, nhà đàn đến Lư Bồng của bà Nguyễn Thị Tứ hầu lịnh. Có ba mươi sáu vị (Phan Văn Tòng, Trương Như Mậu, Nguyễn Huỳnh Tân, Nguyễn Thị Tứ, Trần Văn Sung, Trần Văn Thông, Nguyễn Văn Hiệp, v.v…)
Giờ Tý mùng 8 rạng mùng 9 tháng 1 Giáp Tý (12 rạng 13-02-1924) cơ bút dạy hôm ấy là Đại Hội Thiên Hoàng.
Thánh giáo:
Khai trời mở đất lập Thiên Hoàng
Làm chủ mười hai hội Tý sang
Đại Đạo hóa hoằng sanh vạn pháp
Phật, Tiên, Thần, Thánh thọ cơ quan
Tam Kỳ tá thế ban ân xá
Danh ngã Cao Đài cứu thế gian
Hữu phước chơn sư truyền chánh giáo
Bền lòng tu niệm hưởng thanh nhàn.
Ta hỷ hỷ [mừng mừng] chư chúng sanh. Đã ba nguơn Ta chiết chơn linh xuống thế bằng thai phàm lập giáo tận độ linh căn bị chúa quỷ ma vương hãm hại xác phàm. Kỳ Ba nầy Ta dùng điển quang giáng vào cơ bút mượn chơn đồng truyền khẩu dạy đạo.
TÒNG! Hãy dạy cho SUNG đến rước NGUYỄN HỮU CHÍNH tại Phủ Thờ về hợp tác lo khai Đạo. Sau này Ta sẽ thâu thêm cho đủ Thất Thánh, Thất Hiền lo mở Tiên Thiên Đại Đạo đó nghe.
Đương giờ Tý Thiên sanh khai hội
Lập Cao Đài mở lối cơ quan
Cho con nước Việt Hồng Bàng
Nhỏ nhen phải chịu bốn ngàn nạn ba
Dựng Quốc Đạo bửu tòa thơ thới
Dạy thương yêu lập hội Nhơn Hoàng
Địa Hoàng đất Thuấn âu ca
Đại đồng nhơn loại bình hòa ngũ châu
*
Bá TÒNG nhìn trẻ luống thương thay
Ta chọn giao con hiệp BỬU TÀI
Lập mối Tiên Thiên gầy Quốc Đạo
Dựng gầy chơn giáo hiệu Cao Đài
Ba kỳ tan hợp không sờn chí
Bảy nạn nên công rạng rỡ mày
Ta sẽ đem con về cựu vị
Danh bia ngàn thuở chốn Thiên Thai.
Hầu đàn xong, mọi người giải tán.
Sau ngày Đại Hội Thiên Hoàng, một đàn cơ tại Vĩnh Long dạy tiền bối Phan Văn Tòng đứng đầu các nhóm Tiên Thiên, gọi tên là Tiên Thiên Tam Giang.
ĐẠI HỘI ĐỊA HOÀNG
Ơn Trên dạy thiết lập Đại Hội Địa Hoàng. Các vị chủ nhà tịnh, nhà đàn được triệu tập đủ mặt nhưng cơ bút gọi thêm đủ bảy mươi hai người hầu đàn cơ đêm đó. Thánh giáo ngày 15-10 Ất Sửu (30-11-1925):
NGỌC Bạch giáng lâm buổi mạt đời
HOÀNG đồ bố hóa khắp nơi nơi
THƯỢNG căn Đại Đạo Tiên Thiên xuất
ĐẾ nghiệp Nam bang sửa thế thời
Kim viết ân hồng quy chánh giáo
CAO ĐÀI vũ lộ hiệp cơ Trời
Nam bang giáo đạo con Hồng Lạc
Phục thỉ linh căn đáo thượng ngôi.
Tiên Thiên Đại Đạo là cái Đạo của Diêu Trì Kim Mẫu sáng lập Kỳ Ba để lập thành chánh danh là Tiên Thiên Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Khá hiểu à!
Hầu đàn xong, mọi người giải tán.
ĐẠI HỘI NHƠN HOÀNG
Ơn Trên dạy khoảng một trăm vị tu Tiên Thiên về Lư Bồng hầu đàn. Thánh giáo giờ Tý ngày 15-7 Bính Dần (22-8-1926):
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ
kim viết CAO ĐÀI giáo đạo Nam Phương.
Thầy đại hỷ các con. Các con khá tịnh tâm nghe thầy dạy lý chân đạo Tiên Thiên. Thờ Vô Cực mà chưa thấu lý Tiên Thiên hóa ra mò trăng bắt bóng đó chăng?
Vậy Tiên Thiên là gì? Tiên Thiên nơi Trời là Hư Vô chi khí [khí Hư Vô], nơi người là bổn tánh Chơn Như, nơi đất và vạn vật là âm dương chi đạo [cái đạo âm dương].
Thầy là Thái Cực trong chỗ Tiên Thiên ấy. Vậy Tiên Thiên là Tạo Hóa căn cơ, là gốc của trời đất, mẹ của vạn vật. Người mà mất Tiên Thiên thì thần bị loạn, tinh khí khô kiệt. Đất mà mất Tiên Thiên thì âm u đen tối. Vạn vật mà mất Tiên Thiên thì khô cằn tàn lụi.
Đạo mà Thầy đến lập cho các con lấy Tiên Thiên làm gốc để các con phản bổn hoàn nguyên trở về chỗ Tiên Thiên ấy. Đạo mà thiếu Tiên Thiên thì sao gọi là Đại Đạo được?
Các con thờ Thầy nơi tâm. Tâm tại thần. Thầy là các con, các con là Thầy.
Các con biết Thiên Nhãn là chi chăng? Thầy đã dạy Chiêu phác họa rồi đó, các con minh họa mà thờ. Trong Thiên Nhãn có Vô Cực Tiên Thiên, Thái Cực Lưỡng Nghi, Tam Tài thể hiện Chơn Thần Thầy ngự đó.
Thầy lập Tam Kỳ Phổ Độ dạy con tu luyện đạo Tiên Thiên, lấy Hậu Thiên hữu hình phanh luyện về chỗ vô vi là thành đạo. Còn đem cái đạo vô vi mà hành động hữu hình là tôn giáo hình tướng đó… Thầy không đem cái hữu hình, hữu danh tướng mà dạy các con. Thầy không muốn các con vì thế quyền mà không lo tu giải thoát phản bổn huờn nguyên. Các con không lo tu Tiên Thiên mà mong thành chánh quả, khi bỏ xác cũng phải tu luyện Tiên Thiên mới chứng quả Phật Tiên đó.
Thầy chuyển lập Tam Kỳ Phổ Độ,
Dạy con tu đạt chỗ Tiên Thiên
Ngũ Chi, Tam Giáo cơ huyền,
Cao Đài nguơn hạ Thầy truyền song tu.
Con tu luyện công phu làm gốc
Chuyển Hậu Thiên Nhâm, Đốc hiệp hòa
Dùng Thần điều khí chẳng xa
Lấy Tâm trị vật ấy là sơ cơ.
Luyện chân tu khá chừa tạp niệm
Tâm tự nhiên Thần Khí giao liên
Chơn Thần dạo khắp Khôn Kiền
Tiêu diêu tự tại Tiên Thiên đạt thành.
Giờ nầy Thầy chỉ dạy yếu lý Tiên Thiên. Về hành sự Thái Bạch Kim Tinh Giáo Tông Đại Đạo sắp đặt.
Thầy ban ơn các con…
Sau ba Đại Hội, người mộ đạo các nơi về nhập môn càng lúc càng đông. Lư Bồng không đủ chỗ cho bổn đạo tụ hợp lễ bái, nên Ơn Trên dạy tạo lập tam đài trên phần đất ruộng mà bà Tứ đã tình nguyện hiến một mẫu cho Đạo.
III. THỜI KỲ THÀNH HÌNH
Khoảng tháng 9 Bính Dần (tháng 10-1926), thi hành thánh lịnh, bổn đạo chung lòng chung tay cùng nhau tạo dựng ngôi Tam Đài với những vật liệu thô sơ do bổn đạo quanh vùng Láng Biển chở đến hiến. Gỗ lớn dùng làm cột, kèo hoặc cưa xẻ làm ván lót gác Hiệp Thiên Đài. Cây tràm, tầm vông… dùng làm đòn tay, rui mái, nẹp phên vách. Mái lợp và vách phên đều bằng đưng.[1] Đưng được cắt từ cánh đồng hoang mọc toàn cây đưng, chở về bằng xuồng ghe, phơi khô rồi chằm thành tấm để lợp mái và dừng vách.
Việc xây dựng Tam Đài độ hơn một tháng thì xong. Lễ an vị tổ chức đơn giản trong nội bộ. Bộ phận thông công lập đàn, Ơn Trên giáng cơ ban cho danh hiệu là TÒA THÁNH THIÊN THAI vào năm 1927.
Ơn Trên dạy làm trụ phướn cao ba mươi sáu mét, nên bổn đạo phải tìm ba thân cây, mỗi thân trên mười hai mét, đem ghép lại rồi dựng lên. Phướn Tam Thanh thượng vào hai ngày sóc vọng; phướn Huỳnh (màu vàng) luôn treo vào ngày thường. Trên nền phướn Huỳnh có thêu hoặc vẽ dòng chữ Nho: Thiên Khai Huỳnh Đạo Cao Đài Cứu Thế.[2] Trên đỉnh trụ phướn đặt một cái giá treo ba mươi sáu ngọn đèn vào những ngày sóc vọng.
Ơn Trên còn dạy lập Ngũ Lôi Đài (cao 3,6 mét) tại vàm Láng Biển (ngã ba sông cũ, nay là Mỹ Hạnh Trung) viết bốn chữ Tòa Thánh Thiên Thai, ngụ ý Đài nầy là mục tiêu hướng dẫn nhơn sanh về Tòa Thánh Thiên Thai.
Có bài thơ sau:
Thiên Thai nào phải cảnh trần nầy
Chẳng phải giữa trời, chẳng phải mây
Cảnh báu thiên nhiên sanh bất diệt
Nương chơn cõi tạm Đạo phô bày.
Thế là bảng hiệu TÒA THÁNH THIÊN THAI cùng với danh hiệu TIÊN THIÊN ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ được Ơn Trên dạy dựng lên từ đây để ra mắt nhơn sanh. Danh từ Tiên Thiên Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có nghĩa là phái Tiên Thiên Đại Đạo trong Tam Kỳ Phổ Độ (tức trong đạo Cao Đài), sau nầy nói rút gọn là Cao Đài Tiên Thiên.
Tòa Thánh Thiên Thai tập hợp những vị tiền bối trong Thất Thánh, Thất Hiền hoạt động trong cơ phổ độ của phái đạo Tiên Thiên suốt ba mươi năm (1926-1955) để hình thành đầy đủ bảy mươi hai tịnh trường và ba mươi sáu tịnh đàn. Bản thân Thiên Thai là tịnh trường đứng hàng số một, căn cứ theo kinh Minh Giáo Thánh Truyền:
THIÊN THAI lập Công Tào phán định
Chiếu sắc phê chấn chỉnh hậu tiền
Minh khai chờ hội quy nguyên
Lập thành Quốc Đạo nơi miền Việt Nam.
Về tổ chức quản lý Tòa Thánh Thiên Thai, bấy giờ chưa có Ban Cai Quản, chỉ có Chủ Tịnh là bà Tư. Việc thu chi do bà đảm nhiệm và các con của bà lo việc chăm sóc trong ngoài thuộc nội ô Tòa Thánh. Ngoài ra còn có những vị cùng chung lo đạo sự, như ông Trần Văn Dương và vợ là bà Sỏi. Ông Dương có người con là Trần Văn Năm tức đồng tử Huệ Mỹ Chơn, sau nầy thọ phong Thượng Phẩm tại Tòa Thánh Thiên Thai. Đồng thời với đồng tử Huệ Mỹ Chơn trong việc phò loan còn có ông Trần Văn Liểng.
Về sau, tiếp nối bộ phận thông công có các ông Trần Văn Ca, Trần Văn Tôn (tức Tiếp Đạo Thiên Ánh) và Trần Văn Lập (Đông Vân Tử) làm nhiệm vụ phò loan.
IV. THỜI KỲ BIẾN CHUYỂN
Từ năm 1929-1930, đạo hữu các nơi quy tụ về Láng Biển rất đông, khiến giặc Pháp chú ý. Chúng bắt đầu mạnh tay đàn áp. Lính Pháp hành quân vào Láng Biển đập phá, đóng cửa Tòa Thánh Thiên Thai, cấm bổn đạo tụ tập cúng bái. Chúng lùng sục tìm bắt giam các chức sắc và nghiêm cấm lập đàn cầu cơ.
Năm 1931 (Ất Mùi): Bổn đạo Thiên Thai bắt đầu cúng bái và lập đàn cầu cơ trở lại nhưng rất kín đáo để giặc Pháp không phát hiện.
Có lần giặc phát hiện bổn đạo lập đàn cơ, bèn cho một toán lính bao vây Tòa Thánh Thiên Thai. Trên gác Hiệp Thiên Đài, Đức Lý đang giáng cơ dạy đạo. Ngài dạy mọi người tịnh tâm như không có chuyện gì xảy ra, khi xả đàn xuống cầu thang hãy bước rón rén, cứ để nguyên guốc dép lại, đi chân không về nhà. Lúc mọi người xuống cầu thang thì thấy toán lính nằm ngủ la liệt trong ngoài chánh điện. Khi mọi người về tới nhà an ổn rồi toán lính mới tỉnh dậy. Thấy giày dép còn nguyên dưới chân cầu thang mà trên gác không bóng người nào, lính giặc rút lui, loan truyền rằng “người đạo Cao Đài biết bay”.
Giặc Pháp lại thẳng tay đàn áp đạo Cao Đài, phong tỏa Tòa Thánh Thiên Thai. Bổn đạo đành tu hành tại gia. Tòa Thánh Thiên Thai trở nên hoang vắng rồi lại bị giặc Pháp giật sập và đốt cháy.
Lắng dịu một thời gian, Ơn Trên dạy lập Long Đài cách Tòa Thánh Thiên Thai chừng trăm thước để bổn đạo tu tịnh, nhưng không bao lâu cũng bị giặc đốt cháy. Kế đến lập Long Thiên Môn cũng bị giặc đốt cháy luôn.
Năm 1943 (Quý Mùi): Ơn Trên dạy sửa lại ngôi Cửu Trùng Đài ba căn hai chái bằng cột cây mái đưng.
Năm 1950 (Canh Dần): Dựng lại ngôi Hiệp Thiên Đài cũng bằng vật liệu thô sơ. Lúc này Tòa Thánh Thiên Thai còn thiếu Bát Quái Đài.
Năm 1953 (Quý Tỵ): Tu sửa lần nữa với sự trợ giúp của Chị Lớn Nữ Đầu Sư Hương Ngà và Chị Lớn Hương Trầm. Đốc công là ông Mười Sung. Ngôi Hiệp Thiên Đài được thay tám cây cột xi măng, còn lại vẫn dùng vật liệu thô sơ. Chẳng bao lâu sau đó Hiệp Thiên Đài bị bom pháo phá rụi, chỉ còn chơ vơ tám cây cột xi măng trên nền đất cũ.
Năm 1954 (Giáp Ngọ): Sau Hiệp Định Genève, Đức Chí Tôn ban lời huấn dụ:
Miền Láng Biển tiên tri nhắc lại
Cảnh THIÊN THAI không phải tại trần
Đổi dời lăn xả nhiều lần
Nay đây tiền định, phú bần con lo.
Thể theo nhân tâm và thánh ý, các Anh Lớn đi tìm đất tái thiết ngôi Tòa Thánh Thiên Thai, cuối cùng chọn được địa điểm tại ấp Cầu Dừa, xã Mỹ Phước Tây. Trước tiên thuê một thửa đất hai công (2.000 thước vuông) của ông Nguyễn Văn Sáu, sau đó mua lại với giá 350 đồng. Thấy đất nầy trồng lúa tốt nên ông Lê Văn Ngoạn xin hoán đổi thửa đất nhiều phèn tiếp giáp bờ kênh 12 của ông, diện tích sáu công (6.000 thước vuông).
V. THỜI KỲ TÁI TẠO
Năm 1956 (Bính Thân): Khi lạc thành Tòa Thánh Châu Minh (nay ở xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), thì Tòa Thánh Thiên Thai được gọi là Tòa Thánh Vô Vi, về sau thường gọi là thánh tịnh Thiên Thai.
Năm 1957 (Đinh Dậu):
Ngày 16-3-1957 (15-02 Đinh Dậu), khởi công đắp nền xây dựng thánh tịnh Thiên Thai. Ơn Trên dạy thiết kế đủ Tam Đài, chiều dài 18m, chiều ngang 12m. Vật liệu xây dựng gồm có cột bê-tông cốt thép, vách ván, sàn ván trên gác Hiệp Thiên Đài, và mái lợp ngói. Sau chín tháng hoàn tất xây dựng Tam Đài.
Năm 1958 (Mậu Tuất):
Ngày 30-01-1958 (11-12 Đinh Dậu), thiết lễ an vị, trên năm trăm người từ các nơi về dự.
Năm 1960 (Canh Tý):
* Ban Cai Quản: Trần Văn Thể (1908-1978), Cố Vấn; Nguyễn Văn Siêu (1913-1980), Hội Trưởng; Phan Văn Tôi (1914-1968), Phó Hội Trưởng; Huỳnh Văn Tam, Từ Hàn; Phan Văn Diêu (1926-1983), Phó Từ Hàn; Cao Văn Biện (1904-1977), Thủ Bổn; Trần Văn Hiển (1904-1984).
* Các Chánh Trị Sự: Đỗ Văn Lời (1903-1974), nhiệm kỳ 1957-1968; Đồng Văn Quảng (1921-2000), nhiệm kỳ 1969-1986; Lê Văn Đảnh (1925-1996), nhiệm kỳ 1986-1996…
Năm 1968 (Mậu Thân):
Ngày 13-4-1968 (16-3 Mậu Thân), có vài quả pháo rơi trúng thánh tịnh. Thiên Phong Đường cháy rụi. Bát Quái Đài và Cửu Trùng Đài hư hại khoảng 60%. Giáo Sư Phan Văn Tôi tử vong.
Năm 1969 (Kỷ Dậu):
Ơn Trên dạy tái thiết toàn bộ Tam Đài bằng bê-tông cốt thép, tháo dỡ Cửu Trùng Đài lấy vật liệu làm Thiên Phong Đường.
Ngày 19-11-1969 (10-10 Kỷ Dậu) làm lễ đặt viên đá đầu tiên tái thiết Tam Đài.
Năm 1974 (Giáp Dần):
Hoàn tất xây dựng Tam Đài. Ơn Trên dạy thiết lễ lạc thành và Đại Hội Phục Nguyên Tiên Thiên Bổn Sơ Thánh Đức trong ba ngày 11, 12, 13-3-1974 (18, 19 và 20-02 Giáp Dần). Ơn Trên dạy dựng bảng hiệu trước ngọ môn là: Tòa Thánh Thiên Thai Vô Vi Tiên Thiên Nguyên Bổn Hữu Vô Động Tịnh…
Đại Hội Phục Nguyên Tiên Thiên Bổn Sơ Thánh Đức là đại hội đánh dấu năm mươi năm nền Đạo Tiên Thiên. Tinh thần hòa hiệp các chi phái trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đã thể hiện rõ nét qua đàn cơ Thiêng Liêng vận chuyển:
Đêm 17 rạng 18-02 Giáp Dần, Ơn Trên dạy thay bàn thờ Giáo Tông nơi chánh điện rộng hơn để ngày 20 rước bốn di ảnh bốn vị Giáo Tông do phái đoàn gồm ba Hội Thánh Tiên Thiên, Truyền Giáo, Minh Lý và Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam chuyển dâng theo sắc lịnh Ơn Trên giáng dạy tại Sài Gòn. Về phía Ban Tổ Chức, Anh Lớn Ngọc Đầu Sư Minh Chơn Tiên (Bùi Văn Huỳnh) đại diện Giáo Hội Tiên Thiên tiếp dẫn phái đoàn và đọc diễn văn khai mạc Đại Hội.
Dịp này, Ơn Trên dạy bổ sung và thay đổi nhân sự Ban Cai Quản và Ban Trị Sự như sau:
* Ban Cai Quản: Lê Văn Út (sinh năm 1931), Hội Trưởng; Lê Văn Kèn, Phó Hội Trưởng; Nguyễn Văn Nhơn, Từ Hàn; Cao Văn Bộ, Phó Từ Hàn kiêm Phòng Lương; Trần Văn Sáng, Phó Từ Hàn; Trần Văn Lạc (1921-2005), Thủ Bổn; Cao Văn Trí (sinh năm 1926), Phòng Công; Trần Văn Cửu, Phòng Lễ.
* Ban Trị Sự: Lê Văn Mạnh, Chánh Trị Sự; Trần Văn Anh, Phó Trị Sự; Đồng Văn Quảng, Chánh Trị Sự xã Tân Bình.
Năm 1975 (Ất Mão):
Sau tháng 4-1975, các tu sĩ trở về nhà tu tại gia, tăng gia sản xuất và làm nghĩa vụ công dân. Chỉ đến thánh tịnh lễ bái trong những ngày sóc vọng.
Năm 1990 (Canh Ngọ):
Nhà Nước đổi mới chính sách đối với tôn giáo, nhờ vậy thánh tịnh Thiên Thai dần dần phục hồi sinh hoạt tu học.
Năm 1991 (Tân Mùi):
Ban Cai Quản họp bàn tu bổ Thiên Phong Đường. Khởi công ngày 15-4-1991 (01-3 Tân Mùi). Ngày 20-11-1991 (15-10 Tân Mùi) làm lễ lạc thành. Dịp nầy, Giáo Hội Tiên Thiên thay đổi, bổ sung Ban Cai Quản và Ban Trị Sự như sau:
* Ban Cai Quản: Trần Văn Lạc, Chánh Hội Trưởng; Cao Văn Bộ, Phó Hội Trưởng; Nguyễn Văn Nhơn, Phó Hội Trưởng; Trần Minh Quang, Từ Hàn; Nguyễn Văn Chương, Phó Từ Hàn; Nguyễn Văn Chẵn (sinh năm 1948), Thủ Bổn; Trần Văn Nhanh, Phó Thủ Bổn.
* Ban Trị Sự: Lê Văn Mạnh, Chánh Trị Sự; Đồng Văn Quảng, Chánh Trị Sự xã Tân Bình.
Năm 1995 (Ất Hợi):
Sau lễ bốc cốt nhập tháp Anh Cả Giáo Tông Phan Văn Tòng tại xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, thánh tịnh Thiên Thai rước di ảnh Anh Cả về thờ chung với bốn vị Giáo Tông (Ngô Minh Chiêu, Lê Văn Trung, Nguyễn Ngọc Tương, và Nguyễn Bửu Tài). Hằng năm thiết lễ kỷ niệm ngày Anh Cả Giáo Tông Phan Văn Tòng đăng tiên (08-8 Ất Dậu, tức 13-9-1945).
Năm 1996 (Bính Tý):
Sau khi hoàn nguyên Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên (1995), thành phần Ban Cai Quản và Ban Trị Sự của thánh tịnh được thay đổi và bổ sung như sau:
* Ban Cai Quản: Trần Văn Lạc (1921-2005), Hội Trưởng; Cao Văn Trí (sinh năm 1926), Phó Hội Trưởng; Nguyễn Văn Chẵn (sinh năm 1948), Phó Hội Trưởng; Trần Minh Quang, Từ Hàn kiêm Phòng Thơ; Nguyễn Văn Chương, Phó Từ Hàn; Đồng Thị Hoa, Phó Hội Trưởng phái nữ.
* Ban Trị Sự: Lê Văn Mạnh, Chánh Trị Sự; Nguyễn Văn Ấn, Phó Trị Sự; Nguyễn Văn Giáp, Phó Trị Sự; Trần Văn Anh, Phó Trị Sự; Trần Văn Nhanh, Thông Sự; Dương Thị Bé, Phó Trị Sự nữ.
Năm 2001-2005 (Tân Tỵ - Ất Dậu):
* Ban Cai Quản: Trần Văn Lạc, Chánh Hội Trưởng; Cao Văn Trí, Phó Hội Trưởng; Nguyễn Văn Chẵn: Phó Hội Trưởng; Phan Văn Vàng (sinh năm 1944), Phó Hội Trưởng; Đồng Thị Hoa, Phó Hội Trưởng nữ; Nguyễn Văn Chương, Từ Hàn kiêm Phòng Thơ; Nguyễn Văn Bên, Phòng Công; Nguyễn Thị Giàu, Phòng Lương; Cao Văn Dày, Phòng Lễ.
* Ban Trị Sự: Cao Văn Tám, Chánh Trị Sự; Trần Văn Anh, Phó Trị Sự; Nguyễn Văn Giáp, Phó Trị Sự; Dương Thị Bé, Phó Trị Sự nữ; Trần Văn Nhanh, Thông Sự.
Năm 2010-2015 (Canh Dần - Ất Mùi):
Trong nhiệm kỳ IV, vẫn lưu nhiệm thành phần các Ban, chỉ thay đổi Chánh Hội Trưởng mới là Giáo Hữu Thái Chẵn Thanh (Nguyễn Văn Chẵn).
V. TẠM KẾT
Thánh tịnh Thiên Thai với tôn danh Tòa Thánh Vô Vi Thiên Thai khai sinh và trưởng thành cùng với tuổi đạo của nền Đạo Cao Đài Tiên Thiên. Thánh tịnh Thiên Thai trải qua nhiều biến cố, thăng trầm theo dòng lịch sử dân tộc. Các vị tiền khai như Thất Thánh, Thất Hiền và các thế hệ tiền bối tiếp theo, từng đem thân nằm gai nếm mật, dày công gầy dựng để cơ Đạo nơi đây mới có được như ngày nay.
Nối tiếp tinh thần hy sinh vì Thầy, vì Đạo của tiền nhân, nhiều nhiệm kỳ đã qua, Ban Cai Quản, Ban Trị Sự cùng bổn đạo đồng tâm hiệp ý đóng góp kẻ công người của để trùng tu Chánh Điện, Thiên Phong Đường, Đông và Tây Lang.
Nhắc tới những thành quả mà thánh tịnh Thiên Thai có được, phải kể đến tinh thần đoàn kết, không phân biệt tôn giáo của Đại Đức trụ trì Thích Đức Thông cùng quý Phật tử Bửu Long Tự (xã Nhị Mỹ, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đã chung tay tương trợ tinh thần và vật chất cho việc trùng tu thánh tịnh.
Nhiều năm qua Ban Cai Quản duy trì được việc học tập giáo lý trong các ngày sóc vọng, trang bị tủ kinh sách để bổn đạo tham khảo mở mang kiến thức đạo lý.
Ban Cai Quản cùng bổn đạo còn thực hiện các công tác từ thiện xã hội như mở phòng chẩn trị phước thiện Nam Y, xây sáu cây cầu bê-tông (mỗi cầu trị giá sáu mươi triệu đồng), giúp bà con mổ mắt từ thiện ba mươi sáu ca, tặng người khuyết tật ba mươi bảy xe lăn lắc tay, ủng hộ cất ba mươi bảy căn nhà tình thương, phát bốn trăm phần quà cho bà con nghèo quanh vùng lân cận.
Ngoài thánh giáo, những sự kiện lịch sử của thánh tịnh Thiên Thai đều căn cứ theo lời kể lại của cháu ngoại tiền bối Nguyễn Thị Tứ là cụ Lê Văn Thinh. Tất nhiên không tránh khỏi thiếu sót. Chúng tôi rất mong nhận được thêm tài liệu để bổ sung cho lược sử thánh tịnh Thiên Thai đầy đủ hơn.
Truyền Trạng THANH CĂN
Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên
[1] Là loại cây hoang dã rất thích nghi đất nhiễm phèn nặng như Đồng Tháp Mười, đưng hao hao giống như lác, nhưng lá to và cao hơn, bẹ ốp lại thành thân và mọc thẳng đứng. Cũng như cọng bàng, cây tranh, đưng dùng để lợp nhà. Mùa khô đưng già đi, bẹ có màu đỏ thẫm, là lúc có thể cắt mang về dùng. Cắt đưng phải dùng liềm thật bén, xả cho nó nằm xuống đất, sau đó nắm ngọn giũ, lựa những cọng cao nhất bó lại. Cọng đưng trải ra sân phơi vài nắng cho khô, rồi chẻ hom tre bện đưng thành tấm, dài khoảng một mét hai đến một mét rưỡi để lợp nhà. Từ lúc cắt đưng ở rừng, chọn tre già chẻ hom, khâu bện (gọi là đánh đưng) tốn nhiều công và thời gian. Vì thế muốn lợp nhà cần chuẩn bị trước vài ba tháng. Nhà lợp bằng đưng ở mát, nhưng dễ bén lửa. (http://www.tanphuoc.vn)