Chị Lớn TRẦN DOÃN CƠ, thế danh Trần Thị Tín, còn gọi Trần Thị Ký, sinh năm l912 (Nhâm Tý) tại làng An Tráng, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Bình Sơn, huyện Hiệp Đức).
Chị Lớn là con thứ hai của ông Trần Lương (thánh danh Trần Tri Cẩn, thường gọi thầy Kê), và bà Trần Thị Nhã (thánh danh Trần Tịnh Mỹ).
Năm lên tám (1920, Canh Thân), Chị Lớn cùng với người em kế là Trần Nguyên Chí đến học chữ Nho với thầy Huỳnh Ngọc Trác (thường gọi là thầy giáo Hai). Sau bốn năm Chị Lớn học rất tấn tới, giỏi toán, được thầy giáo Hai đổi lại tên là Trần Doãn Cơ.
Cũng trong năm ấy, vì chị cả theo chồng, các em Trần Nguyên Chí, Trần Nguyên Khởi và Trần Thục Cơ còn bận bịu học tập, Chị Lớn phải nghỉ học, ở nhà phụ giúp cha mẹ nuôi các em.
Chị Lớn là người lanh lợi, tính tình cởi mở, ngôn hạnh đằm thắm, bản tính cần chuyên, năng động, đảm đang công việc nhà. Nhờ ăn nói hoạt bát, dễ mến nên Chị Lớn cũng có duyên trong việc buôn bán.
Những năm tháng trưởng thành, Chị Lớn Trần Doãn Cơ được un đúc trong môi trường đạo đức của đạo Minh Sư ở vùng quê An Tráng. Năm 1924, chú ruột Chị Lớn là tiền bối Trần Nguyên Chất lập chùa Tam Giáo (tại làng An Tráng), khuyên dân hướng thiện, mở trường dạy chữ Nho. Tiền bối Huỳnh Ngọc Trác nhận lãnh vai trò giáo hóa, mở rộng cánh cửa đào tạo nhân tài. Chị Lớn Trần Doãn Cơ may mắn được trực tiếp thọ giáo hai vị Trần và Huỳnh, hấp thụ được tư tưởng tiến bộ lại biết khép mình trong khuôn phép lễ giáo Nho phong. Ngoài tài đảm đang công việc gia đình, Chị Lớn luôn cùng với Chị Lớn Võ Phi Yến và các tu sĩ ở chùa Tam Giáo chung lo việc lập hạnh tu thân. Dân làng thường khen Chị Lớn là “rảnh việc nhà, na việc chùa”.
Chịu ảnh hưởng giáo dục của hai tiền bối Trần Nguyên Chất và Huỳnh Ngọc Trác nên Chị Lớn nuôi đại chí, phát nguyện sống độc thân, dâng trọn đời mình phụng sự nhân sanh.
Khi học với thầy giáo Hai, Chị Lớn nhớ nằm lòng câu chữ Nho thầy giáo thường nhắc: “Bất hô tha nhân vi phụ mẫu thị thượng đẳng nữ lưu.” [1] (Không gọi người dưng là cha mẹ đúng là bậc nữ lưu cao nhất.) Chị Lớn lấy đó lập chí giải thoát, dấn thân học đạo, giúp đời ngày càng thêm kiên cố. Có lần bị mẹ ép gả cho một chỗ môn đăng hộ đối trong làng, nài xin mẹ từ khước không được, cuối cùng Chị Lớn đích thân tới nhà trai khẩn thiết trình bày tâm nguyện và xin trả sính lễ.
Năm hai mươi sáu tuổi (1938), Chị Lớn quyết chí thọ học pháp môn giải thoát, kết thân với một số chị em cùng chí hướng lập thành nhóm Bạch Liên để cùng dìu dẫn nhau tu học. Về sau nhóm nữ tu đồng chơn [2] này lập nên Hội Bạch Liên, khơi dậy tinh thần sống đạo cho Nữ Đoàn Giải Thoát sau này.
Ngày 24-6 Mậu Dần (21-7-1938) tất cả môn đồ Minh Sư tại An Tráng (trong đó có gia đình Chị Lớn) đều làm lễ quy hiệp đạo Cao Đài tại chùa Tam Giáo (sau là thánh thất Trung An). Từ đây Chị Lớn tu học theo chân truyền của nền tân pháp Cao Đài.
Bấy giờ phong trào tân nữ lưu đạo đức với tổ chức Nữ Phái Liên Đoàn do Chị Lớn Chơn Giác lãnh đạo đang hoạt động sôi nổi. Nhận thấy đường lối ấy thích hợp với chí hướng mình, Chị Lớn tích cực tham gia Nữ Phái Liên Đoàn, quyết xây dựng thành một đoàn thể nữ giới hùng mạnh. Chị Lớn lãnh phần tài chánh, tạo lập cửa hàng buôn bán ở cổng ngõ thánh thất Trung An. Sau mấy năm, dành dụm được chút ít vốn liếng thì cửa hàng bị kẻ trộm vét sạch, phải đóng cửa. Chị Lớn xin nghỉ về nhà.
Những người bạn cùng học, cùng tu thân thiết với Chị Lớn từ nhỏ như Chị Lớn Võ Phi Yến đã khuyên nhủ và Chị Lớn Trần Doãn Cơ trở lại nhà tu, tiếp tục lập công hành đạo tại thánh thất Trung An, vui với nhiệm vụ.
Năm Quý Mùi (l943), tiền bối Hiệp Lý Trần Nguyên Chất đang giữ chức Quản Lý Nông Viện thuộc Quyền Hội Thánh Trung Kỳ bị thực dân Pháp bắt giam ở Hội An, sau đó đưa đi an trí ở Phú Bài, Huế.
Được tin, Chị Lớn lặn lội từ An Tráng xuống Hội An để tiễn chân chú ruột. Khi trở về theo đường sông, đi ghe đò từ Hội An về chợ Được (thuộc làng Phước Ấm, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình) gặp trời mưa gió lớn, bị cảm lạnh, Chị Lớn ghé vào nhà bà Điểm (bạn đạo) tá túc. Đến giờ Sửu ngày 09-9 Giáp Thân (25-10-1944) Chị Lớn Trần Doãn Cơ thoát xác tại nhà bà Điểm, hưởng dương 32 tuổi.
Ở quê nhà An Tráng, thân quyến và anh chị em đồng đạo được tin vô cùng thương tiếc. Ngày Thánh Tử Đạo cũng là ngày gia đình họ Trần mất một người con hết lòng hiếu thuận, họ đạo Trung An mất một người bạn đạo trẻ gương mẫu và hăng hái trong các đạo sự, hằng tâm giúp đỡ và dìu dắt đạo hữu tu học. Chị Lớn về cõi vĩnh hằng thì Nữ Phái Liên Đoàn vắng bóng một “kiện tướng” cương quyết, nhạy bén và tài năng.
Nhục thân Chị Lớn được gia đình đưa về an táng tại làng An Tráng. Bốn mươi tám năm sau (Nhâm Thân, 1992), Hội Thánh đã cho phép Cơ Quan Nữ Phái cải táng về nghĩa trang Quảng Nam tại Kỳ Nghĩa, thị xã Tam Kỳ. Mộ phần được xây theo mẫu các mộ chức sắc tiền bối hướng đạo.
Tưởng niệm công đức bậc “nữ lưu thượng đẳng”, đồng đạo có câu đối:
Trải bao năm Tam Giáo đến Cao Đài, quyết tâm học đạo lập công, gió bụi xông pha, dìu dắt chị em nơi bể tục.
Vừa một thuở khiếm an rồi liễu đạo, nhẹ gót nương mây cỡi hạc, móc mưa nhuần gội, thong dong ngày tháng đến non Tiên.
Sau ngày quy thiên, chơn linh Chị Lớn Trần Doãn Cơ được về Cung Diêu Trì tu luyện, sau mười bốn năm thì đắc quả. Ơn Trên giáng cơ phong Chị Lớn quả vị Bảo Thọ Thánh Nương, nhận sứ mạng lãnh đạo tinh thần cho Nữ Đoàn Giải Thoát. Đức Thánh Nương thường giáng cơ tại Trung Hưng Bửu Tòa và nhiều nơi khác, dạy phái nữ tu học và hành đạo.
Lần đầu về cơ, Đức Thánh Nương ban cho bài thi sau:
Cưỡi gió nương mây trở lại trần
Mừng mừng tủi tủi, tủi cho thân
Nhớ xưa ơn nghĩa còn mang nặng
Ngoảnh bạn lòng thêm những ngại ngần.
Một lần khác, nhìn nơi trần thế các nữ tu còn rời rạc, chưa gắng chí luyện tu, Đức Thánh Nương để lời thúc giục trong bài thi khoán thủ xưng danh:
BẢO chị em ta sớm trở về
THỌ truyền bí pháp luyện đơn khuê
THÁNH phàm hai nẻo cân đo kỹ
NƯƠNG cậy cùng nhau trọn chữ thề.
Năm Kỷ Hợi (l959), Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài thành lập Dòng Tu Bảo Thọ dành cho những tín hữu phái nữ có chí nguyện xuất gia, noi gương người xưa tìm đường giải thoát.
Theo SỐNG ĐẠO
Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài