Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2018

ĐĐVU 03 / ĐẠO ĐÀM / NGỌC GIÁO HỮU BÙI VĂN TÂM

Image result for HỎI ĐÁP
1. Dục tu Tiên Đạo, tiên tu Nhơn Đạo
Hỏi: Nghe sách có câu: “Dục tu Tiên Đạo, tiên tu Nhơn Đạo. Nhơn Đạo bất tu, Tiên Đạo viễn hỹ.” [1] Vậy các anh tu Tiên Đạo đây là đã tròn Nhơn Đạo chưa?
Đáp: Xin quý vị ăn mía bỏ xác, đạt ý quên lời giùm. Vì rằng lý Đạo thì thâm diệu vô cùng, dùng lời hữu hạn để nói cái Đạo vô cùng thì không sao rốt ráo. Chỉ xin quẹt một que diêm nhỏ để mồi vào ngọn tâm đăng của mỗi người, xong rồi diêm quẹt cũng ném đi. Giáo lý ví như những bảng chỉ đường giúp kẻ lữ hành tự định hướng mà đi đến mục đích mình nhắm.
Đạo là nguyên lý, nguyên khí hư vô, có lực diệu dụng biến hiện ra vạn hữu và hóa sanh dưỡng dục quần linh. Đức Lão Tử gượng đặt tên là Đạo. Người nghe nghiệm suy mà chứng biết. Rồi tùy căn cơ sâu cạn, tùy vị trí của mỗi người, nhìn thấy khía cạnh nào mới phân ra Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo, và Phật Đạo. Ta có thể sánh Đạo là ánh sáng bạch quang trong chứa bảy màu pha trộn, vì chiếu qua lăng kính phàm trần mà chia ra làm bảy sắc cầu vồng.
Nhơn Đạo là phép (phương pháp) sống làm người xứng đáng trong xã hội có Ngũ Đức là Nhơn (thương yêu vạn vật), Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Thiếu một đức không thành đạo. Những đức tánh này cũng là căn bản cần thiết cho Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo, Phật Đạo, tức là cho mọi người không phân biệt tôn giáo nào. Ta phải học rành định luật thiên nhiên tức là Thiên Đạo để hành Nhơn Đạo cho thuận lòng Trời (thiên thượng) hạp ý người (thiên hạ) mới tồn tại (thuận Thiên giả tồn). Trời thì toàn giác, để “thường thi thần giáo dĩ lợi sanh”, và “nhứt toán họa phước lập phân”.
Người đời nay lại đóng khung Nhơn Đạo trong vòng gia đạo hay xã giao hẹp hòi. Họ lo nghĩa nhơn cho cha mẹ, vợ chồng, con cháu, bạn bè, sui gia, nên đến ngày họ theo ông theo bà cũng chưa thấy yên tâm rằng mình đã tròn Nhơn Đạo. Về việc này, thánh thi có dạy:
Trăm năm lẩn quẩn đường nhơn nghĩa [2]
Một kiếp đeo đai mối nợ tình
Biết số biết căn tua biết phận
Đường xưa để bước lại Thiên Đình [3]
Như thái tử Sĩ Đạt Ta, như công chúa Diệu Thiện, như Mục Kiền Liên và muôn ngàn người khác, đã xuất gia, tách rời cung điện, xa lìa cha mẹ đi tu, đâu phải là không tròn Nhơn Đạo. Đạo Nho dạy: “Lập thân hành đạo, dương danh ư hậu thế, dĩ hiển kỳ phụ mẫu, hiếu chi chung dã.” [4] (Lập thân hành đạo, để tiếng lại đời sau, làm cho rạng chói danh thơm đến cha mẹ, đó là trọn đạo hiếu vậy.)
Chúng tôi đang thực hiện tình thương yêu nhơn loại đại đồng, nòng cốt của Tam Giáo, nào có phân biệt Nhơn Đạo hay Tiên Đạo, mà đó là Đại Đạo … Lúc gặp dịp phải giúp đời, chia vui sớt nhọc cho nhau là hành Nhơn Đạo. Lại không thấy mình làm ơn, không kể công, không mong ai đền đáp, để tâm thanh tịnh vô tư, dưỡng khí tồn thần, cố tinh bảo mạng, làm chủ bản thân, hành thiện, tránh gây khổ cho người, đó là học Tiên Đạo, Phật Đạo vậy. Chúng tôi tu theo Đại Đạo, như học trường tổng hợp, để khi ra trường, trình độ tới đâu thì chứng quả bậc đó.
2. Người tu có lợi ích thiết thực gì cho đời?
Hỏi: Những người tu cho mình, cầu cho gia đình mình được phước, thì có lợi ích thiết thực gì cho đời hay cho Trời Phật? Không biết tự lực làm phước, làm công quả mà ăn của thập phương, e gây thêm nợ chớ?
Đáp: Người tu chơn chánh là chiến sĩ hòa bình, thấy mình có trách nhiệm giữ an ninh cho nội tâm cũng như cho ngoại giới. Mình tu cho thế hệ mai sau, cho đời bớt khổ, cho thế gian bớt được nhiều phần tử bất hảo, thêm được phần tử hữu ích, tức là làm cho gánh nặng xã hội nhẹ đi phần chênh lệch giữa tội và phước. Thầy dạy:
Lập một nước dễ hơn truyền giáo
Truyền dạy người đắc đạo khó thay
Biết bao kềm sửa đêm ngày
Làm nên Tiên Phật rất dày công phu.[5]
Ta hướng dẫn người ngừa tội, ngừa bệnh, dễ hơn để họ làm tội, mắc bệnh rồi mới lo chữa trị. Khi họ phải chịu hành phạt hữu hình thì khó gột rửa được cái tâm họ đã vấy bẩn. Một người lỡ ăn cắp con gà, vào tù được đàn anh huấn luyện, trở ra có thể thành ăn trộm. Ăn trộm ở tù ra thành ăn cướp. Ăn cướp ở tù ra có thể thành kẻ sát nhân!
Trong đời sự hiện diện của một người tốt, một vật sáng, đều có ảnh hưởng đến chung quanh. Trong phòng tối lạnh, nếu có một đóm lửa nhỏ của cây nhang đưa vào cũng thấy sáng và ấm áp. Mỗi việc phước thiện, đều phải có người phát tâm công quả khởi đầu, đề xướng, mới có người sau hưởng ứng. Công quả không có nghĩa là làm việc cho chùa thất để gây thêm thế lực, để được tiếng khen. Hằng ngày, người ta vô tình phóng ra biết bao tư tưởng xấu ác hại đời. Nếu ta khuyên người tu học biết kiểm soát tư tưởng lời nói của mình, bỏ bớt ý tà, tăng thêm số ý lành thì lợi cho nhơn sanh biết bao!
Vậy chúng ta công quả, công phu (tọa thiền) cầu nguyện cho nhơn sanh, phóng tư tưởng lành hóa giải tư tưởng ác trược, thì ta phải tin là có ảnh hưởng tốt. Chỉ vì chúng ta không biết được mức độ cộng nghiệp tiền khiên của dân mình đã tạo so với quả báo hiện tại phải trả, nên không thấy là nhờ Trời thương mở Đạo trước gần nửa thế kỷ, độ rỗi cho dân chúng biết tu hành, biết nguyện làm lành (công quả) tự thân đã giải nghiệp được nhiều rồi.
Công quả là làm việc cho kết quả hưởng chung, như làm chung, ăn chung trong nhà tu, hay làm việc công ích cho xã hội, cứu giúp người hữu sự. Càng phục vụ cho thiên hạ (tức là phụng sự cho thiên thượng) thì mình càng mau phát triển tâm linh. Làm công quả cũng là ra công trả nợ trước, trừ lần nợ tiền khiên, không chờ phải trả dứt một lần quá nặng. Người tu thấy làm công quả là bổn phận của mình, trả nợ nhân quần chớ không phải trả nợ riêng cho một chủ nợ nào; chẳng những trừ được tánh tham lam, nôn nóng, lại còn phát triển đức nhân, nêu gương lành cho thế nhơn và được vô lượng công đức.
Công quả cũng thể hiện tứ vô lượng tâm (từ bi hỷ xả) nên cũng có nhiều âm chất. Ăn của thế gian mà không lo tu bồi công đức, sản xuất giúp cho đời hưởng chơn thiện lạc, không làm gương tạo niềm tin, không thí pháp trợ duyên cho nhiều người khác lập đức, luyện hạnh, thì dù ăn của phụ ấm [6] cũng mắc nợ trần, hoang phí năng lực thiên nhiên. Những vị tu giả dối, lợi dụng tín ngưỡng của nhơn sanh để hưởng an nhàn, lấy của thập phương châu cấp thê nhi hay mượn danh đạo tạo danh đời, mà không để một lời khuyến thiện, thì tội lỗi cũng như vậy.
3. Công quả, công trình, công phu
Hỏi: Làm công quả sao gọi là có âm chất? Công trình, Công phu là gì?
Đáp: Làm lành mà vội khoe ra, bố thí có gợn chút ý còn vị ngã, đã hưởng phước báo ở cõi dương trần, nên không còn âm chất bao nhiêu để hưởng (âm là âm thầm, ngấm ngầm, ẩn khuất). Âm chất là nghiệp duyên lành, là của cải có tánh chất ẩn vi, nhưng diệu dụng khi ta cần.
Công quả là làm nhơn trợ duyên cho Phật Trời thị hiện tình thương, có ai biết hay không cũng chẳng màng. Người giàu có của, có học thức biết thí tài, thí pháp, thì có công đức. Người khất sĩ thọ thí, người tu thọ pháp, tùy hỷ truyền lời dạy nhau, hay tham thiền cầu nguyện cho người thoát nạn cũng là có công đức vô lượng. Thí vô úy bằng gương sống giản dị, lấy khổ hạnh làm phương tiện giải thoát mọi phiền não, bình tĩnh trước mọi đổi thay, tai nạn, bệnh hoạn. Chuẩn bị tinh thần trực diện với tử thần đang lẫn lộn trong sự sống, hằng giây phút rình rập tấn công, đó là làm gương cho bạn đạo.
Công trình là chịu khó xây dựng bản thân, kiểm soát tư tưởng, lời nói, hành động, rèn luyện ý chí, đối trị thú tánh, thất tình, diệt trừ tham dục, lười biếng, ích kỷ. Nhẫn nại tập lâu ngày để trừ thói hư tật xấu, lập cho được một hạnh đức cao thượng. Thí dụ: Khi có bạn rủ đi nhậu mà cương quyết từ chối. Nghe lời nói xấu thấy nóng mặt nhưng dằn không giận, không chấp lỗi người. Giữ kỷ luật đạo… Thắng bản ngã là chiến thắng oai hùng nhất.
Công phu là để tâm thanh tịnh, suy nghĩ, nghiên cứu về một vấn đề đạo đức, về cơ tấn hóa, để thượng trí phát huệ hiểu được Thiên lý, phát triển tâm linh hòa nhập với đại thể. Đọc kinh, thiền định, dâng hương, cúng thời đều là hình thức công phu có âm chất.
Có bài thánh thi nói về âm chất như vầy:

Thiện ác đáo đầu đã biết chưa

Hiểu rồi cái ác cũng nên chừa
Theo làm âm chất may bồi đắp
Thì sẽ trở về chỗ vị xưa.[7]
4. Tu là sửa
Hỏi: Tôi thường nghe nói tu là sửa, sửa vạy ra ngay, sửa tà ra chánh, sửa quấy ra phải. Làm ăn lương thiện, không làm gì ác, không hại ai, tưởng cũng đủ rồi. Không hư thì có gì để sửa? Chỉ có kẻ giết người cướp của mới phải sám hối đi tu. Nếu có người nói vậy, anh nghĩ sao?
Đáp: Sách có câu “Nhơn vô thập toàn.” Người ở thế gian này mấy ai tránh khỏi lỗi. Thánh hiền xưa lo ngàn việc còn có việc sai. Ở đời ít ai chịu nhận mình làm quấy. Hai người gây sự đánh nhau đến nỗi có người nằm bệnh viện, kẻ ở tù, và ai cũng quả quyết là mình phải. Tánh chủ quan, tự ái che khuất lỗi lầm mình nên ai cũng tưởng mình hoàn toàn, không cần phải sửa, phải tu nữa.
Tôi xin nói thêm: Tu cũng là phá chấp, thay đổi tư duy. Không chấp trước, thành kiến tư hữu, tự ái để có thể hỷ xả, dọn dẹp cho cái tâm đang bị vật dục chiếm đóng cho được trống trải khoảng khoát để ta sống đạo được thoải mái tự do.
Xin lỗi anh, từ trước tới giờ, có khi nào vì thất lạc vật gì, mà anh nghi ngờ người khác lấy? Bực tức rầy oan vợ, mắng hiếp con không? Có khi nào anh nói dối có lợi cho anh? Phê bình việc xấu của người, hay vui miệng hứa gì với ai rồi bỏ qua không? Những lần đó làm xáo trộn tinh thần, mất đức tin, gây phiền não cho nhiều người cũng như cho anh đó. Nó âm thầm tạo mầm đau khổ sống khó khăn.
Chớ khinh thường lỗi mọn “vì chưng tụ thiểu thành đa, họa tai báo ứng, chẳng qua mảy hào” [8]… người tu chẳng những không làm hại ai mà cũng phải chừa thói hư tật xấu của mình, làm lành giải nghiệp xưa, lập công bồi đức tạo âm chất làm nấc thang về trời, giải thoát luân hồi.
Chúng tôi đều là người phàm phu, nên chắc chắn là trước đây cũng phải có ít nhiều lầm lỗi, và ngày nay chúng tôi cũng nhìn nhận là chưa hoàn toàn. Nhưng đã tự giác biết mình chưa hoàn thiện thì lại càng phải công quả độ tha để tìm thêm kinh nghiệm thực tập mở rộng lòng từ bi.
Không nhất thiết là người ác mới phải cần tu. Phật, Thánh, Tiên thương đời lâm phàm hòa mình trong hạng nghèo nàn, sa đọa để tìm người còn chút căn lành thuyết pháp cho họ giác ngộ giải thoát phiền não. Nếu anh chưa làm gì ác đi nữa cũng chưa đủ, còn phải lo tu học chuẩn bị cho kiếp lai sinh (kiếp sau) hay để đức cho con cháu, là hậu thân anh đó! À, mà anh nhận định thế nào là ác để không làm?
5. Thế nào là thiện ác?
Hỏi: Đại khái như đánh đập, chưởi rủa người, hiếp đáp kẻ yếu, tham lam, lường gạt, trộm cắp, lấy vợ người, dụ dỗ gái tơ. Tóm tắt lại, hại người buồn khổ là ác. Chớ anh nói thiện ác là thế nào?
Đáp: Anh nói đúng, nhưng mới là những điều ác thô bạo dễ biết, nên cũng dễ tránh. Còn vô số điều ác quấy không kém phần quan trọng, nhưng lại gián tiếp hại ngầm khó thấy liền, nên người ta khinh thường mới dễ phạm. Như tật ăn chơi đua đòi làm sang, hoang phí của và công người lao động, khác nào như khiêu khích kẻ nghèo đói cướp giật, tức là tự hại mình mà còn hại nền kinh tế nước nhà. Đầu độc tâm người bằng lời nói bất chánh, sách báo huê tình (đồi trụy), kích động người khác giận hờn thưa kiện, phổ biến những gương xấu, khen người xảo trá chiếm đoạt của công ngồi không hưởng lộc là tài giỏi, biếm nhẽ người lành, chê bai kẻ tu hành là dại…
Đại để, ác là những điều thái quá, bất cập sai quy luật Đạo thường, gây hậu quả mất thăng bằng cho nội tâm, xáo trộn đại thể. Thí dụ, giúp người phương tiện để rượu trà, cờ bạc, đàng điếm tuy là làm cho họ vui, mà là bất thiện. Nếu có lòng ghét người ác mà khinh bạc hành hạ hay khen bốc cho họ đâm đầu vào chỗ chết mau… đều là bất thiện. Làm việc cho người hay cho mình mà dối tháo, tắc trách, không nghĩ đến hậu quả là thất đức. Không giữ vệ sinh để gây bệnh ảnh hưởng nhiều người, ô nhiễm môi trường sống chung cũng cần phải tu sửa. Ăn thịt cá nhiều, trợ duyên cho kẻ sát sanh, ham rẻ mua đồ gian, tiếp tay đạo tặc, thì không thể chối tội đồng lõa.
6. Vì sao làm lành mà còn mắc nạn?
Hỏi: Nghe kinh dạy:
Sách dầu muôn cuốn dạy câu lành
Nào kẻ học cao gọi thế lanh
Đổi thử máy Trời coi có được
Thì ta đổi tội dữ ra lành.[9]
Thế sao tôi thấy nhiều người làm phước mà mang họa, hoặc chết đột ngột. Kẻ hung ác lại được thiên hạ bợ nưng. Phải chăng máy Trời đã đổi?
Đáp: Thiện ác, họa phước, sướng khổ chỉ là những danh từ tương đối mà người đời tạm mượn để nói ra phần nào cái cảm thấy của riêng mình. Không có sự việc nào tự nó là thiện hay ác, họa hay phước. Khi ta không thích thì cho là xấu, họa. Làm ruộng trưa nắng khi được tạm nghỉ dưới tàn cây, ta thấy sung sướng. Lúc đi đường xa, ta ngồi chờ xe dưới bóng râm lại thấy khổ. Anh thanh niên gặp nạn chột mắt thì cho là họa, mà khỏi bị bắt đi lính nên khỏi chết thì cho là phước. Ông lão khom lưng đạp xích lô chở nặng thật là khổ, mà ông thấy là phước vì có tiền nuôi gia đình. Họa là chỗ dựa của phước, phước là nơi ẩn của họa.[10] Không có khổ thì không bao giờ thấy cái sung sướng trọn vẹn. Có chịu khổ hạnh cứu thế giúp người hoạn nạn mới tìm được chơn hạnh phúc, cực lạc (cực mà vui thầm).
Theo anh nhận thấy nhiều người ăn ở hiền lành lại thường mắc nạn tai, anh tưởng là vô cớ. Ta nhìn bề ngoài không thể đoán đúng tâm của người, mỗi khi hành động họ thường nghĩ gì, lợi hại cho ai mà gọi là thiện ác. Có thể họ hèn nhát, chỉ làm ác thầm lén, ném đá giấu tay. Không đủ sức hại ai, nhưng thâm tâm họ đã tính nhiều chuyện động trời. Đó là những người đạo đức giả, khẩu Phật tâm xà. Giúp người mà có gợn ý cầu danh hay lợi dụng tình cảm để làm ăn khuất lấp. Nhiều người thiếu học giáo lý, mê tín, cố chấp lời kinh tuyệt đối, không biết uyển chuyển tùy duyên, nên thường gặp thất bại bị phản tác dụng. Minh Tâm Bửu Giám có câu: “Trọn đời làm lành, lành còn không đủ. Một ngày làm ác, ác tự có dư.” [11]
Còn người thật hiền đức mà mắc nạn, kẻ dữ sống giàu sang được nể nang thì có nhiều trường hợp:
1. Thánh ngôn có câu: “Thầy càng thương bao nhiêu thì càng hành bấy nhiêu. Hành đây là bắt làm việc nhiều, gặp hoàn cảnh trái ngang để rèn luyện ý chí nhẫn nại và phát huy sáng kiến tự lập, thì đúng là phước duyên chớ không phải là họa.
2. Có nhiều chơn linh Tiên Phật thương đời xuống cõi trược này. Các ngài phải chịu đánh đập, bỏ đói, hành hạ mà không than trách để thể hiện đức từ bi, nêu gương nhẫn nhục, dũng cảm, chịu đựng cảnh đau bịnh cho người đời học gương vô úy (không sợ hãi). Người chơn tu học theo gương Bồ Tát tá trần, nên không cho là họa.
3. Người tu thọ nạn chết đột ngột, thì có thể hiểu là nợ tiền kiếp trả dứt một lần cho xong để nhẹ nhàng trở về cõi trời thong dong.
4. Anh thấy nhiều người tàn ác mà sống trên nhung lụa, được nể nang, và anh bất bình? Những người này hoặc có căn tu kiếp trước, hoặc thiếu thời có làm được phước lớn vô tâm. Như người làm ruộng trúng mùa, năm sau phè phỡn vẫn còn lúa ăn. Hoặc thấy họ hành động hung hăng nhưng tâm họ rất tốt, nóng sửa người lầm lỗi chứ không có ý ác. Hay biết đâu họ đang khổ tâm, khổ trí vì con hư, vợ chồng bất hòa, thì đâu phải là phước. Đồng tiền đem lại cái họa ngầm đó!
Kết luận: Người làm lành mà mắc tai nạn là được Ơn Trên thương cho học nhảy lớp, dồn nhiều chương trình để khỏi tái sanh nhiều kiếp nữa, e khi được hưởng phước báo lại quên tu, sanh kiêu, bị thoái hóa. Cũng có thể như Kinh Sám Hối (câu 21-24) đã dạy:
Người làm phước có khi mắc nạn
Kẻ lăng loàn đặng mạng giàu sang
Ấy là nợ trước còn mang
Duyên kia chưa dứt còn đang thưởng đền.
Còn người giàu sang quyền uy hay chức sắc cao mà buông lung theo dục vọng tranh quyền là đang bị khảo thuận. Nếu không biết hối cải thì sẽ tự chuyển phước thành họa. Người muốn tu đi suốt con đường Đạo phải siêng đọc kinh, luật, luận để học cách kiểm soát tư tưởng, chuẩn bị tinh thần đối phó với hoàn cảnh khảo thuận hay nghịch, không để bị động bất ngờ, mới có thể chuyển họa thành phước.
Giáo Hữu NGỌC TÂM THANH
Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo




[1] 欲修仙道先修人道人道不修天道遠矣.
[2] Câu này ý nói đời người mải bận bịu chuyện xã giao thù tạc.
[3] Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Vạn Phước Tự (Hóc Môn), đàn ngày 15-7 Bính Dần (22-8-1926).
[4] 立身行道,揚名於後世,以顯父母,孝之終也.
[5] Đại Thừa Chơn Giáo, bài 15: Kiên Nhẫn, đàn 04-9 Bính Tý (1936).
[6] Phụ ấm là tài sản của cha mẹ để lại cho con thừa hưởng.
[7] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển 1. Thi Văn Dạy Đạo, bài 99. (Số thứ tự các bài thánh thi được căn cứ theo bản in năm 1948, nhà in Bảo Tồn, tại Sài Gòn.)
[8] Kinh Sám Hối. Câu 143-144.
[9] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển 1. Thi Văn Dạy Đạo, bài 100.
[10] Họa hề phúc chi sở ỷ. Phúc hề họa chi sở phục. 禍兮福之所倚福兮禍之所伏. (Đạo Đức Kinh, chương 58)
[11] Chung thân hành thiện, thiện do bất túc. Nhất nhật hành ác, ác tự hữu dư. 終 身 行 善 善 猶 不 足 一 日 行 惡 惡 自 有 餘 .
[Văn Uyển chú]