Tào Thực
CHUYỆN CŨ KỂ LẠI: CỦI ĐẬU NẤU ĐẬU
Tào Thực (192-232) là một nhà thơ rất nổi
tiếng thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Ông là con thứ ba của Tào Tháo, và là em
ruột của Tào Phi (anh cả) và Tào Chương (anh hai). Ba cha con Tào Tháo, Tào
Phi, Tào Thực là ba nhà thơ lỗi lạc thời ấy.
Từ mười tuổi Tào Thực đã làm thơ xuất
thần nên rất được cha là Tào Tháo yêu quý, đến mức còn muốn bỏ con trưởng (Tào
Phi) mà truyền vương vị cho Tào Thực, nhưng các quan can gián nên Tào Tháo mới
bỏ ý đó. Chính vì vậy, Tào Phi nuôi bụng căm thù Tào Thực, suốt đời bạc đãi em,
luôn tìm cách hại chết em ruột.
Khi Ngụy Vương Tào Tháo mất, Thế Tử Tào
Phi thừa kế ngôi vị của cha, giữ chức thừa tướng (gần như thủ tướng ngày nay). Bấy
giờ có người tố cáo Tào Thực thường mượn rượu mắng xéo anh, Tào Phi bèn cho bắt
Tào Thực về hỏi tội.
Bà mẹ sợ hãi vội chạy đến xin Tào Phi
nghĩ tình máu mủ ruột thịt mà tha cho em.
Tào Phi buộc lòng phải nghe lời mẹ, nhưng
vẫn mắng em: “Xưa nay mi vẫn cậy tài, vậy hôm nay để chuộc lỗi, mi hãy đứng lên
bước về phía ta. Nếu vừa đi được bảy bước chân, mà không làm xong bài thơ thì
ta đem chém. Trong bài thơ, mi không được đả động tới hai chữ anh em…”
Tào Thực đi ba bước đầu thì chẳng nói câu
gì; từ bước thứ tư tới bước thứ bảy thì lời thơ tuôn tràn như suối chảy:
煮豆持作羹, 漉豉以為汁, 萁在釜下燃,
豆在釜中泣, 本是同根生, 相煎何太急?
Chử đậu trì tác
canh,
Lộc thị dĩ vi
chấp,
Ky tại phủ hạ nhiên.
Đậu tại phủ trung khấp,
Bản tự đồng căn sinh,
Tương tiên hà thái cấp.
Có người
dịch:
Đun đậu nấu làm canh,
Lọc đậu để lấy nước.
Cành đậu đốt dưới nồi,
Hạt đậu trong
nồi khóc.
Vốn một gốc
sinh ra,
Sao đốt nhau ác vậy?
Do bài thơ này mà có thành ngữ “Củi đậu nấu
đậu” có nghĩa như “nồi da xáo thịt”, “cốt nhục tương tàn”…
Tào Phi tha chết cho em, nhưng giáng
chức, lột bỏ tước Hầu, cho làm quan thật xa kinh thành. Sống như bị giam lỏng,
Tào Thực trầm cảm rồi đổ bệnh, qua đời năm bốn mươi tuổi.
H.K.