CỤ PHAN VÀ LÒNG DÂN
LỘC ĐÌNH
Vào
khoảng 1925, làng tôi - làng Phưong Khê - tỉnh Sơn Tây còn là một nơi lạc hậu nhất miền trung du
Bắc Việt. Không có lấy một trường sơ học. Cả làng chỉ có mấy anh em tôi nhờ tổ
tiên có nhà ở Hà Nội nên được học chữ Pháp, còn thì đều học trường các cụ đồ
trong làng. May lắm được độ mươi ông tổng lý biết đọc chữ quốc ngữ, chứ chưa
chắc đã biết viết, mà đọc thì chắc cũng chậm lắm, nếu không phải đánh vần từng
chữ và nếu có lục khắp làng thì cũng chỉ được vài cuốn Kiều, Nhị Độ Mai của nhà
in Xuân Lan. Tôi không hiểu họ học vần quốc ngữ ở đâu, vì trường các cụ đồ
không dạy mà cũng chẳng có một cuốn vần nào cả. Chắc họ cho cái chữ đó không
cần phải học - văn tự hay gia phả đều dùng chữ Nho hết - và ai có muốn học chơi cho biết thì hỏi những người đã
biết rồi, mỗi ngày một chút, mò riết rồi cũng ra.
Tôi sở
dĩ kể dài dòng như vậy để các bạn biết rằng dân làng tôi hồi đó quanh năm tuyệt
nhiên không được đọc một tờ báo. Thấy thì họ có thấy: Những khi tôi ở Hà Nội về
vẫn thường dùng báo cũ để gói đồ, nhưng chẳng ai đọc cả; mà cũng chẳng bao giờ
có ai nhắn đem báo cũ về cho coi, có nhắn thì chỉ nhắn mua những thỏi mực tàu
và những ngọn bút lông thỏ ở các tiệm Trung Hoa phố Hàng Ngang hay Hàng Đào.
Vậy mà
Tết năm đó vào tháng Giêng hay tháng Hai dương lịch 1926, tin “cụ Phan” [Bội
Châu] bị bắt ở Trung Hoa, giải về giam ở Hỏa Lò (Hà Nội), rồi bị kết án tử
hình, rồi toàn dân sôi nổi đòi ân xá cho cụ, v.v... dân làng tôi đều biết hết.
Chắc chắn họ không đọc báo, có ngưòi nào đó xuống phủ, xuống tỉnh nghe đồn rồi
về làng kể lại. Điều đó không có gì lạ. Điểm thích thú là trong mấy ngày Tết,
lại nhà nào cũng nghe tiếng la lớn: “Cụ Phan!” Rồi tiếp theo là một tràng nhũng
tiếng cười ròn rã như tiếng pháo. Từ xóm Đình tới xóm Chùa, xóm Giếng, tới xóm Đồng
Đỗ, đâu đâu cũng vang lên hai tiếng “Cụ Phan”.
Có gì
đâu. Tết thì nhà nào ở quê Bắc chẳng đánh tam cúc như trong này đánh tứ sắc, và
năm đó dân làng tôi gọi quân tướng điều ([1]) là “Cụ Phan”. Một vài nhà hơi có học phân
biệt tướng điều là cụ Phan Bội Châu, tướng đen ([2]) là cụ Phan Châu Trinh, nhưng đại đa số chỉ
gọi tưóng điều là Cụ Phan.
Tôi
không biết mấy làng bên cạnh có gọi như vậy không, cũng không nhớ ở Hà Nội có
gọi như vậy không, vì khi tôi xuôi Hà Nội học thì đã qua Tết rồi, không còn ai
chơi tam cúc nữa. Nhưng tôi đoán rằng đó không phải là sáng kiến của riêng dân
làng tôi; chắc nó phải đồng thời xuất hiện ở nhiều nơi trong nước, vì còn gì tự
nhiên cho bằng dùng quân bài quý nhất, vô địch trong cỗ tam cúc để trỏ cụ Phan.
Nó tự nhiên quá nên rất phổ biến, tới nỗi ngay các tổng lý - tôi không chê gì bà con của tôi, nhưng sự thực tôi phải
nhận rằng họ chẳng hơn gì các ông Chánh, ông Phó trong các truyện Việc Làng, Tắt Đèn của Ngô Tất Tố là bao
- cũng vui vẻ, hãnh diện có được một “Cụ
Phan”. Và tôi nghĩ hồi đó giá có một tên “trành”([3]) nào bán nước mà ngồi vào chiếu tam cúc, khi
hạ quân tướng điều xuống chiếu thì cũng vỗ đùi đến đét một cái mà cười ha hả:
“Cụ Phan!”
Những
ván bài tam cúc Tết đó quả là vui, vui nhất trong đời sống dân làng tôi.
LỘC ĐÌNH
Cỗ bài tam cúc (vi.wikipedia.org)
([1]) tướng điều: Quân bài màu đỏ, cũng gọi tướng ông. Bộ bài tam cúc có ba mươi hai
lá gồm mười sáu quân đỏ và mười sáu quân đen. Mỗi màu gồm một tướng, hai sĩ,
hai tượng, hai xe, hai pháo, hai mã, năm tốt. Phổ biến ở miền Bắc nước ta, tam cúc
không thể thiếu trong dịp Tết.
([3]) trành: Theo truyền thuyết dân gian,
người bị hổ (cọp) ăn thịt sẽ biến thành ma
trành đi theo phục dịch chính con hổ đã sát hại mình. Từ truyền thuyết này,
người Việt xem giặc Pháp hung ác là cọp dữ, và gọi những kẻ phản bội dân tộc, cúc
cung tận tụy đi theo giặc Pháp làm tay sai cho quân xâm lược là trành.