Thứ Tư, 31 tháng 1, 2018

14 GIÓ BỐN PHƯƠNG (ĐẠO UYỂN XUÂN 2018)

 Image result for Q&A

GIÓ BỐN PHƯƠNG
Gió muốn thổi đâu thì thổi. GIOAN 3:8
* Hiền huynh Lương Phan (TT Úc Châu). Điện thư ngày 04-9-2017:
Quyển “Lược Sử Đạo Cao Đài Thời Tiềm Ẩn 1920-1926” (Hà Nội: Nxb Hồng Đức 2017), trang 86 viết: “... có mười một trang bao gồm họ tên hai trăm bốn mươi lăm môn đệ cùng với chữ ký”, nhưng theo phụ bản số 11, cuối danh sách là số 241. Lý do tại sao vậy?
Huệ Khải: Kính thưa hiền huynh, ở đầu trang 4 bản danh sách và chữ ký có ba số 49bis (Hà Văn Thuần, tức Trần Đạo Quang), 50bis (Lê Văn Trung), 51bis (Lê Văn Lịch). Cuối trang 8 là số 156 (Cao Quỳnh Đức), và đầu trang 9 lặp lại số 156 (Như Nhãn). Vậy, cộng với số 241 ở cuối trang 11 thì tất cả có 245 họ tên, nhưng chữ ký kèm theo ít hơn số đó (nhiều người không ký tên).
*
* Hiền hữu Phạm Vũ (thành phố Tây Ninh). Điện thư ngày 05-9-2017.
Câu Nhãn thị chủ tâm” 眼是主心 xưa nay vẫn được các kinh sách Cao Đài giảng: Con mắt là (làm) chủ cái tâm. Như vậy câu này có hai động từ: THỊ (là); CHỦ (làm chủ). Tại sao một câu lại có hai động từ?
Trần Văn Chánh: Bạn nghĩ đúng. THỊ là đồng động từ, có tác giả gọi nó là hệ từ, có tác dụng “nối” trong câu. CHỦ ở đây là động từ, có nghĩa là coi giữ, cầm đầu, thống trị... Cả câu có nghĩa: Mắt chủ về tâm (coi giữ, cầm đầu, thống trị, phụ trách về tâm).
*
* Hiền huynh Chí Như (Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo). Ngày 12-10-2017.
Cảm ơn Huệ Khải tặng tôi tập Cái Đẹp Theo Mỹ Học Cao Đài. Ở trang 9 và trang 23 nên sửa lại Thiên Lý Đàn ở quận 3 mới đúng.
Huệ Khải: Chân thành cảm ơn hiền huynh Chí Như. Nhân đây, xin quý đạo hữu vui lòng sửa thêm ba lỗi khác trong sách:
Trang 10, dòng 12: cái đẹp được được phát huy
Trang 17, dòng 7: Cái đẹp có thể được đạt được
Trang 29, dòng 14: conculsion ® conclusion
*
* Hiền huynh Lễ Sanh Thượng Vui Thanh (thánh thất Hương Mỹ, HTCĐ Ban Chỉnh Đạo), huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Thư ngày 26-11-2017.
Đọc Bắc Cầu Tâm Linh (quyển 54.2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo), bài Những Kẻ Đốn Cây, tôi mới hiểu thêm rằng những lời chửi mắng của con người có thể làm cây đại thụ héo úa, khô cành rồi từ từ chết luôn. Cũng vậy, những lời độc ác có khả năng làm tan nát tâm can người ta. Đọc bài Người Hiếm Có, tôi tâm đắc câu này vì thấy đúng với bản thân: “Học đạo, có những câu đơn giản lắm! Có khi mình hiểu liền; có khi phải trải qua một thời gian chiêm nghiệm sau những trầy trật bản thân, bấy giờ mới bừng ngộ, nên càng thấm thía.”
Đọc Nẻo Về Tâm Linh (quyển 84.1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo), bài Vô Thần Đích Thực Là Ai?, qua lời giảng của Đại Sư Vivekananda tôi mới hiểu rằng một người dù đã nhập môn Cao Đài rất lâu nếu chưa thấy có Trời trong bản thân mình và những người chung quanh thì người ấy vẫn là người vô thần.
Và còn nhiều bài khác nữa, trên đây chỉ là tạm kể để dẫn chứng. Sách đọc rồi, cất vô tủ, lâu lâu tôi lấy ra đọc lại, và khám phá thêm lần nữa nhiều điều lý thú, bổ ích vô cùng, tôi không thể nói ra cho hết được.
Không còn bao lâu nữa thì qua năm 2018, tuổi tôi cũng khá cao, nhưng tôi vẫn thấy mình cần phải học mãi, học hoài để thâu thập thêm nhiều kiến thức mới.
Viết thơ này, tôi xin có ít lời bày tỏ tấm lòng vô cùng biết ơn Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo mấy năm nay thường xuyên gởi tặng tôi những món ăn tinh thần vô giá, giúp tôi củng cố niềm tin về Đại Đạo, nâng cao kiến thức về đạo và đời.
Ban Ấn Tống: Kính thưa hiền huynh Thượng Lễ Sanh, biết hiền huynh niên kỷ đã cao mà viết thư nét chữ vẫn khỏe đẹp khiến chúng đệ muội rất vui, vì thấy rằng hiền huynh sức khỏe còn dồi dào, nên chẳng những rất siêng đọc sách mà còn quan tâm viết những lá thư dài trang gởi về Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo. Hiền huynh còn chu đáo, những dòng chữ nào cần nhấn mạnh lại dùng bút mực đỏ cho phân biệt với bút mực xanh, khiến chúng đệ muội nhớ tới cách ghi chép dùng hai màu mực của tiền bối Cao Sĩ Tấn (1893-1974) sinh tiền là bác sĩ, tu thiền theo pháp môn Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh, đắc quả Đạo Hạnh Kim Tiên.
Từ giữa năm 2008 tới nay, hiền huynh là một độc giả thường xuyên viết thư cho chúng đệ muội để chia sẻ cảm nghĩ khi đọc sách ấn tống. Tấm lòng của hiền huynh khiến chúng đệ muội vô cùng cảm kích, biết ơn. Những chia sẻ của hiền huynh khiến chúng đệ muội cảm thấy ấm áp, như được thêm sức để tiếp tục bền gan vững chí rảo bước trên nẻo đường dài phổ thông giáo lý Cao Đài với phương tiện tạm mượn là Chương Trình Chung Tay Ấn Tống.
Chúng đệ muội cầu nguyện Thầy Mẹ ban ơn lành phước huệ đến hiền huynh và bửu quyến. Kính mến.
*
* Hiền huynh Trần Thanh Tạo (thanhtao@...), Quầy Kinh Sách Cao Đài, Tam Kỳ, Quảng Nam. Điện thư ngày 11-12-2017.
Kính gửi: Ban Ấn Tống, Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
Vừa qua Quầy Kinh Sách Cao Đài ở Tam Kỳ, Quảng Nam, nhận được các đầu sách: Đại Đạo Văn Uyển (tập Trinh 2017), Thiên Bàn Tại Nhà, Tu Cứu Cửu Huyền Thất Tổ, Ý Thức Hệ Cao Đài. Đạo đệ xin thay mặt Quầy kính lời tri ân quý huynh tỷ trong Ban Ấn Tống và quý vị mạnh thường quân đã công quả pháp thí thực hiện đạo sự này.
Qua các phương tiện sẵn có (Facebook, điện thư, điện thoại...), Quầy Kinh Sách ở Tam Kỳ đã kịp thời phổ biến tới các đạo hữu thông tin về số lượng kinh sách đã nhận được. Quầy vừa có thêm vài địa phương trực tiếp liên hệ để thường xuyên thỉnh kinh sách như một số họ đạo tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi; một số xã đạo và cá nhân tại Đắc Lắc, Gia Lai, gia đình Hưng Đạo thuộc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài ở Hội An, tập thể tu tập sinh Đà Nẵng... Đây quả là niềm vui chung của những người đang làm pháp thí. Cầu nguyện quý huynh tỷ được an lạc để phụng sự nhơn sanh.
Trân trọng kính chào Ban Ấn Tống.
Ban Ấn Tống: Trần hiền hữu và quý đồng sự đang phụ trách Quầy Kinh Sách Cao Đài ở Tam Kỳ quý mến,
Chúng tôi vui và cảm ơn hiền hữu thường xuyên chia sẻ những kết quả đáng mừng mà Quầy Kinh Sách đã đạt được. Chúng tôi vẫn hay ghé thăm Facebook của Quầy (https://www.facebook.com/kinhsachcaodai/); nhờ vậy biết thêm nhiều thông tin thú vị về hoạt động phổ truyền kinh sách của Quầy. Quý hiền hữu nếu cần thêm kinh sách, hãy báo ngay cho chúng tôi biết để kịp thời đóng thùng gởi ra.
Xin chúc quý hiền hữu an lạc và đạo sự phát triển.
*
* Cháu Trần Hà Phương (haphuongtran2001@...), Điện thư ngày 21-12-2017.
Thánh giáo hay dùng hai chữ HƯỚNG ĐẠO, như vậy khác nghĩa hai chữ HƯỚNG ĐẠO ngoài đời (trong chữ hướng đạo sinh) ra sao? Cháu rất cảm ơn quý bác.
Huệ Khải: Cháu Hà Phương mến, hai từ này ý nghĩa khác nhau lắm.
1. Hướng đạo 向導 theo thánh giáo nghĩa là lãnh đạo (leading); hướng dẫn (guiding). Bậc hướng đạo là người có trách nhiệm dẫn dắt tín đồ đồng đạo (those who lead their coreligionists).
Khi nói hướng đạo, chữ đạo này có nghĩa dìu dắt, chỉ dẫn, dẫn dắt, hướng dẫn, chỉ đường dẫn lối, chỉ bảo. Nó không phải là chữ đạo như khi nói đạo giáo 道教 (tôn giáo), đạo nhân 道人, đạo sĩ 道士, v.v...
2. Scouting (phong trào scout) ra đời ở nước Anh năm 1907 do sáng kiến của Robert Baden-Powell (1857-1941). Thành viên nam của phong trào này là boy scouts, người Hoa dịch là đồng tử quân 童子軍, có nghĩa người lính trẻ nhỏ. Thành viên nữ là girl scouts, người Hoa dịch là nữ đồng tử quân 女童子軍.
Khoảng tháng 9 năm 1930, phong trào scout được quảng bá rộng rãi tại Việt Nam, chủ yếu ở miền Bắc, và một trong những vị có công khai sáng là Hoàng Đạo Thúy (1900-1994).
Thoạt đầu các vị sáng lập ở Việt Nam mượn cách dịch của người Hoa, cũng gọi các scoutsđồng tử quân. Năm 1933, Hoàng Đạo Thúy bỏ cách gọi đồng tử quân, thay thế bằng hướng đạo sinh. Đây là cách dịch rất sáng tạo, thể hiện ý thức thoát Hán” của người Việt.
Chúc cháu an lạc và có nhiều hứng thú trong việc tìm hiểu chữ nghĩa.