Thứ Tư, 31 tháng 1, 2018

12 TÔI HỌC TIỂU HỌC NHỮNG NĂM 50-60 THẾ KỶ TRƯỚC (ĐẠO UYỂN XUÂN 2018)


TÔI HỌC TIỂU HỌC
NHỮNG NĂM 50-60 THẾ KỶ TRƯỚC
NHƯ KHÔNG ĐẶNG CÔNG TẠO
Năm 1957 tôi bắt đầu học tiểu học. Ngày học hai buổi, nghỉ Thứ Năm và Chủ Nhật.
Trừ đô thị lớn, mỗi tỉnh lỵ, quận lỵ thường chỉ có một trường nam tiểu học và một trường nữ tiểu học gọi là trường Nam Tiểu Học Tỉnh Lỵ, trường Nữ Tiểu Học Tỉnh Lỵ.
Cấp xã có trường sơ cấp, thí dụ ở quê tôi là trường Sơ Cấp Phú An dạy từ lớp Năm đến hết lớp Ba. Năm 1960 tôi phải ra quận Cái Bè (tỉnh Định Tường, nay là tỉnh Tiền Giang) thi lên lớp Nhì.
Trường quận có số lớp con gái ít hơn con trai nên không lập riêng trường nam nữ mà chỉ có trường tiểu học (trường Tiểu Học Quận Cái Bè), rồi chia ra khu lớp nam, lớp nữ. Lý do phần lớn con gái ở xã cha mẹ chỉ cho học hết lớp Ba, vì từ xã ra quận học không phải gia đình nào ở nông thôn cũng lo nổi cho con.
Hồi đó, bốn năm giờ sáng má tôi dậy nấu cơm rồi cho vô “gào mên” (cặp lồng, cà mèn), tôi lên xe đò đi ra Cái Bè giá 1$ (một đồng) cho một chuyến. Trưa ăn cơm, uống nước “vòi” xong lang thang chơi trong sân trường chờ vô học buổi chiều, rồi lên xe đò trở về xã Phú An cách quận chừng năm cây số.
Khoảng 1960 trở về sau, các xã mới dần dần có lớp Nhì, lớp Nhứt.
Năm 1963 nhà tôi về Vĩnh Long.
*
Dưới đây là vài ký ức mà tôi còn nhớ.
Học trường tỉnh lỵ phải mặc đồng phục.
Con trai quần cụt đen, áo sơ mi trắng ngắn tay, nhốt vạt vào quần. Đa số chân đất, con nhà khá giả mang dép kẹp, giày xăng đan, quần sọt chéo quai trước ngực, để đầu trần hay đội nón lá buông, nón rơm, nón vải tai bèo.
Con gái quần dài đen, áo trắng tay cúp. Lớp nhỏ như lớp Năm, lớp Tư thì quần cụt, ống dún dây thun bó đùi chớ không để rộng như con trai. Đi chân đất hay guốc vông. Đội nón lá buông, nón vải tai bèo. Tóc để dài, kẹp ba lá hay cột đuôi gà. Tóc trán kẹp xẹt. Nhưng đa số con gái vẫn hớt bôm bê.
Lau mặt lau mũi gì cũng dùng vạt áo, chưa biết dùng khăn tay mà hồi đó còn gọi là mù soa, là hàng sang, của người lớn.
Học trò trường tỉnh lỵ hầu hết nhà ở vòng vòng trong vành đai tỉnh lỵ nên tan học đi bộ về nhà, hiếm hoi có người đưa rước như con nhà giàu.
Ở làng quê học trò ít oi, dấu ấn lớp học ông đồ còn sót lại, nên khi ôm cặp đi học mà gặp bất kỳ người lớn nào thì cũng lột nón, khoanh tay cúi đầu. Người lớn xoa đầu khen.
Trên đường phố chợ, bất cứ thầy giáo nào thấy học trò đi lộn xộn, trửng giỡn đều có quyền đứng lại rầy la, thậm chí ghi tên học lớp nào. Có thể thầy ghi cho sợ thôi. Mà sợ thật, sợ xanh mặt, cho nên đi ngoài đường hễ thấy thầy giáo, trò nào cũng tề chỉnh lại. Gặp thầy dạy mình càng khiếp hơn, tự giác khoanh tay cúi đầu một cách máy móc mà không biết thầy có thấy mình hay không.
Trò nào chữ đẹp, ngoan, Chủ Nhật cuối tháng thầy mượn đến nhà tiếp thầy cộng sổ điểm. Trò nào tiện đường, thầy mượn ôm tiếp tập làm văn của học trò thầy đem về nhà chấm… Những việc đó là niềm vinh hạnh lớn cho đứa trẻ.
Trong lớp xưng hô “trò, tui”, hiếm khi dám “mầy, tao”. Nói tục, phạm húy thầy là những lỗi khá nặng. Không có thói chửi thề nơi trường học.
Thời khóa biểu đầu giờ sáng Thứ Hai học đức dục, Thứ Ba học công dân giáo dục. Thầy giảng xong, cho chép bài toát yếu ngắn ngủn về học thuộc lòng để trả bài. Môn sử ký học Thứ Ba và Thứ Sáu. Thầy giảng như kể chuyện đời xưa, gương mặt diễn cảm và tay chân ra điệu bộ. Học trò im phắc say mê nghe. Gần như trò nào cũng mê và trông chờ tới giờ sử ký. Hình như các thầy có cảm xúc nhất khi dạy sử ký. Môn sử thường học cuối giờ, liền sau môn toán khá căng thẳng.
Bài toát yếu trên bảng cho học trò chép thường do thầy viết. Đây cũng là một cách luyện chính tả. Lên trả bài trôi chảy phần toát yếu thì được sáu điểm. Vở sạch đẹp được bảy điểm. Trả lời tốt ngoài phần toát yếu, chứng tỏ có nghe giảng thì được tám điểm. Không có điểm chín, mười, trừ môn viết chính tả.
Ai có đọc Hương Rừng Cà Mau của Sơn Nam ắt gặp bài Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư. Bác Sơn Nam kể lại câu chuyện hai người dưng, một ký giả, một nông dân, trang lứa, gặp nhau ở giữa rừng Cà Mau, nằm sáng đêm trong mùng luân phiên đọc làu làu những bài toát yếu mình học hồi xưa. Thật vậy, nhiều bài toát yếu tâm đắc, những câu cách ngôn... có khi theo suốt cả đời người.
Thầy đọc cho viết chính tả. Một học trò tốt giọng, chuẩn giọng, được thầy chỉ định đọc lặp lại.
Tập đọc là môn khó ăn điểm nhất. Đọc to, có dừng ở dấu chấm, dấu phết. Dấu chấm dừng lâu hơn dấu phết một chút. Trò nào phát âm chuẩn chỉ được sáu điểm. Đọc diễn cảm lắm mới được bảy điểm. Đọc trả bài, đọc viết chính tả cũng là luyện phát âm, cho nên dù chỉ mới đến lớp Ba, lớp Nhì, mới chín, mười tuổi, đa số học trò hồi đó đã khá chuẩn giọng các âm OI, AI, OAI, v.v…(
[1]) Lên lớp Nhứt đã chuẩn giọng SÔNG/XÔNG, GÌ/VÌ/DÌ, QUY/HUY/UY, v.v…
Tập vở chỉ có ba cuốn. Lớp Năm, lớp Tư còn dùng tập kẻ hàng đôi 32 trang, 50 trang. Lớp Nhì, lớp Nhứt dùng tập 100 trang. Một cuốn “Tập bài làm” gồm làm toán, viết ám tả (về sau gọi là chính tả), tập viết, tập vẽ, thủ công. Một cuốn “Tập làm văn”. Một cuốn “Tập bài học” để chép tất cả bài toát yếu: đức dục, công dân giáo dục, sử ký, địa dư (địa lý), vệ sinh, quan sát (về sau gọi là thường thức), ám đọc (để học trò làm quen với văn vần), ngữ vựng, văn phạm (ngữ pháp).
Học trò không có sách riêng, trừ lớp Năm có cuốn vần quốc ngữ. Trường làng học trò nghèo có khi không có cả cuốn vần, chỉ có tấm bảng đá có cái gối lau tòn ten, và cục phấn. Nửa năm sau mới thêm cây viết chì, cục gôm (cục tẩy) và cuốn tập hàng đôi 32 trang.
Hai cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư do Nha Học Chính Đông Pháp xuất bản năm 1935 lúc nầy không còn sử dụng, vài thầy dùng làm sách tham khảo, dạy bổ sung, có vẻ như một niềm hoài cổ. Từ 1962-1963 lớp Nhứt phải mua thêm sách Tập Đọc vậy mà cũng là áp lực tiền bạc cho học sinh nhà nghèo.
Viết bằng ngòi viết lá tre, lá hẹ chấm vô bình mực do học trò tự pha chế từ mực viên, để vào lon cà sốt có quay xách tòn ten. Bàn học trong lớp trước mặt mỗi trò có cái lổ tròn khoét lõm là nơi để bình mực cho khỏi đổ. Khoảng 1963 mới có loại bình mực không đổ bằng nhựa cứng. Con nhà giàu vô lớp lo le cây viết máy Parker coi chừng bị khẻ tay. Viết chì để tập vẽ và sửa lỗi chính tả. Thước gỗ dài hai hoặc ba tấc, mặt cắt vuông, mỗi cạnh một phân. Lớp Nhứt thêm cây com-pa cũng bằng gỗ.
Giờ cuối chiều Thứ Bảy học hát, tập thể dục, trò chơi cộng đồng. Những bài hát Bạch Đằng Giang, Nước Non Lam Sơn… theo chân biết bao đứa học trò lớn lên rồi trải đều khắp những nẻo đường đất nước.
Cặp học trò đa số là cặp đệm bàng dệt bằng cỏ lác khô hay cỏ bàng, có hai ngăn, một bên để mấy cuốn tập trong có tờ giấy chậm (giấy thấm), một bên để tấm bảng đá có cột thêm cái gối lau, phấn trắng, bút mực, bút chì, cục gôm, cây thước.
Hình ảnh tiêu biểu của em học trò thời đó là tay ôm cặp, tay xách bình mực, đầu đội nón rơm. Con nhà giàu xài cặp da bò thuộc màu vàng, dày cui, có quay xách, đầu đội nón nỉ.
Cặp đệm bàng mới mua về có bà mẹ cẩn thận may vải viền thêm quanh mép và nếp gấp để xài cho bền. Trò nào tánh kỹ xài được vài năm. Về sau cặp có quai đeo tròng qua vai.
Những năm 1956-1963 học trò nhà nghèo sáng đi học má cho một đồng hay năm cắc ăn sáng. Năm cắc ăn sáng được nửa ổ bánh mì chan nước xốt, hay củ khoai mì, vài củ khoai lang, gói xôi nhỏ… Vậy mà cũng có trò hư đem đổi lấy một ru by bằng nhôm để chơi chọi đáo. Lỡ thua phải nhịn đói học hết buổi sáng, mặt mày tái xanh, bụng dạ đâu mà học hành. Đó là những trò học tệ trong lớp.
Buổi chiều chỉ được năm cắc để uống nước lúc ra chơi. Người bán nước đá bào, khi nghe trống ra chơi liền thoăn thoắt bào sẵn một thau, bào bằng bàn bào gỗ gắn lưỡi thép, có gắn bốn cái chân. Đá bào nhận vô khuôn bằng cái ly nhựa cắt thủng đáy, lấy ra xịt xi rô, học trò phải ngửa cổ mà nút.
Vì lúc đó chưa có lớp Mẫu Giáo, cứ bảy tuổi vô lớp Năm, thì mười một, mười hai tuổi là xong chương trình tiểu học (hết lớp Nhứt), được thi tiểu học. Đậu tiểu học mới được thi đệ thất (lớp Sáu ngày nay).
Năm 1963, Bộ Quốc Gia Giáo Dục (ở miền Nam) bỏ thi tiểu học cho học trò lớp Nhứt, chỉ lấy điểm trung bình hai kỳ thi đệ nhứt và đệ nhị lục cá nguyệt mà cấp “Chứng chỉ tiểu học”. Hai kỳ thi đệ nhứt, đệ nhị lục cá nguyệt thuở ấy rất nghiêm túc, các lớp đổi thầy coi thi.
Kỳ thi tiểu học chỉ còn dành cho học sinh trường tư, quân nhân, cảnh sát, tư chức, người lao động.([2])
Có bằng tiểu học có thể làm tư chức, đả tự viên (nhân viên đánh máy chữ), long tong (tùy phái hay còn gọi là “tống thư văn”)…
Thi tiểu học và thi đệ thất theo hình thức thi viết gồm ba môn: Bài luận văn; hai bài toán (thường là một trung bình, một khó, mỗi bài làm đúng được năm điểm); năm câu hỏi thường thức gồm sử ký, địa lý, công dân, vệ sinh, quan sát (khoa học), mỗi câu được tối đa hai điểm. Thi tiểu học đủ điểm sàn thì đậu, thi đệ thất thì thi tuyển, vì trung học công lập nhận học sinh có hạn.([3]) Rớt đệ thất trở về trường cũ thi lại vào lớp Tiếp Liên chờ năm sau thi lại đệ thất. lớp Tiếp Liên chỉ học ba môn đã thi.([4])
Kỳ thi đệ thất là khúc quanh ngặt nghèo, là thử thách đầu tiên của tuổi học trò non dại. Thi rớt thì cha mẹ phải lo tiền cho học trường bán công, tư thục. Nghèo quá thì nghỉ học, trôi theo dòng đời cơm áo ngược xuôi.
Trung học công lập mỗi tỉnh chỉ có một trường, thí dụ Phan Thanh Giản (Cần Thơ), Thoại Ngọc Hầu (Long Xuyên), Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho), Tống Phước Hiệp (Vĩnh Long), v.v… cho nên biết bao nhiêu học trò xã, quận sớm chia tay với mái trường khi học hết tiểu học, tuổi đời mới mười một, mười hai.
*
Năm mươi năm không là dài lắm so với tiến trình văn hóa một dân tộc. Vậy mà sự học đã bước những bước không ngắn cho đến ngày nay. Nhờ vậy đã có biết bao nhân tài lớn lên từ cái cặp đệm bàng, từ ngòi viết lá tre. Và cũng thương làm sao nhiều số phận phải đành đứng lại nhìn người khác vượt qua đời mình.
Dù số phận nào, những người nay quá lục tuần, hỏi ra, gần như đều có một cái chung là hình ảnh ông thầy nghiêm nghị với cây roi mây trên tay mà nếu có dịp nhắc lại không ai dám buông một lời vô ơn bất kính.
NHƯ KHÔNG ĐẶNG CÔNG TẠO
Vĩnh Long 2011




Đạo Uyển chú thích:
([1]) Thí dụ, để tập cho trẻ hai âm AI/OAI, sách giáo khoa tiểu học dạy mấy câu lục bát ngộ nghĩnh, dễ nhớ: Mẹ tôi đi chợ đường trong / Mua một cây mía vừa cong vừa dài / Mẹ tôi đi chợ đường ngoài / Mua một cây mía vừa dài vừa cong.
([2]) Một số công chức chưa có bằng tiểu học cũng phải thi tiểu học để bổ túc hồ sơ hành chánh.
([3]) Cho nên thi đệ thất còn khó hơn thi tú tài, vì thi tú tài không phải là thi tuyển, hễ đủ điểm trung bình thì đậu.
([4]) Giữa thập niên 1960 đã bãi bỏ lớp Tiếp Liên.