Thứ Ba, 30 tháng 1, 2018

05 KHÁI NIỆM VỀ TÍNH MỆNH (ĐẠO UYỂN XUÂN 2018)

KHÁI NIỆM VỀ TÍNH MỆNH
LÊ ANH MINH
Thuật ngữ tính và mệnh xuất hiện rất sớm, chẳng hạn trong Chu Dịch:
- Thoán Truyện của quẻ Càn có câu: Càn đạo biến hóa, các chính tính mệnh, bảo hợp thái hòa... 乾道變化, 各正性命, 保合大和... ([1])
 - Thuyết Quái có câu: Cùng lý tận tính dĩ chí ư mệnh. 窮理盡性以至於命.([2]) Dịch: [Thánh nhân] suy xét tận tường nguyên lý sự vật và thấu triệt tính của chúng để hiểu mệnh.
 - Thuyết Quái còn có câu: Tích giả thánh nhân chi tác Dịch dã, tương dĩ thuận tính mệnh chi lý. 昔者聖人之 作易也, 將以順性命之理.([3]) Dịch: Ngày xưa khi sáng tác Kinh Dịch, thánh nhân thuận theo quy luật biến hóa của tính và mệnh của sự vật.
Tuy nhiên, Nho và Đạo (Lão) hiểu tính và mệnh khác nhau.
Theo Nho Gia, tính là bản tính, và mệnh là số mệnh. Trung Dung còn định nghĩa: Thiên mệnh chi vị tính. 天命之謂性.([4]) Dịch: Mệnh Trời gọi là tính.)
Đạo Gia hiểu khác, cho rằng mệnh là khí (nguyên khí 元氣) và tính là thần (nguyên thần 元神). Ở trạng thái tiên thiên thì nguyên khí và nguyên thần hỗn độn, không phân biệt. Khi con người được sinh ra, nguyên thần quy về tim, nguyên khí quy về thận. Thế là tính mệnh tiên thiên biến thành tính mệnh hậu thiên. Đạo Gia tu luyện thành tiên (trường sinh bất tử) không ngoài phép nghịch chuyển: Hậu thiên trở ngược tiên thiên, cho thần khí hỗn hợp.
Nói chung, Đạo Gia luyện nội đan xưa nay xem mệnh là khí, hình, thân thể; xem tính là thần, tâm. Các môn phái Đạo Gia đều xem luyện nội đan chủ yếu là tu tính và tu mệnh, gọi là tính mệnh song tu 性命雙修 hay tu tính luyện mệnh 修性煉命. Có ba chủ trương : (a) tu tính trước tu mệnh sau; (b) tu mệnh trước tu tính sau; (c) tu tính cùng lúc với tu mệnh.
Tu tính tức là tu luyện tâm và thần. Các phép tọa vong 坐忘 và tâm trai 心齋 của Đạo Gia chính là tu tâm, tu tính, là luyện thần hoàn hư.
Tu mệnh tức là luyện hình, luyện khí, tu luyện thân hình. Phép tu mệnh có nguồn gốc rất xưa. Trước đời Tần đã có phép khí công dưỡng sinh, phục khí, yết tân (nuốt nước miếng), đạo dẫn, v.v… Đó là các phương pháp tu mệnh. Dần dần tới đời Đường thì phép tu mệnh được hệ thống hóa hoàn chỉnh.
Tham khảo
Hồ Phu Sâm 胡孚琛 chủ biên, Trung Hoa Đạo Giáo Đại Từ Điển 中華道教大辭典. Bắc Kinh 1995, tr. 1128-1129.
James Legge trans., 易經 Yi Jing
(http://ctext.org/book-of-changes/yi-jing).
LÊ ANH MINH




([1]) James Legge (1815-1897) dịch: The method of Qian is to change and transform, so that everything obtains its correct nature as appointed (by the mind of Heaven); and (thereafter the conditions of) great harmony are preserved in union. Dịch: Đạo Trời biến hóa để cho mỗi vật đều có được chân tính theo như mệnh Trời đặt để; và (sau đó các điều kiện) của thái hòa được giữ gìn.
([2]) James Legge dịch: They (thus) made an exhaustive discrimination of what was right, and effected the complete development of (every) nature, till they arrived (in the Yi) at what was appointed for it (by Heaven). Dịch: Thánh nhân (vì vậy) suy xét toàn diện cái điều đúng, và phát huy hoàn toàn mỗi tính, cho tới khi đạt tới cái được (Trời) đặt để cho nó.
([3]) James Legge dịch: Anciently, when the sages made the Yi, it was with the design that (its figures) should be in conformity with the principles underlying the natures (of men and things), and the ordinances (for them) appointed (by Heaven). Dịch: Xưa kia, khi thánh nhân viết Kinh Dịch, các hình tượng của kinh phù hợp với các lý ẩn tàng trong tính (người và vật), và những mệnh lệnh (do Trời) đặt để.
([4]) James Legge dịch: What Heaven has conferred is called the bature. Dịch: Cái mà Trời ban cho gọi là tính.