NHỮNG GÁNH HÁT XƯA
KHA TIỆM LY
Quê tôi thời ấy (1955) thường dùng từ gánh hát thay
vì đoàn hát như bây giờ. Mỗi lần đi lưu diễn, ngoài cỗ xe bò để chở phông màn
và gia đình ông bầu, các nhân viên, đào kép đều phải tự gồng gánh hành lý của
mình lục tục theo sau. Có phải vì vậy mà gọi là gánh hát chăng?
Sau năm 1954, nguồn giải trí tinh thần của bà con
chẳng có gì. Muốn đọc báo thì phải nhờ đò dọc từ quận, ngày một chuyến lên tận
tỉnh mua giùm, nhưng hầu hết người dân ký tên đều bằng dấu thập nguệch ngoạc thì
mấy ai đọc được báo. Radio thì cả làng chưa ai có, nên nguồn giải trí duy nhất
là những gánh hát mà lâu lâu mới đến một lần.
Gánh hát xưa có hai dạng. Dạng thứ nhất là hát bội.
Với hát bội, dù gánh có tên đàng hoàng nhưng không ai gọi cả, họ chỉ gọi tên ông
bầu của gánh đó mà thôi: gánh bầu Bời, gánh bầu Trình… Dạng thứ hai là cải
lương. Với cải lương, không biết sao người ta lại gọi tên gánh hát mà không gọi
tên ông bầu: gánh Kiếp Bướm, gánh Điền Viên… Có thể kể thêm một dạng nữa là hát
bội pha cải lương, nhưng dạng này khán giả quê tôi không ưa chuộng, vì: “Thà
hát bội ra hát bội, cải lương ra cải lương, chớ vừa hát bội vừa cải lương nghe
nó tréo ngoe!” Các cụ bảo thế.
Dù dạng nào, tùy theo gánh hát nhỏ, lớn mà chọn nhà
lồng chợ hay đình làng để trình diễn. Khi vừa tới địa điểm, một bộ phận lo việc
thiết lập sân khấu, phông màn, và lấy vải bạt bao quanh nhà lồng chợ (hay đình
làng) để phân cách không gian “rạp hát” với bên ngoài, tiện việc kiểm soát, bán
vé.
Bộ phận thứ hai không kém quan trọng là bộ phận rao
bảng. Rao bảng nghĩa là báo cho người trong làng biết hôm nay có gánh hát đến
và đêm nay diễn tuồng gì. Bộ phận nầy mướn một cỗ xe ngựa, hai bên hông và sau
xe có vẽ hình ấn tượng nhất của nội dung tuồng hát diễn đêm đó. Trên xe để một
trống chầu, có một hay hai người đánh liên tục từng ba dùi một (Thùng! Thùng!
Thùng!) suốt từ đầu làng đến cuối làng. Vì ngựa chạy chậm nên sau xe là lũ con
nít chúng tôi tự nguyện chạy theo chơi. Với gánh hát nhỏ như bầu Bời, bầu
Trình, thì chỉ cần để trống trước cửa “rạp”, lũ trẻ tranh nhau mà đánh (cũng
từng ba dùi một). Âu cũng là cách tiết kiệm chi phí vậy.
Mỗi lần gánh hát về làng thì y như ngày hội. Coi hát
cũng nhiều mà đi chơi cũng không ít. Một trong những động lực này là nam nữ
được dịp hẹn hò nhau. Đội quân bán hàng theo thời vụ hoạt động cũng xôm trò, dù
chỉ là mía chặt khúc, đậu phọng nấu… Nước đá xi rô, nước đá nhận ([1]) là món hàng đặc biệt nhất, vì ngày thường không hề có,
ngay cả lúc tiệc tùng.
Với những gánh cải lương thì có bán vé hẳn hoi nhưng
với hát bội thì không, mà bà bầu và vài người thân tín đứng ở cửa thu tiền. Giá
cũng không nhất định. Những đêm đầu người coi đông thì người lớn năm đồng, trẻ
em ba đồng. Những ngày cuối giá có hạ hơn. Chỉ vì không bán vé mà thường xuyên
xảy ra việc kỳ kèo trả giá khá buồn cười: “Một đứa ba đồng, hai đứa ăn năm đồng
thôi, được không?” Lại có nhiều trự lợi dụng lúc chen lấn mà lẻn vào không trả
tiền; đôi khi cũng được trót lọt, nhưng phần đông bị nắm lỗ tai, nắm tóc kéo ra.
Tương tợ, cũng có trự giở vải bạt lén chui vào, và hậu quả cũng giống trường
hợp trên.
Đêm cuối cùng đại hạ giá, có khi chỉ còn phân nửa.
Thế mà cũng chẳng ai coi, vì không ai có tiền mà coi hoài. Hơn nữa, bởi việc
đồng áng họ cần phải được nghỉ ngơi dưỡng sức. Khi đó trong “rạp” toàn là khán
giả nhí mà cũng chẳng được bao nhiêu. Chúng vào coi là coi đào kép, trang phục,
đánh thương đánh kiếm, chứ hát bội thường “hát chữ Nho” thì có hiểu gì đâu mà
coi. Có hiểu chăng là một vài câu thông dụng: Tróc mã đề thương, ứ ư ứ ư… hay những câu tên quân trình báo:
- Cấp báo! Cấp
báo!
- Điều chi?
- Dạ, chí nguy
thậm chí nguy! Giặc Hung Nô vượt khỏi biên thùy. Ta, dũng tướng thảy đều tử
trận…
- Lui! Thôi rồi!…
Ò e í e…
Không gánh nào có
ghế cho khán giả ngồi; muốn ngồi ghế thì phải mang theo. Ánh sáng thì nhờ vào
cái đèn măng-xông treo một bên sân khấu. Với gánh cải lương thì sang hơn, họ có
máy đèn riêng, để đến lúc hai đối thủ đánh phép “Hô biến!”, đèn vụt tắt, lập
tức bên sau phông màn trắng, khán giả thấy các bảo bối đấu nhau quyết liệt. Đây
là màn ăn khách nhất. Ngoài ra, nhờ có máy đèn mà có cảnh phựt đèn màu sau khi
đào kép xuống “hò” (câu 1, câu 5), làm giọng ca thêm mùi, thêm lâm ly tình tứ
hơn, khiến nhiều tiếng vỗ tay, nhiều tiếng tắc lưỡi ngợi khen.
Về dàn nhạc, tùy
theo cải lương hay hát bội mà có đờn nguyệt, đờn gáo, đờn cò, ghi ta, và trống.
Mọi thứ cũ mèm, sử dụng là quý thầy đờn hình mai vóc liễu, ốm tỏng ốm teo.
Về tuồng tích thì
thường diễn trích đoạn của các truyện Tàu, như Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu,
Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê, Tôn Tẫn hạ san, hoặc những chuyện cổ tích như
Thạch Sanh Lý Thông, Phạm Công Cúc Hoa...
Về kịch bản (với
hát bội) dường như có khuôn mẫu sẵn cho đào kép, nghĩa là có những bài bản
riêng cho mọi tình huống. Như khi hai tướng xông trận thì hát thế nào, khi vua
lâm triều thì phải hát ra sao... Thêm vào đó chút hát “cương” tùy theo tay nghề
của đào kép. Ông bầu vừa đạo diễn, vừa nhắc tuồng.
Có nhiều khán giả nhí khoái vào hậu trường để coi đào
kép sắm tuồng hơn coi trên sân khấu. Chúng thường được dễ dãi nếu không phá
phách hay ăn ổi chín, vì “sợ tổ thích mùi thơm của ổi mà bỏ đi”, anh chị đào
kép bảo vậy.
Nếu nghệ sĩ ngày nay là một trong những người có thu
nhập cao, thì nghệ sĩ hát bội (và cải lương gánh nhỏ) thời đó có thu nhập rất
ít oi. Nói khác đi, nếu chỉ dựa vào thù lao diễn xuất thì không thế nào đủ
sống. Đó là nói với đào chánh, kép chánh; còn “kép cơm”, tức những người đóng
vai lính, quân hầu thì càng thê thảm, bởi lâu lâu mới được chút ít tiền bồi
dưỡng để hớt tóc mà thôi.
Gánh hát thường về làng vào tháng Mười Một âm lịch
cho đến trước khi sắp đổ mưa, vì thời gian nầy dân làng có thu nhập (chủ yếu là
lúa), hoặc rảnh rang nên đến coi đông. Nhưng rồi nhiều lắm gánh hát cũng lưu
lại chỉ một tuần, thì rạp vắng hoe. Gánh không hát nữa, nhưng cũng chẳng dọn đi.
Ông bầu cho ở lại để đào kép kiếm việc làm. Ai mướn gì làm nấy, như gặt lúa,
vác lúa. Những người yếu sức thì đi mót, đi câu, bắt cua, lưới cá. Đào kép đều
từ nông dân xuất thân nên những việc làm đó họ chẳng thua gì dân địa phương.
Với hát bội, không có thì coi đỡ ghiền chứ thực tình
khán giả cũng không mặn lắm. Cho nên từ khi cải lương về làng, hát bội không
còn chỗ đứng nữa. Gánh bầu Bời và bầu Trình năm xưa thỉnh thoảng lại đến, sau
một vài đêm lại gồng gánh buồn bã lên đường để rồi không bao giờ trở lại. Thấy
tình cảnh này, không biết ai trong làng tôi đã ứng khẩu và truyền miệng mấy câu
ác nhơn: Bầu Trình hát dở đừng lo / Sang
năm hát khá được đi xe bò / Bầu Bời hát dở đừng rầu / Sang năm hát khá được
ngồi xe trâu.
Với gánh cải lương, thu nhập có khá hơn nhiều. Buổi
trưa rỗi việc, mấy chú bác ở xóm Ngã Tư mời đào kép chánh và một hay vài ông
thầy đờn đến nhà làm mấy bài vọng cổ hay mấy lớp xàng xê quanh bàn rượu, bữa
cơm đơn sơ nhưng thắm tình nghệ sĩ. Tất nhiên trước khi ra về anh chị đào kép
cũng được chút thù lao khá hậu hỉ.
Tuồng tích cải lương cũng không khác gì hát bội,
nhưng nhờ trang phục bắt mắt và văn chương bóng bảy làm người coi thích thú;
cũng như diễn xuất thực hơn, lời ca mùi hơn, nên có nhiều đoạn đã làm người xem
xúc động, rơi nước mắt, và không ngần ngại kẹp tiền vào quạt giấy phóng lên sân
khấu. Đây là hình thức thưởng tiền ở quê tôi. Và đào kép cũng không ngừng khai
thác khía cạnh này:
Mở đầu tuồng Phạm Công Cúc Hoa là màn Phạm Công cõng
mẹ mù lòa đi ăn xin. Hai mẹ con quần áo rách bươm, Phạm Công vẻ mặt thiểu não,
tay cầm thau nhôm móp méo, cõng mẹ chầm chậm quanh sân khấu; ca điệu Hoài Tình:
“Bà con cô bác giùm thương / bố thí cho
tôi một chén cơm thừa /… (Nói dậm) Mẹ,
mẹ! Mẹ ráng nhịn đói chút xíu nữa nghe mẹ! Chừng nào bà con cho cơm, con đút mẹ
ăn nghe mẹ!…”
Thế là nước mắt khán giả tuôn ra, tiếng hỷ mũi rồn
rột, giọng nghẹn ngào: “Tui cho tiền nè!” Và quạt giấy kẹp tiền bay lên sân
khấu tới tấp. Người không có quạt thì tự đem lên. Một ông thầy đờn thấy vậy nói
với Phạm Công: “Được khá đó nghen mậy! Tiếp lớp hai nghe!” (Tức bảo ca lại lần
nữa.) Phạm Công ca tiếp tới lớp bốn, khi khán giả lơi cho tiền mới thôi. Hồi
còn trẻ con, chúng tôi chuyên coi hát trong hậu trường nên nghe thấy rõ cảnh
này.
Một tuồng có hai màn, hết màn một là nghỉ giải lao.
Trước khi qua màn hai thì một người đứng sau màn (thường là ông bầu hoặc anh
kép chánh) nói lời tri ân khán giả và giới thiệu vở tuồng ngày mai với những
lời lưu loát và không kém văn hoa. Gần cuối màn hai thì gánh hát cho thả giàn,
tức mở cửa ai muốn coi cứ vào coi. Việc làm nầy cũng không ngoài mục đích quảng
cáo lời ca điệu hát, trang phục, diễn viên của mình.
Đến năm 1960, gánh bầu Trình, bầu Bời nghe nói đã rã,
đào kép “về quê cắm câu”,([2]) chỉ tụ tập lại hát đình trong những ngày lễ cúng thần.
Những gánh cải lương nhỏ cũng biệt tích trong lúc thập niên này (1960-1970) là
thời vàng son của cải lương: Ở Sài Gòn nhiều đoàn hát lớn như Kim Chung, Thanh
Minh, Hương Mùa Thu… xuất hiện, có nhiều soạn giả lớn với nhiều tuồng hát để
đời.
KHA TIỆM LY
Nguồn: www.baoapbac.vn