VÀI NÉT VỀ ĐÀN TIÊN HIỆP MINH
Ở CÁI KHẾ
Ở CÁI KHẾ
HUỆ KHẢI
Theo báo cáo của
một chủ quận được ghi nhận trong phúc trình “Le
Caodaϊsme” (01-01-1932) của Lalaurette, Thanh Tra Chánh Trị Và Hành Chánh
Sự Vụ (Inspecteur des Affaires Politiques
et Administratives), thì vào những năm 1924-1925, đã có một làn sóng Thông
Linh Học (Spiritisme) lan tràn khắp
Nam Kỳ: “Une véritable vague de
spiritisme sévissait en 1924-1925 dans toute la Cochinchine.”
Thực ra, việc lập đàn cầu Tiên ở Nam Kỳ đã có sớm hơn thời điểm ghi
nhận của người Pháp. Quả vậy, tìm hiểu lịch sử đạo Cao Đài thời tiềm ẩn
(1920-1926), chúng ta biết rằng tiền khai Ngô Văn Chiêu (1878-1932) nhiều lần
đến đàn Hiệp Minh ở rạch Cái Khế, làng Thới Bình, tổng Định Bảo, tỉnh Cần Thơ. Cụ
thể như sau:
Năm 1917 (Đinh Tỵ), vì thân mẫu là bà Lâm Thị Quý (1858-1919) đau
nhiều, Ngô tiền khai từ Tân An tìm đến đàn Hiệp Minh. Đến nơi thì đàn cơ đã
lập, đồng tử đang tiếp điển thiêng liêng. Tiền khai thủ lễ nên đứng bên ngoài.
Nào ngờ Ơn Trên gõ cơ vời tiền khai vào hầu, rồi ban cho bài thuốc trị bệnh bà
Lâm cùng với hai bài thơ.
Năm 1919 (Kỷ Mùi), vì thân mẫu trở bệnh đau nhiều, tiền khai lại từ Tân
An đi đến đàn Hiệp Minh lần nữa. Nhưng Ơn Trên chỉ ban cho bài thơ dài chứ
không cho thuốc. Cuối năm ấy bà Lâm tạ thế.
Cuối tháng 7-1924 (Giáp Tý), tiền khai rời quận đảo Phú Quốc trở về Sài
Gòn làm việc tại Phủ Thống Đốc Nam Kỳ. Sau đó, tiền khai thỉnh thoảng lại rời
Sài Gòn xuống Cần Thơ hầu đàn Hiệp Minh.
Đàn Hiệp Minh dùng quy cơ (cơ hình rùa), vì “giỏ” đại
ngọc cơ đan nhuyễn bằng những sợi mây tạo hình như mai rùa (mặt trên dài 32cm,
rộng 27cm; phần “bụng” dài 24cm, rộng 20cm, mỗi bên hông chừa ba lỗ để bàn tay đồng
tử cầm).
Đàn Hiệp Minh hình thành trong bối cảnh ở Nam Kỳ thời Pháp thuộc các
đàn cơ cầu Tiên được tổ chức nhiều nơi. Chẳng hạn, vào năm 1895 tại tỉnh Cần
Thơ, chùa Nam Nhã (Nam Nhã Đường) là một Phật đường thuộc tông Đức Tế của đạo Minh
Sư được thành lập tại làng Long Tuyền (nay tọa lạc tại số 612 đường Cách Mạng
Tháng Tám, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ). Tại chùa có lập đàn cầu cơ thỉnh Tiên, ngoài việc để môn
sanh Minh Sư học đạo còn để làm phước, giúp bá tánh xin thuốc chữa bệnh.
Bấy giờ ở Long Xuyên có ông Từ Thiên Phước thế danh là Ủng (con rể ông
Phạm Ngọc Ngưu và bà Hồ Thị Tín) cũng hay lập đàn cầu Tiên tại nhà. Ông Ngưu sau nhiều lần hầu đàn Tiên ở Long
Xuyên (nhà con rể) và Cần Thơ (chùa Nam Nhã) đã quyết định lập đàn riêng của
ông.
ĐÀN QUANG XUÂN Ở CHỢ MÍT NÀI
Ông Ngưu bàn bạc với con rể (ông Từ Thiện Phước) và hai ông Trần Ngọc
Diệm, Đoàn Hữu Lương (thân sinh ông Đoàn Hữu Cầu, chủ nhân vườn Thầy Cầu nổi
tiếng tại hẻm Rạch Chanh) rồi lập một đàn cầu Tiên ngay sau vườn nhà ông, ở số
89/16 đường Paul Emery (sau đổi tên là đường Cống Quỳnh, nay là đường Huỳnh
Thúc Kháng) trong chợ Mít Nài (sau này là chợ An Nghiệp, phường An Nghiệp, quận
Ninh Kiều). Đàn được cất bằng cây ván, lợp lá, diện tích khoảng 45 thước vuông,
sàn gỗ cao 2 thước, có thang lên xuống ở hai bên.
Ngoài bà con bên vợ ông Ngưu (ông Hồ Anh Tuấn, bà Hồ Thị Chiêm, ông Hồ
Văn Vĩnh), đàn này còn quy tụ các ông Hai Sự, Mười Trương, Trương Văn Giáp, và gia
tộc Phan Thông (như Phan Chánh Tâm, Phan Thông Giai, Phan Thông Ngạn, Phan
Thông Tánh, Phan Thông Ý)…
Đêm 01-7 Đinh Mùi (Thứ Sáu 09-8-1907), đàn cơ đầu tiên được lập. Bộ
phận thông công gồm có: ông Phan Chánh Tâm (pháp sư), ông Phan Thông Tánh (phụ
tá pháp sư); ba ông đồng tử là Hồ Văn Tú, Nguyễn Thiện Sự, Ba Huy (người Nghệ
An, thường gọi là thầy Ba Huế, dạy chữ Nho trong vùng); hai ông Phan Thông Ngạn
và Phan Thông Ý làm điển ký. Ơn Trên giáng cơ ban danh xưng là đàn Quang Xuân,
nhưng dân gian hay gọi là “chùa”. Vào hai năm 1910 và 1930, đàn Quang Xuân được
xây tường gạch, mái lợp ngói, nền lót gạch bông. (Năm 2001, đàn Quang Xuân trở
thành chùa, tên gọi Quang Xuân Tự, thuộc Giáo Hội Phật Giáo Cần Thơ, địa chỉ hiện
nay là 89/16 Huỳnh Thúc Kháng, phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều, thành phố Cần
Thơ.)
ĐÀN HIỆP MINH Ở RẠCH CÁI KHẾ
Nhiều người trong gia tộc Phan Thông như các ông Phan Thông Giai, Phan
Thông Ngạn, Phan Thông Tánh, Phan Thông Ý sốt sắng hầu đàn Quang Xuân, ngoại
trừ ông hương cả Phan Thông Lý. Bấy giờ nhà ông cất trên bờ rạch Cái Khế, làng
Thới Bình, tổng Định Bảo, tỉnh Cần Thơ.
Con trai út ông bà Cả Lý là Phan Thông Sung (Chín Sung) mắc trọng bệnh
đến nỗi á khẩu, chạy thầy chạy thuốc khắp nơi đều vô hiệu. Sau cùng, có người
khuyên ông bà nên hầu đàn Quang Xuân cầu xin Thần Tiên cứu con trai. Ông bà Cả
Lý bèn nghe theo, sắm lễ phẩm đến đàn Quang Xuân sám hối và xin lập đàn cơ thỉnh
thuốc trị bịnh. Thiện nguyện Thiên tùng, nhờ đó con trai ông bà lành bịnh.
Để tạ ơn Trời Phật, ông Cả Lý phát nguyện hiến thửa đất 6.000 thước
vuông để cất thêm một đàn Tiên mới. Phần đất ấy phía sau thì giáp ranh
đàn Quang Xuân (chỉ cách con mương chưa đầy 3 thước), nhưng ngoài mặt tiền
trên đường Paul Emery thì hai đàn cách nhau khoảng 200 thước. Giữa năm Tân Hợi
(1911) đàn Chánh Minh thành hình, cất bằng cây ván, lợp lá, sàn gỗ cao 2 thước,
có thang lên xuống. Đó là tiền thân đàn Hiệp Minh.
Ngày 25-10 Tân Hợi (Thứ Sáu 15-12-1911), đàn cơ đầu tiên được lập với
bộ phận thông công của đàn Quang Xuân sang giúp. Hai vị thiền sư danh tiếng
thời nhà Lý giáng cơ hôm ấy là ngài Từ Đạo Hạnh (pháp hiệu Từ Đại Công Vương Bồ
Tát), và ngài Nguyễn Giác Hải (pháp hiệu Nguyễn Đại Công Vương Bồ Tát).
Năm 1916 đàn Chánh Minh được xây dựng lại trên nền đất ông Cả Lý đã
hiến. Ngày Thứ Ba 08-8-1916 ông Cả Lý làm đơn xin phép cất đàn và sinh hoạt tu
hành như sau:
Cần Thơ, le 8 Août 1916
Canton de Định Bảo
Phan Thông Lý đứng
Bẩm Quan Lớn đặng rõ, tôi có cất một cái đàn, để thờ Phật
và thờ Tiên tại trong vườn của tôi, nguyên là tiền của tôi làm, nên tôi đến
trăm lạy Quan Lớn mở lượng rộng mà cho phép mỗi tháng hai lần là ngày rằm và
ngày mồng một được phép đến đàn mà lạy Phật và Tiên, hoặc là khi có bịnh hoạn
được phép ban đêm đến đó mà cầu xin thuốc Phật Tiên cho đặng mà uống, sự thật
nên có làng thị chứng, như tôi làm trái phép nhà nước thì tôi cam chịu tội.
Nên tôi đến trăm lạy Quan Lớn xin mở lòng rộng rãi mà
nhận lời tôi xin.
Nay bẩm
Phan Thông Lý
(Chữ ký)
Bên dưới đơn xin của ông Lý có
đủ chữ ký thị chứng của Hội Đồng Hương Chức (Bàn Hội Tề) là Hương Chủ, Hương Chánh, Hương
Quản, Hương Thân, Hương Hào, và Xã Trưởng (chữ ký và con dấu).
Con dấu và chữ ký của viên
chức tổng Định Bảo chấp thuận ngày Thứ Bảy 19-8-1916.
Đàn Chánh Minh sau này được
đổi tên là Hiệp Minh. Đàn được tái thiết kiên cố năm 1932 và tôn tạo năm 1942...
Đàn Quang Xuân và đàn Hiệp
Minh có riêng hai chủ đàn nhưng coi như có chung số tín hữu. Đàn cơ khi lập tại
Quang Xuân, khi lập tại Hiệp Minh. Khi cúng bái, lễ lạt... thì cử hành bên
Quang Xuân trước, xong rồi tất cả qua bên Hiệp Minh cúng thêm lần nữa.
Sau khi ông Phạm Ngọc Ngưu và vợ
(bà Hồ Thị Tín) quy thiên, chủ đàn Quang Xuân lần lượt là ông Phạm Ngọc Thanh, ông
Trần Ngọc Diệm, ông Quảng Chiêu, bà Ngọc Sanh, bà Ngọc Biểu.
Tại đàn Hiệp Minh, sau khi chủ
đàn Phan Thông Lý (pháp danh Nghiêm Hòa) quy thiên thì em ông là Phan Thông
Ngạn (pháp danh Hoa Linh) thay thế. Kế tiếp là nhóm ba vị (gọi là “tam quyền”)
gồm ba ông Phan Thông Ý (pháp danh
Chơn Từ), ông Phạm Thông Giai (pháp danh Khánh Nhơn), và ông Nguyễn Văn Bảy
(pháp danh Thiên Ấn). Tiếp theo đó là “tam quyền” gồm ba ông
Phan Thông Chỉ (pháp danh Phước Khương), ông Phan Thông Quang (pháp danh Nhựt
Quang), ông Phan Thông Thảo (pháp danh Giác Kim).
Từ sau năm 1975 trở đi, đàn
Hiệp Minh có nhiều thay đổi; hiện nay là chùa Hiệp Minh (thuộc Giáo Hội Phật
Giáo Việt Nam), tọa lạc tại số 97 đường Huỳnh Thúc Kháng, phường An Nghiệp,
quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.([1])
Các vị tiền khai của đàn Hiệp
Minh nguyên là họ Nguyễn, do thời cuộc mà cải thành họ Phan Thông.
Khi các vị mãn phần, những ai là có họ Phan Thông đều lấy lại họ gốc là Nguyễn,
nên thành họ Nguyễn Phan Thông. Riêng ông Phan Chánh Tâm có tên đệm (chữ
lót) là Chánh thay vì là Thông, nên đổi lại là Nguyễn Phan Chánh
Tâm.
Mười tám vị tiền khai, tiền
bối của cả hai đàn Quang Xuân và Hiệp Minh ngày nay được tôn kính là “tiền
vãng”, được lập bàn thờ tri ân. Cùng với chân dung, danh sách mười tám vị
hiện bảo tồn tại chùa Hiệp Minh như sau:
1. Ông Nguyễn Phan Thông Giai
(1887-1967), pháp danh Khánh Nhơn. / 2. Ông Nguyễn
Phan Chánh Thống (1886-1967), pháp danh Quang Nhã.
/ 3. Ông Huỳnh Trung Thuần (1895-1974), pháp danh Minh Cẩn.
/ 4. Ông Lê Công Tịnh (1894-1975), pháp danh Hoằng
Khải. / 5. Ông Trần Văn Khuê (1900-1975), pháp danh Thiện Minh. / 6. Ông Nguyễn Phan Thông Chỉ (1897-1971), pháp danh Phước Khương. / 7. Ông Nguyễn Phan Thông Hỷ
(1911-1969), pháp danh Hoằng Bảo. / 8. Bà Hồ Thị
Chiêm (1883-1964), pháp
danh Hồng Kiển Sanh. / 9.
Ông Nguyễn Văn Bảy (1895-1981), pháp danh Thiên Ấn.
/ 10. Ông Phạm Ngọc Ngưu (1851-1915), pháp danh Long Ân. /
11. Ông Nguyễn Phan Thông Lý (1861-1919), pháp danh Nghiêm Hòa. / 12. Ông Nguyễn Phan Chánh Tâm (1866-1940), pháp danh Quang Kiển. / 13. Ông Nguyễn Phan Thông Tánh
(1869-1927), pháp danh Thục Hòa. / 14. Ông Nguyễn
Phan Thông Ngạn (1874-1932), pháp danh Hoa Linh.
/ 15. Ông Nguyễn Phan Thông Ý (1878-1963), pháp danh Chơn Từ. / 16. Bà Hồ Thị Tín (1855-1939), pháp danh Ngọc Cơ. / 17. Ông Trương Kim Giáp (1881-1963), pháp danh Quảng Chiêu. / 18. Ông Trương Văn Từ (1881-1960), pháp danh Mỹ Đức.
Tài liệu tham khảo:
Ban Hộ Tự chùa Hiệp Minh, Lược Sử Chùa Hiệp Minh (Đàn Tiên Cái Khế). Tài liệu “lưu hành nội
bộ”, ấn hành theo giấy phép xuất bản số 166/GP-STTTT ngày 02-11-2011 của Sở
Thộng Tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ. Truy cập tại http://dantiencaikhe.blogspot.com/
2011/11/luoc-su-chua-hiep-minh-tien-cai-khe.html, ngày 28-4-2017.
Huệ Khải, Ngô Văn
Chiêu - Người Môn Đệ Cao Đài Đầu Tiên. Hà Nội: Nxb
Tôn Giáo 2008, tr. 17-18.
Huệ Khải, Lược Sử
Đạo Cao Đài - Thời Tiềm Ẩn 1920-1926. Hà Nội: Nxb Hồng Đức
2017, tr. 33.
HUỆ KHẢI