Thứ Ba, 30 tháng 1, 2018

09 HOA ĐÀO NĂM TRƯỚC (ĐẠO UYỂN XUÂN 2018)

Image result for HOA ĐÀO



HOA ĐÀO NĂM TRƯỚC

LỘC ĐÌNH (1912-1984)
Hồi đó tôi học năm thứ ba hay thứ tư trường Bưởi (sau đổi tên là Chu Văn An), ăn Tết ở Phương Khê ([1]) xong, trở về Hà Nội.
Chiếc xe đò Mỹ Lâm từ Trung Hà xuống, đậu ở bến gần chợ Sơn Tây một hồi lâu rồi mới lại khởi hành, chạy một vòng chậm chậm trong thành phố để đón thêm khách. Trời lạnh, dân chúng còn ăn Tết, các cửa ngõ còn nửa khép nửa mở, vỉa hè còn vắng người và rải rác xác pháo.
Xe quẹo vào một con đường nhỏ nhưng sạch sẽ, trong một khu công chức, và ở sau một bức tường thấp, tôi thấy ló lên một tàn đào lớn, thịnh khai,([2]) đỏ thắm. Xe vừa chạy tới thì một cánh cửa gỗ ở nách bức tường đó từ từ hé mở, một thiếu nữ trạc mười sáu mười bảy bước ra: vành khăn nhung bao làn tóc đen nhánh làm nổi nước da trắng mịn, hồng hào; áo the điều, quần lãnh Bưởi. Tôi có cảm giác trời xuân bỗng nhiên bừng sáng. Xe vẫn chạy chậm chậm, và tôi quay lại nhìn cho tới khi khuất bóng, lòng hồi hộp mà bâng khuâng.
Bâng khuâng không phải chỉ riêng vì người mà vì toàn cảnh. Ánh xuân trong dịu, đường phố thanh tĩnh, màu câu đối dán bên cửa với màu áo trên mình thiếu nữ, nét mực tàu với vành khăn nhung, nhất là màu hoa đào kia với nước da nọ, tất cả cùng hiện lên một lúc, hòa hợp với nhau một cách ngẫu nhiên mà tuyệt diệu. Chưa bao giờ tôi được thấy một cảnh xuân đẹp như vậy.
Chiếc xe đã ra khỏi thành phố, bon bon trên con đường Sơn Tây - Hà Nội, tôi ngâm thầm bài Ðề Tích Sở Kiến Xứ.
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
Và tôi có cảm tưởng ngông ngông rằng thi sĩ như đã tặng riêng tôi bài đó, vì hiểu thơ thì ai cũng có thể hiểu được, mà muốn cảm xúc mãnh liệt thì phải thấy cái cảnh tả trong thơ, có cái tâm sự của người làm thơ. Cả một trời xuân và một tình xuân bàng bạc trong bốn câu của Thôi Hộ.
Từ đó, mặc dầu biết rằng cũng sẽ thất vọng như Thôi Hộ thôi,
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Ðào hoa y cựu tiếu đông phong.([3])
mà Tết nào, đi ngang qua tỉnh lỵ Sơn Tây, tôi cũng để ý tìm lại cảnh hoa đào năm trước.
Cảnh cũ, người cũ đã không sao cùng gặp lại được, thì thử kiếm cảnh khác, miễn là cũng đủ đào hoa nhân diện? Ở Hà Nội việc đó rất dễ. Từ hai mươi lăm tháng Chạp, suốt phố Hàng Ðường tới cửa chợ Ðồng Xuân như một rừng đào, cái cảnh “hoa chi tự kiểm, kiểm như hoa”.([4])
Ðâu phải là hiếm, mà sao tôi vẫn không tìm lại được cảm giác cũ. Tôi nghĩ có lẽ tại đường phố náo nhiệt, mà hoa không còn trên gốc, thiếu vẻ thiên nhiên chăng?
Có lần tôi lên tận làng Yên Phụ, thơ thẩn cả buổi trong các ngõ hẹp, lát gạch bên bờ Hồ Tây. Nơi đây còn vài ngôi đình chùa cổ, trong tiếng gió tiếng sóng như văng vẳng giọng ngâm thơ của Hồ Xuân Hương. Nhà nào cũng có vườn, tuy không rộng nhưng cũng trồng đủ giống hoa như làng Ngọc Hà, nhiều nhất là đào, đỏ ối mỗi khi xuân sang. Các thiếu nữ nửa quê nửa tỉnh, vừa tỉa cành vừa niềm nở chào khách, miệng tươi như hoa, nhưng lòng tôi chỉ vui vui chứ không xúc động; vẫn không phải cảnh sắc năm xưa. Thế thì thiếu cái gì đây? Tôi nghĩ không ra.
Kế đó, tôi vô Nam và năm nào Tết đến cũng ngắm hoàng mai mà bâng khuâng nhớ đào.
*
Rồi một hôm cách đây mười tám năm, vào đầu mùa mưa, đi ngang qua vườn một ẩn sĩ, thấy đẹp, tôi ghé vào thăm. Vườn nằm trên bờ một con kinh, ở vòng ngoài thành phố Long Xuyên, nổi tiếng vì có nhiều loại hồng quý từ Pháp gởi về.
Tôi vào tới giữa sân thì một thiếu nữ tươi cười bước ra chắp tay: “Thưa thầy.” Thiếu nữ vẻ thanh tú, ngừng lại bên một bụi hồng leo màu phơn phớt đỏ. Ánh nắng ban mai chiếu vào chùm hoa và phản ánh làm cho má thiếu nữ cũng ưng ửng. Tôi còn đương cố nhận mặt thì thiếu nữ đã nhắc giùm. Tôi hỏi thăm mấy câu rồi trầm ngâm dạo vườn một lát. Vườn trồng cả chục loài hoa, nhiều nhất là hồng, và hồng có cả chục giống; sương mai lấp lánh mà hương thơm ngào ngạt.
Thật thú vị, khi không cố ý tìm thì ngẫu nhiên gần như gặp lại cảnh cũ. Trong vài giây, lòng tôi lại xúc động như hồi trẻ ở Sơn Tây. Xúc động nhẹ thôi: trời hôm đó dịu nhưng không phải là trời xuân ngoài Bắc, mà hồng cũng không thể sánh với đào được. Có lẽ còn tại cái tuổi, cái tâm trạng của tôi nữa chăng? Nhưng cũng là một phút đẹp trong đời, và ở vườn hồng ra, tôi lại ngâm thầm bài thơ của Thôi Hộ, nhớ lại tuổi xuân, cảm xúc triền miên, dịu dịu. [Sài Gòn, Xuân Tân Hợi]
PHỤ LỤC
TRUYỀN THUYẾT VỀ BÀI THƠ CỦA THÔI HỘ
Thôi Hộ 崔護 (772-846) tự Ân Công 殷功, người Bác Lăng 博陵 đời Đường (nay là An Bình, Hà Bắc), đậu tiến sĩ năm 796, đến năm 829 giữ chức kinh triệu doãn 京兆尹 không lâu thì thăng ngự sử đại phu 禦史大夫, rồi làm tiết độ sứ đất Lĩnh Nam 嶺南節度使.
Thôi Hộ nổi tiếng với bài thơ tứ tuyệt Đề Đô Thành Nam Trang 題都城南莊 (Đề thơ ở gia trang phía nam thành đô). Thành đô tức là kinh đô Tràng An đời Đường, nay là thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây. Bài thơ này còn có nhan đề là Đề Tích Sở Kiến Xứ 題昔所見處 (Ghi lại điều năm xưa nhìn thấy).
Bài thơ nổi tiếng khiến cho bá tánh giàu tưởng tượng truyền tụng câu chuyện (có lẽ là hư cấu) để giải thích nguyên do Thôi Hộ sáng tác bốn câu bất hủ.
Truyền rằng nhân dịp tiết Thanh Minh, Thôi Hộ dạo chơi phía nam kinh thành Tràng An, bắt gặp một vườn đào đang rộ hoa rất đẹp, bèn đến trước cổng vườn xin nước uống. Một thiếu nữ xinh đẹp ra mở cổng. Màu hồng hoa đào ánh lên màu hồng đôi má giai nhân khiến Thôi Hộ bàng hoàng. Uống nước xong, anh cảm ơn và ra về mang theo hình bóng mỹ miều ấy trong tâm khảm.
Thanh Minh năm sau, anh trở lại vườn cũ mượn cớ xin nước uống nhưng không gặp được cố nhân. Buồn lòng, anh chàng viết ngay lên cổng bốn câu thơ rồi thiểu não ra về. Bài tứ tuyệt như sau:
去年今日此門中
人面桃花相映紅
人面不知何處去
桃花依舊笑東風
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
Câu chót có dị bản là xuân phong.
Lệ Thần Trần Trọng Kim (1883-1953) dịch:
Hôm nay năm ngoái cửa cài
Hoa đào ánh với mặt người đỏ tươi
Mặt người chẳng biết đâu rồi
Hoa đào còn đó vẫn cười gió đông.
Trở lại chuyện Thôi Hộ. Không lâu sau đó, vì nỗi thất tình giày vò, anh quay lại chốn cũ nhằm lúc nhà ấy đang có chuyện đau buồn. Anh vào hỏi thăm thì biết người đẹp sau khi đọc thơ kẻ si tình đã ngã bệnh tương tư đến nỗi vừa mới qua đời, di thể còn nằm đó, như đang ngủ. Anh bèn quỳ xuống ngay bên giường, khóc thảm. Bỗng dưng cô gái hồi tỉnh khiến mọi người vui mừng khôn xiết. Thế là Thôi Hộ và cô gái kết thành chồng vợ.
ĐẠO UYỂN



Đạo Uyển chú:
([1]) Làng Phương Khê, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội).
([2]) thịnh khai 盛開: Đang nở rộ. | Blooming; in full flower.
([3]) Lộc Đình chú: Bài này đã có nhiều người dịch, nhưng tôi chưa gặp bản nào như ý, cho nên không muốn chép lại. Chỉ có hai câu của Nguyễn Du là xứng với hai câu cuối trong nguyên tác: Trước sau nào thấy bóng người / Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
Ai có tài dịch thêm hai câu đầu cũng thành lục bát, để ghép lại cho đủ bài thì thú lắm. [Xem Phụ Lục cuối bài này.]
([4]) Lộc Đình chú: Thơ của một nữ sĩ đời Thanh: “Cành hoa tựa má, má như hoa.” [花枝似臉臉如花.]