NGÀI BẢO THẾ LÊ THIỆN PHƯỚC
SỬ KIẾN NGUYÊN
Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước (sanh năm 1895 tại Sài Gòn) là
một trong số ít các vị Thập Nhị Thời Quân hành đạo xuyên suốt từ thời khai Đạo
đến khi quy thiên.
15-3 Bính Dần (Thứ Hai 26-4-1926): Đức Chí Tôn sắc phong ngài là Tiên Đạo
Phò Cơ Đạo Sĩ.
Đêm 14 rạng 15-10 Bính Dần (Thứ Năm 18 rạng Thứ Sáu 19-11-1926): Trong
đại lễ Khai Đạo, ngài Lê Thiện Phước là một trong mười hai vị phò loan.
12-01 Đinh Mão (Chủ Nhật 13-02-1927): Đức Chí Tôn lập Pháp Chánh Truyền
Hiệp Thiên Đài. Ngài Lê Thiện Phước thọ Thiên phong Bảo Thế. Bào đệ ngài là Lê
Thế Vĩnh (1903-1945) thọ Thiên phong Tiếp Thế.
Trong suốt cuộc đời hành đạo, ngài Bảo Thế từng kinh qua các trách vụ
nặng nề được Hội Thánh giao phó như: Quyền Chưởng Pháp, Thừa Quyền Hộ Pháp,
Tổng Thơ Ký Chánh Trị Đạo, Thống Lãnh Văn Phòng Hộ Pháp, Thừa Quyền Thượng
Sanh, Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài, Quyền Đầu Sư, Thống Quản Phước Thiện,
Thống Quản nữ phái Cửu Trùng Đài, Chủ Tọa Tòa Hiệp Thiên Đài, Thống Quản Ban
Thế Đạo và Đại Đạo Thanh Niên Hội.
Trong thời gian Thừa Quyền Hộ Pháp, ngài đặt ra năm cấp hành chánh Đạo,
kiện toàn guồng máy hành chánh Đạo từ trung ương tới địa phương gồm: Trung Ương
Tòa Thánh, Trấn Đạo, Châu Đạo, Tộc Đạo, và Hương Đạo. Ngài đổi danh từ Quản Lý
và Phó Quản Lý Cửu Viện thành Thượng Thống và Phụ Thống để phù hợp với trách nhiệm nặng nề và thể thống nhơn vị của chư chức sắc
đại Thiên phong đảm đương công việc trọng hệ trong mỗi Viện. Ngài cho khai phá
các khu rừng để mở mang Châu Thành Thánh Địa được rộng lớn như hôm nay. Ngài lập
Bá Huê Viên tạo cảnh quan cho nội ô Tòa Thánh, kiến thiết chánh môn Tòa Thánh.
Năm Bính Thân (1956): Nền Đạo chinh nghiêng bởi cường quyền,
Đức Hộ Pháp lưu vong Cam Bốt. Ngài Bảo Thế ở lại Tòa Thánh nắm quyền
tối cao lèo lái con thuyền Đạo vượt qua khó khăn. Ngài thay mặt cho Hội Thánh thương
thuyết với chánh quyền Ngô Đình Diệm dẫn đến việc ký kết Thỏa Ước Bính Thân (1956)
để bảo tồn nghiệp đạo. Thỏa Ước này tuy có điều khoản kiềm tỏa quyền hành Hội
Thánh nhưng Đức Hộ Pháp tạm thời bằng lòng vì có thể mượn nó ngưng được sự phá Đạo.
Năm Ất Tỵ (1965): Ngài Bảo Thế cùng với ngài
Đầu Sư Thượng Sáng Thanh lập bản Hiến Chương, thương thuyết với chánh phủ Việt
Nam Cộng Hòa công nhận tư cách pháp nhân của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ bằng sắc
luật số 003/65 ngày 12-7-1965.
Từ thời khai Đạo đến lúc quy thiên, ngài Bảo Thế đã cùng Đức
Hộ Pháp, Đức Thượng Sanh và Hội Thánh giương cao ngọn cờ nhơn nghĩa đại đồng
của đạo Cao Đài, gióng hồi trống Lôi Âm, ngân tiếng chuông Bạch Ngọc giục giã
khách trần đương lạc lối tìm về bến giác. Kiên tâm ròng rã trên đường hành đạo
như trên đường chiến đấu, để cố đem an bình cho dân cho đạo trong vai tuồng
được thi thố, ngài chứng tỏ phận sự của chi Thế Hiệp Thiên Đài là mượn thế toan phương giác thế,
dùng đời loạn chuyển thành đời trị.
Ngài đã dày công khó nhọc khéo giúp cho Hội Thánh lưỡng đài vượt
qua những cơn nước lửa để bảo toàn nền Đạo cho đến ngày nay. Ngày 17-3 Ất Mão
(Chủ Nhật 27-4-1975): Ngài
Bảo Thế Lê Thiện Phước thoát trần đăng tiên, hưởng thọ tám mươi mốt tuổi. Bửu
tháp ngài được xây cất trong khuôn viên Lê phủ từ (nhà thờ họ Lê, tọa lạc tại
xã Hiệp Tân, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh), là nơi lúc sanh thời ngài từng làm
Chưởng Phủ.
SỬ KIẾN NGUYÊN
Đạo Uyển chú:
Ngài Lê
Thiện Phước sanh ngày 04-6-1895 (Ất Mùi) tại Sài Gòn. Song thân là ông Lê Văn
Dương (đốc học trường tiểu học Dakao) và bà Trần Thị Chọn. Ngài học collège
Chasseloup Laubat, đậu bằng Thành Chung (1912). Tốt nghiệp trường Luật Đông
Dương (1915). Thi đậu ngạch Thơ Ký Thượng Thơ (Dinh Hiệp Lý, Sài Gòn), làm việc
tới năm 1927 thì nghỉ. Đắc cử Hộ Trưởng quận Tân Định và Hòa Hưng. Được phong huyện
hàm (honoraire) năm 1944. Ngài làm
chủ hai nhà máy xay gạo: một ở Đất Hộ, tức Dakao (sản xuất 25 tấn gạo trắng/ngày),
và một ở Chợ Lớn (50 tấn gạo trắng/ngày).