Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2021

CHIM XA RỪNG / ĐẠO UYỂN HẠ 2021 (TẬP 38)

 


Một mai, mai một ngó chừng

Ngó truông truông rậm, ngó rừng rừng sâu.

Bây giờ ngẫm lại câu hát thật buồn, nhưng hồi tuổi nhỏ chúng tôi từng nghêu ngao không biết bao nhiêu lần mà chẳng thấy buồn, cũng chẳng chú ý để nhận ra truông rậm rừng sâu.

Mồng bảy tháng Giêng âm lịch hạ nêu, ba bữa tết bảy ngày xuân đã đi qua. Mồng chín tháng Giêng âm lịch cúng khai sơn. Sau đó mới quơ củi, chặt cây… làm những việc động chạm tới lâm sản. Trước ngày cúng khai sơn không một người dân nào vác rìu, vác rựa vào rừng. Chỉ trừ lũ trẻ chăn thả trâu bò được đặc miễn. Chúng vào rừng ngay sáng mồng một Tết, tha hồ kêu hú réo gọi làm vang động khắp mọi nơi.

Cúng khai sơn tại gốc một cổ thụ, thường là cây da, nghiêm cẩn và trịnh trọng, bởi rừng núi nhuốm vẻ thiêng liêng hơn ruộng đồng, sông nước chăng? Cúng xong, cái đầu heo được để lại. Không ai nói gì hết, nhưng ai cũng hiểu là để lại cho chúa sơn lâm và tưởng tượng một cách rất mơ hồ cảnh chúa sơn lâm về đây ngoạm lấy… cũng đủ cho một nỗi kinh sợ âm thầm len lỏi trong đầu óc.

Người dân nông thôn gọi chung công việc là “làm nhà quê”, có thể nói đó là bức tranh tứ bình “canh mục ngư tiều”: gồm cả trồng trọt chăn nuôi bắt cá lấy cây, gần như nhà nào cũng có làm đủ và nhiều người biết làm đủ. Họ không phân biệt thành từng nghề, mà coi chuyện cày cấy, chăn nuôi, đánh lưới, củi đuốc… là công việc đương nhiên. Muốn nấu cơm nấu nước thì phải ra rừng quơ củi, muốn đóng cái cày cái bừa thì phải ra rừng chặt cây. Ra rừng cắt tranh, ra rừng bứt mây. Một khoanh dây kim cang để thắt rế, một đoạn dây mò tró cột giàn bầu giàn bí… cũng do rừng cung cấp. Rừng gần gũi và thân thiết với con người quá. Do đó không có tập tục gì khắt khe trong nghề rừng, cũng không thấy điều gì kiêng kỵ quá đáng. Kiêng kỵ thường có mục đích răn đe, có thể nói là hù dọa để ngăn ngừa. Ở đây không có gì phải ngăn ngừa, mỗi người đều nhận thức rằng rừng núi là chung của làng xóm, của đất nước ông bà, ai ai cũng sống trong làng xóm, trong đất nước ông bà, ai ai cũng có bổn phận giữ gìn. Cần bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu, tham lam mà chi, tích trữ mà chi. Tham của rừng rưng rưng nước mắt.

Thời Nam triều, ở vùng rừng núi mỗi tổng có chức Phó Tổng Vệ Lâm, mỗi làng có chức Hương Lâm, bất quá lâu lâu “cỡi ngựa coi rừng”, công việc xem ra thật lơi lỏng. Nhiều nơi từ ngữ “cửa rừng” là từ ngữ hoàn toàn có ý nghĩa tượng trưng, bởi rừng núi và làng xóm thật gần gũi. Có khi rừng núi sát liền sau nhà, đứng ngay bên hiên, thú rừng và gia súc chỉ cách nhau một dãy hàng rào. Không hề có cửa rừng như một cổng vào, hoặc nói một cách khác cửa rừng rộng mênh mông không giới hạn, bất cứ chỗ nào bàn chân con người đặt xuống để bước vào rừng chỗ ấy là cửa rừng. Của cải rừng núi là của cải Trời cho. Có khi ta hái mà có, có khi ta lượm mà được. Cây, trái, hoa, củ… đã đành, gạc nai, mật ong, mai rùa… cũng là của rừng. Lắm lúc đã bao nhiêu người đi qua chỗ đó mà chẳng thấy, ấy là rừng núi để dành cho người đi sau.

Thế nhưng bên cạnh sự lơi lỏng này lại có phần chặt chẽ. Rừng núi đâu ra đấy cả. Chỗ này là rừng cấm, có khi trong rừng cấm chẳng có một loại cây ra hồn, nhưng trong địa thế, trong phong thủy phải là rừng cấm. Chỗ kia là lâm phần quốc gia, chỗ nọ là lâm phần hương thôn. Nơi nào tuyệt đối không được động tới, nơi nào động tới phải xin phép, xin phép ai, nói miệng hay làm tờ, chỗ nào được tự do khai thác không cần phép tắc. Cứ như thế những quy ước thành văn và bất thành văn đều được tuân thủ bằng tinh thần tự giác, trách nhiệm và tiết kiệm. Ai khai thác nhiều hơn số lượng cần có để đủ dùng ắt sẽ mang tiếng tham lam, khó sống trong những lời bàn tán và những ánh mắt xa lạ của cộng đồng. Cho nên không có ông tiều nào cả gan chặt hết cây rừng, cũng như không có ông chài nào ra công bủa lưới bắt hết cá sông!

Bây giờ sau bao nhiêu năm chiến tranh tàn khốc, thần thánh ma quỷ xiêu tán, cọp beo trăn sấu không còn, rừng núi mất hẳn vẻ thần bí linh thiêng, những đàn chim di thê hàng năm không trở lại, rừng núi thiếu đi sắc màu và âm thanh thơ mộng. Bây giờ luật lệ bảo vệ rừng với nhiều điều khoản nghiêm cấm khắt khe được ban hành, chỗ nào cũng dựng pa-nô kẽ khẩu hiệu nhắc nhở “rừng là vàng”, cũng có bảng quy định chi chít chữ nghĩa, những cán bộ ngành kiểm lâm mặc sắc phục, mang vũ khí, đi xe phân khối lớn… Vậy mà rừng núi mỗi ngày một trọc trụi thêm, đường ngang lối dọc trong rừng vận chuyển gỗ, các loại lâm sản, dã thú quý hiếm một cách dễ dàng. Thỉnh thoảng mới có một vài vụ chận bắt, tịch thu, những người lái xe chở mướn được gọi một cách cường điệu là “lâm tặc” bỏ của chạy lấy người, còn các “lâm vương” đang ung dung trà rượu ở đâu thì không ai biết!

Tôi rời bỏ rừng núi làng quê hồi hai mươi tuổi để nhập đô thành. Trong giấc mơ nhiều đêm vẫn thường thấy cảnh núi rừng sông nước. Nhớ những trảng cỏ hoa sim màu tím, hoa ổi trắng ngà, hoa găng vàng rực trong nắng, cây vừng khoe lá đỏ, cây thiên tuế đơm lá nhọn, những đồi tre gai vòi măng cao vút, những vực suối bên trên cây quéo tàn cao che mát, bên dưới chòm dứa dại chen xanh. Những gốc da là chỗ dừng chân nghỉ ngơi phút chốc của người gánh tranh, vác củi, trẻ chăn trâu bò vẽ bàn cờ trên mặt đá, quân tướng là sỏi sạn bày ra dàn trận ăn thua. Nhớ lần cắm trại, một huynh trưởng ghi vào sổ tay lưu niệm: “Đối với anh em ở đây, em bé nhỏ như hạt cát nằm trong đống sạn.” Thật tuyệt vời buổi trưa hôm ấy đứng trên đỉnh dốc cao nhìn suốt phương Tây bao la rừng núi trùng trùng đến choáng ngợp.

Tôi hạt cát giữa đàn anh sỏi sạn

Giăng cánh đời xin được nhuốm rêu phong.

Nay về lại làng quê, biết mình cánh đời rã mỏi, rêu phong đã lấp đầy cát bụi, hỏi thăm sỏi sạn không biết trôi nổi theo dòng đời tụ tán nơi đâu. Cảnh cũ không còn, người xưa đã mất, nghe những câu hỏi: Chú/bác/ông ngoại ở đâu tới đây? Tìm nhà ai?… Cảm thấy bơ vơ như Từ Thức hồi trần.

Bỗng thật sâu lắng từ trong tiềm thức mơ màng văng vẳng câu ca: Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội…

TRẦN HUIỀN ÂN (2005)