Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2021

GIÓ BỐN PHƯƠNG / ĐẠO UYỂN HẠ 2021 (TẬP 38)

 


Gió muốn thổi đâu thì thổi. GIOAN 3:8

@ Hiền huynh Huỳnh Chí Kiên (tín hữu Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, Quế Sơn, Quảng Nam). Điện thư ngày 11-10-2020:

Quyển “Ơn Gọi Miền Trung” của Thượng Giáo

Sư Phạm Văn Liêm, Nxb Tôn Giáo, 2011, tr. 67, có in thánh giáo Đức Chí Tôn dạy ông Trần Công Ban như sau:

BAN nặng gánh đôi vai trịu trịu

Khó nỗi trung nỗi hiếu nỗi tình

Đường chân bước gập ghình

Dầm mưa dãi nắng thân mình quản chi.

Xin hỏi “đường dê” nghĩa là gì. Rất cảm ơn Đạo Uyển.

Huệ Khải: Kính thưa hiền huynh, văn học dùng hình ảnh “đường dê” để nói tới con đường hiểm trở vì quanh co, ngoắt ngoéo như ruột dê (dương trường 羊腸).

Nguyễn Trãi (1380-1442) có câu thơ: Dương trường đường hiểm khúc co que. (Co que là cong queo.)

Nhưng “đường dê” còn đi kèm với “dấu thỏ”. Văn học dùng thành ngữ “dấu thỏ đường dê” để nói tới nơi xa xôi hẻo lánh, không vết chân người, chỉ có dấu chân thỏ và chân dê rừng. Chẳng hạn:

- Trải qua dấu thỏ đường dê

Chim kêu vượn hú bốn bề núi cao.

(Nguyễn Đình Chiểu, 1822-1888, Lục Vân Tiên)

- Gập ghềnh dấu thỏ đường dê

Can trường một gánh nặng nề hai vai.

(Đào Tấn, 1845-1907)

Trong đoạn thánh thi dạy ông Trần Công Ban như dẫn trên, Đức Chí Tôn dùng hình tượng đường dê” theo nghĩa bóng (ẩn dụ 隐喻: metaphor).

Thời bấy giờ ở Trung Kỳ chưa có ai biết đạo Cao Đài, nên có thể ví như vùng đất hãy còn hoang sơ chưa khai phá (virgin land), chưa có đường đi (đạo cũng là đường đi). Hơn nữa, vì quan lại Trung Kỳ đang thi hành gắt gao luật cấm đạo Cao Đài của triều đình Huế và chánh phủ bảo hộ (thực dân Pháp) đồng ban hành,([1]) nên đoàn Thiên sứ (đứng đầu là ông Trần Công Ban) phụng mệnh Trời đem hạt giống Cao Đài ra gieo trồng tại Trung Kỳ bắt đầu từ năm 1934 chắc chắn phải gặp rất nhiều nguy hiểm đến tánh mạng chứ không phải chỉ là gian lao cực khổ. Khi bảo rằng chân bước gập ghình, rằng dầm mưa dãi nắng thì thật ra Đức Chí Tôn đã nói giảm (dùng uyển ngữ 婉語: euphemism).

*

@ Hiền tỷ Trịnh Phương Nga (tín hữu Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, Quảng Ngãi). Điện thư ngày 25-10-2020:

Tại tu xá Phước Huệ Đàn (Tam Kỳ, Quảng Nam) ngày 14-3 Canh Tý (Thứ Bảy 09-04-1960), Đức Bảo Thọ Thánh Nương dạy các nữ tu như sau: “Giờ này Bản Nương đến cùng chị em nhắc lại một lần nữa: Đã giao ước trong tình Linh Sơn quyền pp, phải chân thật xây dựng, thúc đẩy lẫn nhau, cùng khổ cùng vui, không vì một lý do nào mà gây nên bất bình để nhiều đau khổ cho Đoàn, cho bạn.” Xin hỏi “tình Linh Sơn quyền pháp” là gì? “Đoàn” ở đây là Đoàn nào? Cảm ơn Đạo Uyển.

Huệ Khải: Kính thưa hiền tỷ, trước hết xin nói tới Đoàn”. Đây là Nữ Đoàn Giải Thoát được Ơn Trên ban lịnh thành lập năm 1955. Tu xá Phước Huệ Đàn cho Nữ Đoàn được thành lập năm 1959.

Linh Sơn 靈山 (Spiritual Vulture Peak) tức là núi Linh Thứu 靈鷲山 (thứu: chim kên kên; vulture). Trên núi này Đức Phật Thích Ca đã thuyết kinh Diệu Pháp Liên Hoa (gọi tắt là kinh Pháp Hoa). Những ai có mặt nghe pháp lúc ấy là những người dự hội Linh Sơn (Linh Sơn hội thượng nhân 靈山會上人: people attending the assembly on Spiritual Vulture Peak). Thượng (động từ) lẽ ra đọc là thướng, nghĩa là đi dự, đi đến (attending). Hội (danh từ) là chỗ đông người họp lại (assembly).

Người tu thường gọi tình bạn đạo thân thiết là tình Linh Sơn cốt nhục. Cốt nhục 骨肉 là xương thịt (người Anh gọi là máu thịt: flesh and blood), nghĩa bóng là tình máu mủ (blood relationship) cùng cha cùng mẹ rất mực thân thiết (nearest and dearest). Khi người tu nói tới tình Linh Sơn cốt nhục, hoặc nói tắt là tình Linh Sơn, ngụ ý rằng chúng ta đâu phải mới gặp nhau, mới biết nhau kiếp này; đúng ra, xa xưa trong nhiều kiếp, chúng ta đã cùng dự hội Linh Sơn, cùng nghe Đức Thế Tôn giảng kinh Pháp Hoa. Sâu xa hơn, khi nhắc nhau tình Linh Sơn tức là ngụ ý hãy giữ cho tâm chúng ta gần gũi nhau trong đạo mạch thiêng liêng, vi diệu để cùng thương nhau, hiểu nhau, cảm thông nhau, bảo bọc nhau, quyết không để lòng phàm tánh tục chia cách chúng ta.

Trong thánh giáo dẫn trên, Đức Bảo Thọ Thánh Nương nói tình Linh Sơn quyền pháp tức nhấn mạnh rằng đây là quyền pháp (dharma power) áp dụng giữa bạn tu đồng Đạo, đồng Thầy, đồng trách nhiệm; không phải nhằm cai trị mà nhằm yêu thương, che chở, bảo bọc cho nhau cùng vững vàng và tiến bộ trên đường dài cầu tìm giải thoát vốn quá nhiều thử thách (khảo thí) dữ dằn.

*

* Hiền tỷ Nguyễn Thị R. (xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre). Thư ngày 03-11-2020:

Kính thưa Ban Tu Thư & Ấn Tống,

Cha đạo muội tu theo Cao Đài Chiếu Minh, còn đạo muội đã nhập môn tại một thánh thất ở địa phương. Năm nay đạo muội sáu mươi bốn tuổi. Nơi đạo muội hành đạo là vùng sâu, vùng xa, từ lâu vẫn không có sách đạo để xem.

Năm 2014, đạo muội dự lễ ở thánh thất bạn, nhờ đó được thấy một ít sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo thực hiện. Đạo muội vui mừng quá, đã xin thỉnh lại các quyển như: Hành Trang Người Đạo Cao Đài, Ơn Cứu Độ, Thiên Đàng Địa Ngục Hai Bên, Lòng Con Tin Đấng Cao Đài, Vạn Hạnh Thiền Sư Xưa Và Nay, Đại Đạo Văn Uyển, v.v

Bắt gặp nguồn sách đạo bổ ích, đạo muội ngày nào cũng dành ba tiếng đồng hồ để xem và học hỏi thêm từ các sách này. Khi có dịp, đạo muội còn trích nhiều đoạn trong sách đem nói lại với đạo hữu trong thánh thất.

Hôm nay, đạo muội gởi thơ này với mong muốn khi nào có điều kiện thì Ban Ấn Tống cho đạo muội thỉnh thêm các sách khác. Mỗi thứ đạo muội xin năm cuốn. Đạo muội chân thành cảm ơn Ban Ấn Tống.

Ban Tu Thư & Ấn Tống: Kính thưa hiền tỷ, lá thơ hiền tỷ khiến chúng tôi vừa mừng vừa chạnh lòng. Mừng vì biết các sách đạo ấn tống đáp ứng được phần nào lòng khao khát bồi dưỡng giáo lý của hiền tỷ. Chạnh lòng vì hiền tỷ mãi đến năm 2014 mới biết tới Chương Trình Chung Tay Ấn Tống, nhưng có lẽ còn ngại ngần điều chi đó nên đợi cuối năm 2020 mới liên lạc muộn màng để thỉnh thêm sách đạo.

Chúng tôi còn chạnh lòng vì lẽ đông đảo thánh thất, thánh tịnh Cao Đài ở các xã, huyện, tỉnh lâu nay vẫn chịu chung hoàn cảnh thiếu thốn giáo lý như hiền tỷ bày tỏ trong thư, thế mà chúng ta chưa gầy dựng được mạng lưới phát hành hiệu quả và rộng khắp, thành thử số lượng sách đạo ấn tống của Chương Trình chúng ta đang giảm bớt dần dần.

Hiền tỷ dành ra ba giờ mỗi ngày để đọc kinh sách thì rất đáng ngưỡng phục, bởi vì Đức Giáo Tông Vô Vi Lý Thái Bạch chỉ khuyên môn đệ Cao Đài “mỗi ngày phải chừa một giờ để đọc thánh kinh hiền truyện.” Tức là hiền tỷ vượt hẳn định mức (hay chỉ tiêu) của Đức Lý Giáo Tông rồi.

Trở lại với mong muốn thỉnh thêm sách đạo của hiền tỷ, chính chúng tôi mới là người phải cảm ơn hiền tỷ đã quan tâm và sốt sắng tìm đọc. Kể từ nay, chúng tôi sẽ thường xuyên gởi biếu hiền tỷ các sách kinh mới ấn tống. Các sách kinh đã phát hành mà hiền tỷ còn thiếu, hiền tỷ hãy xem danh mục in ở cuối từng tập sách và hoan hỷ gọi điện thoại ngay cho chúng tôi để được bổ sung nhanh nhất.

Hiền tỷ và các bạn đạo ở Lương Phú cũng nên giới thiệu cho các tín hữu biết phương cách thỉnh kinh sách từ xa (gởi qua bưu điện) để chúng ta cùng bù đắp cho hoàn cảnh thiệt thòi hiện nay là chưa có mạng lưới phát hành rộng khắp.

Chúng tôi kính chúc nguyện hiền tỷ luôn được ơn phù trì của Thầy Mẹ và các Đấng thiêng liêng trong Tam Kỳ Phổ Độ.

*

u Kính thưa quý huynh tỷ phụ trách Quầy Kinh Sách Cao Đài (Tam Kỳ, Quảng Nam).


Ban Tu Thư & Ấn Tống cảm tạ quý huynh tỷ ngày 15-12- 2020 gởi tặng Ban các hình ảnh phát hành kinh sách Cao Đài tại lễ hoàn nguyện trùng tu thánh đường Quảng Nam (thuộc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài).

Ước gì những hình ảnh rất đẹp tương tự thế này cũng được hiển bày ở khắp các thánh sở Cao Đài trong cả nước mỗi khi tổ chức lễ kỷ niệm hay sự kiện, vì các dịp tốt như vậy luôn luôn có đông đạo hữu gần xa về dự lễ.

Ban Tu Thư & Ấn Tống rất mừng khi biết rằng nhân dịp lễ hoàn nguyện trùng tu thánh đường Quảng Nam vào hai ngày 21 và 22-11-2020 (07 và 08-10 Canh Tý) Quầy Kinh Sách Cao Đài đã biếu tận tay quý đạo hữu trên ba ngàn (3.000) bản in của hơn năm mươi (50) đầu kinh sách các loại.

Quý chức sắc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài nói chung, mà nói riêng là quý chức sắc đại diện Hội Thánh ở Quảng Nam, và quý chức sắc, chức việc tại thánh đường Quảng Nam (tên cũ là thánh đường Quảng Tín) đã nhiệt tâm ủng hộ Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo suốt mười ba năm nay (từ tháng 8-2008). Chương Trình Chung Tay Ấn Tống kính thành chắp tay tạ ơn quý Thiên ân hướng đạo miền Trung.

*

* Hiền huynh Nguyễn Văn Đạo (đường Đinh Tiên Hoàng, phường Xuân An, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai). Thư ngày 07-02-2021:

Kính thưa Ban Tu Thư & Ấn Tống, nhân dịp sắp sửa bước sang năm mới Tân Sửu (2021), kính chúc quý huynh tỷ trong Ban được vạn sự an lành, sức khỏe đủ đầy, trí lực quang minh để tiếp tục hiến góp công sức vào việc phổ độ nhơn sanh bằng các đầu sách quý rất hay và rất bổ ích cho đồng đạo mà mình rất tâm đắc trong suốt nhiều năm qua. Kính mến.

Ban Tu Thư & Ấn Tống: Kính thưa hiền huynh, lá thơ hiền huynh trước thềm năm mới khiến cho chúng đệ muội rất vui. Chúng đệ muội hữu duyên được biết hiền huynh đã lâu, kể từ thập niên 90 thế kỷ trước, lúc Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo chưa ra đời. Hồi ấy, hiền huynh còn làm một chức việc trong họ đạo Long Khánh, thuộc Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh. Tấm lòng hiền huynh thương Thầy mến Đạo khiến chúng đệ muội rất đỗi quý trọng. Chúng đệ muội kính thành cầu nguyện Thầy Mẹ ban ơn lành phúc huệ đến hiền huynh và bửu quyến.

 



([1]) Thông Tư ngày 04-01 năm Bảo Đại thứ Ba (Thứ Năm 26-01-1928) và Thông Tri số 40 ngày 25-01 năm Bảo Đại thứ Tư (Thứ Tư 06-3-1929) chánh thức khởi sự cấm truyền đạo Cao Đài ở Trung Kỳ. Xem: Huệ Khải, Cấm Đạo Cao Đài Ở Trung Kỳ (1928-1950) / Caodaism under Persecution in Central Vietnam (1928-1950). Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 14-16. (Quyển 53-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.)