CUỘC DANH LỢI
SỬ KIẾN
NGUYÊN
Nhơn nghĩa vốn là đức tánh của Trời, nên biết theo nhơn nghĩa
là thuận lòng Trời thì còn, không biết theo nhơn nghĩa là nghịch Thiên ý thì
mất;([1]) thế nhưng con người lại
vì chút lợi danh mà đua tranh theo danh lợi như sóng bủa giólùa, thật là khốn
hại cho đời chẳng may, khổ nạn thay cho nhơn sanh quá rủi.
Nhơn loại chỉ vì chưa thấu hiểu luật công bình thiêng liêng
Tạo Hóa, nên mới tự cường tự bạo tranh thắng giành hơn, mộng tưởng rằng mạnh
thì đặng, yếu thì thua; mạnh thì làm bá chủ hoàn cầu, đặng thì tóm thâu cuộc
thế. Đâu có hãn rằng những gì đã dụng cường bạo mà lập thành, thì cơ công bình
thiêng liêng chẳng để; dầu có tạo nên cơ nghiệp vĩ đại khắp bốn bể năm châu đi
nữa, cũng chưa ắt nương tựa vào đâu cho vững chắc được; chẳng qua là đài danh
lợi phàm nhơn tạm gầy trên bãi sa mạc đó thôi, chớ trận phong ba đưa đến thì
xiêu đổ, tan tành không mấy lát; dầu đặng thất, dầu hơn thua cũng đồng chung
chịu khốn khổ thiên thu mà đền bồi tội lỗi. Nhơn loại chỉ biết tham danh chác
lợi mà chẳng biệt phân chơn giả, mới sanh ra cạnh tranh giành giựt, sát hại lẫn
nhau, làm cho thế cuộc điêu tàn, củi quế gạo châu, sanh linh đồ thán.
Mở đầu Kinh Sám Hối, Đức Thái Thượng Đạo Tổ dạy:
Cuộc danh lợi là phần
thưởng quý,
Đấng Hóa Công xét kỹ ban
ơn...([2])
Danh lợi là hai món báu thế
trần của Tạo Hóa sắp bày để thưởng ban cho những người hữu tài hữu đức, hữu
công với đời; tài đức, công lao đến bậc nào thì cơ công bình thiêng liêng sẵn
dành lợi danh mà ban cho đến đó.
Con người biết dụng tài cao đức rộng để cứu nhơn độ thế, giải
khổ chúng sanh, không vọng cầu mà danh vị lộc cả quyền cao vẫn đến, ấy mới thật
danh thật lợi của Trời ban cho. Từ xưa đến nay các bậc vĩ nhân hữu đức hữu tài,
hữu công với đời ấy đã được nhơn loại kỉnh trọng mến yêu, lập lăng miếu phụng
thờ, tạo hình cốt nêu gương, thanh danh ghi tạc sử sách ngàn thu muôn kiếp.
Còn dụng mưu sâu kế độc, lưỡi mỏi lưng cong, lấy tàn bạo
cường quyền mà đoạt lợi xưng danh, cầu lấy danh thải lợi thừa, là danh của kẻ
tiểu nhơn, lợi của đứa đạo tặc. Từ xưa đến nay cũng vì những kẻ ấy mà biết bao
cơ nghiệp xiêu đổ tan tành, gây ra lắm sự khốn khổ cho đời, nhơn sanh đói lạnh.
Người có tài cần phải có đức mới thoát khỏi cái giả lợi hư
danh mà lập công với đời cho phải phận. Nếu người có tài mà thiếu đức ắt không
phương kiềm chế mình trọn theo đường ngay lối chánh mà thi hành phận sự đúng
đạo làm người, thì tài ấy chỉ để hại người, giục loạn cho dân chúng.
Danh lợi là hai món báu thế trần, nhưng đối với người đại
nhân thì chẳng bao giờ nghĩ đến; hằng ngày chỉ biết tùy duyên tùy phận, tùy
theo tài đức của mình mà thi hành phận sự hầu giúp ích cho đời, lập công với
sanh chúng; nghĩa là tùy theo thiên chức mà lo tròn nhiệm vụ.
Thảng như ([3]) danh lợi có đến là do
bởi nhơn tâm thuận cùng Thiên ý, ấy mới thật lợi thật danh, mới gọi là Thiên
lộc. Vì cầu danh mà nhơn sanh sinh tâm cừu hận, vì trục lợi mà nhơn loại đổ lụy
thiết tha, ấy là điều các bậc đại nhân xưa nay hằng lo ngại.
SỬ KIẾN
NGUYÊN
Thánh địa Tây Ninh,
mùa Đông năm Canh Tý
([1]) Mạnh
Tử 孟子, Ly Lâu Thượng 離婁上, 7: Thuận
Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong. 順天者存, 逆天者亡.
Thuận theo Trời thì còn; nghịch với Trời thì mất. (Those who accord with Heaven are preserved, and those who rebel against
Heaven perish.)
([2]) Chủ
Nhật 19-4-1925 (27-3 Ất Sửu), Ðức Thái Thượng Đạo Tổ giáng cơ ban cho Minh Lý
Đạo hai mươi bốn câu (từ câu 1 đến câu 24) song thất lục bát mở đầu Kinh Sám
Hối. Khi mới thành lập nền tảng phổ độ của đạo Cao Ðài (1926), Ðức Chí Tôn dạy
các tiền bối khai Đạo đến Minh Lý Đạo thỉnh kinh. Trong lúc ấy các tiền bối ở
Minh Lý Đạo cũng được Ơn Trên giáng cơ dạy chuẩn bị truyền kinh. Cùng với một
số kinh khác, Kinh Sám Hối từ Minh Lý Đạo đã được truyền sang đạo Cao Đài như
thế, và chánh thức là một phần của Kinh Thiên Đạo.