Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2021

A & B TRONG CA DAO / ĐẠO UYỂN HẠ 2021 (TẬP 38)

 

A & B TRONG CA DAO

TRẦN HUIỀN ÂN

Nhìn qua nhan đề A&B có thể không nghĩ là chuyện dân gian. Đã quốc ngữ lại thêm ab/xy có vẻ là chuyện toán học. Nhưng đó là hồi xưa, bây giờ quốc ngữ đâu chỉ dành riêng cho văn chương bác học, người ta vẫn nói với nhau rằng: Ông/bà đó trình độ chỉ A-Bê; hay: Việc này tôi lo từ A tới Zét. Vậy thì nói chuyện dân gian dưới nhan đề A&B thiết tưởng không có gì là không hợp lý. Thật tình thì… do chúng tôi vốn kém về việc đặt nhan đề.

Thi sĩ Nguyễn Bính (1918-1966) viết trong bài Đêm Mưa Đất Khách:

Bữa mộng ân tình say đến sáng

Bài thơ tâm sự nghĩ không ra.

Tửu nhập ngôn xuất, nhậu suốt đêm trường là dốc cả một trời tâm sự, thế mà thi không chịu xuất. Đành chào thua.

Lại nhớ nhà nghiên cứu Lê Nguyên Tiệp (1915-1972), ban đầu “nghĩ không ra” bút hiệu, ký tạm XXX, về sau do “ba chữ ích (X)” chuyển thành Tam Ích và nổi danh khắp cùng nam bắc.

Tôi, một kẻ hậu sinh hèn kém, xin bắt chước thi hứng của tiền bối Nguyễn và cách diễn đạt của tiền bối Lê, nhân khi bàn về những câu ca dao có hai mặt đối lập nhau bèn “chơi” cái nhan đề A&B cho gọn.

Những câu ca dao này không dài, chỉ là lục bát, vừa đủ mười bốn tiếng, nhưng dẫn ra hai ý tưởng trái ngược nhau, phần nhiều là đoạn bát (tám tiếng) trái ngược với đoạn lục (sáu tiếng); cũng có một số ít câu đoạn lục miêu tả hoàn cảnh và đoạn bát nêu ra hai mặt của hoàn cảnh ấy.

Hai mặt gọi là đối lập A&B thường thấy như:

- Muốn và sợ, muốn làm việc đó mà sợ, không dám làm;

- Thương và ghét, lúc thương thế này, lúc ghét thế khác;

- Xa và gần, tùy theo cảm tưởng chủ quan của nhân vật chủ động trong câu;

- Vui và buồn, khi vui thế kia, khi buồn thế nọ, v.v…

1. Muốn và sợ

Con người sống ở trên đời ai cũng có nhiều ước muốn. Muốn, chứng tỏ điều trong lòng yêu thích, hợp với đạo lý nghĩa tình. Muốn, cũng thể hiện dục vọng, tham lam, ích kỷ. Có khi đã muốn là làm, chuẩn bị đầy đủ tinh thần, phương tiện, cố làm cho được:

Muốn ăn con cá cả phải thả sợi câu dài.

Muốn ăn ong phải sắm đuốc.

Muốn làm dữ phải lo xa.

Hay ít ra biết định hướng:

Muốn tắm mát, lên ngọn sông Đào

Muốn ăn sim chín thì vào rừng xanh.

Có khi muốn khơi khơi:

Muốn tu chùa ngói Phật vàng

Chùa tranh Phật gỗ trong làng thiếu chi.

Có khi muốn nhưng còn tính toán suy bì:

Muốn về đất biển ăn cua

So đi tính lại cũng thua đất đồng.

Có khi không muốn, chỉ sợ:

Chim quyên ăn trái khổ qua

Nuốt vô sợ đắng, nhả ra sợ bạn cười.

Đó là những trường hợp muốn không nói đến sợ và chỉ sợ mà thôi. Nhiều trường hợp hàng hai, muốn mà sợ; hai trạng thái này đi với nhau tạo ra một tâm lý có phần rắc rối.

Sợ điều gì?

Một là sợ trở ngại do thiên nhiên ngăn cách. Thời xưa, giao thông bất tiện, đi lại khó khăn, lội bộ cả ngày trên đường đèo dốc núi rừng chẳng được bao xa, lại thêm ác thú rình rập, sức lực con người đâu dám cự với cọp vằn, gấu ngựa. Nhiều nơi còn nạn giặc cướp, có khi một hai tên chận đường lấy của, có khi cả bọn giết người hãm hiếp. Sợ là phải.

Ngay cả những ai xuôi vạn lý mang danh tứ chiếng giang hồ:

Thương em anh cũng muốn vô

Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang.

Truông nhà Hồ: Truông là rừng. Truông nhà Hồ, tức Hồ Xá Lâm là một đám rừng lớn tại làng Hồ Xá huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị, gần địa giới tỉnh Quảng Bình, nơi mà Hồ Quý Ly lập ra để di dân đến trong kế hoạch nam tiến. Vào thời chúa Nguyễn, truông nhà Hồ là chỗ giặc cướp hung bạo ẩn náu theo địa thế hiểm trở nhiễu hại dân lành. Năm 1722 Chúa Nguyễn Phước Chu cử Nguyễn Khoa Đăng (người vừa thành công trong việc kinh lý chia lập các ấp thuộc từ Quảng Ngãi đến Phú Yên, được thăng từ Diên Tường Nam lên Diên Thọ Hầu) làm Nội Tán kiêm Án Sát Sứ bình định vùng này. Ông đã tìm ra sào huyệt bọn cướp và dùng cơ mưu tiêu diệt chúng, đem lại sự bình yên cho bá tánh.

Phá Tam Giang: Phá là một đầm lớn và dài, nối liền nhiều con sông chảy ra cửa hẹp, cách biển bởi một đụn cát dài. Phá là nửa biển nửa sông, gặp mưa to gió lớn thì sóng đánh dữ dội rất nguy hiểm. Phá Tam Giang ở huyện Quảng Điền tỉnh Thừa Thiên, nhận nước của ba con sông Tả Giang, Hữu Giang và Trung Giang, đổ ra cửa Thuận An, nay đổi tên là Hạc Hải vì đã cạn. Ngày xưa phá Tam Giang khúc cạn khúc sâu không nhất định chỗ nào nên việc giao thông qua đây rất nguy hiểm. Tương truyền ngày xưa phá Tam Giang có ba con sóng thần là sóng Ông, sóng Bà và sóng Con. Khi thuyền bè qua phá, ba con sóng cuộn lên, nếu thuyền trưởng không đốt nhang khấn vái sẽ bị nhận chìm. Nội Tán Nguyễn Khoa Đăng đã cho đào vét, sửa lòng phá làm cho việc đi lại được bình thường. Để đánh mạnh vào sự mê tín của dân chúng, ông cho đem súng thần công ra bắn và bảo rằng ba con sóng đã sợ, chạy mất.

Công lao của Nguyễn Khoa Đăng đã được lưu danh vào ca dao:

Phá Tam Giang ngày rày đã cạn

Truông nhà Hồ Nội Tán cấm nghiêm.

Ôi, những người muôn năm cũ, làm quan không phải tham nhũng hối lộ để vinh thân phì gia mà chỉ vì dân vì nước.

Cũng là chuyện thương nhau như thế, nhưng hình như phần nào viện cớ, Phú Yên có câu:

Thương em anh cũng muốn qua

Sợ cọp núi Lá, sợ ma Bãi Điều.

Hai địa điểm này ở hai bên bờ sông Ba, trước đây thuộc huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên; nay núi Lá bên hữu ngạn thuộc huyện Sông Hinh cũng trong tỉnh Phú Yên, Bãi Điều bên tả ngạn thuộc huyện Sơn Hòa.

Núi Lá ở hướng đông nam thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, hướng đông bắc thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, chạy dọc bờ sông, đỉnh phía nam 453m, đỉnh phía bắc 303m. Nơi này ngày xưa rất nhiều cọp, như tục ngữ nói: Cọp núi Lá, cá sông Hinh.

Bãi Điều là một vùng đất thấp ven sông, phía đông bắc thị trấn Củng Sơn. Có người nói điều là cây điều hoang mọc nhiều nơi đây; có người nói điều là màu đỏ, màu máu, do đã hai lần là pháp trường: một lần do Cần Vương sát tả, một lần do quân Pháp và quân Trần Bá Lộc hành quyết các chiến sĩ Cần Vương. Bởi vậy Bãi Điều nhiều ma. Đêm đêm những hồn ma của hai phe vẫn hiện lên đánh đá lẫn nhau, chưa chịu xếp lại hận thù.

Ở Bình Định có câu:

Muốn về Hòa Đại, Hiệp Luông

Sợ khe nước nóng, sợ truông Ba Gò.

Hòa Đại và Hiệp Luông là hai địa điểm thuộc huyện Phù Cát tỉnh Bình Định. Ở đây có suối nước nóng tự nhiên và vùng rừng gọi là truông Ba Gò. Truông này hoang vu rậm rạp, rộng khoảng 500 mẫu (mỗi mẫu bằng nửa hecta). Truông là rừng, như truông Mây ở Bình Định, truông nhà Hồ ở Quảng Trị, truông Thơm ở Phú Yên, v.v…

Một câu khác:

Muốn ăn bánh ít lá gai

Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi.

Bánh ít lá gai là bánh ít dùng bột nếp, đường và lá cây gai (lấy sợi) quết nhuyễn, có màu đen. Nhân bánh dùng đậu xanh hoặc cơm dừa nạo thành sợi nhỏ. Bánh ít lá gai không riêng của Bình Định mà phổ biến ở Nam Trung Bộ, thường dùng dâng cúng và đãi khách trong đám giỗ. Đám giỗ không có bánh ít lá gai là thiếu đi một phần hương vị. Khi khách ra về, chủ nhà gởi theo chút quà, trong đó có bánh ít lá gai. Cho nên khi ông bà cha mẹ đi ăn giỗ dặn con cháu nhỏ: “Ở nhà cho giỏi rồi ông (bà, cha, mẹ…) đem bánh ít về cho.” Nhiều câu ca dao được thay đổi địa danh hay vài ba tiếng phù hợp hoàn cảnh từng địa phương, từng cá nhân, ngôn ngữ dân gian gọi là bẻ. Câu này ở Tuy Hòa bẻ là:

Muốn ăn bánh ít lá gai

Lấy chồng Đồng Cọ sợ dài đường đi.

Đồng Cọ nay thuộc xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, là bìa rìa của châu thổ, gần dãy núi Đèo Cả, trước đây coi là xa xôi cách trở vì mùa mưa lầy lội, rất khó đi lại.

Nói chung chung, những trở ngại do thiên nhiên, không chỉ đích danh chỗ nào thì có những câu:

Thương anh em cũng muốn theo

Sợ truông cát nóng, sợ đèo đá dăm.

Truông ở đây có nghĩa là lối đi nhỏ hẹp giữa rừng. Đá dăm là loại đá bị bể thành nhỏ, có cạnh bén, đi chân không dễ bị cắt cứa chảy máu. Chàng trai đưa giải pháp:

Cát nóng đưa dép em mang

Đá dăm anh lượm, em còn than nỗi gì!

Sông nước cũng gây trở ngại. Trong thơ mới, thi sĩ Kiều Thệ Thủy viết: Đò giang sông bến thành ngăn trở. Không trách thời xưa:

Sông sâu sào vắn khó dò

Muốn qua thăm bậu, sợ đò không đưa.

Bậu là nhân vật đại danh tự ngôi thứ nhì, tiếng để chỉ người con gái, nhất là đối tượng người con trai đang nhắm đến, cũng nói là em bậu:

Bậu đừng đỏng đảnh đòi lãnh với lương

Vải bô bậu mặc cho thường mà thôi.

Con cu bay bổng qua sông

Hỏi thăm em bậu có chồng hay chưa.

Tương tác với bậu có tiếng qua, chỉ người con trai:

Lại gần qua nói bậu nghe

Đừng ra cái kiểu nửa chè nửa xôi

Một mai trúc ngã lan quỳ

Bậu lo thân bậu, lo gì thân qua.

Ở vùng biển thì:

Muốn về Mỹ Á ăn dừa

Sợ con sóng lớn nó đừa lộn ra (vô).

Mỹ Á là một thôn của xã An Phú, nay thuộc thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, cách trung tâm thành phố trên 10 km, nơi trên bờ nhiều dừa, dưới bến nhiều cá. Đừa là đưa mạnh, đẩy mạnh, lộn là trở lại vị trí cũ; đừa lộn ra hay lộn vô tùy theo vị trí người đứng nói. Ở đây tuy nói sợ con sóng lớn, thật ra phải hiểu theo nghĩa bóng. Dân Mỹ Á làm nghề biển nên có một câu khác, chỉ nói đến sợ mà thôi:

Lấy chồng Phú Cốc sợ beo

Lấy chồng Mỹ Á hồn treo cột buồm.

Để tránh cái sợ sông nước bến bờ, nói thì to tát nhưng nghĩ cho cùng chỉ là sợ tốn tiền đò, chuyện nhỏ, có người lại muốn một cách như là thay thế Tạo Hóa:

Muốn cho sông cạn đất liền

Kẻo đi lại sợ tốn tiền đò ngang.

Cái sợ thứ hai là sợ lòng người:

Muốn về Soi Bún ăn dưa

Sợ e Soi Bún đãi đưa nhiều lời.

Soi Bún là một xóm của làng Ngọc Lãng, cồn đất nằm giữa hai dòng sông, sông Chùa phía bắc và sông Đà Rằng phía nam, nay thuộc xã Bình Ngọc, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Có người nói Soi Búng, do đọc sai thành Soi Bún rồi quen. Ở đây không có nghề làm bún. Búng là chỗ nước sâu dưới lòng sông, lội qua dễ bị sụp búng nguy hiểm.([1]) Sông Chùa đoạn này nước khá sâu. Làng Ngọc Lãng là vành đai xanh của Tuy Hòa, trồng nhiều loại rau dưa, nay thêm trồng nhiều hoa và cây cảnh.

Thiên hạ đãi đưa nhiều lời, nói vậy chớ không đáng sợ lắm. Sợ nhất là chính lòng mình:

Anh gặp em đây cũng cảm cảnh tình thương

Muốn xe sợi chỉ thắm, sợ vương sợi tơ mành.

Chỉ thắm là chỉ đỏ, tơ hồng, tượng trưng cho nhân duyên tiền định, bền chặt đời đời. Muốn mà sợ, là chưa tự tin và chưa tin bạn.

Người con gái cũng không tránh khỏi tâm trạng ấy, trước ngưỡng cửa tình yêu và hôn nhân thường sợ cha mẹ chàng.

Và sợ cả chàng nữa:

Gặp anh cũng muốn dan ca

Sợ mẹ bằng biển, sợ cha bằng trời

Gặp anh cũng muốn trao lời

Sợ chòm mây bạc giữa trời mau tan.

Dan ca là nói đủ thứ chuyện, vòng vo nam bắc, trên trời dưới đất, không có chủ đề gì hết. Khi yêu nhau chuyện gì cũng nói với nhau được. Bởi vậy mới sợ mẹ sợ cha, sợ bằng trời bằng biển chứ ít đâu! Lại sợ chàng thực thực hư hư, dễ dàng thay đổi như chòm mây bạc. Người bình dân nói năng cũng ví von thơ mộng đâu khác các thi sĩ đại gia. Đọc câu này sao khỏi liên tưởng đến Lý Bạch trong Đường thi:

Phù vân du tử ý / Lạc nhật cố nhân tình.

浮 雲 游 子 意 / 落 日 故 人 情

(Ý du tử ([2]) như mây trôi nổi

Tình cố nhân như nắng chiều hôm.)

Có khi người con gái muốn vượt qua tục lệ, muốn nhanh chóng thành đôi, nhưng sợ cho thân phận nghèo kém của mình:

Thương anh em muốn theo về

Sợ rằng cha mẹ cười chê em nghèo.

Hoặc:

Muốn theo anh về bển cho liền

Sợ cha mẹ nói con dâu không tiền, dâu hư.

Gặp phải chàng trai nghèo, cũng sợ:

Thấy anh em cũng muốn theo

Em sợ anh nghèo, anh bán em đi.

Giống ý một câu người vợ có chồng đánh bạc, hay đem của nhà ra cầm thế, vợ van xin:

Cầm thời cầm áo cầm quần

Cầm trâu cầm ruộng, xin đừng cầm em.

Mấy anh đánh bạc khi thua, cần gỡ, thì có thứ gì mà không đem cầm cố. Chàng trai này có vẻ biết điều hơn:

Nghèo thì bán khố bán khăn

Có ai mà bán vợ ăn bao giờ

Nghèo thì bán cột bán kèo

Có ai mà bán vợ theo bao giờ.

Có người gặp cảnh lỡ làng ngang trái, nói thật:

Thấy anh em cũng muốn chào

Sợ rằng chị cả giắt dao trong mình.

Chị cả là vợ cả; miền Nam thường gọi là vợ lớn. Nguy hiểm lắm. Hiện nay không nghe chuyện các chị cả giắt dao mà các chị cả dùng dao cạo râu (lưỡi lam) rạch mặt, phải đi bệnh viện gấp gấp. Sợ quá đi chứ, cái cảnh: Có thương cho lắm cũng chồng người ta.

Nói thật hơn nữa:

Chiếu bông mà trải góc đền

Muốn vô làm bé sợ không bền, anh ơi!

Trong khi đó cái sợ của anh này có vẻ không thật lắm:

Thấy em anh cũng muốn chào

Sợ anh chồng cũ giắt dao trong mình.

Thấy em anh cũng muốn chào

Sợ anh chồng cũ đứng bờ rào nó trông.

Chị cả, đang có quyền hành thì sợ là đúng. Còn anh chồng cũ, để nhau rồi (tức là bỏ nhau rồi) sao lại sợ? Thấy nó đứng bờ rào nó trông đã sợ, thật chẳng đáng mặt làm trai! Chưa biết nó có giắt dao hay không đã sợ, thế thì che chở cho cát đằng gì nổi! Kém!

Cũng có người muốn thụ hưởng mà sợ vì làm biếng, thiếu ý thức cần lao:

Muốn ăn hột nếp Vườn Trầu

Sợ e tát nước giở gàu không lên.

Vườn Trầu là cánh đồng thuộc thôn Ninh Tịnh, xã Bình Kiến, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, có loại nếp rất ngon, thơm và dẻo. Trước đây cánh đồng này thiếu nước, phải tát bằng gàu sòng và gàu dai, tát cả ngày, tát ban đêm nữa, rất nặng nhọc. Anh chàng này muốn ăn mà không muốn làm, thiết tưởng nên học theo sư Đạo Thông, vị tổ thứ bảy của chùa Đá Trắng, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, thực hiện theo phương châm của tổ Bách Trượng,([3]) không trông đợi thập phương cúng dường mà nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực 一日不 作, 一日不食 (một ngày không làm, một ngày không ăn).

2. Thương và ghét

Tục ngữ ca dao nói về thương rất nhiều. Dạy bảo phải thương yêu nhau, từ người trong gia đình, nội ngoại thân thích đến lân lý và rộng ra hơn là đồng bào, nhân loại. Trong truyện Lục Vân Tiên, cụ Đồ Chiểu phân biệt thương ghét rất rõ ràng. Nên thương ai, nên ghét ai, thậm chí ghét cay ghét đắng ghét vào tới tâm. Tục ngữ ca dao thì không có lời khuyên ghét (vậy mà thiên hạ vẫn ghét nhau loạn xạ tưng bừng). Chỉ có một số câu nêu cả hai vấn đề thương/ghét, như bức ảnh chụp hai mặt phải và trái của xã hội, phản ảnh tâm lý người đời.

Thương và ghét có một phần tính cách cho và nhận, vay và trả, gieo và gặt, như thuyết nhân quả:

Thương người, người lại thương ta

Ghét người, người lại hóa ghét mình.

Có thể nói là ai cũng ý thức rõ điều đó, nhưng ai cũng bị chi phối bởi phản ứng gần như tự nhiên, khi thương dồn hết cảm tình cho đối tượng, nhìn thấy điểm nào cũng tốt đẹp, khi ghét thì đổ hết ác ý và nhìn thấy chỗ nào cũng đáng chê trách:

Thương người như thể thương thân

Ghét người như thể đổ phân cho người.

Thương và ghét đem lại ảnh hưởng trực tiếp với những người, những vật của đối tượng:

Khi thương thương hết cả nhà

Khi ghét ghét hết cả bà cả con.

Thương ai thương cả lối đi

Ghét ai ghét cả tông chi họ hàng.

Khi thương, cái xấu xa cũng nhìn thấy tốt đẹp. Khi ghét thì cái tốt đẹp hóa thành xấu xa:

Khi thương quả ấu cũng tròn

Khi ghét thì quả bồ hòn cũng vuông.

Khi thương trái ấu cũng tròn

Khi ghét bồ hòn cũng méo.

Ấu là loại cây mọc dưới bùn, trái gần như hình tam giác, giống đầu trâu có hai sừng, vỏ màu đen, bên trong bột trắng, ăn bùi bùi. Trước đây đi qua các phà Nam Bộ như Mỹ Thuận thấy nhiều người rao bán trái ấu luộc. Cây bồ hòn cao từ 3 mét đến 5 mét, trái tròn, vị đắng, có chứa chất saponin dùng gội đầu và giặt rửa.

Thương và ghét thường thể hiện qua cử chỉ, hành động, dù nhỏ vẫn dễ dàng nhận thấy.

Khi ghét, không còn trông nhắc nhau, thậm chí gặp nhau không chào hỏi:

Khi thương nhau ngóng trông làu lạu

Khi ghét nhau mặt cạu làm ngơ.

Hồi thương đụng đâu nhắc đó

Hồi ghét bỏ xó không nhìn.

Hồi thương đụng đâu khen đó

Hồi ghét nói bỏ chó không thèm.

Đụng ở đây có nghĩa là gặp, đụng đâu là gặp bất cứ việc gì. Nói bỏ chó không thèm là nói xấu đến cùng cực: Người như vậy thì chó cũng không thèm. Phương ngữ Nam Trung Bộ có khi tiếng đụng dùng để chỉ việc cưới nhau, ăn ở với nhau, như: Hai cháu đụng nhau đã lâu chưa?

Khi ghét, giao tiếp không còn mặn nồng, không dành cho phần hơn, phần quý:

Thương nhau cau sáu bổ ba

Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười.

Thông thường khi ăn trầu người ta bửa (bổ) ruột trái cau ra sáu miếng, thương nhau bửa lớn gấp đôi (ba miếng), ghét nhau bửa ra còn tí xíu (mười miếng).

Khi ghét, người ta thành ra ích kỷ, nhỏ nhen:

Hồi thương quạt giấy cũng cho

Hồi ghét quạt mo cũng đòi.

Quạt phất giấy xòe ra xếp vào dùng tiện lợi, đi đâu thì cầm theo trên tay, còn có vẻ sang trọng nữa, hồi thương cho nhau dễ dàng. Quạt mo làm bằng mo cau, mo tre, thô vụng, bất tiện, không tốn tiền mua như quạt giấy, mà hồi ghét thì đã cho rồi cũng đòi lại cho được.

Ngày trước ở thôn quê nấu cơm nồi đồng, vần lên lửa than, phần cơm trong hông thường cháy vàng, cạy ra ăn giòn, thơm, khá ngon, nhiều người thích.([4]) Thương nhau cho nhau miếng cháy là biểu lộ tình cảm. Thế nhưng khi ghét nhau thì bêu rếu bảo là cạy nồi, vét nồi:

Hồi thương cho nhau cơm cháy

Hồi ghét nói nhau cạy nồi.

Chuyện vét nồi này có trong vài câu ca dao khác như:

Học trò, học trõ, học tro

Chẳng lo ba chữ mà lo vét nồi

Học trò cầm viết tay chiêu

Cầm đũa tay trái vét niêu như chùi.

Chỉ có riêng trường hợp dạy con, hai việc thương/ghét mới có nghĩa trái ngược. Thời trước người ta thường giấu kín tình cảm với con cái, sợ con dể ngươi, lừng mặt, không nghe lời thành hư hỏng, phải nghiêm khắc với con, đánh đòn để răn dạy, cả cha mẹ và thầy giáo cũng vậy. Cho nên, nghe như nghịch lý:

Thương con cho roi cho vọt

Ghét con cho ngọt cho ngào.

3. Xa và gần

Xa và gần trên thực địa khác với xa và gần trong tâm tưởng. Trên thực địa được đánh giá theo đơn vị đo lường, bằng dặm, bằng cây số, hoặc ngày trước ước tính đi bộ một buổi, mấy ngày, đi ngựa bao lâu; bây giờ là mấy phút mấy giờ lái xe, mấy giờ bay, v.v… Trong tâm tưởng trái lại khác hẳn. Có khi thật gần trong không gian mà chẳng bao giờ giao thiệp thành ra thật xa. Có khi thật xa trong không gian mà thương mến nhau, hay đến thăm viếng nhau, hoặc là thường nghĩ đến nhau, thì coi như gần:

Thương nhau xa cũng như gần

Đừng nên tham phú phụ bần khó coi.

Tham phú phụ bần là tham nơi giàu sang, phụ kẻ nghèo khổ, cũng không sao, nhưng mà khó coi. Ở thôn quê hai tiếng khó coi (làm như vậy khó coi, ăn ở như thế khó coi) là một lời trách móc có phần nặng nề.

Hồi xa cách vách cũng xa

Hồi gần cách huyện cách nha cũng gần.

Cách vách là chung vách, liền vách, tiếng nói lớn, tiếng động mạnh là nghe được. Bây giờ dân thành phố sống vô cảm với nhau, cách vách cũng xa là thường tình. Thời trước ở thôn quê tình nghĩa lân lý rất đậm đà, cách vách cũng xa là điều đáng quan ngại về việc giao thiệp, hết tình hết nghĩa. Huyện nha là chỗ quan lại làm việc, mỗi khi có việc rắc rối mới đến huyện nha, nên vừa xa cách dân chúng vừa là một trở lực, ai ai cũng e ngại, ít muốn đến. Mặc dù vậy, cách huyện cách nha là gặp nhiều ngăn trở, coi như gần thì cứ là gần.

Có khi ca dao đưa ra địa danh cụ thể, như ở tỉnh Phú Yên:

Hồi xa cách vách cũng xa

Hồi gần Gò Duối, Hòa Đa cũng gần.

Hai nơi này cùng nằm dọc con đường chính, thời ấy gọi đường quan báo, đường thiên lý, bây giờ là quốc lộ 1A, cách nhau khoảng 50 km. Ban đầu cùng trong huyện Đồng Xuân, bởi lãnh thổ rộng nên chia ra huyện Đồng Xuân và phủ Tuy An. Rồi huyện Đồng Xuân còn lại lại chia ra huyện Sông Cầu. Thời xưa, Gò Duối, Hòa Đa đi bộ cả ngày đường.

Gò Duối nay thuộc xã Xuân Lộc, huyện Sông Cầu, trước năm 1945 là một trong hai nơi sản xuất nhiều lụa trong tỉnh, bán đi khắp nơi (làng kia nổi danh hơn là làng Ngân Sơn, tức Phường Lụa, huyện Tuy An).

Hòa Đa nay thuộc xã An Mỹ, huyện Tuy An, thổ nghi hợp với các loại đậu hạt, bông vải, rau dưa, và là một trong hai làng bánh tráng cũng bán đi khắp nơi (làng thứ hai là làng Đông Bình, huyện Phú Hòa).

Đến Quảng Nam nghe:

Dù xa chỗ ngõ cũng xa

Dù gần vĩnh Điện, La Qua cũng gần.

Vĩnh Điện, La Qua là những địa danh đã đi vào lịch sử, lưu giữ bao ký ức đẹp trong lòng nhiều người, tại địa phương và từ nơi khác đến đây.

Thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn nằm trong trục tam giác Đà Nẵng – Hội An – Tam Kỳ, là trung tâm đầu mối giao thương khá phồn thịnh phía bắc tỉnh Quảng Nam. Nơi đây có dòng sông Vĩnh Điện, con đường thủy từng được vua Minh Mạng đốc thúc đào vét thêm để khai nối từ sông Thu Bồn ra Cửa Hàn.

Làng La Qua thuộc xã Điện Minh, huyện Điện Bàn, ngày xưa trong thành La Qua. Có câu nói vui: Qua qua La Qua, qua hôn qua hít, qua vít qua véo, qua chọc qua ghẹo, biểu em đừng la qua.

Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, tỉnh thành Quảng Nam xưa còn gọi là thành La Qua hay La Thành; năm Minh Mạng thứ 14 dời đến xã La Qua, huyện Diên Phước, đắp bằng đất; năm Minh Mạng thứ 16 xây gạch. Thành có bốn cửa: Nam môn (cửa Tiền) có kỳ đài cao; Bắc môn (cửa Hậu) trông ra sông Vĩnh Điện; Tả môn nhìn về hướng đông; Hữu môn là nơi nhộn nhịp nhất vì dân chúng phần lớn đều đi qua đây. Khi đường bộ phát triển, con đường thiên lý bắc nam đi qua Vĩnh Điện cách tỉnh thành La Qua 500 mét hướng Hữu môn, đã tạo thêm sự sôi động cho vùng này.

Gò Duối và Hòa Đa (Phú Yên) cách xa nhau. Câu ca dao trên áp dụng cho nhiều người và cho những ai ở Gò Duối nhìn vào, nói với Hòa Đa; những ai ở Hòa Đa nhìn ra, nói với Gò Duối.

Vĩnh Điện và La Qua (Quảng Nam) thì trái lại, hai nơi ở gần sát nhau, nên câu này chỉ áp dụng cho những ai ở xa Vĩnh Điện, La Qua, ngỏ ý rằng khi cảm thấy gần, muốn gần và cần gần thì dù ở xa như tận Vĩnh Điện, La Qua cũng gần.

Nói đến xa và gần cũng nên nhắc đến lời của người bạn trai nói với người bạn gái xuất giá, chỉ nhắc bạn bổn phận khi mai sau cha yếu mẹ già, nhưng ngầm tỏ rằng ta đây chính là chỗ gần mà bạn không lựa chọn:

Con chim đa đa đậu cành đa đa

Chồng gần không lấy, lấy chồng xa

Mai sau cha yếu mẹ già

Bát cơm ai đỡ, chén trà ai dưng.

Chim đa đa là con gà gô, gà sao, gà cơm cát, sống nơi gò đồi tranh đế, những buổi trưa cất tiếng gáy “chát cha chát chát cha cha” nghe như xé lòng.

Cành đa đa còn gọi là tha đa, một loại cây dẻo và chắc, thường dùng làm cánh ná (nỏ), đầu ná thì dùng cây lòng mức: Đầu lòng mức, cánh tha đa.

Và tâm sự cha mẹ khi gả con:

Có con mà gả đi xa

Cũng như heo nái cọp tha về rừng

Có con mà gả chỗ gần

Có bát canh cần nó cũng bưng sang.

Có con mà gả đi xa

Một là mất giỗ, hai là mất con

Có con mà gả chỗ gần

Nửa đêm nhớ mẹ, ở trần chạy qua.

4. Vui và buồn

Trong thất tình của con người, vui buồn, thương ghét chiếm phần quan trọng. Ta có thể giảm bớt giận hờn, ham muốn… nhưng nếu có ít ghét thì cũng còn nhiều thương và vui buồn luôn luôn tự tại.

Những vui buồn ấy trong lòng ta luôn luôn lan ra ngoại cảnh, đôi khi mượn cảnh giải sầu, tuy vậy thường thấy:

Khi vui non nước cũng vui

Khi buồn sáo cặp kèn đôi cũng buồn.

Cụ Tiên Điền viết “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” là vậy. Khi ta vui, thấy đâu cũng cũng vui, cây cỏ xanh tươi, nước non đẹp đẽ, khi ta buồn thì dù có đàn sáo tưng bừng cũng cứ buồn.

Có ngàn lẻ một lý do để vui, ngàn lẻ một lý do để buồn. Lý do thực tế chiếm tỷ lệ không nhiều lắm. Như lời than của một cô gái làm dâu. Vui cũng hóa buồn:

Làm dâu khổ lắm chị em ơi

Vui chẳng dám cười, buồn chẳng dám than.

Điều đáng nói là nhiều khi kịch bản này tái diễn, khi cô dâu ấy đã thành mẹ chồng…

Khi vui, thói thường ta hay ba hoa đủ điều, kể chuyện này, nói chuyện kia, khi buồn thì ủ rũ, ngồi một đống từ bi:

Khi vui thì miệng lép bép

Khi buồn con ruồi đậu bên mép không hay.

(Có bản hai tiếng cuối là: không xua, không đòi.)

Người điềm tĩnh hơn có cái vui nhẹ nhàng, không biểu lộ nhiều, không khoa trương, và cái buồn sâu sắc, muốn quên hết những hệ lụy với cuộc đời:

Khi vui ngồi ghế gảy đờn

Khi buồn muốn dứt nghĩa nhơn cho rồi.

Bây giờ nói đánh đàn, tiếng đánh e không sát lắm, xưa nói gảy đờn, khảy đờn, vì dùng móng tay gảy hoặc miếng phím khảy lên dây đờn chứ nào có roi vọt đánh đập gì đâu!

Khi vui thì muốn sống dai

Khi buồn muốn thác ngày mai cho rồi.

Tại sao muốn thác ngày mai mà không muốn thác ngay lập tức. Bởi vì ta đang buồn, có nghĩa là còn đang suy tính, nghĩ xa nghĩ gần, nghĩ đi nghĩ lại Muốn thác ngay lập tức là tuyệt vọng rồi, đâu phải là buồn!

Đôi khi khách quan, tự ví mình như giếng nước bên đường. Ở miền núi có nhiều giếng nước bên đường, loại giếng công cộng hoang sơ, như một vũng nước cạn, người và dã thú, cả ác thú dùng chung khi đi ngang qua. Lòng giếng như soi thấu lòng người, hiểu thiên hạ qua cử chỉ, hành động:

Em như giếng nước bên đường

Người vui rửa mặt, người buồn rửa chân.

Người vui thường cảm nhận mình đang sảng khoái nên dùng nước rửa mặt để thêm nhẹ nhàng, thãnh mãnh, và do tôn trọng tha nhân, còn nghĩ đến kẻ sau nên không rửa chân. Người buồn, mang tâm trạng chán chường, chẳng muốn chăm sóc diện mạo, lại coi thường tất cả nên liền thò chân xuống giếng để rửa. Đơn giản qua cách miêu tả đã có phân tách tâm lý tế nhị.

Đôi khi, có người tỏ ra quân tử trượng phu, cầu mong:

Ngó lên trời chớp mưa nguồn

Bao nhiêu vui về bạn, bao nhiêu buồn về ta.

Cảnh trời chớp mưa nguồn, thoáng nghe tưởng là cảnh vui, nhưng khi chứng kiến mới thấy đó là một cảnh buồn: mây giăng đen xám chân trời đỉnh núi, từng luồng chớp xé sáng không gian, buồn lắm, mong tất cả nỗi buồn ấy về ta để tất cả nỗi vui về bạn, tất nhiên không thể nào thực hiện được, vẫn là ý nghĩ tốt đẹp.

Chuyện buồn như trên là kiểu Xuân Diệu đại gia:

Hôm nay trời nhẹ lên cao

Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn

Trời nhẹ lên cao thì có chết ai đâu, có ảnh hưởng tới hòa bình thế giới đâu, vậy mà buồn, thật không hiểu được. Đó là loại buồn vu vơ, đừng hỏi tại sao. Đó là cái buồn người đời bảo là của nghệ sĩ, mà người đời có ai không phải là nghệ sĩ đâu. Dân Nam ta tự hào là một dân tộc thơ, người người làm thơ, nhà nhà làm thơ, ai cũng có quyền có cái vui nhẹ nhàng, buồn man mác của nghệ sĩ chứ.

Nhất là trong cảnh cảm thấy rất đỗi cô đơn:

Ngó lên ngó xuống thời vui

Ngó qua ngó lại, ngậm ngùi buồn thương.

Ngó lên ngó xuống là ngó trời ngó đất, trời cao đất rộng, vui thật. Ngó qua ngó lại là ngó cuộc đời, ngó chung quanh mình để chạnh nghĩ về thân phận mình. Ta lẻ loi trong khối nhân sinh đông đảo, ta lạc lõng giữa thiên hạ ồn ào. Ta giấu kỹ cái ta mà cái ta vẫn hiển hiện. Thật ngậm ngùi!


Tạm kết

Bàn tản mạn về ca dao, A&B, còn nhiều nữa, những ước muốn và sợ sệt, những vui buồn, thương ghét, xa gần… Những phạm trù đối lập trong lòng ta với cuộc đời này còn nhiều nữa, ca dao chỉ ghi nhận một phần, người đi thu nhặt chỉ gom góp được một phần càng nhỏ bé, ít ỏi.

Thu nhặt để làm gì, để vui và buồn chăng? Người làm việc này cũng không hiểu mục đích của mình, vì không có mục đích gì hết. Con tằm nhả tơ là chuyện Trời bảo nó, nó không nhả tơ cho bất cứ loài vật nào. Con người bắt con tằm phải chết để dùng tơ làm gì là chuyện khác. Ai khiến nó biết nhả tơ? Cũng tại Trời cả!

Tựu trung người làm việc này cảm thấy đây cũng là một việc giỡn chơi, trong toàn bộ kiếp sống giỡn chơi của mình. Vâng, cuộc đời riêng vốn là giỡn chơi, trôi nổi qua những tháng năm tang thương biến đổi, sống cứ y như là làm nháp, nay phải sửa chỗ này, mai phải sửa chỗ nọ, cho hợp thời cuộc, xem lại giống như bài tập làm văn bị thầy phê là bố cục lỏng lẻo, phân đoạn rời rạc. Ta hôm qua và ta hôm nay tưởng như hai phần của hai kẻ khác, không có chuyển mạch, không có liên từ. Vậy chỉ có cái chết là thật chăng?

Các nhà tâm linh siêu hình cho rằng chết chưa phải là hết, còn thiên đàng, địa ngục, còn luân hồi, kiếp sau. Tệ lắm thì làm con vật chuộc tội, cái mũi côn trùng, cái gan con chuột, con ngựa, con heo, con gà; nhưng bản thân chưa trải nghiệm, chưa chết thử, chết nháp lần nào (chết hụt thì có, nhưng hụt là chưa), không có niềm tin nơi cõi vô minh huyền bí, cứ luôn cho rằng cái chết là thật, là hết, ta không còn biết gì nữa, vui và buồn, thương và ghét, những tham sân si tục lụy… nên tuy sống là giỡn chơi vẫn luyến tiếc, vẫn rất thương ta và thương đời, thương giấy mực.

Đành cám cảnh nghĩ rằng:     

Cuộc đời, ơi hỡi, thương nhau lắm

Mà sống như là để giỡn chơi

Tuy Hòa, tháng 9-2008

(Tiết Bạch Lộ năm Mậu Tý)

TRẦN HUIỀN ÂN



([1]) Ở phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, ngày nay vẫn còn địa danh chợ Búng.

([2]) du tử: Kẻ xa nhà.

([3]) Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải 百丈懷海 (720-814) đời Đường.

([4]) Cổ tích có chuyện người học trò nghèo, hàng ngày giả vờ mượn nồi nhà kia nấu cơm, thật sự là để vét cơm cháy ăn, thế mà đỗ đến Trạng Nguyên, dân gian gọi là ông Trạng Nồi.