NGÀI HIÊN VIÊN HUỲNH ĐẾ
HỎI ĐẠO NGÀI QUẢNG THÀNH TỬ
LÊ ANH MINH
Tại Trung
Hưng Bửu Tòa (Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài), ngày 20-01 Kỷ Hợi (Thứ Sáu
27-02-1959), Đức Phục Ma Đại Đế (tức là Quan Thánh Đế Quân) giáng cơ dạy: (N)gười xưa cầu đạo lấy làm khó khăn. Nếu
không bền chí thật tâm, buông bỏ trần tình, xả thân hành đạo thì làm gì được khẩu
quyết ban trao.
Để nêu ví dụ cho câu người xưa cầu đạo lấy làm khó khăn, Đức
Phục Ma Đại Đế dạy tiếp: Giàu sang như Huỳnh Đế (. . .) mà còn buông phế việc
đời cầu truyền chánh pháp, an vui ngày tháng với cảnh trí đất trời.
Huỳnh Đế hay Hoàng Đế
黃帝 là vị vua trong huyền sử Trung Hoa đời thượng cổ. Huỳnh (Hoàng) ở đây nghĩa là màu vàng; Huỳnh
(Hoàng) Đế là vua (màu) vàng, cho nên tiếng Anh dịch là Yellow Emperor.
Sự tích ngài Huỳnh Đế
cầu đạo với ngài Quảng Thành Tử có nhiều dị bản với không ít chi tiết quá đỗi
ly kỳ. Căn cứ theo Dân Gian Truyền Thuyết:
Hiên Viên Hoàng Đế Vấn Đạo Quảng Thành Tử 民間傳說: 軒轅黃帝問 道廣成子,([1]) sau đây là bản
lược dịch để quý đạo hữu tiện tham khảo.
*
Ngài Huỳnh Đế hiệu là Hiên Viên 軒轅. Thuật thanh tĩnh của ngài được hậu thế tôn
sùng, gộp chung với tư tưởng của Đức Lão Tử gọi là “học thuyết Hoàng Lão”.
Truyền thuyết cho rằng Đức Thái Thượng Lão Quân muốn lưu
cho người đời phép tu luyện thành Tiên, nên biến hóa thành ngài Quảng Thành Tử 廣成子, cỡi chim hạc đen (huyền hạc 玄鶴)([2]) đáp xuống núi Không Động 崆峒 và lưu lại đây.
Ngài Quảng Thành Tử thấy nơi đây phong cảnh tuyệt đẹp,
nhưng núi không đủ cao để xa cách thế nhân. Đức Ngọc Đế bèn sai ngài Nhị Lang
Chân Quân 二郎真君 vác đá núi Thái sang đắp
cho núi Không Động cao thêm. Từ đó cụm núi Không Động cao vút tận trời, gồm nhiều
ngọn núi, hang động la liệt như bàn cờ.
Ngài Quảng Thành Tử ở trong động Hỗn Nguyên 混元, thường mời bạn là tiên ông Xích Tùng Tử 赤松子 ghé chơi, đàm đạo và đánh cờ tiêu khiển. Con hạc
đen mà ngài Quảng Thành Tử cỡi, ngày đêm nghe đạo nên cũng thành đạo, hóa làm
tiên đồng (tức là Huyền Hạc Đồng Tử 玄鶴童子) đứng hầu hai ngài đánh
cờ.
Ngày Huỳnh Đế nghe nói trên núi Không Động có tiên ông Quảng
Thành Tử ngự nên không quản đường xa, lặn lội tới hỏi đạo. Ngài và đoàn tùy tùng tới chân núi nhưng không tìm được đường lên núi.
Có người đề nghị cho người ca múa thì có thể tiên ông hạ cố. Ngài Huỳnh Đế đồng
ý.
Bấy giờ hai ngài Quảng
Thành Tử và Xích Tùng Tử đang đàm đạo, nghe tiên đồng vào trình có ngài Huỳnh Đế
dẫn đoàn tùy tùng đến chân núi, đang cho người ca múa để xin yết kiến mà cầu đạo.
Ngài Quảng Thành Tử sớm
biết rằng ngài Huỳnh Đế đến, nhưng cười nói: “Làm vua không lo trị nước mà đi cầu
tiên. Đợi tí ta đi xem thử.”
Sau khi ngài Xích
Tùng Tử từ biệt, ngài Quảng Thành Tử phẩy phất trần, một con hạc bay đến bên cạnh,
ngài bèn cỡi hạc bay xuống chân núi. Ngài Huỳnh Đế và tùy tùng mừng rỡ, cùng quỳ
lạy.
Ngài Huỳnh Đế bạch:
“Đệ tử nghe tiên sư thông đạt Chí Đạo 至道 (cái Đạo tuyệt đối). Xin hỏi tinh túy
của Chí Đạo là gì? Đệ tử muốn lấy tinh hoa của trời đất để trợ giúp ngũ cốc
phát triển, dưỡng dục bá tánh. Đệ tử còn muốn làm chủ âm dương để đáp ứng nhu cầu
của vạn vật. Vậy đệ tử phải làm gì?”
Ngài Quảng Thành Tử
đáp: “Cái mà ngươi hỏi là vật, cũng là bản chất của Đạo. Cái ngươi muốn làm chủ
là tàn dư của vật. Từ khi ngươi cai trị thiên hạ tới nay, khí mây (vân khí 雲氣) vẫn
chưa ngưng tụ nên vẫn chưa có mưa, thảo mộc khô héo, mọi nơi tối tăm. Như thể
ngươi tâm địa hẹp hòi, thì có tư cách gì mà hỏi đến Chí Đạo?”
Nói xong ngài phẩy phất
trần, cỡi hạc bay lên mây. Ngài Huỳnh Đế buồn bã, vọng lên núi, nhớ tới lời
tiên sư nói, lệ rơi lã chã. Ngài trở về, bỏ thiên hạ, và cất một gian nhà cỏ tranh
trắng ([3]) rồi vào đó tĩnh tâm ba tháng. Sau khi diệt tạp niệm, tâm cảnh trong
sáng, ngài một mình trở lại núi Không Động để cầu đạo lần nữa.
Đang lần dò leo lên núi,
ngài Huỳnh Đế bỗng gặp một trưởng lão râu tóc đỏ hoe, bèn đứng nép qua một bên,
thi lễ, nhường đường.
Vị trưởng lão mỉm cười:
“Biết khiêm cung là bắt đầu cầu đạo được đó. Tốt!”
Ngài Huỳnh Đế hỏi:
“Thưa trưởng lão, đường nào thông lên cõi tiên Không Động?”
Vị trưởng lão ngâm:
仙凡本無界
只在心上分
不惜膝行苦
一誠百道通
Tiên phàm bổn vô giới
Chỉ tại tâm thượng phân
Bất tích tất hành khổ
Nhất thành bách đạo thông.
Nghĩa là:
Tiên phàm chẳng hai nơi
Chỉ ở lòng biệt phân
Lết gối chẳng sợ khổ
Dạ thành mọi nẻo thông.
Ngâm xong, trưởng lão
biến mất.
Vị trưởng lão này vốn
là ngài Xích Tùng Tử hóa ra. Ngài sợ rằng nếu ngài Huỳnh Đế không buông bỏ ngôi
vua, không chịu được khổ cực thì ngài Quảng Thành Tử sẽ không truyền đạo. Do đó,
ngài Xích Tùng Tử hóa ra vị trưởng lão để chỉ điểm cho ngài Huỳnh Đế.
Ngài Huỳnh Đế leo núi
đến khi đôi hài rách nát, đi không nổi. Nhớ lời trưởng lão nói, ngài bỗng ngộ
ra, bèn bò lên núi bằng đầu gối, sỏi đá cắt vào da thịt, tươm máu bê bết.
Huyền Hạc Đồng Tử biết
được sự việc, vào bẩm báo với ngài Quảng Thành Tử. Khi ngài Huỳnh Đế bò bằng đầu
gối đến gần động Hỗn Nguyên 混元洞 thì đồng tử ra nghinh đón và đưa vào
động.
Ngài Quảng Thành Tử
truyền dạy cho ngài Huỳnh Đế phương pháp tu thân dưỡng tính. Ngài Huỳnh Đế
chuyên tâm tu tập, hoát nhiên khai ngộ. Trở về triều đình, ngài Huỳnh Đế chăm
lo việc trị dân và không ngừng tu luyện. Đến năm ngài một trăm hai mươi tuổi,
có con rồng vàng xuất hiện, ngài cỡi rồng bay lên trời giữa ban ngày.
LÊ ANH MINH
Bà Chiểu, 05-6-2019
([2]) Chim
hạc (crane) thường có lông trắng, cổ cao, chân cao, mỏ dài, bay lẹ.
Người ta tin hạc là chim linh, rất khôn ngoan. Sách xưa chép rằng đời Tùy Dạng
Đế (Trung Quốc), vào năm 605, triều đình cho săn hạc để thu lấy lông chim làm
võ phục. Một con hạc mái đang làm tổ trên cây, e bị tấn công thì chim non nguy
hiểm, bèn tự rũ sạch lông cho thợ săn nhặt để cầu toàn sự sống.
Người xưa cho rằng có bốn loại hạc là
đen, vàng, trắng, và xanh, trong đó hạc đen tuổi thọ cao nhất. Truyền thuyết
bảo hạc sống sáu trăm tuổi không ăn, chỉ uống nước vẫn sống. Do đó, người ta
dùng hai chữ tuổi hạc để nói tới
những người già trường thọ. Cũng theo truyền thuyết, khi Tiên sắp giá ngự nơi
nào thì có hạc bay đến trước réo, để báo tin, hoặc Tiên hóa thành chim hạc để
ngao du. Cuối đời nhà Hồ, khi Hồ Hán Thương (?-1407) đốt núi Na (cũng gọi núi
Nứa, ở xã Cổ Định, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa), vị ẩn sĩ nơi ấy đã hóa làm
hạc đen bay lên không trung. (Lê Anh Dũng, Tìm
Hiểu Kinh Cúng Tứ Thời. Huế: Nxb Thuận Hóa, 1995, tr. 23-24.)