Thứ Hai, 22 tháng 7, 2019

5c. VĨNH LY XIN KÍNH ĐÔI LỜI (Đạo Uyển 31)


VĨNH LY XIN KÍNH ĐÔI LỜI

Năm ngoái, với bài viết Mấy Ý Kiến Về Bộ Sách Giáo Khoa Môn Văn Của Nhóm Cánh Buồm của học giả Trần Văn Chánh, Đạo Uyển Đông 2018 (tập 28, tr. 57-68) đã có dịp giới thiệu nhà trí thức lỗi lạc, đáng kính Phạm Toàn với quý bạn đọc Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
Sau đó, Ban Ấn Tống gọi điện thoại ra Hà Nội và được bác giáo Phạm Toàn nhiệt tình cho phép Đạo Uyển trích đăng lại các bài đã in trong bộ sách giáo khoa độc đáo của Nhóm Cánh Buồm. Buổi sơ giao, vậy mà cách bậc lão trượng nói chuyện, giọng nói của bác khiến chúng tôi cảm thấy rất gần gũi, tưởng như cố tri từ thuở.
Đầu năm nay, Đạo Uyển Xuân 2019 (tập 29) khởi đầu in lại hai bài rất hay trong sách giáo khoa của Nhóm Cánh Buồm: Tranh Tết, Một Vốn Cổ Quý Báu của Anh Ngọc (tr. 83-93) và Vì Sao Người Ta Làm Ra Tác Phẩm Nghệ Thuật của Phạm Toàn (tr. 103-114). Sách in xong, Ban Ấn Tống gởi ngay một gói ra Hà Nội, để cảm ơn bác giáo và kính nhờ bác chia sẻ sách với thành viên của Nhóm Cánh Buồm. Nhận được sách, bác gọi điện cảm ơn, vẫn với giọng nói ấm tình nồng nghĩa của con người tài hoa nặng lòng vì tương lai văn hóa, đạo đức dân tộc Hồng Lạc.
Đạo Uyển Thu 2019 (tập 31) đang chuẩn bị bản thảo. Ban Ấn Tống đã đưa vào nội dung sách này bài Vì Sao Người Ta Làm Thơ? rất công phu của Nguyễn Đức Tùng, thuộc Nhóm Cánh Buồm. Sách chưa in, chưa có dịp gởi ra kính biếu và cảm ơn bác giáo Phạm, thì ngày 26-6 được biết cánh chim đầu đàn của Nhóm Cánh Buồm đã bay thẳng về cõi trời.
Hành trạng rất phong phú của nhà trí thức chơn chánh Phạm Toàn (1932-2019) rồi sẽ được những bậc tài tuệ nhiều năm qua luôn sát cánh với lý tưởng, hoài bão xây dựng văn hóa, giáo dục của bác Phạm viết ra. Giờ đây, để cùng thắp nén tâm hương kính tiễn Người về chốn non Bồng nước Nhược, mời quý bạn đọc xem qua một ít dữ kiện về Phạm Toàn, nhìn ở góc độ một dịch giả và tác giả (chưa đầy đủ).
* Nhà văn Châu Diên (bút danh của Phạm Toàn) đã in:
1960: Mái Nhà Ấm (truyện ngắn, Nxb Văn Học).
1962: Con Nhện Vàng (truyện ngắn, Nxb Thanh Niên); Sống Giữa Những Người Anh Hùng (bút ký, Nxb Thanh Niên).
2004: Người Sông Mê (tiểu thuyết, Nxb Hội Nhà Văn - Nxb Thời Đại và Đông Tây tái bản, 2010).
2007: Bảy Mươi Ba Chiếc Cối Đá (truyện ngắn, Nxb Hội Nhà Văn).
2010: Sấm Trên Núi (truyện ngắn, Nxb Thời Đại và Đông Tây).
* Dịch giả Châu Diên đã in:
1982: Chín Mươi Ba (của Victor Hugo, Pháp, Nxb Văn Học - tái bản 1987); Cô Chủ Quán (của Carlo Goldoni, Ý, Nxb Văn Học).
1983: Sư Tử (của Joseph Kessel, Pháp, Nxb Văn Học).
1989: Ruồi (của Jean-Paul Sartre, Pháp, Nxb Văn Học).
1994: Nhà Tiên Tri (của Khalil Gibran, Mỹ gốc Lebanon, Nxb Hội Nhà Văn – Nxb Thời Đại tái bản, 2010).
1986: Bay Đêm (của Antoine de Saint-Exupéry, Nxb Văn Học).
2007: Mặc Cảm Của Đ. (của Đới Tư Kiệt 戴思傑 / Sijie Dai, Pháp gốc Hoa, Nxb Phụ Nữ).
2008: Hoàng Tử Bé (của Antoine de Saint-Exupéry, Pháp, Nxb Lao Động và Đông Tây).
2010: Vào Một Đêm Không Trăng (của Đới Tư Kiệt 戴思傑 / Sijie Dai, Pháp gốc Hoa, Nxb Phụ Nữ).
* Dịch giả Phạm Toàn đã in:
1997: Cơ Cấu Trí Khôn (của Howard Gardner, Mỹ, Nxb Giáo Dục).
2007: Nền Dân Trị Mỹ (của Alexis de Tocquevile, Pháp, Nxb Tri Thức - tái bản 2008).
* Soạn giả Phạm Toàn đã in:
2000: Công Nghệ Dạy Văn (Nxb Đại Học Quốc Gia - Nxb Tri Thức tái bản , 2007).
2008: Hợp Lưu Các Dòng Tâm Lý Giáo Dục (Nxb Tri Thức).